Tính đàn ông
Sáng sớm, chị đã gõ cửa nhà tôi, khóc rưng rức: “Em nhiều chữ hơn, làm ơn viết giùm chị cái đơn ly hôn. Vợ chồng gì mà đối xử với nhau chan chát như hai cái lò lửa, làm sao sống được?”.
Chị kể, ngày mới yêu nhau, rồi quyết định cưới nhau, anh luôn nói rất quý cái “tính đàn ông” bộc trực thẳng thắn của chị, muốn gì cứ nói thẳng ra, không lòng vòng. Cuộc sống đã quá nhiều thứ khiến người ta rối rắm mà về nhà còn gặp cô vợ õng à õng ợt thì… muốn đốt nhà lắm. Chị sống theo bản tính “trời cho” của mình, mà cũng là thứ anh quý anh yêu nhiều năm về trước. Hai đứa con lớn lên ăn học đầy đủ, nhà cửa không thua chị kém em, hai vợ chồng đều có việc làm ổn định. Vậy là vẹn toàn hạnh phúc. Thế nhưng, anh bắt đầu “đổ đốn” khi đổi tính đổi nết, khoái giọng dịu dàng õng ẹo, chứ không còn ưa âm điệu “tông xuyệt tông” của vợ như ngày nào.
Mảnh vườn mới mua được 200m2 ở giáp ranh thị xã, cất thêm cái nhà lá xé mát rượi. Anh quyết định trồng sơ ri, vừa có nhiều trái, vừa có bóng mát, cuối tuần gia đình hay bè bạn đến nghỉ ngơi cũng vui. Chị không đồng ý, bảo sơ ri không mấy đồng, lại tốn công chăm sóc. Chị ham trồng mít, loại mít siêu trái, cây nhỏ bằng bắp chân mà trái lúc lỉu như bầy heo con. Anh nhất quyết trồng sơ ri! Chị hét lên, bây giờ hết thời “chồng chúa vợ tôi” rồi nhé! Chồng không chiều vợ thì chia đôi mảnh vườn. Ai ưa gì trồng nấy!
Anh bỏ thói quen la cà hàng quán mỗi cuối tuần. Cứ mong chuông reo hết ngày thứ Sáu để phóng ba mươi cây số về khu vườn nhỏ. Bắc nồi cơm gạo mới, hái mấy đọt rau tập tàng, kho chảo nước mắm quẹt là có bữa cơm nhà quê. Rồi vun vun xới xới. Rồi cắt cắt tỉa tỉa… Vườn mít, không, phải gọi là “khoảnh mít”, không cần nhiều sự chăm sóc như sơ ri. Mà chị cũng chẳng rảnh rang gì. Cả tuần, có được hai ngày nghỉ, ngày dọn dẹp, giặt giũ; ngày chợ búa nấu nướng. Mãi trưa Chủ nhật mới tất tả đến khoảnh vườn, quơ mấy vòi thuốc trừ rùa vàng rệp sáp, cuốc mấy lỗ quanh gốc như mèo quào ném vào đó nắm diêm tro. Lại còn phải lo cơm nước cho chồng.
Video đang HOT
Anh bảo, hay là bỏ mít đi, em bận bịu thế làm sao chăm được khoảnh mít. Chị phùng mang, là tại anh “kỳ thị” chứ lúc chăm sơ ri, anh chăm… luôn giùm mấy cây mít thì đâu có vấn đề gì! Mà em bận vì ai? Giá mà em được phóng xe về khu vườn ngay chiều thứ Sáu như anh thì mít của em trăm quả mỗi cây cứ chơi à? Anh nổi đóa, đàn bà gì “ngang như cua”. Cua hả? Ừ, cua vậy mà hồi đó có người “theo lết bánh” mới rước được con cua này đó! Vậy là, thay vì hưởng thú thanh nhàn đồng quê cuối tuần, vợ chồng lại choảng nhau chan chát.
Chị bảo, tại “tinh đàn ông” của chị ồn ào vậy chứ anh mê làm vườn không ham quán xá bia bọt như trước nữa, chị mừng không hết. Nhưng, anh cứ “chồng chúa vợ tôi” thì chị không chịu. Thời này là thời của phụ nữ rồi! Anh đi làm, chị cũng đi làm, lương chị còn cao hơn, cơ hội thăng tiến cũng nhiều hơn, lý gì chị chịu “lép”?
Mảnh vườn của anh ngày càng xơ xác, bởi chẳng thể đồng vợ, đồng chồng. Chị bảo, vẫn biết vợ chồng cứ đối chọi nhau hoài thì sớm muộn gì khu vườn hôn nhân cũng xơ xác như mảnh vườn cây trái. Nhưng, bảo chị bỏ “tinh đàn ông” thì… không được vì “trời cho” vậy rồi. Thôi đành… ly hôn sớm để còn chút gì đẹp đẽ trong mắt nhau.
