Tinh hoa “Tiên ẩm” đất Tràng An
Nhắc đến nghệ thuật ướp trà sen, phải nói đến những làng cổ ven Hồ Tây như Tứ Liên, Quảng Bá, Nghi Tàm… Nhưng nổi danh nhất trong số ấy vẫn là người làng thuộc đất Quảng An (QuậnTây Hồ, TP Hà Nội).
Trước những biến thiên, phong hóa của thời gian, lớp người làm nghề ướp trà cũng vì thế mà dần rơi rụng. May mắn thay, cho đến nay vẫn còn một số ít gia đình ở Quảng An còn lưu giữ nghệ thuật ướp trà tinh tế được mệnh danh là “tiên ẩm” này. Họ níu nghề bằng cách giữ những nét tinh hoa, những hương vị thơm nồng, ngan ngát mùi sen trong từng chén trà…
Kỳ nhân ướp trà sen số 1 Hà thành
Vào Quảng An, hỏi gia đình nhiều đời ướp trà sen, ai nấy đều chỉ tới nghệ nhân Ngô Văn Xiêm (sinh năm 1948). Người làng bảo, giờ người giữ nghề chỉ còn đếm chưa đủ một bàn tay. Người Quảng An tiếc nghề, bởi vậy lại càng trân trọng những người làm nghề, luôn xem những nghệ nhân ấy như một báu vật sống vô giá.
Pha ấm trà nồng đậm hương sen Tây Hồ, ông Xiêm từ tốn kể về nghiệp ướp trà. Nghe kể, ông Xiêm vốn là người đời thứ 7 làm nghề ướp trà sen. Ngay từ nhỏ, khi lẫm chẫm bước đi, ông đã biết cầm hoa, giúp mẹ tách cánh, phơi nhị… Cứ thế, ông Xiêm được gia đình truyền lại những bí quyết ướp trà, nghề “ngấm” vào ông lúc nào chẳng hay.
Theo “bật mí” của nghệ nhân già thì riêng việc chọn trà để ướp hương sen cũng vô cùng tỉ mẩn và cầu kỳ. Trà được chọn phải là trà mộc, loại tốt được trồng ở mạn Hà Giang, Thái Nguyên. Khi mua về, việc đầu tiên là phải sấy trà thật khô. Sau đó, đưa trà ướp với những cánh hoa sen nhỏ. Công đoạn này gọi là để trà ngậm hoa hoặc vào hương. Sau hai ngày ngậm hoa thì trà mới được mang ra sấy và bắt đầu ướp với gạo sen. Được biết, để ướp được 1kg trà sen phải cần tới trên 1.000 bông hoa sen và để mẻ trà đượm hương sen, ông Xiêm phải mất đúng 21 ngày với 7 lần vào hương (mỗi lần 3 ngày) và 7 lần sấy (mỗi lần sấy 1 đêm).Nâng bàn tay nhâm nhi chén trà nóng đang tỏa hương sen thơm ngát, ông Xiêm bộc bạch: “Chè ướp hương sen rất kén người làm. Người nóng tính, người sồn sồn, người vội vàng hấp tấp không thể làm được chè sen. Người làm chè sen cần kiên nhẫn, tỉ mỉ vì rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian”.
Trà sen kén người làm và cũng kén cả người uống. Những người tính khí nóng vội rất khó để uống vì chén trà sen chỉ nhỏ như hạt mít. Những người quen uống trà mạn đặc, kiểu như trà cắm tăm cũng khó mà uống được trà sen bởi uống đặc quá thì hương sen không chỉ nồng mà ấm trà còn bị chuyển vị, trở nên chát đắng. Theo nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, để pha được ấm trà sen ngon thì phải chế vào ấm đất, da lươn, nhỏ bằng nắm đấm tay. Khi pha cho một lượng trà vừa phải bằng cách chia một lạng trà pha ra được 14 ấm. Cứ như vậy sẽ có một tỷ lệ trà pha chế hợp lý.
