Tinh giản cả tiến sĩ, thạc sĩ:Quyết làm, sai đâu sửa đấy
Quan điểm của TP.HCM không nhắm tới cụ thể cá nhân tiến sĩ, thạc sĩ hay giám đốc nào… bất kỳ ai không làm được việc đều bị tinh giản…
ĐBQH, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá về chủ trương tinh giản biên chế của Sở Nội vụ TP.HCM.
Không loại trừ ai
Theo bà Tâm, chủ trương tinh giản của TP.HCM chỉ hướng tới một mục tiêu là làm “tinh gọn bộ máy” nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm
Vì thế, dù là tiến sĩ, thạc sĩ hay giám đốc sở theo chủ trương họ cũng chỉ là một công dân, họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi và trách nhiệm của một người công dân. Do đó, dù ở cương vị nào, chức vụ nào nếu không làm được việc cũng có khả năng bị tinh giản như những công chức bình thường khác. Chính sách sẽ không loại trừ bất kỳ ai.
“Mục đích của chủ trương trên không nhắm tới mục đích tìm ai để tinh giản, càng không hướng tới cụ thể từng cá nhân tiến sĩ, thạc sĩ hay vị giám đốc nào. Chủ trương là tìm người không làm được việc để tinh giản.
Tuy nhiên, làm thế nào để tìm được người không làm được việc thì đây mới là vấn đề khó phải bàn hiện nay” – vị ĐBQH TP.HCM trăn trở.
Bởi lẽ, bà Tâm cho rằng, trên thực tế, con người VN rất trọng tình cảm. Nhưng tình cảm vừa là tình người lại vừa là công cụ dễ chi phối các mối quan hệ trong xã hội, quan hệ trong cơ quan, cấp trên với cấp dưới… Vì vậy, để cân bằng, hài hòa giữa mối quan hệ tình cảm, tình người với công việc là vô cùng khó. Đây cũng chính là yêu cầu của nhân dân.
“Là một người đứng đầu, tôi hiểu ai cũng trăn trở khi phải đưa ra một quyết định bất lợi cho nhân viên của mình.
Trong công việc đơn giản là mối quan hệ lãnh đạo với nhân viên nhưng trong cuộc sống tình cảm còn có cả tình người, tình anh em, đồng chí… Trăn trở, suy nghĩ về cuộc sống của nhân viên sau khi nghỉ sẽ thế nào? Gia đình, con cái ra sao… cũng là lẽ thường. Cái khó của người lãnh đạo là phải ứng xử hài hòa giữa hai mối quan hệ này. Coi trọng tình cảm nhưng không để tình cảm lấn át công tác quản lý.
Video đang HOT
Vì vậy, tôi luôn nói rằng, tinh giản phải có lộ trình, tinh giản phải đi cùng với đánh giá chất lượng cán bộ. Tinh giản cũng phải đi cùng với những chính sách có thể đảm bảo cho cuộc sống của người cán bộ sau khi nghỉ vẫn sống được. Điều này mới khó” – nữ ĐBQH đặt vấn đề.
Sai ở đâu phải sửa ở đó
Về chủ trương tinh giản đã được đề ra nhiều lần nhưng thực hiện không hiệu quả, bà Tâm cho rằng: “Cá nhân tôi đã nhiều lần nói, chúng ta đặt mục tiêu tinh giản nhưng hết lần này đến lần khác vẫn không làm được. Không tinh giản được ai, thậm chí tới nay bộ máy còn phình to hơn… nguyên nhân là do cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay chưa khoa học.
Thứ hai, cũng phải nói tới nhiều chức năng nhiệm vụ của hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp. Vì thế mới có câu chuyện ở đâu cũng xin người, địa phương nào, bộ ngành nào cũng xin thêm biên chế nhưng công việc lại không chạy.
Tiến sĩ, thạc sĩ “giấy” thuộc diện tinh giản biên chế
Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã thừa nhận bộ máy hiện đang quá cồng kềnh, trùng lặp. Rồi thì công tác đánh giá cán bộ cũng không cụ thể, rõ ràng.
Nói rằng có một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ nhưng lại không nói rõ bộ phận đó ở đâu, là ai? Làm sao để tìm được bộ phận này? Và bộ phận đó đang ở đâu? Rõ ràng, trong công tác đánh giá cán bộ vẫn còn sự nể nang, nhượng bộ với nhau”.
Theo_Báo Đất Việt
Tiến sĩ, thạc sĩ "giấy" thuộc diện tinh giản biên chế
Một số quận, huyện của TP Hà Nội và TP.HCM đã bắt đầu vào cuộc lên kế hoạch cho việc tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ, trong 7 năm tới (2015-2021), phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế của các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, theo đề án tinh giản biên chế vừa được Sở Nội vụ trình UBND TP. HCM, trong 6 năm tới, thành phố sẽ thực hiện tinh giản 1.300 người ở khối hành chính và hơn 12.600 người ở khối sự nghiệp.
