Tinh khiết sắc trắng hoa lê vùng cao
Tại Cao Bằng, các mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa đều có một vẻ đẹp riêng.
Song vào thời điểm trời đất chuyển mình từ xuân sang hạ, khi tháng Ba, tháng Tư về cũng là lúc miền non nước hữu tình đẹp tuyệt vời bởi màu hoa lê trắng tinh khiết phủ khắp núi rừng.
Hoa lê nở rộ bên những nếp nhà sàn.
Với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào vùng cao mến khách, cung đường khám phá non nước Cao Bằng được xem là một trong những cung đường đẹp nhất của Việt Nam.
Men theo Quốc lộ 4 quanh co, từ Lạng Sơn lên Cao Bằng qua huyện Thạch An, hay theo Quốc lộ 34 từ Thành phố vào đến các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, du khách có thể bắt gặp cả vạt đồi trắng muốt hoa lê. Hoa lê được trồng trên rừng, lưng chừng đồi, ven đường, thậm chí là trước cổng làng hay cạnh nhà dân. Khi cơn mưa phùn mùa xuân vừa dứt và nắng ấm dần lên, cũng là lúc hoa lê bung nở trắng trời. Loài hoa này không chỉ đẹp mà còn biểu trưng cho sự thanh khiết, bình yên và ấm áp trong cuộc sống.
Video đang HOT
Người ta vẫn ví hoa lê đẹp như nàng công chúa của núi rừng, vừa e ấp dịu dàng, vừa tỏa sáng trong lành như sớm mai. Hoa lê không rực rỡ, không kiêu sa nhưng làm mê đắm lòng người khi mang một sắc trắng thuần khiết đầy mộng mơ, dường như đặc biệt hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên vùng sơn cước. Những triền đồi trồng đầy lê vào mùa hoa nhìn từ xa trắng xóa như những đám mây, đậu xuống ấp ôm bản làng rồi ngủ quên không chịu về. Làn sương giăng mờ mịt càng làm cho những vạt hoa lê trắng thêm tinh khôi và huyền ảo.
Bông hoa trắng muốt xinh đẹp nhưng lại nở trên cành cây khô khốc, xù xì. Khi mới chớm nở, nụ hoa điểm chút màu phớt hồng ngây thơ. Lạc bước giữa những đồi hoa lê, du khách tưởng mình đã đặt chân đến một miền cổ tích, nơi chỉ có sự tuyệt mỹ của thiên nhiên và giây phút tĩnh lặng của tâm hồn. Bên mái nhà sàn mộc mạc, bình dị của đồng bào, màu hoa lê điểm xuyết cho cả một vùng đồi núi hoang sơ. Những cánh hoa mỏng manh níu chân người lữ khách phương xa thêm luyến lưu, xao xuyến.
Đến Cao Bằng mùa này, du khách có nhiều hơn một chuyến đi. Những sản vật tươi lành ở miền đất sơn thủy hữu tình cùng dấu ấn riêng về một nơi đa sắc màu văn hóa, và không thể thiếu những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng bên mùa hoa lê đầy thương nhớ, mỗi năm chỉ nở duy nhất một lần.
Chợ phiên vùng cao - nơi lưu giữ văn hóa truyền thống
Từ ngàn xưa, Cao Bằng được mệnh danh là kho tàng của các giá trị văn hóa đặc sắc độc đáo, trong đó có giá trị chợ phiên của các dân tộc anh em với 55 phiên chợ huyện, chợ liên xã của 9 dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của non nước Cao Bằng.
Chợ phiên vùng cao. Ảnh: Minh Tuyền
Cứ 5 ngày một phiên chợ, một tháng có 6 phiên chợ. Bà con đi chợ với nhiều mục đích khác nhau như: mua bán, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ bạn bè, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, chung vui bên chén rượu để chia sẻ chuyện làm ăn, kinh nghiệm trồng cấy, tỏ tình, giao duyên...
Điểm chung của các chợ phiên là hàng hóa hầu hết là nông sản địa phương hay nông cụ sản xuất do chính bàn tay người dân làm ra. Họ đến chợ với hành lý đơn sơ, người Mông, người Dao địu trên lưng những chiếc gùi; người Tày, Nùng gánh những đôi dậu, đôi lồ; người Lô Lô, Sán Chỉ mang những đôi sọt, bên trong đựng các sản vật từ lâm thổ sản do thiên nhiên ban tặng cho đến các sản vật do người dân tạo ra đều được bà con các dân tộc mang đến chợ để trao đổi, mua bán.
