Tình khúc đồng tính “Call Me By Your Name” bị Liên hoan phim Bắc Kinh gỡ khỏi danh sách
Bộ phim lấy đề tài tình yêu đồng tính “ Call Me By Your Name” mới đây đã bị liên hoan phim Bắc Kinh gỡ khỏi danh sách trình chiếu.
Tác phẩm Call Me by Your Name (Gọi Em Bằng Tên Anh) từng giành được Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất mới đây đã bị Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh loại khỏi danh sách trình chiếu. Bộ phim của đạo diễn người Ý Luca Guadagnino vốn được lên kế hoạch để ra rạp vào tháng tư trong khuôn khổ sự kiện.
Theo Reuters, đây rất có thể là động thái thắt chặt khâu kiểm duyệt của truyền thông Trung Quốc khi hạn chế các tác phẩm lấy đề tài đồng tính được trình chiếu tại nước này.
Bộ phim có chứa nhiều cảnh tình tứ nóng bỏng giữa hai nhân vật
Vũ Chính, một nhà phân tích phim gốc Trung Quốc đã nhận định: “Bộ phim đi lệch khỏi những gì mà lãnh đạo của Trung Quốc hướng tới cho tư tưởng người dân.” Năm ngoái, một hội nghị về LGBT dự kiến tổ chức vào tháng 7 đã bị hủy, còn ứng dụng hẹn hò dành cho người dùng đồng tính nữ tên Rela cũng đã bị gỡ vào tháng 5.
Trailer “Call Me By Your Name” (Gọi Em Bằng Tên Anh)
Dựa trên nguyên tác tiểu thuyết của nhà văn Andre Aciman, Call Me By Your Name là câu chuyện tình ngọt ngào tuyệt đẹp tại vùng quê nước Ý những năm 80 giữa một cậu trai mới lớn 17 tuổi ( Timothée Chalamet thủ vai) và chàng sinh viên người Mỹ tuổi đôi mươi (Armie Hammer). Bộ phim được coi là tình khúc đồng tính đẹp nhất trên màn ảnh 2018 và nhận được sự yêu mến của khán giả lẫn giới phê bình.
Tuy tại Trung Quốc, đồng tính là hợp pháp nhưng hôn nhân đồng giới vẫn chưa được chính phủ nước này công nhận. Theo một cuộc khảo sát, chỉ có 39% người Trung Quốc ủng hộ hôn nhân đồng giới. Các phim về đề tài người đồng tính thường chịu những nhận xét trái chiều và ít phim vượt qua được vòng kiểm duyệt gắt gao tại đất nước này.Ví dụ cảnh phim hai robot hôn nhau trong Alien: Convenant đóng bởi Michael Fassbender đã bị cấm cửa. Vốn nổi tiếng thắt chặt trong khâu kiểm duyệt, Trung Quốc từng cấm cả phim hoạt hình Winnie the Pooh sau khi người dân chế ảnh lãnh đạo và chú gấu.
Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh dự kiến được tổ chức vào ngày 16 tháng 4 và kết thúc vào ngày 23 tháng 4 với sự góp mặt của các phim như Lean on Pete (Dựa Vào Tôi) hay The Square – từng đoạt giải Cành cọ Vàng năm 2017.
Theo Trí Thức Trẻ
Call Me By Your Name - Tan chảy với tình khúc đồng tính đẹp nhất màn ảnh 2017
"Call Me by Your Name" nằm lại trong bản tình ca của một mùa hè đẹp đẽ nước Ý những năm 80, trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của năm nay.
Có người nói Call Me by Your Name của đạo diễn Luca Guadagnino giống như mùa hè, đến với những tia nắng sưởi ấm khán giả và rời đi để lại những vệt bỏng nhức nhối. Tác phẩm trữ tình được Luca và nhà làm phim gạo cội James Ivory bắt tay thực hiện là phim chuyển thể tiếp theo từ loạt tiểu thuyết của nhà văn Andre Aciman. Call Me by Your Name thấm đượm thông điệp về trưởng thành, cách con người mở lòng và kết nối với nhau và trên hết, làm tan chảy trái tim người xem bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh rạo rực đam mê.
