Tình hình Covid-19 hôm nay 10.7: Ca nhiễm từ TP.HCM tiếp tục lây lan ra nhiều tỉnh
Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Ca nhiễm từ TP.HCM tiếp tục lan về các địa phương khác; nhiều tỉnh phong tỏa khu dân cư, dừng hoạt động bệnh viện, đóng cửa chợ…
Kiểm tra các trường hợp được phép ra đường khi áp dụng Chỉ thị 16 ở TP.HCM. ẢNH: ĐỘC LẬP
Nhiều ca lây nhiễm về từ TP.HCM
Tình hình Covid-19 hôm nay, trong 7 ca dương tính phát hiện tại Sóc Trăng, có 3 trường hợp F1 là vợ, con của anh L.T.M (BN 25507, 38 tuổi, ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, TX.Vĩnh Châu) về từ TP.HCM. Vợ và 2 con của anh M. là chị T.T.T (BN 26646, 35 tuổi), cháu L.A.Q (BN 26647, 9 tuổi) và cháu L.H.N (BN 26648, 5 tuổi) được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính Covid-19.
Sóc Trăng còn phát hiện 2 trường hợp dương tính Covid-19 từ TP.HCM về địa phương. BN 25505 (44 tuổi, thợ hồ, ở khóm Vĩnh Thành, P.Vĩnh Phước, TX.Vĩnh Châu) làm việc tại đường Phạm Hùng, P.Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM. BN 25507 (38 tuổi, ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, TX.Vĩnh Châu) là nhân viên giao hàng bằng xe máy ở TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Tỉnh Bình Định cũng có 1 người về từ TP.HCM lây nhiễm Covid-19 cho 3 người thân. Người này là BN 20509 sống cùng nhà với cha, mẹ và em trai ở P.Hoài Hương, TX.Hoài Nhơn. 3 người cùng gia đình này xét nghiệm dương tính Covid-19, được Bộ Y tế gắn mã định danh là BN 20510, BN 20511 và BN 26636.
Tỉnh Thái Bình có 1 người về từ TP.HCM được xác định nhiễm Covid-19 là anh Đ.V.Đ (34 tuổi, ở thôn Thanh Lâm, xã Đông Minh, H.Tiền Hải). Ngày 30.6, anh Đ. cùng cháu trai vào Q.12, TP.HCM. Ngày 5.7, anh Đ. và cháu ra Hà Nội trên chuyến bay VN216 rồi thuê xe taxi (người lái xe taxi quê H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) về nhà ở H.Tiền Hải.
Trong khi đó, tỉnh Tây Ninh phát hiện 2 ca nghi nhiễm Covid-19 liên quan đến chợ Bình Điền (TP.HCM). Bệnh nhân thứ nhất là N.T.N (5 tuổi, ngụ TT.Dương Minh Châu, H.Dương Minh Châu), là con của anh N.T.T (34 tuổi) tiểu thương tại chợ Bình iền. Bệnh nhân thứ hai là P.T.T.H (40 tuổi, ngụ KP.Gia Huỳnh, P.Trảng Bàng, TX.Trảng Bàng), cùng chồng là anh N.V.T (46 tuổi) buôn bán tại chợ Bình iền.
Trưa 10.7: Thêm 792 ca Covid-19, TP.HCM chiếm tới 600 ca
Nhiều tỉnh phong tỏa khu dân cư, đóng chợ, dừng bến xe
Do xuất hiện nhiều ca dương tính với Covid-19, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) ra quyết định tạm ngưng hoạt động 5 chợ truyền thống lớn trên địa bàn gồm: chợ Biên Hòa, chợ Sặt, chợ Tân Phong, chợ Tân Mai và chợ Tân Hiệp, từ 12 giờ ngày 10.7. Như vậy, đã có 8 chợ truyền thống ở TP.Biên Hòa tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.
Ngày 10.7, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) tạm dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Bến xe nội thành Tuy Hòa (P.4) để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 80 người là chủ phương tiện, hộ kinh doanh, lao động làm việc tại bến xe và nhân viên ban quản lý bến xe kể từ 14 giờ ngày 10.7. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, cơ quan chức năng sẽ cho phép bến xe được hoạt động trở lại.
