Tình hình Ukraina: “Lạy Trời, đừng xảy ra điều tồi tệ nhất…!”
Chị Đỗ Thị Hoa Lý – một người Việt đã sống hơn 20 năm tại Kiev – chia sẻ với Lao Động những tâm sự thấm đẫm âu lo, nhưng cũng đong đầy tình cảm yêu mến với đất nước Ukraina đang lâm vào bạo loạn. Lao Động xin được giới thiệu đến với bạn đọc.
Binh lính vũ trang tuần tra gần căn cứ ở Perevalne, Crimea, Ukraina.
Tôi đã thở phào, ngỡ tưởng sự bình lặng sẽ trở lại với Kiev và đất nước Ukraina xinh đẹp sau khi làn sóng biểu tình bạo loạn tại quảng trường Độc lập (Maidan) qua đi. Song hóa ra, những ngày tiếp theo là chuỗi thời gian hồi hộp, với hàng loạt dự đoán tiêu cực. Tình hình ngày một xấu đi. Đồng tiền rớt giá. Bán đảo Crimea căng thẳng… Tôi bàn với chồng chuyện trở về quê hương, chỉ e rằng không kịp thu xếp.
Những đôi mắt đỏ hoe
Ngày 1.3, ngày đầu tiên của mùa xuân, tình hình không có gì sáng sủa. Người dân vẫn phập phồng dõi theo diễn biến thời sự. Ngày 2.3, Đài Phát thanh Ukraina phát đi lệnh tổng động viên. Choáng váng. Nhiều phụ nữ Ukraina – mà tôi bất chợt gặp trên đường – mang những đôi mắt hoe đỏ. Có lẽ, họ sợ chiến tranh.
Họ lo chẳng may những người thân của mình phải ra trận, và liệu có trở về? Thậm chí, trên mạng ngập tràn những suy luận về nguy cơ một cuộc đại chiến thế giới mới sắp nổ ra. Tôi thực sự khủng hoảng tinh thần…!
Gia đình, bạn bè từ Việt Nam và khắp nơi dồn dập gọi điện, gửi tin nhắn hỏi thăm. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được “mùi chiến tranh” cận kề đến thế. Nhưng cũng qua những biến động đó, chúng tôi thấy thật ấm lòng với sự sẻ chia cảm thông của đồng bào từ quê hương qua mạng.
Cộng đồng người Việt trên khắp Ukraina cũng liên tục hỏi thăm nhau, dặn dò… Chúng tôi như sống lại trong tình trạng của những ngày tháng lo âu khi chiến tranh biên giới ở phía bắc nước ta đầu năm 1979 nổ ra.
Chị từ Maidan đến phải không?
Tôi bỗng nhớ lại chuyện cũ. Đầu xuân Giáp Ngọ, tôi cùng một số bạn bè ở Kiev chuẩn bị đi lễ chùa đầu năm tại chùa Trúc Lâm ở Kharkov (nơi hiện đang xảy ra làn sóng bạo động đẫm máu giữa các lực lượng thân Nga và thân phương Tây – PV). Đã dự định đặt xe để cả đoàn cùng đi, nhưng lái xe cảnh báo tình hình bất ổn và cuối cùng tôi lên đường một mình.
Video đang HOT
Những nụ cười vô tư của trẻ em Việt Nam tại trường phổ thông mang tên Hồ Chí Minh ở Kiev trước khi bất ổn nổ ra tại Ukraina.
Trời ấm áp hơn một chút sau đợt rét kéo dài bất thường. Xuống tới nơi, bạn bè đều thở phào vui mừng vì tôi bình yên. Lễ cầu an diễn ra trang nghiêm và thành kính. Tất cả đều mong mỏi cho một thế giới an bình, gia đình hạnh phúc và một mùa xuân tươi sáng…
Trở lại Kiev, ngày 13.2 tôi lại bay đi Mátxcơva dự Đêm thơ Nguyên tiêu. Lúc này, những lo ngại về tình hình bất ổn của Kiev đã lan khắp nơi, song, vì ở ngoại ô nên tôi chưa cảm nhận được hết những biến động lớn đang âm thầm tiếp diễn. Các nhà Việt Nam học, các bạn thơ người Nga tiếp đón tôi bằng những nụ cười cởi mở. Những ánh mắt chân tình, kèm theo câu hỏi: “Chị từ Maidan đến phải không?”. Cảm giác ngột ngạt…
Hình như mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm… hay tại tôi nhạy cảm?
Quặn thắt nỗi lo cho các con
Ngày 18.2, tin dồn dập về sự căng thẳng bùng phát. Khắp nơi kêu gọi đi biểu tình. Công an phong tỏa nhiều tuyến phố. Ngay tại nơi làm việc, người dân bản xứ liên tục truy cập mạng để theo dõi tình hình. Tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi thấy máu đổ, lửa cháy khắp nơi, súng nổ tại Maidan – nơi bình yên nhất, đẹp nhất của thủ đô Kiev.
