Tình hình Đông Nam Á sẽ phức tạp hơn nếu Anh đặt căn cứ quân sự
Kế hoạch lập căn cứ quân sự mới tại Đông Nam Á của Anh có nguy cơ khiến bối cảnh chiến lược vốn rối ren tại đây thêm phức tạp.
Anh có kế hoạch lập thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài sau khi rời EU – Ảnh: Bloomberg
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cuối tuần trước cho biết nước này lên kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự mới tại các vùng Caribbean và Đông Nam Á sau khi hoàn tất quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Singapore và Brunei là hai ứng viên được xem xét đến.
Một vài nhà phân tích cảnh báo kế hoạch nếu được xúc tiến sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Á láng giềng, cũng như khiến căng thẳng Trung – Anh leo thang.
Chuyên gia hải quân Nghê Lạc Hùng thuộc đại học Thượng Hải đánh giá kế hoạch của Anh là bằng chứng cho thấy các đồng minh quan trọng của Mỹ ngày càng gắn kết với đường lối cứng rắn với cường quốc châu Á mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp dụng.
“Đây (chuyện Anh lập căn cứ) là bước đi bổ trợ cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Washington sẽ rất hài lòng”, theo giáo sư Nghê.
Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, chính quyền Trump thời gian qua thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh với khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Giáo sư Hứa Lợi Bình đến từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) tin rằng chính Mỹ đứng sau kế hoạch lập căn cứ quân sự tại Đông Nam Á của Anh.
Video đang HOT
“London hoạt động ngày càng tích cực ở Biển Đông vào thời điểm Washington e ngại đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh”, giáo sư Hứa nhận định.
Quan hệ Anh – Trung vốn tốt đẹp trong vài năm qua bỗng nhiên xấu đi khi đảo quốc sương mù bắt đầu thách thức nhiều yêu sách phi lý trên biển của Bắc Kinh. London năm ngoái từng điều tàu chiến tiếp cận khu vực gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) khiến Bắc Kinh nóng mặt.
Hiện diện của căn cứ quân sự Anh có thể là tin tốt cho những đồng minh Mỹ trong khu vực đang lo ngại về cam kết của Washington. Còn với Trung Quốc thì điều này báo hiệu thách thức mới trong việc giữ vững thế cân bằng an ninh, gia tăng căng thẳng và thậm chí là đối đầu một phần, chuyên gia Nghê cảnh báo.
Cũng theo chuyên gia Nghê, kế hoạch của Anh dù chỉ mới ở giai đoạn đầu nhưng sẽ thử thách mối quan hệ giữa Trung Quốc với Singapore và Brunei.
Bắc Kinh đã rất nỗ lực lôi kéo Brunei, bên có liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, bằng cách thúc đẩy hợp tác kinh tế thông qua Vành đai và Con đường (BRI). Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 11.2018 vừa sang thăm nước này. Thương mại song phương tăng vọt trong vài tháng qua.
Quan hệ với Singapore không được suôn sẻ như vậy. Trung Quốc hai năm trước cáo buộc đảo quốc sư tử đứng về phía Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Mới đây, Thủ tướng Lý Hiển Long cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á về viễn cảnh buộc phải chọn phe khi bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ – Trung.
Cẩm Bình (theo SCMP)
Theo Tintuc
Nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên lặng lẽ rút khỏi Syria
Ngày 30/12, phương tiện truyền thông Trung Đông đưa tin nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên đã rút khỏi miền Bắc Syria, động thái đầu tiên triển khai sắc lệnh rút quân của Tổng thống Donald Trump.
Lực lượng Mỹ sẽ rút hết khỏi Syria. Ảnh: The Daily Star
Kênh truyền hình Press TV dẫn nguồn tin từ người dân tại al-Malikiya, thuộc tỉnh Hasakeh ở Đông Bắc Syria, cho biết khoảng 50 lính Mỹ đã lặng lẽ rời khỏi một căn cứ quân sự tại khu vực này và rút về Iraq. Đi cùng nhóm binh sĩ đầu tiên này là các xe bọc thép và thiết bị quân sự khác.
Theo nguồn tin trên, các đợt rút quân Mỹ khỏi Syria sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới. Mỹ hiện có khoảng 2.000 quân được bố trí tại 18 căn cứ quân sự trên khắp đất nước Syria. Lầu Năm Góc trước đó cho hay quá trình rút quân sẽ diễn ra trong khoảng 2-3 tháng.
Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ đưa ra quyết định rút hết binh sĩ Mỹ tại Syria về nước, cho rằng tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã bị đánh bại tại quốc gia Trung Đông này. Ngày 23/12, một phát ngôn viên quân đội Mỹ thông báo Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã sắc lệnh rút quân nói trên.
Sau tuyên bố rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria, Tổng thống Donald Trump lại gây bất ngờ khi đưa ra quyết định tiếp theo, rút một lượng lớn binh sĩ khỏi chiến trường Afghanistan. Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Trump đang sắp hết kiên nhẫn với cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ, cũng như sự can thiệp quân sự của nước này ở nước ngoài.
Lính Mỹ tại tổng hành dinh lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria. Ảnh: Atlantic Council
Các quyết định trên của Tổng thống Trump đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính giới, các nghị sĩ Mỹ cũng như từ các đồng minh của Washington ở Trung Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Đặc phái viên Mỹ phụ trách liên quân chống IS ở Syria và Iraq Brett McGurk đã thông báo từ chức.
Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay trước mắt hầu hết binh sĩ Mỹ sẽ được rút từ Syria sang Iraq. Ngày 25/12, một quan chức Iraq nói rằng quân đội Mỹ đã thiết lập 2 căn cứ quân sự mới ở tỉnh Anbar, miền Tây nước này.
Ông Farhan al-Duleimi, Ủy viên hội đồng lâm thời tỉnh Anbar, xác nhận quân đội Mỹ đã thiết lập 2 căn cứ quân sự dã chiến tại các khu vực không có người ở thuộc tỉnh này. Theo ông al-Duleimi, căn cứ đầu tiên đã được thiết lập ở khu vực Rumana thuộc huyện al-Qaim, giáp biên giới Syria. Căn cứ thứ 2 nằm ở phía Đông thành phố al-Rutbah, cách thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar khoảng 310 km về phía Tây và cách biên giới Syria chưa đầy 100 km.
Việc Mỹ rút quân cũng đang làm thay đổi tình hình trên thực địa tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá Syria. Một tuần sau tuyên bố của Washington, Quân đội Syria đã có những bước tiến mạnh mẽ tại khu vực xung quanh thành phố chiến lược Manbij, phía Bắc Aleppo, đồng thời tiếp tục củng cố các vị trí tại miền Bắc đất nước.
Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd dẫn đầu (SDF) được cho là đang điều động thêm quân lực, vũ khí hướng về Manbij chuẩn bị cho một cuộc đại chiến.
Hơn 8.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và lính Quân đội Syria Tự do (FSA) đã được triển khai tới mặt trận Manbij với mục đích giành quyền kiểm soát thành phố khỏi tay Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Báo Yeni Safak cho biết mục đích ưu tiên trong chiến dịch Manbij là nhằm loại bỏ các mục tiêu PKK.
PKK vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh NATO của Mỹ, coi là khủng bố. Tuy nhiên, PKK lại bao gồm đơn vị bảo vệ nhân dân YPG và SDF - hai lực lượng ở Syria được liên minh do Mỹ dẫn đầu hỗ trợ.
Từ trước đến nay, Ankara luôn công khai các kế hoạch quân sự nhằm vào SDF, song có một điểm mà quân đội nước này phải dè chừng không dám "manh động" chính là lực lượng này được Mỹ hậu thuẫn.
Theo giới phân tích, cộng đồng người Kurd tại miền Bắc Syria giờ đây trở thành lực lượng bị thiệt hại nhiều nhất, đối mặt với nhiều nguy cơ nhất sau khi đồng minh Washington rút quân. SDF có thể sẽ phải đối đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tàn quân IS và thậm chí cả Quân đội Syria.
Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Theo Tintuc
Đông Nam Á hứa hẹn những chuyển động chính trị lớn Giới phân tích khu vực dự báo năm 2019 sẽ đánh dấu những chuyển động lớn trong đời sống chính trị Đông Nam Á. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (phải) và ông Anwar Ibrahim (trái) sau cuộc họp báo ở Kuala Lumpur ngày 1/6/2018. Ảnh: AFP/TTXVN Theo tờ Straitstimes, nước đầu tiên cần phải nhắc tới là Malaysia. Trong năm 2018, Chính quyền...