Tại Khánh Hòa, ngày 10.7, Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Diêm (P.Ninh Diêm, TX.Ninh Hòa) tạm dừng hoạt động tiếp nhận người bệnh cấp cứu, khám chữa bệnh, do có bệnh nhân điều trị tại đây nhiễm Covid-19. Bệnh nhân là T.T.H (sinh năm 1971, ở thôn Thạnh Danh, P.Ninh Diêm, TX.Ninh Hòa) có triệu chứng sốt, ho, kết quả nghiệm RT-PCR dương tính Covid-19.
TP.Biên Hòa (Đồng Nai) kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phong tỏa 6 phường gồm: Hóa An, Tân Hạnh, Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai và Phước Tân. Thời gian phong tỏa 21 ngày, bắt đầu từ 10.7, do các ổ dịch trên địa bàn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại 6 phường nói trên, có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao.
Tỉnh Lâm Đồng hôm nay phong tỏa TT.Thạnh Mỹ (H.Đơn Dương) sau khi có ca F2 nghi nhiễm Covid-19. Xe cộ không được lưu thông trên QL27 đoạn qua TT.Thạnh Mỹ từ 12 giờ ngày 10.7. Theo đó, xe từ Fi Nôm vào H.Đơn Dương theo QL27 khi đến ngã 3 nút giao thông QL29- ĐH 13 buộc rẽ phải. Xe từ Ninh Thuận vào H. Đơn Dương theo QL 27 khi đến nút giao ngã ba QL29-ĐT 727 buộc rẽ trái.
Muôn vàn lý do để xin qua chốt kiểm soát Covid-19 ở Gò Vấp
Tiếp tục chiến dịch tiêm vắc xin
Bộ Y tế thông tin, sáng sớm nay, 2 triệu liều vắc xin Covid-19 Moderna từ Mỹ đã đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tiếp nhận. Đây là số vắc xin do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua cơ chế COVAX. Ngay sáng nay, trong số vắc xin được tiếp nhận, 1 triệu liều vắc xin Moderna được chuyển đến TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, chiến dịch tiêm chủng lần này triển khai trên quy mô lớn, bảo đảm tiêm chủng 150 triệu liều vắc xin mà Việt Nam đã và đang đàm phán để đặt mua từ nay đến tháng 4.2022, nhằm tăng độ bao phủ vắc xin với người dân, đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vắc xin trên toàn cầu, sau tháng 9.2021, lượng vắc xin về Việt Nam mới nhiều.
Cũng trong hôm nay, Bộ Y tế bàn giao xe tiêm chủng lưu động cho TP.HCM. Khoảng 30 xe tiêm lưu động (gồm bàn tiêm, thùng đựng vắc xin…) đến các điểm tiêm lưu động nhỏ, ở các hẻm nhỏ, người dân thuận lợi tiếp cận. Với các khu vực còn lại, tổ chức 2 hình thức tiêm cố định và lưu động, không tổ chức điểm tiêm có đông người.
Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM sắp tới có gì mới để tránh ùn tắc?
Ngày 10.7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có công văn khẩn về việc triển khai truy vết, xét nghiệm, cách ly, tiêm vắc xin Covid-19 trong bối cảnh áp dụng Chỉ thị 16. Trong đó, việc tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 phải phân chia nhiều địa điểm với quy mô nhỏ, theo khung giờ; ứng dụng công nghệ thông tin để hẹn giờ tiêm, nhập thông tin hành chính và tiền căn sức khỏe người được tiêm trước khi đến điểm tiêm; đơn giản hóa quy trình tiêm để hạn chế tập trung đông người.
Tình hình Covid-19 đến 13 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận thêm 792 bệnh nhân Covid-19 mới. Trong đó, 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Trà Vinh và 790 ca ghi nhận trong nước. Trong 790 ca ghi nhận trong nước, TP.HCM nhiều nhất với 600 ca, Tiền Giang 75 ca; Đồng Tháp 50 ca; Vĩnh Long 26 ca; Sóc Trăng, Hưng Yên, Phú Yên mỗi tỉnh 7 ca; Bắc Giang 4 ca; Trà Vinh, Cà Mau, Bắc Ninh mỗi tỉnh 2 ca, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Định, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam mỗi tỉnh 1 ca.