Thứ nữa, trà sau khi vào ấm thì phải đặt ấm bên trong một chiếc bát, sau đó đổ tràn nước sôi lên nắp để giữ nhiệt. Với trà sen, yêu cầu quan trọng nhất là nước phải sôi sùng sục. Nước càng nóng già thì hương sen càng lên đượm. Một ấm trà sen đạt chuẩn là khi uống đến nước thứ 4 hay nước thứ 5 vẫn còn mùi hương sen phảng phất. Thấy tôi bâng khuâng khi thưởng thức chén trà, ông Xiêm rỉ rả: “Ướp trà đã cầu kỳ thế nhưng pha chế và thưởng trà sen cũng cần có tâm hồn. Không phải ai cũng có điều kiện và có trình độ thưởng trà sen. Những vị khách sành trà bảo rằng, mỗi lúc dâng chén trà sen gần miệng, người ta không chỉ thấy hương trà, hương sen, dường như còn thấy cả hương của đất, của trời Tây Hồ phảng phất”
Cho hương sen Tây Hồ mãi lan tỏa
Video đang HOT
Hồ Tây là danh thắng bậc nhất của thủ đô, một phần nhờ có những đầm sen lớn ven hồ. Người xưa đã tự hào đặt câu ca rằng: “Đấy vàng đây cũng đồng đen/ Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”. Sen Tây Hồ thường được gọi nôm là “bách diệp”, tức bông hoa có trăm cánh. Thứ hoa thanh khiết này đã được danh nhân của đất Thăng Long Nguyễn Quý Đức (1648 – 1720) vận vào những câu thơ trác tuyệt như: “Thuyền chứa nguyệt đài ngần ánh tuyết/ Viện lồng hoa diệp biếc đầm sương/ Sen xanh ấn trúc lung lay nguyệt/ Vừng biếc hoa mai phảng phất hương…”
Nổi tiếng, thanh cao và rất mực đẹp đẽ là vậy nhưng nay, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, diện tích trồng sen ở Hồ Tây lại ngày càng bị thu hẹp. Hệ lụy nhãn tiền là, việc mở rộng sản xuất loại đặc sản trà sen Quảng An đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhắc lại những chuyện thịnh suy của nghề, ông Xiêm thoáng trầm tư.
Ông bảo, suốt bao năm qua, người Quảng An làm ra sản phẩm trà sen ướp từ sen Tây Hồ, thương hiệu này được khắp xa gần biết đến. Điều này hẳn nhiên là tốt, thế nhưng cũng vì vậy mà có không ít “hàng nhái” khiến khách hiểu nhầm. Minh chứng là, trên thị trường rất nhiều người bán trà sen và nói rằng thứ trà này được ướp bằng sen Tây Hồ. Song, trên thực tế hoàn toàn không phải và những “hàng nhái” này thường có chất lượng rất kém.
“Số lượng sen Tây Hồ cung cấp cho chính người Quảng An còn không đủ, lấy đâu ra nhiều trà sen Tây Hồ trên thị trường như thế? Mỗi một mùa sen, người làm nghề như tôi chỉ có thể cho ra một lượng sen rất nhỏ. Số lượng này chỉ có thể bán cho một số hộ gia đình hoặc một số cơ quan, tổ chức có đặt, có hẹn trước chứ hoàn toàn không đủ cung ứng ồ ạt như trên thị trường vẫn quảng cáo” – ông Xiêm băn khoăn.
Nghe những trăn trở, suy tư của người nghệ nhân già, thế mới phần nào hiểu được vì sao người Hà Nội lại trân quý, coi thưởng trà sen Tây Hồ là thú vui tao nhã. Thế mới phần nào hiểu được, thời buổi hiện nay hiếm ai có cơ hội thưởng thức một chén trà sen Tây Hồ đích thực.
Theo LĐTĐ
Trà sen Bách Diệp từ tâm...
Tôi được biết về tâm huyết của anh chị Xuân - Doanh qua lời giới thiệu của một người có khiếu thưởng trà, đam mê trà.
Câu chuyện mang trà Tân Cương ướp sen Tây Hồ cũng thật lắm công phu, đủ thấy rằng, đằng sau những tách trà thơm ngon, có rất nhiều nhọc nhằn và sự tận tâm.
Vạn sự khởi đầu nan
Lời chào hàng "Trà sen Bách Diệp Tây Hồ - Trà Tân Cương Thái Nguyên tiêu chuẩn VietGap" khiến tôi tò mò tìm đến Nhà phân phối trà Xuân Doanh trong con ngõ nhỏ 234 đường Hoàng Quốc Việt. Gặp anh chị càng hiểu hơn về những táo bạo có phần "mạo hiểm" khi dành gần như toàn bộ vốn liếng của mình đầu tư vào lĩnh vực này với mong muốn khách hàng được thưởng thức trà sen Tây Hồ chính hiệu.
Một góc cửa hàng phân phối Trà Tân Cương Thái Nguyên của vợ chồng anh chị Xuân Doanh.
Pha một chén trà cầu kỳ trong căn phòng nhỏ ở đường Hoàng Quốc Việt, đôi vợ chồng trẻ quê ở Thái Nguyên đã tâm tình về những dự định, những tâm huyết của mình từ những ngày đầu "chân ướt chân ráo" rời quê về Thủ Đô lập nghiệp cách đây hơn 2 năm.
