Tình hình Biển Đông: Philippines thừa nhận không có vũ khí đấu với Trung Quốc
Tình hình Biển Đông ngày 22/9, Tổng thống Duterte nhấn mạnh Manila không tìm cách đuổi quân đội Mỹ bởi Philippines vẫn cần đồng minh để bảo vệ lãnh thổ khỏi các cuộc xâm chiếm trên Biển Đông và thừa nhận Manila không có vũ khí đấu lại Trung Quốc.
“Tôi từng nói là một lúc nào đó trong tương lai tôi sẽ đề nghị các lực lượng đặc nhiệm Mỹ gồm 117 người rút quân. Tốt hơn hết họ nên rời đi để tôi có thể đàm phán hòa bình”, tờ Philstar dẫn lời ông Rodrigo Duterte phát biểu trước Sư đoàn bộ binh số 10 tại Mawab, thuộc thung lũng Compostela hôm 20/9.
“Tôi chưa bao giờ nói họ rời khỏi Philippines. Trên hết, chúng tôi cần Mỹ ở Biển Đông”, Tổng thống Philippines nói thêm.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte đã cố gắng cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc bất chấp Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong khi chính quyền của cựu Tổng thống Benigno Anquino đã gửi đơn kiện Trung Quốc lên tòa quốc tế hồi năm 2013.
Trước đó, hôm 12/9, phát biểu tại Malacaang, ông Duterte nói muốn binh sĩ Mỹ rút lui khỏi đảo Mindanao trước mối quan ngại quân đội Mỹ bị bắt cóc. Sau đó vài ngày, tại Bulacan, ông Duterte một lần nữa nhấn mạnh ông muốn quân đội Mỹ rời khỏi Mindanao để chính phủ Philippines có “chỗ” tổ chức đối thoại hòa bình với phiến quân Moro.
Ông Duterte nhấn mạnh ông này “không phản đối người Mỹ” nhưng phiến quân Moro cho rằng Mỹ đang giật dây các cuộc đàm phán. Tổng thống Duterte cũng khẳng định “Đó là lý do tôi nói họ rời khỏi Mindanao chứ không phải khỏi Philippines”.
Cũng theo ông Duterte, Philippines không có đủ trang thiết bị quân sự để tham gia cuộc chiến với Trung Quốc.
“Chúng tôi không có vũ khí. Chúng tôi cũng không sẵn sàng tham chiến với Trung Quốc. Như tôi đã nói, tôi không muốn chiến tranh bởi nó sẽ biến thành một cuộc thảm sát”, Tổng thống Philippines chia sẻ.
Nhà lãnh đạo Philippines cho biết dưới thời chính quyền cũ, các lực lượng vũ trang nước này đã mua thêm chiến đấu cơ nhưng chúng vẫn chưa được trang bị hỏa lực như tên lửa.
Video đang HOT
“Vấn đề là họ không muốn bán tên lửa cho chúng tôi. Chúng tôi đã đề nghị Hàn Quốc nhưng họ cũng không bán nếu như không có sự đồng tình của Mỹ. Máy bay của chúng tôi giờ chỉ để trưng bày. Không có tên lửa, chúng tôi không thể sử dụng chúng”, ông Duterte nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, Tổng thống Duterte đã nhiều lần có những tuyên bố chỉ trích nước Mỹ và cả Tổng thống Barack Obama liên quan tới chiến dịch chống ma túy tại Philippines. Không chỉ Mỹ, Liên Hợp Quốc và Quốc hội châu Âu cũng đã bày tỏ quan ngại trước hành động sát hại các nghi phạm buôn bán ma túy mà không qua xét xử ở Philippines, cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người.
Theo Infonet
Trung Quốc xây cảng ở Campuchia nhằm độc chiếm Biển Đông?
Báo Anh nhận định, Trung Quốc đang tăng cường viện trợ quân sự đồng thời xây dựng cảng nước sâu ở Campuchia nhằm phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Tàu khu trục tên lửa Type 052D Hợp Phì (số hiệu 174) của Trung Quốc
Trung Quốc tăng cường viện trợ vũ khí cho Campuchia
Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Financial Times), Campuchia đang trở thành đồng minh cả trên phương diện ngoại giao lẫn quân sự của Trung quốc ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc muốn dựa vào Campuchia nhằm tạo thế cân bằng lực lượng với các đối thủ trong khu vực có tranh chấp tại Biển Đông.
Nguồn tin cho biết, điểm nổi bật thể hiện sự tăng cường hợp tác giữa Campuchia và Trung quốc chính là "Hiệp định viện trợ quân sự song phương" được hai bên ký kết vào tháng 11 năm ngoái.
Sau khi ký hiệp định tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh tuyên bố, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Campuchia tên lửa phòng không vác vai, nước này cũng hy vọng sẽ nhận được các hệ thống vũ khí phòng không tầm xa có thể tiêu diệt các máy bay tốc độ cao.
Ngoài ra, Campuchia dùng khoản cho vay giữa hai bên là 200 triệu USD để mua máy bay trực thăng đa năng hạng nhẹ Z-9 của Trung quốc. Bắc Kinh còn tặng xe vận tải quân sự cùng một số lượng lớn quân phục và đầu tư xây dựng cơ bản cho quân đội nước này.
Trực thăng đa năng hạng nhẹ Z-9 của Campuchia do Trung Quốc cấp tiền mua
Trong một thông báo khác, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia còn nói rằng, Trung Quốc sẽ cử chuyên gia huấn luyện và cung cấp vũ khí cỡ nhỏ cho một trường quân sự mới được thành lập của quân đội nước này.
