Tình hình biển Đông tối 5/6: Trung Quốc đã đâm hỏng 24 tàu Việt Nam
Sau hơn một tháng đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc đã đâm va 19 tàu Kiểm ngư và 5 tàu CSB, trong đó tàu CSB 2016 bị thủng 4 lỗ ở boong phải, suýt chìm.
Tình hình biển Đông tối 5/6: Trung Quốc đã đâm hỏng 24 tàu Việt Nam
Chiều 5/6, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông, dưới sự chủ trì của ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Cảnh sát biển và ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư Việt Nam.
Hôm nay đại diện ngoại giao đoàn cũng như báo chí quốc tế tham dự đông hơn, nhiều phóng viên trong và ngoài nước ngồi kín cả lối đi.
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Tùng Lê.
Mở đầu cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình nói, hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan, đưa nhiều tàu, trong đó có tàu quân sự hộ tống. Hành vi này đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, đi ngược Công ước Luật biển, thỏa thuận cấp cao hai bên…
Trong các cuộc tiếp xúc, Việt Nam luôn kiên quyết yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam.
“Cuộc họp báo nhằm tiếp tục cập nhật thông tin trên thực địa và thông báo nỗ lực từ phía Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề”, ông Bình nói.
Sau phần giới thiệu, ông Trần Duy Hải trình bày về tình hình và các biện pháp đấu tranh của Việt Nam thời gian qua. Tiếp đó, ông Ngô Ngọc Thu cập nhật tình hình thực địa.
Theo ông Hải, Việt Nam đã nỗ lực đối thoại với Trung Quốc bằng nhiều hình thức, nhiều cấp khác nhau trong 1 tháng qua, với trên 30 cuộc trao đổi. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự kiềm chế và ứng xử của Việt Nam, lên án Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không dừng lại mà còn phản ứng tiêu cực, vu cáo Việt Nam. Trên thực địa, Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan, di chuyển giàn khoan đến vị trí nằm sâu 60 hải lý trong thềm lục địa Việt Nam.
Đồng thời, Trung Quốc gia tăng tàu, có lúc tới 140 tàu, gồm tàu tên lửa, tuần tiễu tấn công nhanh, săn ngầm… và máy bay chiến đấu. Các tàu Trung Quốc có hành vi hung hăng, đâm va, phun vòi rồng vào tàu chấp pháp, ngư dân. Đặc biệt, ngày 26/5, tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu ĐNa 90152 của ngư dân Việt Nam.
“Nghiêm trọng hơn, tàu Trung Quốc ngăn cản tàu Việt Nam cứu hộ ngư dân trên tàu cá này”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, ngày 23/5, lần thứ hai Việt Nam có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan để hai bên đàm phán nhưng đến nay Trung Quốc lảng tránh và không đàm phán. Ngày 1/6, tàu Trung Quốc lại đâm thủng tàu CSB 2016, đe dọa nghiêm trọng hoà bình, an ninh an toàn hàng hải. Ngày 4/6, Việt Nam tiếp tục gửi công hàm.
Còn ông Ngô Ngọc Thu cho hay, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng tàu bảo vệ đông đảo, thường xuyên có từ 40 tàu, ngày cao điểm 140 chiếc. Đặc biệt, Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu cá vỏ sắt có lượng giãn nước 200-400 tấn, có ngày đến 60 chiếc.
Điều nguy hiểm là Trung Quốc đưa 6 loại tàu chiến hiện đại bảo vệ giàn khoan. Trung Quốc còn huy động máy bay tuần thám biển, trinh sát xa, trực thăng hoạt động thường xuyên trên khu vực giàn khoan.
Về phương thức hoạt động của tàu bảo vệ, ông Thu cho hay, các tàu này tổ chức thành các vòng: vòng 1 từ 1-3 hải lý, vòng 2 từ 5-7 hải lý, vòng 3 gồm tàu chiến, tàu cá công suất lớn. Trung Quốc cũng chia các tàu bảo vệ thành các nhóm, thường xuyên bám sát các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam.
Video đang HOT
“Khi tàu Việt Nam tiếp cận để thực thi nhiệm vụ thì tàu Trung Quốc bao vây hai bên mạn, trước, sau và sử dụng tàu có khả năng cơ động cao đâm thẳng vào tàu Việt Nam”, Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nói.
Ngoài ra, Trung Quốc sử dụng vòi rồng công suất lớn phun thẳng vào tàu Việt Nam làm hỏng thiết bị trên khoang, mặt boong, gây vỡ kính và làm bị thương cảnh sát biển. Trung Quốc còn sử dụng máy phát âm tần, đèn pha công suất lớn chĩa thẳng vào tàu Việt Nam, gây ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý kiểm ngư viên.