Mang trong mình một khát khao làm giàu từ đặc sản của quê hương, anh Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ: Tôi có may mắn được sinh ra và lớn lên ở đất trồng chè, tuổi thơ của tôi gắn liền với bạt ngàn những đồi chè xanh mướt, nên dường như thú vui uống chè hàng ngày đã như ăn vào máu nhiều năm nay. Cho đến một ngày, tôi quyết tâm rời quê xuống Hà Nội mở đại lý phân phối trà, cung ứng chủ yếu trên địa bàn Thủ đô. Nhưng rồi, sau hơn một năm tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và học hỏi cách thức ướp trà, vợ chồng tôi quyết tâm tìm một ngã rẽ mới, đó là trà sen Bách Diệp Tây Hồ này.
Chị Triệu Thị Xuân hàng ngày cứ 4h sáng lại ra đầm sen để ướp trà.
Ý tưởng của anh Doanh chị Xuân là một bài toán khó khi mà trên thị trường, trà sen Tây Hồ chính hiệu đã trở thành một thứ đặc sản trứ danh nhiều năm nay. Điều khó khăn chính là thị trường tiêu thụ, làm sao để khách hàng biết đến sản phẩm này khi mà đối tượng thưởng thức không hề "dễ chiều", món ngon tới tay người, chắc hẳn không thể ngày một ngày hai. Và điều ấy đồng nghĩa với rất nhiều công việc phải thực hiện, nhiều cách thức quảng bá để mọi người có thể biết đến sản phẩm thực tế.
Hiểu rằng "vạn sự khởi đầu nan" chị Triệu Thị Xuân, vợ anh Doanh luôn đồng hành, ủng hộ chồng, chị từ bỏ công việc ở một công ty lớn trên quê nhà để khăn gói xuống Hà Nội cùng chồng khởi nghiệp. Hai vợ chồng dồn hết tâm huyết, tài sản của gia đình để đầu tư vào lĩnh vực này. Việc đầu tư không hề nhỏ so với những gì mà anh chị tích cóp, chắt chiu nhiều năm nay.
Theo chia sẻ của anh Doanh, nếu muốn có sự bền vững, ổn định thì luôn phải chủ động về nguyên liệu. Về nguồn trà, với anh Doanh chị Xuân thì rất dễ dàng bởi gần như chỉ cần nhìn vào cánh trà, anh chị đã biết đâu là loại ngon, loại đảm bảo chất lượng. Còn với nguồn sen, sau nhiều ngày tận tụy tìm hiểu, cuối cùng cũng nhờ cơ duyên, anh chị Xuân Doanh đã gặp gỡ được một "quý nhân" và thầu được một đầm sen lớn giữa lòng Thủ đô. Theo như chị Xuân kể, người bạn của gia đình sau một lần uống thử trà Tân Cương của cửa hàng và nghe được dự dịnh của anh chị đã quyết định cho anh chị thầu lại đầm sen mà từ trước đến nay chỉ được trồng để làm nơi thưởng lãm. Sự may mắn ấy đã tạo nên một động lực lớn để đôi vợ chồng dồn công sức vào lĩnh vực này.
Trà sen Bách Diệp được ướp từ sen Bách Diệp (Quan Âm) và trà Tân Cương Thái Nguyên.
Không phải là doanh nghiệp với những tính toán lời lãi quá nhiều nên việc tìm hiểu và đầu tư của họ cũng không theo cách thức thương mại hóa. Họ chỉ tận tụy tự tay làm phần lớn các công việc, từ thu mua trà của gia đình, làng xóm đến việc sáng sớm hai vợ chồng cùng nhau ra đầm sen ướp từng gói trà, đếm từng cánh sen nở.
Chị Trần Thị Xuân chia sẻ: Chị đã đọc rất nhiều sách, học hỏi nhiều người để tìm ra cách ướp trà sen tốt nhất. Lựa chọn sen để ướp trà cũng phải rất cẩn thận và tỉ mỉ vì chỉ có loài sen Bách Diệp (tức là sen Quan Âm) mới là loại sen ướp trà ngon nhất. Mùa sen Hà Nội vừa qua, hương sen thanh khiết, cứ 4h sáng tôi lại ra đầm sen ướp trà. Thời điểm này, mặt trời chưa mọc, khi đóa sen mới mở vừa độ và vẫn còn đọng sương, lúc đó tâm hồn người ướp trà cũng an nhiên, thư thái... Tôi không phải là người Hà Nội nhưng tôi đã tìm hiểu rất nhiều về nghề "Ướp trà sen", từng ngắt sen Bách Diệp trồng ở Tây Hồ về so sánh với sen ở đầm nhà mình và đúng là cùng loại sen Bách Diệp khi ướp cho ra hai loại trà sen ngon như nhau. Lúc đó cảm giác thật sự vô cùng hạnh phúc...
