Tình hình Syria: Pháp chốt thời điểm hành động
Tình hình Syria bất ngờ có diễn biến nóng vì tuyên bố của Pháp và quyết tâm mới của Mỹ trong lúc Anh chuyển hướng.
Anh chuyển hướng, Mỹ tìm kiếm đồng minh
Bất chấp sự xoay chiều khi quyết định đứng ngoài cuộc chiến quân sự tại Syria của Quốc hội Anh, Mỹ cho hay nước này vẫn tiếp tục triển khai, nỗ lực tìm kiếm đồng minh quốc tế.
Đây là nội dung thông báo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 30/8 ngay sau khi Thủ tướng Anh David Cameron xác nhận kết quả bỏ phiếu của Hạ viện nước này chiều ngày 29/8 cho thấy tỉ lệ bác bỏ can thiệp quân sự tại Syria vượt hơn chủ trương tham chiến 13 phiếu bầu.
Ông Cameron cho biết: “Rõ ràng là Nghị viện Anh đang phản ánh nguyện vọng của người dân Anh, không muốn có hành động quân sự”.
Nhà lãnh đạo Anh hy vọng Tổng thống Obama hiểu rằng ông đang hành động theo ý nguyện của trăm dân.
Người dân Anh biểu tình phản đối cuộc chiến tại Syria ngày 28/8
Video đang HOT
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Hagel nói rằng: “Phương pháp tiếp cận của chúng tôi là tiếp tục tìm một liên minh quốc tế để cùng hành động”.
Mặc cho phát biểu của chủ nhân Lầu Năm Góc trái ngược hoàn toàn với tuyên bố vài giờ trước đó của các quan chức Nhà Trắng tuyên bố rằng Washington sẵn sàng hành động một mình.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định lập trường của Mỹ trong cuộc chiến tại Syria
Trước đó, ngày 29/8, theo một nguồn tin Israel, Mỹ đang có dấu hiệu trì hoãn cuộc chiến tại Syria do những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.
Lý do được đưa ra là do lịch trình những chuyến công tác nước ngoài kín đặc của người đứng đầu Nhà Trắng Barack Obama khiến những quyết định chưa được cân nhắc kỹ lưỡng.
Khả năng cao thời điểm thích hợp nhất để nhận được cú đặt bút phê duyệt của Tổng thống Mỹ rơi vào đêm 30, rạng 31/8 hoặc sau ngày 2/9.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp với các nguyên thủ của Lithuania, Latvia và Estonia tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama nhấn mạnh bản thân ông đã “chán ngấy” chiến tranh nhưng sẽ quyết tâm buộc Chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hoá học chống lại dân thường.
Pháp sốt sắng
Ngày 30/8, trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Thế giới Le Monde, Tổng thống Francois Hollande cho biết, Quốc hội nước này sẽ triệu tập phiên họp khẩn về vấn đề Syria vào ngày 4/9 tới.
Ông Hollande khẳng định, cái lắc đầu của Quốc hội Anh trước đó một ngày hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới ý định trừng phạt chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Tổng thống Hollande cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Pháp trong chiến dịch quân sự chống lại chính quyền của Tổng thống Syria.
Một động thái liên quan cùng ngày, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga V. Putin cho biết nước này chưa được nắm được nguồn thông tin tình báo như tuyên bố của Mỹ về bằng chứng cho thấy vai trò của Chính phủ Syria trong vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học hồi tuần trước.
Tổng thống Putin sát sao theo dõi cuộc diễn tập quân sự lịch sử của nước Nga kể từ năm 1991 trên vùng Viễn Đông
Trong khi đó, ông Mikhail Aleksandrov, Trưởng khoa Baltic thuộc Viện nghiên cứu Moscow về cộng đồng các quốc gia độc lập cho rằng, Moscow phải nói với phương Tây rằng: “Nếu các anh tấn công Syria, một hành động vi phạm luật pháp quốc tế, thì chúng tôi sẽ chiếm vùng Baltic”.
Ông Aleksandrov lớn tiếng chỉ trích hành động của Washington: “Với Mỹ, chỉ có một cách duy nhất là dùng ngôn ngữ của vũ lực. Họ không hiểu bất kỳ ngôn ngữ nào khác”.
Có thể, quan điểm của chuyên gia Aleksandrov không đại diện cho chính sách hay suy nghĩ của điện Kremlin, tuy nhiên, không phải là không có khả năng xảy ra trường hợp này.
Cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov cho rằng không một quốc gia nào có quyền đơn phương đưa ra quyết định liên quan tới Syria mà không đính kèm sứ mệnh của Liên hợp quốc.
Đức xúc động Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 30/8 tuyên bố cần tìm ra giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.
Trả lời câu hỏi bà mong đợi gì khi thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Saint Peteburg (Nga), Thủ tướng Angela Merkel nói:”Nếu chúng tôi có các cuộc thảo luận bên lề hội nghị thì chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận song phương về tình hình Syria.
Đây là chủ đề gây xúc động đối với tất cả chúng tôi vào lúc này, và Syria có thể là nơi xảy ra thảm cảnh trẻ em trở thành nạn nhân của các vụ tấn công bằng khí độc như tổ chức Các bác sỹ Không Biên giới đã nói với chúng tôi.
Chúng tôi tin rằng, cần phải có một giài pháp chính trị kết thúc cuộc chiến tranh này”
Theo Báo Đất Việt