Tình hình biển Đông làm cả khu vực lo ngại
Nhiều nước trong khu vực liên tục lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động xây dựng phi pháp cấp tập của Trung Quốc trên biển Đông.
Ảnh chụp từ vệ tinh ngày 2.4 cho thấy công trình đường băng phi pháp của Trung Quốc ở đá Chữ Thập – Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo với 2 người đồng cấp Nhật Akitaka Saiki và Hàn Quốc Cho Tae-yong ở Washington D.C hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken cho biết vấn đề tranh chấp trên biển Đông và một số vùng biển khác là một trong những trọng tâm thảo luận của cuộc gặp 3 bên trước đó. Website Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời ông Blinken phát biểu: “Chúng tôi chắc chắn quan ngại về một số hành động mà Trung Quốc đang thực hiện ở biển Đông và biển Hoa Đông… Tôi nghĩ đây là những quan ngại không chỉ của Mỹ mà của cả nhiều nước trong khu vực”. Nhân vật số hai của Bộ Ngoại giao Mỹ còn kêu gọi mọi tranh chấp cần được giải quyết theo luật pháp và các bên liên quan không “hành động đơn phương”.
Về phần mình, Thứ trưởng Saiki khẳng định “nhiều nước ở khu vực đang quan ngại sâu sắc” về những gì Trung Quốc đang làm ở biển Đông và Trung Quốc “có trách nhiệm giải quyết hợp lý” mối quan ngại này”. Thứ trưởng Cho của Hàn Quốc nhấn mạnh các bên cần tuân thủ Tuyên bố về ứng xử ở biển Đông (DOC) để duy trì tự do đi lại và ổn định đồng thời Seoul hy vọng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông sẽ được ra đời càng sớm càng tốt. Cũng trong hôm qua, tờ The Manila Times dẫn lời Đại sứ Úc tại Philippines Bill Tweddell tuyên bố Canberra quan ngại về các hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông. Theo ông Tweddell, dù không tham gia tranh chấp nhưng Úc có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa hình, ổn định cũng như tự do đi lại ở biển Đông.
Những phát biểu trên phù hợp với tuyên bố của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III ngày 17.4 rằng tranh chấp ở biển Đông không còn là vấn đề của khu vực mà là của toàn thế giới vì 40% giá trị thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này, theo Reuters.
Đường băng phi pháp thứ 2 ?
Gần đây, giới chuyên gia và các chuyên san quân sự – an ninh quốc tế liên tục trưng ra bằng chứng cho thấy tốc độ xây đắp, cải tạo “gây sửng sốt” của Trung Quốc tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN. Ngày 15.4, chuyên san IHS Jane’s Defence Weekly đăng tải hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 6.2 và 5.3 về các công trình của Trung Quốc ở đá Xu Bi thuộc Trường Sa. Phân tích ảnh chụp ngày 6.2, các nhà quan sát chỉ ra 3 đảo nhân tạo được hình thành ở Xu Bi trong khi ảnh chụp ngày 5.3 cho thấy ít nhất 9 tàu nạo vét đang bồi đắp những bãi đất khổng lồ ở đá này. Nếu được kết nối với nhau, chúng có thể làm cơ sở cho một đường băng dài 3.000 m. Trước đó, theo chuyên san Foreign Policy, Trung Quốc tiến hành xây một đường băng khác cũng dài khoảng 3.000 m trên đá Chữ Thập và đã hoàn thành được hơn 900 m.
Trong các cuộc điều trần trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào 2 ngày 15 – 16.4, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Samuel Locklear chỉ trích Trung Quốc đang “hành động hung hăng”, có thể nhằm tiến tới đơn phương lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) cũng như tăng cường kiểm soát biển Đông, theo tờ The Philippine Star. Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama cần tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch đưa thêm quân lực vào châu Á và tăng cường hợp tác với những quốc gia có quan ngại về Trung Quốc.
Video đang HOT
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Quá trình Trung Quốc cải tạo ồ ạt trên Đá Chữ Thập
Từ một tiền đồn chỉ rộng hơn 1.000 m2, hiện nay diện tích đất mà Trung Quốc cải tạo phi pháp trên Đá Chữ Thập đã lên tới 900.000 m2, đủ lớn để Bắc Kinh xây dựng trên đó đường băng, bến cảng cùng nhiều công trình quân sự và dân sự khác.