Đâu đó miền Bắc nước Ý những năm 80, một mùa hè ấm áp và ẩm ướt đã chứng kiến sự có mặt của chàng sinh viên trẻ người Mỹ Oliver (Armie Hammer) tới căn biệt thự của gia đình giáo sư khảo cổ học Mr. Perlman (Michael Stuhlbarg) để làm trợ lý cho công trình nghiên cứu của ông. Cậu con trai Elio (Timothée Chalamet) 17 tuổi sau những ấn tượng không tốt về Oliver (câu chào cộc lốc và cái bóp vai khiếm nhã ) đã nhận ra có một thứ tình cảm cứ lớn dần sau mỗi lần gặp anh.
Yêu bằng mọi giác quan
Call Me by Your Name sống động trong từng hơi thở tình yêu, trái tim người xem phải loạn nhịp khi lắng nghe Oliver thì thầm vào tai Elio: "Hãy gọi tên anh bằng tên em và anh sẽ gọi em bằng tên anh.", trong từng cái hôn và điệu nhảy họ trao nhau.
Nếu như Oliver cao lớn, tự tin và sôi nổi, thì Elio trái ngược lại là một thiếu niên hướng nội, có cái nét dịu dàng phi giới tính, lặng lẽ như một nhân vật bước ra từ trong bức tranh Phục Hưng. Thật kỳ lạ họ tìm thấy nhau đồng điệu trong một bản tình ca mà không ai muốn biết cái kết vì đó là khi Oliver kết thúc thời gian thực tập, cũng như mùa hè ở đây rồi sẽ kết thúc.
Luca Guadagnio có một cái tài mà ít đạo diễn đương đại với tới, đó là kể chuyện về đam mê bằng cảm giác. Bộ ba I Am Love, A Bigger Splash và đây, Call Me by Your Name đều nói về ham muốn, đều đánh động mọi giác quan của người xem bằng âm thanh, hình ảnh và thậm chí, cả đến những cái chạm trong những đêm hè ngột ngạt.
Ta có cảm giác mình không chỉ xem một bộ phim, mà như đang đứng giữa nước Ý, với ánh nắng chảy tràn trên vai, mùi quả ngọt từ những cành đào chín trĩu la đà tầm với, tiếng xe đạp lăn đi trên con đường rải sỏi và cả tiếng dương cầm nơi Elio lướt tay trên phím đàn và Oliver, đứng đằng xa chăm chú lắng nghe.
Tất cả điều đó đã khiến mọi cảm xúc của nhân vật trong phim chạy thẳng vào tim khán giả, chân thực tới mức ta muốn ngạt thở trong khi dõi theo Elio và Oliver trên con đường họ tìm thấy nhau và tìm thấy chính mình. Nói là ngạt thở, bởi thứ đam mê trong Call Me by Your Name không dồn dập ngay từ đầu mà như một đóa hoa đợi đến phút giây bất ngờ nhất và nở bung với tất cả sự quyến rũ của nó. Đó không phải là thứ đam mê cám dỗ có chút mỉa mai của A Bigger Splash, hay hoang dại trong I Am Love.
Tình cảm giữa Elio và Oliver cần thời gian để vun xới khi hai con người vừa đấu tranh với nội tâm bản thân, vừa thu hút nhau bằng sự thông minh và hòa hợp đến kỳ lạ. Khán giả sẽ phải kiên nhẫn khi chính nhân vật cũng đang bối rối, họ dò xét nhau, thử nhau bằng kiến thức và quan điểm nghệ thuật, và cuối cùng ngã vào lòng nhau trong khoảnh khắc bất ngờ nhất.
Những bức chân dung đẹp đẽ
Với Call Me by Your Name, vị đạo diễn người Ý đã phá bỏ nhiều ước lệ để đi đến thứ ngôn ngữ điện ảnh đẹp đẽ do chính ông tạo nên. Ở đó không có tuyến thiện - ác, phản diện duy nhất là thời gian nghiệt ngã đếm ngược cho tới ngày Oliver kết thúc chuyến thực tập và mùa hè đi nốt.