Họ mang đặc sản của núi rừng, làng bản, gia đình đến chợ bán, tất cả đều là sản phẩm sạch như: rau rừng, măng rừng, rau vườn nhà, gà vịt thả vườn, lúa, ngô, khoai, sắn, nông cụ sản xuất...
Những sản phẩm ấy là kết tinh của sự lao động cần cù, sáng tạo của người dân trên những vùng đất còn nhiều khó khăn. Hàng hóa chỉ đơn giản và cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ. Dừng chân tại chợ, ai nấy chọn cho mình một góc, trải hàng ra bán. Cứ như thế, mua và bán diễn ra nhẹ nhàng, không cò kè giá cả, thuận mua vừa bán vui vẻ. Rồi họ mua sắm vải vóc, quần áo, mắm muối và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cuộc sống, chuẩn bị đủ mọi thứ cho đến phiên chợ sau.
Người dân vùng cao đến chợ không chỉ mang theo hàng hóa mà còn mang nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình để tô thêm sắc màu cho phiên chợ, điều đó có thể thấy rõ qua các trang phục truyền thống mà phụ nữ mặc khi xuống chợ.
Đến hẹn lại lên, ai cũng chọn cho mình bộ váy đẹp nhất xúng xính xuống chợ, góp thêm nhiều gam màu tạo nên bức tranh phiên chợ vùng cao sinh động, vui tươi. Đặc biệt, những bộ trang phục của dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ ở chợ phiên huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm lung linh, sặc sỡ sắc màu; hay những bộ trang phục của đồng bào Dao Đỏ, Dao Tiền, Mông ở chợ phiên các huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Thạch An, Hòa An... hòa cùng sắc áo chàm của người Tày, Nùng hoặc trang phục tân tiến của người Kinh và khách du lịch.
Những sắc màu ấy còn được tạo nên từ các mặt hàng thổ cẩm được bày bán, đó là chiếc áo, váy được cắt may, thêu tay tinh xảo và những cuộn chỉ nhiều màu sắc được các cô, các chị say mê chọn lựa. Và còn một gam màu đặc biệt là màu nhuộm chàm in hằn lên đôi bàn tay khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ. Những đôi bàn tay của người phụ nữ Mông bao năm se lanh, nhuộm vải ấy đến ngày chợ vẫn không nghỉ ngơi, tất cả tạo nên một thảm hoa văn đẹp mắt.
Người dân ở vùng cao đã dệt nên những chợ phiên đa sắc màu, nhưng người ta đến chợ không chỉ để trao đổi, mua bán mà còn dạo chơi, gặp gỡ, tâm tình sau những ngày làm việc vất vả. Người đến chợ đầy đủ mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ, đặc biệt là nam nữ thanh niên đến chợ tìm bạn giao duyên, chọn bạn tình, bạn đời...
Còn chị em phụ nữ, con gái họ mời nhau quả mơ, quả mận của vườn nhà, chia nhau lát cơm nắm, khúc cơm lam mang theo đến chợ; đàn ông, con trai mời nhau chén rượu gắn kết tình thân khi gặp lại. Những người trung niên, người già hỏi han sức khỏe, hâm nóng tình thân hoặc trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế. Nam thanh, nữ tú trao nhau câu sli, lượn, Páo dung để tỏ tình. Tất cả những điều ấy đã hun đúc cho những phiên chợ vùng cao thêm sức cuốn hút, cứ đến ngày chợ phiên thì không hẹn mà gặp.
Cũng như các dân tộc khác, ở nhiều vùng đất khác, chợ là hoạt động thương mại, là nơi sinh kế của người dân, còn với người dân ở vùng cao xuống chợ không đơn thuần chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, tâm tình. Mỗi người xuống chợ đều trong tâm thế hân hoan, thăng hoa "vui như được đi chợ". Hiện nay, tất cả các chợ phiên được bảo tồn và phát triển, các chợ phiên đều đã, đang và sẽ trở thành điểm đến của du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, đời sống, phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Thiên Phước
Ngao du đầm Vân Hội: Hạ Long thu nhỏ trên miền trung du Cách Hà Nội khoảng 120 km, đầm Vân Hội (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), giống như một Hạ Long thu nhỏ của miền trung du Bắc Bộ. Nơi đây non nước hữu tình và vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam ) Khung cảnh sóng nước mênh mông tiệp màu với núi non hùng vĩ, khiến...