Đồng Nai: Hàng ngàn người dân đi làm xét nghiệm, nhiều nơi quá tải
Từ 0h ngày 5-7, toàn bộ người đi, về, đến Đồng Nai từ TP.HCM và Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính .Để có giấy "thông hành" này, hàng ngàn công nhân, tài xế, học sinh đã đi làm xét nghiệm.
Hàng trăm người đến phòng khám đa khoa Nguyễn An Phúc (TP Biên Hòa, Đồng Nai) lấy mẫu xét nghiệm sáng 4-7 - Ảnh: N.Đ.N.
Lượng người đi làm xét nghiệm tăng 'đột biến' khiến nhiều bệnh viện, trung tâm y tế và các phòng khám đa khoa được phép xét nghiệm ở Đồng Nai rơi vào tình trạng quá tải.
Xếp hàng dài tràn ra lòng đường
Sáng 4-7, hàng trăm người có mặt tại phòng khám đa khoa Nguyễn An Phúc (đường Đồng Khởi, phường Tân Phong) để làm xét nghiệm.
Phòng khám đã bố trí bàn đăng ký, phòng test nhanh, ghế ngồi tách biệt nhưng do lượng người quá đông chiếm hết vỉa hè, một số người đứng tràn ra cả lòng đường.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Hồng Phước (đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài), hàng trăm người chen chúc, đứng từ trong bệnh viện kéo dài ra tới đường.
So với các phòng khám, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO, Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark... cũng chịu sức ép không nhỏ khi người dân đi làm xét nghiệm quá đông.
Trong 3 ngày trở lại đây, lượng người đến làm test nhanh tại Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark Đồng Nai tăng mạnh, mỗi ngày đón khoảng 2.000 trường hợp đến làm xét nghiệm. Để đáp ứng nhu cầu của "khách hàng", bệnh viện phải bố trí người làm việc xuyên đêm.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, riêng ngày thứ bảy (3-7) đón hơn 1.100 trường hợp đến làm xét nghiệm (cả test nhanh, mẫu gộp và mẫu đơn), gấp gần 10 lần so với ngày thường; Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đón gần 2.000 trường hợp, tăng 4 lần so với tuần trước; Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai đón gần 500 khách mỗi ngày, bằng gần cả tuần trước đó...
Người đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai được bố trí ghế ngồi, đảm bảo giữ khoảng cách trong lúc chờ tới lượt lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: A LỘC
Người đến làm xét nghiệm chủ yếu là lực lượng công nhân, tài xế và học sinh chuẩn bị lên TP.HCM dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sắp tới.
Chi phí xét nghiệm nhanh từ 200.000 đến 400.000 đồng/lần trong khi xét nghiệm PCR mẫu đơn có giá 734.000 đồng, mẫu gộp là 300.000 đồng.
Anh Nguyễn Anh Khoa - ngụ TP Biên Hòa - cho biết anh làm về cáp quang, thường xuyên phải di chuyển qua nhiều tỉnh thành, trong đó có TP.HCM và Bình Dương, nên tranh thủ cuối tuần đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm test nhanh để tiện đi lại, chi phí do công ty trả.
Còn ông Huỳnh Hữu Cường - ngụ huyện Vĩnh Cửu - cho biết sắp tới con ông thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Do TP.HCM yêu cầu phải có giấy xét nghiệm khẳng định âm tính mẫu đơn nên ông Cường đưa con đi xét nghiệm tại CDC Đồng Nai. Ông Cường chỉ đi chung nên "đăng ký làm mẫu gộp với một số người khác để tiết kiệm chi phí".
Giấy xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị trong 7 ngày nên hầu hết mọi người chọn cuối tuần đi làm xét nghiệm, từ đó gây ra tình trạng quá tải. Mặt khác, việc tập trung quá đông khiến nhiều người lo ngại không đảm bảo công tác phòng chống dịch tại những địa điểm này.