Về vụ đâm chìm tàu cá Đà Nẵng, ông Thu khẳng định, các tàu Trung Quốc ngăn cản không cho cứu vớt ngư dân trên tàu cá. Trung Quốc đã đâm va làm hư hỏng 24 tàu Việt Nam trong đó có 19 tàu Kiểm ngư và 5 tàu CSB.
“Gần đây nhất, ngày 1/6, tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu CSB 2016 làm tàu này thủng 4 lỗ ở boong mạn phải. Nếu sâu chút nữa thì đã gây chìm tàu. Hôm qua và sáng nay, tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam”, ông Thu nói thêm.
Dù Việt Nam đưa ra hiện trường một số lượng hạn chế tàu chấp pháp nhưng ông Thu cho hay, tàu Việt Nam vẫn thực hiện việc tuyên truyền bằng hệ thống loa phóng thanh và băng rôn, bằng 3 thứ tiếng Việt, Trung, Anh.
“Việt Nam đã hết sức kiên trì, kiềm chế để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển. Chúng tôi sẽ tiếp tục có mặt”, Phó tư lệnh Cảnh sát biển Ngô Ngọc Thu nói và cung cấp thêm clip về vi phạm của Trung Quốc thời gian qua cũng như việc thực thi pháp luật của tàu Việt Nam.
Tiếp đó, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Hà Lê đã làm rõ thông tin liên quan tới việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng này. Ông Lê cho hay, đã có 12 kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương.
Hiện đang là cao điểm của vụ cá trên biển nhưng đã có 12 tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cản trở, uy hiếp, đối xử thô bạo. Trong đó, nghiêm tọng nhất là vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 26/5.
“Hành động này rất manh động, thể hiện rõ mục đích cố tính đâm chìm: Bám đuổi, đâm đến lúc chìm”, ông Lê nói.
Ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Tùng Lê.
Thuyết minh thêm cho clip tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, ông Lê cho hay, sau khi bị truy đuổi, tàu Việt Nam đã thoát ra được nhưng tàu Trung Quốc tiếp tục cố tình đâm chìm. Đây là bằng chứng khẳng định tàu Trung Quốc luôn chủ động đâm va, đâm chìm tàu Việt Nam.
Các clip được trình chiếu khiến các đại diện ngoại giao đoàn chăm chú theo dõi.
Trả lời câu hỏi về việc liên tiếp xảy ra các vụ Trung Quốc phá hoại, đâm va, đối xử thô bạo với ngư dân, ông Hà Lê khẳng định, tàu cá Việt Nam bị khống chế, đập phá tài sản khi đang khai thác bình thường, hợp pháp trên vùng biển Việt Nam. Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982, DOC…
“Chúng tôi cực lực phản đối và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động này”, ông Lê nói.
“Tuần trước có đoàn của Ủy ban Đối ngoại Mỹ tới Việt Nam. Việt Nam có kỳ vọng Mỹ đóng vai trò trong việc giúp bảo vệ chủ quyền?”, phóng viên Washington Times nêu vấn đề.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho hay, Mỹ là cường quốc của thế giới và châu Á – Thái Bình Dương. Thời gian qua, Mỹ đã có tiếng nói đóng góp, hy vọng Mỹ sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đóng góp bảo vệ hoà bình, an ninh an toàn hàng hải.
Về câu hỏi của phóng viên AP: “Tại sao Chính phủ không cho phép biểu tình hoà bình trước Đại sứ quán Trung Quốc”, ông Bình khẳng định, không có chuyện cấm biểu tình, người dân Việt Nam có quyền biểu thị lòng yêu nước bằng biện pháp hòa bình.
Theo ông Trần Duy Hải, hơn 1 tháng qua Việt Nam nỗ lực ngoại giao giải quyết căng thẳng nhưng Trung Quốc bất chấp và có những hành động leo thang mới. Đứng trước tình thế đó, Việt Nam tiếp tục thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết và sẽ nỗ lực sử dụng các giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề, đồng thời phải cân nhắc các giải pháp tiếp theo.
Ông Hải đánh giá, lần đầu tiên cộng đồng quốc tế có tiếng nói mạnh mẽ như vậy đối với căng thẳng trên Biển Đông. Việt Nam mong cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh hơn.
Trả lời câu hỏi của PV, ông Lê Hải Bình cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ ngư dân Đà Nẵng trong việc khởi kiện tàu Trung Quốc.
“Chiếc tàu bị đâm chìm đã được trục vớt và clip vừa công bố là những bằng chứng không ai có thể chối cãi được về hành động của Trung Quốc”, ông Bình nói.
