Tinh giảm biên chế ngành giáo dục: Cần chính sách đặc thù
Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, hiện cả nước thiếu khoảng 45.000 giáo viên mầm non. Vì thế, Bộ yêu cầu các địa phương quan tâm, tuyển dụng đủ số giáo viên này theo lộ trình, đặc biệt là trong số biên chế giáo viên giao cho các địa phương.
Đối với các cấp học khác, phải thực hiện tinh giản 10% theo lộ trình trên cơ sở đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên dạy học”.
Tăng cường tuyển dụng giáo viên mầm non theo chế độ đặc cách với các giáo viên đang diện hợp đồng.
Không thực hiện tinh giản biên chế với giáo viên mầm non
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất và Chính phủ đã phê duyệt 20.300 biên chế giáo viên mầm non. Số biên chế này đang giao cho 14 tỉnh có dân số cơ học tăng và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Bộ GDĐT yêu cầu các tỉnh cần sử dụng số biên chế này đúng đối tượng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các tỉnh ưu tiên, tăng cường tuyển dụng giáo viên mầm non theo chế độ đặc cách với các giáo viên đang diện hợp đồng mà Chính phủ đã hướng dẫn..
“Tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở các địa phương có khu công nghiệp phát triển mạnh, tăng dân số cơ học; các thành phố lớn, số trẻ tăng nhanh dẫn đến không đủ cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc, từ đó phụ huynh phải gửi con ở các cơ sở tự phát dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Các địa phương cần quan tâm bố trí đủ đất để xây dựng các nhà trẻ tại các khu vực này”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Đặc biệt, Bộ GDĐT cũng đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế với giáo viên mầm non vì hiện tại đang thiếu nhiều.
Video đang HOT
Cụ thể, tại thời điểm tháng 10/2019, cả nước thiếu hơn 86.000 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là bậc mầm non hơn 45.000 giáo viên, tiểu học hơn 18.000 giáo viên. Nhiều tỉnh, thành phố thiếu hàng nghìn giáo viên như: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Nghệ An, Gia Lai, Hải Dương…
Đối với Hà Giang, thống kê của tỉnh cho thấy hiện tổng số giáo viên thiếu là khoảng trên 1.500 giáo viên các cấp, tập trung vào mầm non, tiểu học. Tại Hà Nội, thống kê của Sở GDĐT và Sở Nội vụ cho thấy TP hiện thiếu hơn 12.000 giáo viên và nhân viên trong ngành, nhất là giáo viên tiếng Anh Tin học bậc tiểu học. Đặc biệt là khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, với mức tính định biên như hiện nay sẽ không phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy. Thêm vào đó, việc quá tải trường lớp, nhiều lớp học có sĩ số lên đến 60 học sinh đòi hỏi phải xây mới thêm trường, tuyển thêm giáo viên trong những năm học tiếp theo.
Gỡ khó tinh giản biên chế
Giải pháp để tinh giản biên chế được nhiều địa phương đang thực hiện là sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, điều chỉnh lại quy mô lớp học hợp lý, thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế…
Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi việc nhiều giáo viên đã bị cắt hợp đồng, trong đó có những người thâm niên giảng dạy trên 10 năm, thậm chí hơn 20 năm. Nghịch lý xảy ra là các giáo viên rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp sau khi bị cắt hợp đồng còn các trường lại lo tìm cách giải bài toán thiếu giáo viên. Giải pháp trước mắt là tăng số tiết của các thầy cô trong biên chế so với quy định… Hoặc ký hợp đồng với giáo viên theo từng năm, thuê giáo viên thỉnh giảng theo tiết, tăng sĩ số học sinh trên một lớp học, sắp xếp, sáp nhập các trường… Đây là những giải pháp tình thế có thể giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên trước mắt song về lâu dài, rõ ràng sẽ tạo ra những ảnh hưởng với cả hệ thống giáo dục. Trong đó, chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng là điều nhiều chuyên gia đã cảnh báo khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với những yêu cầu quan trọng về sĩ số học sinh/lớp, chuẩn về trình độ các thầy cô cần đạt…
Đó là chưa kể theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, mỗi năm, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có hàng trăm giáo viên được cử đi đào tạo. Cụ thể, theo lộ trình, việc đào tạo bắt đầu thực hiện từ năm 2020 đến năm 2030, trung bình mỗi tỉnh/thành phố 1 năm sẽ có khoảng 408 giáo viên được cử đi đào tạo (mầm non 142 người, tiểu học 185 người, trung học cơ sở 81 người). Như vậy, các thầy cô ở lại lại tiếp tục “cõng” thêm công việc của những giáo viên này…
Cần lắm một chính sách đặc thù cho ngành giáo dục để quy định tinh giản biên chế diễn ra đúng lộ trình mà không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trong đó, từ phía các bộ, ngành cần sớm hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 để các địa phương có cơ sở phân loại tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn cụ thể khung năng lực vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, định mức số người làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực… Cùng với tự chủ tài chính, cần được tự chủ trong cơ chế đãi ngộ người lao động, đi cùng với tự chủ về nhân sự, đầu tư.