Người đến lấy mẫu xét nghiệm xếp hàng tại khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để đóng tiền làm xét nghiệm - Ảnh: A LỘC
Tăng cường nhân lực, dựng lán trại để giãn cách
Để đảm bảo phòng chống dịch, Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark Đồng Nai sắp xếp vị trí riêng biệt cho việc lấy mẫu, dán vị trí thứ tự đảm bảo giữ khoảng cách khi thực hiện lấy mẫu test nhanh, đồng thời tăng cường nhân lực, làm thêm giờ, thậm chí xuyên đêm khi khách hàng có nhu cầu.
Theo đại diện Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, đơn vị đang triển khai app điện thoại để hỗ trợ khách hàng đăng ký trước, trong đó có tính năng tiện ích đăng ký test nhanh cho khách hàng. Khi đến bệnh viện, khách hàng chỉ cần đưa QR code đã đăng ký trước đó ra để được hỗ trợ nhanh nhất, giảm tải áp lực khâu đăng ký và khai báo y tế ban đầu.
Ông Ngô Đức Tuấn - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - cho biết sau khi tỉnh ban hành "lệnh" phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào địa phương, đơn vị đã dự đoán được lượng người đến làm xét nghiệm sẽ tăng mạnh, nhất là 2 ngày cuối tuần.
Theo đó, bệnh viện xây dựng 3 khu vực lấy mẫu xét nghiệm; tăng cường đội ngũ nhân viên hướng dẫn, lấy mẫu, bảo vệ, kế toán; dựng thêm lán trại tại khu vực bên ngoài, không để ở trung tâm bệnh viện, kê thêm ghế đá, bạt cho người dân ngồi để đảm bảo giữ khoảng cách.
Một học sinh tại Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM - Ảnh: A LỘC
Theo bác sĩ Tuấn, không chỉ vấn đề giữ khoảng cách trong lúc làm xét nghiệm mà còn phải chấp nhận nguy cơ "dương tính" bất kỳ lúc nào, do đó toàn bộ nhân viên đều được tập huấn, trang bị đầy đủ.
"Ngay từ đầu, bệnh viện đã lên nhiều biện pháp, làm sao tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bà con tới lấy mẫu xét nghiệm cũng như đảm bảo thực hiện tốt nhất tinh thần 5K" - bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, áp lực quá tải chỉ diễn ra trong nay mai, qua tuần sau sẽ dễ thở hơn bởi người đến làm xét nghiệm xen kẽ không tập trung như đợt này, nhất là số học sinh làm xét nghiệm để dự thi tốt nghiệp THPT và phụ huynh đi theo sẽ không còn.
Ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết toàn tỉnh có hơn 30 cơ sở test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Trong đó, có 3 cơ sở xét nghiệm khẳng định và 1 cơ sở xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp PCR.
Trong tuần tới, một số cơ sở tiếp tục được tăng cường nhiều trang thiết bị mới, do đó Đồng Nai hoàn toàn đủ năng lực xét nghiệm cho toàn bộ người dân có nhu cầu.
Đối với một số phòng khám quá tải, không đảm bảo thực hiện đúng tinh thần 5K, ông Vũ cho biết đã chỉ đạo chấn chỉnh, yêu cầu các phòng khám không được nhận khách vượt quá sức chứa "an toàn" của cơ sở.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ ngày 26-6 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 68 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và lây nhiễm thứ phát, chủ yếu liên quan chợ đầu mối Hóc Môn. Ngoài ra, còn có một số ca liên quan chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), Công ty House Ware (Bình Dương), Công ty Jabill (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức)...
1.000 sinh viên y khoa TP.HCM đăng ký tình nguyện đi chống dịch Trong lúc lực lượng y tế TP.HCM đang căng mình, mệt nhoài tại điểm nóng về COVID-19 thì sự hỗ trợ của nhiều bạn sinh viên ngành y, tình nguyện viên tiếp thêm sức giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn. Trưa 4-7, tại điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Trường THCS Lương Thế Vinh, quận 3, TP.HCM, nhóm bốn...