Hình ảnh vệ tinh công bố hôm 23/3 cho thấy Trung Quốc đang ngang nhiên tăng cường xây dựng đường băng đầu tiên trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và có thể mở một đường băng thứ hai.
Theo đánh giá của tạp chí quân sự IHS Janes đây là bước quan trọng để Bắc Kinh hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trên các đảo và quần đảo ở Biển Đông.
Năm 2005, Trung Quốc mới chỉ xây dựng trên Đá Chữ Thập một tiền đồn quân sự nhỏ. Nhưng theo báo cáo mà Philippines đưa ra cùng thời điểm, tiền đồn này được coi như một trung tâm chỉ huy của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: InterAksyon
Trang tin InterAksyon dự đoán Trung Quốc đang dần biến tiền đồn nhỏ ban đầu trên Đá Chữ Thập thành căn cứ quân sự chính của nước này nhằm gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Hình ảnh chụp từ vệ tinh hồi tháng 8 năm ngoái cho thấy diện tích đất trên Đá Chữ Thập bắt đầu được mở rộng. Ảnh: Google
Hình ảnh do Airbus Defense and Space công bố hồi tháng 11/2014 cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng các công trình, cải tạo đất và mở rộng diện tích trên Đá Chữ Thập. Bên cạnh tiền đồn được xây từ năm 2005, nhiều kiến trúc mới đã xuất hiện. Ảnh: Airbus
Từ một tiền đồn chỉ rộng hơn 1.000 m2, hiện nay diện tích đất mà Trung Quốc cải tạo trên Đá Chữ Thập đã lên tới 900.000 m2, với chiều dài 3.000 m và rộng 300 m. Ảnh: InterAksyon
Diện tích này đủ lớn để Bắc Kinh xây dựng trên đó đường băng cùng nhiều công trình phục vụ cho mục đích quân sự và dân sự khác. Ảnh: InterAksyon
Hình ảnh công bố hồi tháng một cho thấy 14 tàu chở hàng cùng nhiều máy nạo vét Trung Quốc hoạt động tại bến cảng đang xây trên Đá Chữ Thập. Giới chuyên gia dự đoán công trình này sẽ trở thành nơi neo đậu cho nhiều loại tàu chiến, tàu chở dầu và cả tàu ngầm của Bắc Kinh. Ảnh: InterAksyon
Hình ảnh vệ tinh hôm 23/3 của Airbus Defence and Space cho thấy một đoạn đường băng dài khoảng 53 m đã được lát tại đông bắc Đá Chữ Thập. Việc lát và chuẩn bị mặt bằng tại phần khác của đường băng cũng được mở rộng. Ngoài ra, Trung Quốc còn lát khoảng 20 m đường của sân đỗ dài 400 m. Hình ảnh cũng cho thấy Trung Quốc tiếp tục nạo vét ở phía tây nam của bãi đá và sử dụng cần cẩu nổi để củng cố một bến cảng. Ảnh: Airbus
IHS Janes cho rằng đường băng trên Đá Chữ Thập có thể dài khoảng 3.000 m. Đường băng thông thường của lực lượng không quân Trung Quốc có độ dài khoảng 2.700 - 4.000m. Ảnh: Airbus
Ngoài việc đẩy nhanh hoạt động cải tạo đất trên Đá Chữ Thập cùng 6 bãi đá khác thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng ráo riết tiến hành mở rộng trái phép hai đảo Phú Lâm và Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm giữ lần lượt vào các năm 1956 và 1974. Hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao chụp hôm 17/3 cho thấy trên đảo Phú Lâm xuất hiện đường băng cùng các cơ sở của sân bay. Ảnh: DigitalGlobe
Theo hình ảnh vệ tinh, diện tích đảo Quang Hòa, cách đảo Phú Lâm 80 km về phía tây nam, cũng đã tăng thêm 50% so với hồi tháng 4/2014.
Việt Nam nhiều lần phản đối việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng công trình trên những bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo này. Ảnh: DigitalGlobe
Vũ Hoàng
Tổng hợp
Trung Quốc xây dựng đường băng ở Trường Sa Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang ngang nhiên tăng cường xây dựng đường băng đầu tiên tại quần đảo Trường Sa và có thể sẽ mở một đường thứ hai. Ảnh vệ tinh hôm 23/3 cho thấy Trung Quốc xây dựng đường băng ở Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Airbus Theo IHS Jane, hình ảnh vệ tinh hôm...