Financial Times còn đưa tin, quốc kỳ Trung Quốc bay phấp phới tại một quân y viện lớn ở gần Tháp Sơn Tự ở thủ đô Phnom Penh, bên sườn của phần lớn các xe đỗ trong bệnh viện có ghi những dòng chữ thể hiện rằng, các xe này được mua bằng tiền từ nguồn viện trợ của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia dự tính hàng năm sẽ cử 100 quân nhân sang Trung Quốc học tập, huấn luyện; nhưng ông cũng khẳng định Phnom Penh giữ vững quan điểm "trung lập" và "mở rộng quan hệ với tất cả các nước".
Theo chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược Campuchia, khu vực sông Mê kông có vị trí trọng yếu trong chiến lược của Trung Quốc. Do đó, hiện Bắc Kinh đang nỗ lực lôi kéo đồng minh nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình tại khu vực này.
Việc Trung Quốc thiết lập mối quan hệ sâu sắc với Thủ tướng Hun Sen - người nắm giữ chính quyền trong 31 năm qua, có thể làm cho Mỹ và các nước ASEAN cảm thấy lo ngại. Đặc biệt là việc Trung Quốc đạt được thỏa thuận xây dựng cảng nước sâu ở đây có tác động rất lớn đến an ninh trên Biển Đông.
Trung Quốc xây cảng nước sâu ở Campuchia nhằm độc chiếm Biển Đông?
Cảng nước sâu (khoảng trên 11 m) do Tập đoàn ở Thiên Tân là Tianjin Union Development Group (UDG) Trung Quốc xây dựng sắp hoàn thành tại tỉnh Koh Kong của Campuchia chính là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa giấc mơ trở thành cường quốc biển.
Dự án cải tạo cảng này này có tên là Dara Sakor, bao gồm kế hoạch xây một sân bay quốc tế, các bệnh viện, trường quốc tế, khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao, đã được lãnh đạo quân sự của hai nước thông qua vào năm 2008, với thời hạn sử dụng là 99 năm.
Công trình được cấp nguồn vốn 3,8 tỉ USD, do UDG - một công ty được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn là nhà đầu tư. Bắc Kinh đã ký với Phnom Penh hợp đồng thuê cảng này với diện tích 360 km2, chiều dài lên tới 90 km, chiếm 20% đường bờ biển của Campuchia.
Hiện Bắc Kinh chưa có ý kiến liệu họ có kế hoạch sử dụng hải cảng mới tại bờ biển Tây Campuchia vào mục đích quân sự hay không, nhưng chuyên gia về các vấn đề châu Á của Đại học Quốc gia Australia (ANU) là ông Geoff Wade cho biết, cảng mới tại Campuchia có thể giữ vai trò quan trọng trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Cảng nước sâu ở Vịnh Thái Lan này cách Biển Đông vẻn vẹn vài trăm km, tại đây có thể lưu trú các tàu thuyền có lượng giãn nước đến hàng vạn tấn, các tuần dương hạm và tàu sân bay Trung Quốc có thể ghé vào cảng này trong chuyến tuần tra khu vực phía nam Biển Đông.
Cảng này có thể là nơi lưu trú đại bộ phận các tàu khu trục và tàu hộ vệ của lực lượng Hải quân Trung Quốc, trở thành một căn cứ rất quan trọng phía Nam Biển Đông, hợp cùng các căn cứ ven bờ biển Trung Quốc và trên các đảo nhân tạo khống chế Biển Đông.
Ông cho rằng đây chỉ là một phần trong kế hoạch đầu tư xây dựng cảng của Trung Quốc tại các quốc gia như: Cảng Hambantota ở Sri Lanka, Gwadar ở Pakistan, Kyaukpyu ở Myanmar và Chittagong ở Bangladesh, cũng như các cảng khác ở Thailand và Indonesia.
Việc đầu tư xây dựng các hải cảng ở nước ngoài là một phần trong chiến lược xây dựng "Chuỗi ngọc trai trên biển" của Trung Quốc. Đây là kế hoạch xây dựng vành đai căn cứ quân sự chạy từ Trung Quốc qua Đông Nam Á, sang Ấn Độ Dương và tới tận bờ biển châu Phi.
Hiện nay, điểm cuối của "Chuỗi ngọc trai" Trung Quốc được xác định là một căn cứ quân sự nước này mới đạt được thỏa thuận ở quốc gia châu Phi Djiboti, cách căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trên lục địa này 13 km. Đây cũng là căn cứ đầu tiên ở ngoài biên giới quốc gia của Trung Quốc.
Tại đây sẽ xây dựng kho vũ khí và các cơ sở dịch vụ cho các hoạt động của Hải quân và Không quân, cũng có thể sẽ là nơi đóng quân của cả lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc.
Theo các quan chức nước ngoài và các chuyên gia theo dõi vấn đề này, căn cứ này sẽ được xây dựng theo mô hình Mỹ, sẽ là nơi đặt kho vũ khí và nhiên liệu, các cơ sở bảo dưỡng tàu, máy bay, đồng thời có thể là nơi đóng quân của Hải quân Trung Quốc hoặc Lực lượng Đặc nhiệm.
Theo Đất Việt
Đài Loan xây 4 công trình phi pháp trên đảo ở Trường Sa Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy 4 công trình giống pháo đài bị nghi xây dựng với mục đích quân sự, xuất hiện ở bờ biển phía tây đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam. Các công trình Đài Loan mới xây dựng phi pháp trên đảo Ba Bình. Theo tờ Bưu điện Hoa nam...