Được hỏi về việc ngư dân Đà Nẵng kiện tàu Trung Quốc, ông Hải cho rằng, hành động này không chỉ liên quan tới vấn đề dân sự thông thường vì nó xảy ra trong vùng thềm lục địa Việt Nam. Vụ kiện như vậy không giải quyết được vấn đề và vì thế cần nghiên cứu, chọn giải pháp tối ưu.
“Về thực chất, nội dung công hàm Trung Quốc lưu hành ở Liên Hợp quốc và phát ngôn của bà Hoa Xuân Oánh đều xuyên tạc, bóp méo thực tế. Việt Nam hoàn toàn bác bỏ các luận điệu này”, ông Hải trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc lưu hành tài liệu ở Liêp Hợp quốc và Geneva về vụ giàn khoan 981.
“Nếu Trung Quốc rút giàn khoan thì Việt Nam có tiếp tục kiện?”, một phóng viên đặt câu hỏi. Ông Trần Duy Hải khẳng định, Việt Nam kiên trì yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, xác định tính chất pháp lý khu vực hạ đặt. Nếu Trung Quốc rút giàn khoan và ngồi vào bàn đàm phán thì hoan nghênh.
Trước câu hỏi: “Có ý kiến cho rằng lực lượng Việt Nam yếu thế?”, ông Ngô Ngọc Thu chia sẻ, ngay sau khi giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, các lực lượng chấp pháp bao gồm cảnh sát biển và kiểm ngư đã kịp thời có mặt, ngăn chặn. Thời gian qua, mặc dù tàu bảo vệ Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, gây hư hỏng và làm bị thương kiểm ngư viên nhưng lực lượng Việt Nam vẫn kiên trì, kìm chế vì chủ trương là giải quyết bằng biện pháp hoàn bình.
“Chính sự kiềm chế của chúng tôi là để thực hiện các quan điểm, mục tiêu của nhà nước Việt Nam”, vị Phó tư lệnh Cảnh sát biển nhấn mạnh.
Bình luận về ý kiến cho rằng, đường dây nóng giữa hai nước “bị chết”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói: “Đường dây nóng chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi cả hai bên đều có thiện chí và mong muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Nếu thiện chí chỉ đứng về một phía thì đường đây nóng cũng như mọi nỗ lực sẽ không đem lại kết quả”.
Đề cập tới “tuyên bố trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, ông Trần Duy Hải cho rằng, những việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, nhất là vụ giàn khoan 981 làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế.
“Như vậy, chính sách ngoại giao hòa bình của Trung Quốc không phải là thực tế mà chỉ là lời nói. Không thể nói đấy là nỗ lực hòa bình mà là hành động bạo lực. Cộng đồng quốc tế không thể tin lời nói suông”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nhấn mạnh.
Theo Xahoi
Tình hình biển Đông: 'Biển của mình thì mình đánh bắt'
Sáng 5/6, 15 chiếc tàu cá cùng 150 ngư dân các xã Tam Quang, Tam Hải (huyện Núi Thành) cập cảng Kỳ Hà (Tam Quang), sau chuyến đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa.
Đội tàu 15 chiếc vừa trở về từ vùng biển Hoàng Sa
Mặc dù luôn bị hàng chục tàu sắt giả dạng tàu cá của Trung Quốc ngăn cản, tìm cách đâm va, nhưng các ngư dân vẫn bình tĩnh đánh bắt, bám biển dài ngày, bảo vệ ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
Trên cảng Kỳ Hà từ sáng 5/6, hàng trăm người dân và đại diện các cơ quan chức năng đã chào đón đoàn tàu cá phấp phới cờ tổ quốc cập cảng Kỳ Hà trong ánh nắng sớm mai.
10 tàu cá của xã Tam Quang cùng 5 tàu cá của xã Tam Hải (huyện Núi Thành) kết thành đoàn đã kết thúc thành công chuyến đánh bắt dài ngày trên biển Hoàng Sa, khu vực gần giàn khoan trái phép của Trung Quốc. 150 ngư dân gương mặt can trường sạm đen vì sóng gió biển khơi, lần lượt bước lên bờ trong vòng tay người thân.
Ngư dân Nguyễn Tấn Dũng, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNa90479 (xã Tam Quang) kể:"Đoàn tàu cá xuất phát ngày 12/5, đi theo tổ đội, tổ chức đánh bắt ở vùng biển gần đảo Tri Tôn. Nhưng Trung Quốc cho đến mấy chục chiếc tàu sắt giả dạng tàu cá, luôn rình mò, tìm mọi cách cản trở, gây hấn, thậm chí luôn muốn tông mình.