Theo VNE
Yêu thương bỏ quên
Cuộc điện thoại với mẹ đã kết thúc từ lâu mà tôi vẫn còn đứng thẫn thờ, cảm giác khó nói thành lời, hình như tôi đã bỏ quên một điều gì đó từ rất lâu.
Mẹ tôi nhiều bệnh, tiểu đường, cao huyết áp rồi viêm xoang nữa. Thấy mẹ nấu thuốc phải canh lửa vất vả nên tôi mua tặng mẹ cái siêu nấu thuốc bằng điện. Cái siêu chỉ có hai nút: tắt và bật, tôi đã hướng dẫn mẹ cách sử dụng hai, ba lần. Vậy mà khi tôi đi làm trên tỉnh, mẹ lại gọi cho tôi hỏi nút nào là bật, nút nào là tắt. Tôi chợt nhận ra trí nhớ mẹ không còn được như xưa.
Hình như đã rất lâu rồi tôi không ngắm mẹ thật kỹ, không ăn cơm cùng mẹ, và cũng rất lâu rồi tôi không tâm sự với mẹ. Cơ quan xa nhà nên tôi thuê trọ. Cuối tuần lúc về với mẹ lúc không. Bốn năm học đại học, ba năm đi làm, tôi ở nhà trọ nhiều hơn ở nhà, tôi đã quên mất tình yêu thương của mẹ.
Mẹ đã thay đổi nhiều, tóc bạc trắng hết rồi. Mẹ gầy đi thấy rõ, hố mắt sâu, đuôi mắt nhiều vết chân chim, vầng trán đã xuất hiện nhiều nếp nhăn, gương mặt gầy gò, bàn tay mẹ khô ráp. Nói chuyện với mẹ tôi mới biết mẹ nặng tai rồi, phải nói lớn mẹ mới nghe được. Bất chợt tôi nghe lòng quặn thắt.
Trước đây và bây giờ cũng vậy, khi tôi đi đâu xa, mẹ bảo đến nơi là phải gọi điện thoại cho mẹ hay. Tôi dạ dạ nhưng ít khi nào nhớ. Thấy tôi không gọi về là mẹ gọi cho tôi, tôi nghĩ chuyện đó bình thường nhưng không phải. Bởi vô tình tôi nhìn thấy mẹ gọi điện thoại, không dễ chút nào. Hôm kia, anh hai tôi chở nhỏ cháu đi khám bệnh trên tỉnh, mẹ nhẩm tính đã đến nơi mà không thấy anh gọi về, tôi thấy mẹ cầm cây đèn pin, đi đến nơi để điện thoại bàn, cầm tấm giấy ghi số điện thoại của anh, mẹ bấm từng số một, thật khó khăn. Tôi thấy mắt mình cay, vậy mà tôi chẳng bao giờ gọi về cho mẹ trước.
Hôm nay, ba tôi đi đám thôi nôi ở xóm trên, trời đã xế chiều mà chưa thấy ba về. Mẹ chắp hai tay ra sau lưng, chốc chốc lại đi ra, đi vào, mắt dán chặt nơi lối rẽ trước cửa nhà, tôi biết mẹ đang lo cho ba. Tôi nhớ mấy lần tôi về nhà, trông mẹ cũng thế này, phải chăng mẹ cũng đã đợi chờ và lo lắng cho tôi?
Lâu không thấy tôi về là mẹ gọi điện thoại hỏi thăm tôi khỏe không, khi nào về, muốn ăn gì để mẹ nấu. Hình như chưa bao giờ tôi hỏi mẹ như vậy.
Bất chợt lòng thấy sợ, một nỗi sợ vu vơ. Mẹ đã già rồi. Tôi rồi sẽ có gia đình, liệu những lo toan của cuộc sống lứa đôi có lại một lần nữa cuốn tôi đi, khiến tôi bỏ quên những yêu thương của mẹ? Tự nhủ lòng hãy về bên mẹ mỗi cuối tuần, nấu cho mẹ những món ăn ngon, nhớ gọi điện mỗi lúc đi xa, yêu thương để dành cho mẹ thì chẳng bao giờ là muộn.
Theo VNE
Vũ khí để trả thù chồng Chia tay vợ, anh nuôi đứa con trai sáu tuổi. Một năm sau, anh và tôi gặp nhau. Một năm sau nữa, anh ngỏ lời. Trước lễ cưới một ngày, vợ cũ của anh gọi điện thoại: "Tôi với cô không nợ nần gì, nhưng tôi hận anh ta, cô không tránh ra, sau này đừng trách". Cú điện thoại khiến tôi lo...