Ngày 20.2, Ukraina tiến hành lễ quốc tang cho những người thiệt mạng trong vụ biểu tình. Giữa máu chảy, lửa cháy, loạn lạc…, tất cả cùng nguyện cầu!
Ruột gan tôi cồn cào vì 2 con ở 2 trường khác nhau, không về nhà được. Thông tin về việc báo động tình trạng khẩn cấp. Mọi người trong tư thế sẵn sàng cho điều tệ hại nhất xảy ra. Quầy rút tiền tự động đông như kiến. Trạm xăng xếp hàng dài. Siêu thị chật như nêm. Lương thực, thực phẩm chẳng mấy chốc đã sạch bóng. Thông tin về việc cắt mạng di động, mạng Internet, truyền hình cho thấy tình hình đã vô cùng nguy ngập.
Tôi như ngồi trên đống lửa, không thể nào chợp mắt, liên tục gọi cho các con dặn dò không được đi ra đường vào lúc này… Đã có trường hợp kẻ xấu lợi dụng tình hình hỗn loạn xông vào tận các ký túc xá sinh viên để đánh người. Thậm chí, có những nơi được trang bị vũ khí để chống lại lực lượng cảnh sát. Tại khu vực chợ Troeshina – nơi có đông người nước ngoài sinh sống và buôn bán, đã có những dấu hiệu của bạo lực nhằm vào dân thường…
Hơn hết, trái tim của chúng tôi – những bậc cha mẹ – quặn thắt nỗi lo cho các con. Nhiều đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ukraina.
Không chỉ cộng đồng người Việt – trong đó nhiều người như tôi đã sống qua hơn một phần tư thế kỷ trên nước bạn, mà ngay cả người dân Ukraina cũng canh cánh nỗi âu lo về những diễn biến tiếp theo của “hậu Maidan”!
Lạy Trời, đừng xảy ra điều tồi tệ nhất. Cầu cho thế giới yên bình!…
Theo PT
Lao Động
Việt kiều sum vầy đêm Nguyên Tiêu ở Đức
Cộng đồng người Việt ở Đức cùng đàn, hát, ngâm thơ và tâm tình về quê hương trong buổi họp mặt vào đêm rằm tháng giêng.
Tối 15/2, tại Berlin, những người Việt yêu thơ và nghệ thuật nói chung đã quây quần trong chương trình họp mặt đầu xuân mang chủ đề "Nồng nàn tháng Giêng".
Tham dự chương trình có các nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà thơ cộng đồng, các nhà doanh nghiệp, cùng các bà con người Việt. Đôi vợ chồng Quốc Tuấn và Kim Ngân dù ở rất xa Berlin nhưng vẫn nhiệt tình đến với chương trình. Họ tình tứ trong tiết mục múa tự biên "Khúc hát sông quê".
Đặc biệt, chương trình còn có sự góp mặt của tiến sĩ Phạm Thị Như Anh, bạn gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong cuốn nhật ký nổi tiếng "Mãi mãi tuổi hai mươi".
Tiến sĩ Như Anh ngẫu hứng với một ca khúc gợi nhớ về tuổi thơ.
Nghệ sĩ sáo Xuân Phương thể hiện ca khúc "Điều chưa kịp nói" do Hoàng Thị Dư sáng tác, phổ thơ của Thế Sáng, một Việt kiều lâu năm ở Đức.
Thúy Hồng, làm nghề kinh doanh rau quả, say sưa với những giai điệu trên sân khấu.
Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Nam tâm sự về mối giao hòa giữa mùa xuân và nghệ thuật.
Bức tranh "Nồng nàn" do họa sỹ Trung vẽ tặng chương trình.
Cộng đồng người Việt say mê đàn, hát và ngâm thơ khiến chương trình kéo dài đến gần 5 tiếng. Đêm Nguyên Tiêu khép lại trong tình cảm nồng ấm của những người con xa quê hương.
Thế Sáng
THeo VNE
Xem "ngựa hóa rồng" lấy may cả năm Giáp Ngọ (I) Long Mã hay còn gọi là "ngựa hóa rồng" hay "rồng ngựa" là một biểu tượng của kiến trúc triều Nguyễn. Đầu năm mới, đặc biệt là năm Giáp Ngọ- khi nhìn thấy Long Mã, bạn sẽ gặp rất nhiều may mắn. Hãy cùng chúng tôi chiêm ngưỡng hình ảnh Long Mã đầu năm... Long Mã là hóa thân của kỳ lân, là...