Có lúc, tàu sắt Trung Quốc kè kè một bên, cách nhau chưa đầy 10 mét, hoặc chúng mở tốc lực đi thẳng về phía tàu mình. Nhưng mỗi khi thấy chúng có ý định liều lĩnh thì mình cơ động tránh được cả. Đó cũng nhờ đội tàu mình đông, đoàn kết đánh bắt, cảnh giới hỗ trợ nhau.
Dù chúng có cố tình gây hấn, mình vẫn không sợ, vì đây là biển của mình, ngư trường của mình. Nhiều lúc tàu mình đánh bắt chỉ cách cái giàn khoan của chúng chừng 7 hải lý, bằng mắt thường cũng có thể thấy được mấy cái chân giàn càn rỡ cắm xuống biển mình. Anh em tức tối lắm".
Còn ngư dân Nguyễn Đức Nghiệp, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNa 91559 (xã Tam Hải) bức xúc: "Tàu nào cũng bị chúng cho tàu sắt đuổi, đòi tông. Nó rình tông tàu ông Ngô Ri bể cả be. Đó hành vi của kẻ cướp, như muốn giết người cho bằng được. Chứ tàu ngư dân thì dù của nước nào cũng chẳng bao giờ dám làm như vậy".
Anh Ngô Thanh Việt, thuyền phó, con ông Ngô Ri, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu QNa 91559 (Tam Hải) phẫn nộ kể: "Ngày 14/5, tàu chúng tôi đang đánh bắt ở vị trí cách giàn khoan của nó 12 hải lý, thì thình lình một tàu sắt Trung Quốc mang số hiệu 11075 từ sau tông thẳng vào đuôi tàu, làm gãy thanh ngang giằng cabin tàu. Tàu nó rất to, chồm lên hung hãn.
Tàu sắt Trung Quốc luôn rình rập tông tàu cá ngư dân (ảnh do ngư dân cung cấp)
Tàu sắt Trung Quốc giả dạng tàu cá, to gấp nhiều lần tàu cá của ngư dân (ảnh do ngư dân cung cấp)
Ngư dân Ngô Thanh Việt kể lại việc tàu sắt Trung Quốc đâm tàu cá.
Các ngư dân kể chuyện tàu Trung Quốc hung hăng trên vùng biển Hoàng Sa.
May mà anh em chúng tôi kịp tăng tốc, bẻ lái thoát ra, nó đuổi theo không kịp. Nếu nó tông ngang thân thì tàu của chúng tôi đã bị lật úp như chiếc tàu ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng xảy ra vào ngày 26/5. Tuy nhiên, cú tông quá mạnh đã làm ca bin tàu bị xô lệch về phía trước khoảng 30 cm, thân tàu bị bung ốc vít nên bị phá nước".
Để tàu không bị đắm, các thuyền viên trên tàu đã thay nhau trực và mở hết công suất của 4 máy bơm trên tàu để hút nước ra ngoài. Cứ một 1 giờ đồng hồ lại mở máy hút nước một lần, nhưng tàu QNa 91559 vẫn bám biển đánh bắt đến hết đợt.
Anh Việt nói: "10 ngư dân chúng tôi bàn nhau, nó hung hăng, muốn mình phải bỏ ngư trường, bỏ biển Hoàng Sa cho chúng nó nuốt trọn. Nhưng mình không chùn bước, quyết tâm bám biển đánh bắt, giữ cho được ngư trường truyền thống để làm ăn, và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Các ngư dân cho biết, Trung Quốc không chỉ dùng rất nhiều tàu sắt rình mò tông tàu ngư dân trên biển, họ còn cho máy bay lượn lờ, nhiều lúc chỉ cách tàu cá chừng vài trăm mét để đe dọa, uy hiếp.
Lão ngư Dương Quang Học lên án: "Họ bất chấp thủ đoạn, dùng cả phương tiện quân sự để đối phó với ngư dân mình, hòng cưỡng đoạt vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Nhưng chúng tôi không hề sợ. Đây là ngư trường truyền thống của cha ông mình bao đời nay, nên ngư dân chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục vươn khơi, đánh bắt để nuôi sống gia đình, để giữ gìn xương máu, mồ hôi của ông cha".
Theo Xahoi
Chủ tàu cá Đna 90152 chính thức nhờ luật sư hỗ trợ pháp lý kiện tàu Trung Quốc Chiều 5.6, gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa (chủ tàu cá ĐNa 90152, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đã đến Văn phòng luật sư Đỗ Pháp (TP Đà Nẵng), chính thức có đơn nhờ luật sư Đỗ Pháp trợ giúp pháp lý để kiện Trung Quốc đòi đền bù thiệt hại. Vợ chồng chủ tàu cá ĐNa 90152 chính thức có...