Túc tắc, tận tâm với tấm lòng hướng thiện
Nhấp chén trà thơm, quả thực khó cầm lòng bởi hương vị đậm đà của sen quyện với chút ngọt chát dịu mát của trà Tân Cương. Nước trà sen xanh mát mắt, rất ấn tượng. Thường thì món trà khi đã ướp sen sẽ có màu nước hơi đỏ đậm nhưng lạ lùng là trà sen ở đây nước vẫn xanh trong, uống cả tiếng đồng hồ vẫn thấy ngòn ngọt trong miệng.
Trà sen Bách Diệp có hương thơm đậm đà và màu nước xanh mát.
Tôi vốn là người rất thích thưởng trà, cũng uống khá nhiều loại trà, thậm chí có những loại rất đắt đỏ nên nhìn nước có thể đánh giá được trà nào ngon. Chia sẻ về điều này, chị Xuân tâm sự: Trên thị trường trà sen được bán rất nhiều nhưng có những loại trà màu nước bị đỏ chính là bởi nguồn nguyên liệu trà chưa chuẩn vì thế mà dù ướp trà đúng cách thì cũng vẫn khó giữ được màu trà.
Nguồn trà sạch và đảm bảo chất lượng cũng không phải dễ kiếm tìm nếu như không thông hiểu về cách thức trồng, chăm sóc chè. Theo anh chị Xuân - Doanh, có khi cả làng trồng chè nhưng chỉ được có một vài gia đình trồng đúng chuẩn vì thế mà anh chị đã đầu tư rất kĩ công đoạn thu mua này. Kể cả người trong gia đình có trồng chè mà không đạt tiêu chuẩn VietGap anh chị cũng nhất quyết không mua.
Thậm chí, anh Doanh còn cất công đi nhiều tỉnh để mua các loại trà mang về uống nhằm so sánh chất lượng. Anh bảo, tất cả các loại trà từng thử đều không loại nào bằng Trà Tân Cương quê anh nên anh nghĩ đó không chỉ là một may mắn mà còn là một "nhân duyên". Từ đó, mọi tâm huyết anh chị dồn vào việc làm trà sen, mặc cho việc đầu tư ban đầu khá lớn mà hàng hóa thì chưa bán được nhiều, chủ yếu mới gửi biếu và chào hàng theo kiểu lấy công làm lãi.
Trà sen Bách Diệp Tây Hồ của nhà phân phối trà Xuân Doanh đang trên đà tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Dĩ nhiên là, còn quá nhiều công việc phía trước, đòi hỏi sự kiên trì và tiếp tục nỗ lực hơn nữa của đôi vợ chồng trẻ nhưng có lẽ "quả ngọt" đang chờ đợi họ phía trước bởi thị trường hiện vẫn đang rất mở, rất cần những sản phẩm chất lượng, được làm bằng "chữ tâm" và vì lợi ích khách hàng. Anh Doanh tâm sự: Chúng tôi chỉ nghĩ cứ cố gắng hết mình với công việc này, đem đến những sản phẩm đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng hài lòng và đón nhận. Vợ chồng tôi vẫn bảo nhau, chắc chắn mình làm tốt, làm tử tế thì trời không phụ. Còn bây giờ cứ túc tắc, tận tâm với tấm lòng hướng thiện và cố gắng quảng bá đặc sản của quê hương mình, xa hơn nữa là xây dựng được một thương hiệu trà sen Bách Diệp trên thị trường.
Hương sen lan tỏa từ ấm trà vừa pha, thưởng trà quả thực làm cho tâm hồn người thư thái. Nhìn trà sen lại nghĩ đến ngày Tết, mọi người thường săn lùng trà ướp hoa sen tươi để thưởng thức và làm quà tặng ngày Tết. Đó vốn là nét văn hóa ẩm thực của những người thành đạt, tinh tế và biết hưởng thụ. Người tặng và người nhận trà sen đều sẽ đón nhận được hương vị thanh tao của thức quà mang đến an lành, may mắn. Cũng tin là, với tâm huyết ấy, anh chị Xuân Doanh cũng sớm có được một "chỗ đứng" nào đó trong lĩnh vực này, mong là trà sen Bách Diệp Tây Hồ ngày một nhiều người biết đến và sẽ đến được tay nhiều người tiêu dùng thông thái.
Theo Congluan
Cách ướp trà sen tươi truyền thống chuẩn vị thanh mát Trà sen thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng mà say đắm lòng người có cách ướp đơn giản. Hướng dẫn cách ướp trà sen tươi truyền thống chuẩn vị trà, hương thơm lâu. Trà sen từ lâu đã trở thành một thức uống vừa trang nhã, lịch sự lại thể hiện được nét tinh hoa trong văn hóa thưởng trà của người Việt. Mỗi...