Không có cả những xung đột và mâu thuẫn thường thấy trong các phim lấy đề tài đồng tính mà gần nhất là Moonlight của năm ngoái. Những nhân vật trong phim đều ngọt ngào và tử tế theo cách riêng của mình. Cha mẹ của Elio là những người cao quý và giàu tình cảm, họ là chỗ dựa tinh thần cho con trai và là những người cộng sự uyên bác của cậu sinh viên Oliver. Hàng xóm, bạn bè của Elio, những người dân Ý gặp trên đường hay trong quán bar đều thân thiện dễ gần. Tất cả điều đó, cộng với thiên nhiên tươi đẹp và tình yêu thậm chí còn đẹp hơn giữa hai nhân vật chính, đã tạo nên một cảm giác phim dịu ngọt thông suốt từ đầu tới cuối.
Ở đó trung tâm là Elio, một thiếu niên 17 tuổi với diễn xuất tuyệt vời của Timothée Chalamet. Ở nam diễn viên có nét mơ màng luôn thường trực của những nghệ sĩ tài năng, đồng thời là mâu thuẫn nội tâm thường trực lộ ra vẻ bồn chồn của một chàng trai đang lớn. Elio kiếm tìm câu trả lời cho bản thân trong âm nhạc, nghệ thuật và tình yêu, để rồi đắm chìm, đau khổ, chờ đợi, hạnh phúc. Chalamet có thể bộc lộ được những góc cạnh quyến rũ nhất, dễ vỡ nhất của nhân vật chỉ bằng ánh mắt hay một vài cử chỉ.
Nếu như Chalamet đẹp một cách dịu dàng phi giới, thì ở Armie Hammer là vẻ đẹp siêu thực của một pho tượng Phục Hưng với mái tóc chải gọn, quần áo gọn ghẽ tươm tất và vóc người cao lớn chở che. Đó là mẫu nhân vật nam tính, thông minh và hấp dẫn mà không ai có thể ngoảnh đi một khi đã nhìn thấy.
Thế nhưng ẩn sâu trong thâm tâm, Oliver giống như Elio, cũng đầy nghi hoặc về bản thân nên sa đà vào những mối tình dị giới trước khi nhận ra không thể cưỡng lại tiếng gọi của bản năng. Đây có lẽ là vai diễn tốt nhất của thiếu gia Armie Hammer, minh chứng việc anh không phải là một bình hoa di động trên màn ảnh. Tiếc rằng Call Me by Your Name chưa dành ra một chút nữa để nói về câu chuyện riêng của Oliver, như vậy người xem có thể hiểu hơn về nhân vật này.
Đây có thể coi là một phiên bản đồng tính của Casablanca, đẹp đẽ cả về mặt hình ảnh lẫn thông điệp gửi gắm. Như một cốc nước mơ lạnh mùa hè, Call Me by Your Name đủ nên thơ để nhắc nhở ta về vẻ đẹp của tình yêu, đủ mạnh mẽ để những ai còn chưa thổ lộ dám đứng lên tìm lấy người mình yêu và trao đi lời thương, nhưng cũng đủ thực tế để ta học cách sống tốt hơn qua mỗi đổ vỡ.
Đi sâu vào vẻ đẹp của tình yêu, nghệ thuật, lịch sử, với âm nhạc tinh tế từ Sufjan Stevens và Ryuichi Sakamoto, tác phẩm là một tuyệt tác lãng mạn đẹp nhất của năm 2017 sẽ khiến con tim bạn phải thổn thức.
Theo Trí Thức Trẻ
Sẽ ra sao nếu Lady Bird và Call Me by Your Name cùng thuộc "vũ trụ Oscar"? Thật "tình cờ" khi nam tài tử Timothée Chalamet đều góp mặt ở hai tác phẩm nổi đình nổi đám mùa giải Oscar năm nay. Liệu có tồn tại liên kết thú vị nào giữa hai nhân vật do anh thủ vai hay không? Năm 2017 đánh dấu cột mốc đáng nhớ đối với sự nghiệp diễn xuất của Timothée Chalamet, bởi cả...