Hà Nội, TP.HCM: Nơi biết, nơi không
Trao đổi với Đất Việt, ngày 11/11, về thông tin này, ông Chử Minh Quân - Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội cho biết: "Đây là Nghị định của Chính phủ, nên tất cả các địa phương trên cả nước đều phải thực hiện".
Bên cạnh đó, theo ông Quân, việc tinh giản biên chế triển khai ở địa phương sẽ do phòng nội vụ của huyện đảm nhận.
"Theo tinh thần tinh giản biên chế, văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là văn bản của chính phủ triển khai không chỉ riêng Hà Nội. Tất cả các tỉnh, thành phố, phải có kế hoạch thực hiện, còn khó khăn hay không thì phải triển khai cụ thể mới có thể biết được", ông Quân cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Sơn - Chánh văn phòng UBND huyện Ba Vì cho biết huyện chưa nắm thông tin về chủ trương này.
Đồng thời, ông Hồ Việt Hùng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn cũng cho biết: "Chúng tôi chưa nắm được thông tin về việc tinh giản biên chế này. Chính vì thế, huyện cũng chưa có kế hoạch triển khai, nên không biết sẽ có những khó khăn nào, có cắt giảm được hay không".
Theo ông Hùng, hiện nay tại địa phương còn có nhiều trường hợp xin nghỉ hưu sớm, về trước tuổi, nên phải tùy thuộc tình hình thực tế khi triển khai.
Tinh giản biên chế các địa phương
Về phía TP.HCM, chia sẻ với Đất Việt, một đại diện của UBND huyện Cần Giờ và ông Huỳnh Nhật Tâm - Chánh Văn phòng UBND quận Thủ Đức đều cho biết: "Chúng tôi đã nắm được chủ trương và sẽ thực hiện".
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Vinh - Phòng Nội vụ Huyện Bình Chánh cho biết: "Huyện đã nhận được chủ trương và đang triển khai thực hiện, đang yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch. Còn việc triển khai cắt giảm thì hiện nay đang lên kế hoạch chung, còn chủ trương lớn của cả huyện đang tổng hợp".
Ông Vinh tiết lộ thêm: "Theo chủ trương của thành phố là phải cắt giảm 10% từ giờ đến năm 2020, mà đã là chủ trương của thành phố thì các địa phương phải làm theo, thực hiện đúng, mỗi đơn vị sẽ có kế hoạch thực hiện của mình.
Hiện nay, các đơn vị đã gần làm xong hết kế hoạch, chỉ đợi báo cáo cụ thể, chúng tôi đã giao về từng đơn vị".
Theo ông Vinh cho biết, thì chủ trương chung là giảm cả thành phố 10%, huyện Bình Chánh cũng căn cứ tính 10% trên mỗi đơn vị trên địa bàn huyện để thực hiện kế hoạch, sẽ giảm đúng chỉ tiêu thành phố đưa ra.
PGĐ Sở Nội vụ TP.HCM: Thạc sĩ, tiến sĩ không làm được việc cũng sẽ bị "giảm biên chế"
Trong một diễn biến liên quan khác, Thời báo KTSG đưa tin, ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết: "Đối tượng cần tinh giản là công bằng, không có giới hạn, kể cả chủ tịch quận huyện, giám đốc sở ngành, phó trưởng phòng các sở ngành trở lên cũng thuộc diện tinh giản, không ngoại lệ, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ không làm được việc cũng sẽ bị tinh giản.
Một số dự án giống nhau sẽ được tổ chức lại một đơn vị đầu mối, sắp xếp, lựa chọn người có năng lực; người không có năng lực sẽ được đào tạo lại, bố trí, giới thiệu công việc khác. Thời gian qua, việc sử dụng người cũng chưa đúng trình độ".
Riêng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước sẽ được kiểm tra lại trình độ chuyên môn, xây dựng lại vị trí việc làm để trình Bộ Nội vụ xem xét.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Sở Nội vụ TP.HCM sẽ gương mẫu làm trước, trước mắt tinh giản 4 người ở bộ phận văn phòng
Bên cạnh đó, trao đổi với báo Thanh Niên, ông Làm nhấn mạnh: "Chúng ta cũng thấy cứ mỗi lần tinh giản biên chế thì bộ máy lại phình ra, con người đông hơn. Thực tế đó là đúng, không có sai.
Lộ trình tinh giản lần này sẽ tiến hành căn cơ, thực chất hơn, bộ máy mình ngày càng tinh gọn hơn, đội ngũ cán bộ, công chức sẽ ý thức trách nhiệm công vụ hơn".
Mặt khác, ông Làm cũng cho biết trong năm 2015, thành phố đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng trực thuộc Sở Tư pháp, dự kiến năm 2016 việc thi tuyển chức danh lãnh đạo ở TP sẽ áp dụng đại trà.
Châu An
Theo_Báo Đất Việt
Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng: Hơn 44% đại biểu là tiến sĩ, thạc sĩ Đại biểu cao tuổi nhất là 68 tuổi và đại biểu ít tuổi nhất là 28 tuổi, ngoài ra có 21 đại biểu có trình độ là tiến sĩ. Sáng 9-10, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức họp báo về Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020 dưới sự chủ trì của ông Võ Công Trí...