Lâm An
Theo daidoanket
Hà Nam: Tổ chức tuyển dụng giáo viên các cấp năm 2019
UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành văn bản số 3598/KH - UBND về việc tổ chức tuyển dụng giáo viên THPT hạng III, giáo viên THCS hạng III, giáo viên Tiểu học hạng IV và giáo viên mầm non hạng IV năm 2019 thuộc UBND các huyện, thành phố.
Cụ thể, căn cứ chỉ tiêu biên chế giáo viên được UBND tỉnh giao năm 2019 và số biên chế dự kiến cắt giảm năm 2020, số lượng giáo viên hiện có ở các cấp học (tại thời điểm 31/12/2019), UBND các huyện, thành phố đề xuất nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, cấp THCS, cấp tiểu học, cấp mầm non theo đúng nhu cầu số lượng, cơ cấu bộ môn.
Số lượng giáo viên xét tuyển theo trình tự của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ bằng Tổng số giáo viên cần tuyển dụng trừ đi số giáo viên được xét tuyển đặc cách.
Đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, UBND các huyện chỉ đề xuất số lượng giáo viên đủ điều kiện xét tuyển đặc cách theo Công văn 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ.
Văn bản số 3598/KH - UBND của UBND tỉnh Hà Nam
Về hình thức và tổ chức tuyển dụng sẽ là xét tuyển đặc cách và xét tuyển theo trình tự. Nội dung và hình thức xét tuyển theo trình tự. Hội đồng xét tuyển các huyện, thành phố tổ chức xét tuyển cùng thời điểm (cùng thời gian thu hồ sơ, cùng thời gian kiểm tra, cùng công bố kết quả xét tuyển). Xét tuyển được thực hiện theo 2 vòng như sau: Vòng 1 Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
Vòng 2, người dự xét tuyển làm bài thực hành viết trên giấy, thể hiện trình độ hiểu biết chung, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên cần tuyển. Điểm thực hành được tính theo thang điểm 100. Thời gian làm bài thực hành: 150 phút. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng danh mục tài liệu ôn tập, phát hành tài liệu ôn tập và ra đề bài thực hành. Nội dung bài thực hành của mỗi môn học thống nhất trên toàn tỉnh.
Người trúng tuyển phải có đủ các điều kiện sau đây: Có điểm bài thực hành đạt từ 50 điểm trở lên; Có số điểm bài thực hành cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng ở từng môn học của từng huyện, thành phố.
Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả thực hành cộng với điểm ưu tiên (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả thực hành cao hơn là người trúng tuyển. Nếu vẫn không xác định được thì Chủ tịch Hội đồng xét tuyển quyết định người trúng tuyển. Người không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức không được bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.
Thời gian thực hiện, từ ngày 29/11 đến ngày 3/12, UBND các huyện, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch xét tuyển (thể hiện cả 2 nội dung xét tuyển đặc cách và xét tuyển theo trình tự) gửi về Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo. Từ ngày 3/12 đến ngày 6/12, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn Kế hoạch xét tuyển của các huyện, thành phố.
Đối với trường hợp xét tuyển, từ ngày 7/12/2019 đến 17h00' ngày 6/1/2020, UBND các huyện, thành phố phát hành hồ sơ và thu hồ sơ xét tuyển. Ngày 12/1/2020 (Chủ nhật) từ 8h00', Hội đồng xét tuyển các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra thực hành đối với người dự xét tuyển.
Trong văn bản này cũng yêu cầu việc tổ chức tuyển dụng giáo viên phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, chính xác, đúng quy định của pháp luật.
Đức Văn
Theo Dân trí
Đại biểu Quốc hội: Trao quyền chủ động tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ chế tuyển dụng giáo viên hiện nay có nhiều điểm bất hợp lý. Các đại biểu đề xuất, nên trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong vấn đề tuyển dụng nhà giáo. Tự chủ trong tuyển dụng đội ngũ là xu hướng tất yếu trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh:...