Tỉnh cuối cùng xuất hiện dịch COVID-19 chia sẻ về mô hình điều trị F0 không triệu chứng tại nhà
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, mô hình điều trị F0 không triệu chứng tại nhà là giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết, trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh, tính đến đầu tháng 11/2021, Cao Bằng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19. Tuy nhiên từ ngày 5/11 khi phát hiện ca mắc đầu tiên thì số người mắc COVID-19 trong tỉnh liên tục tăng cao và ngày càng có chiều hướng phức tạp.
Việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng bắt đầu bùng phát tại xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm khi một người mắc COVID-19 xuất hiện tại đám tang khiến nhiều người tham dự đám tang bị lây nhiễm.
Ca F0 này có lịch sử di chuyển khá phức tạp, thường xuyên di chuyển đi về giữa tỉnh Hà Giang (vùng đang có dịch) và khu vực Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng).
Cán bộ y tế Cao Bằng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân.
Theo ông Phong, do sự phân bố dân cư tại huyện Bảo Lâm khá thưa thớt, ít sự giao lưu tiếp xúc nên chính quyền địa phương nhanh chóng tổ chức cách ly, dập dịch hiệu quả.
Thế nhưng, người dân Cao Bằng chưa kịp vui mừng vì chùm ca bệnh tại Bảo Lâm được khống chế thì đến ngày 23/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng công bố phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Cả 3 trường hợp này đều có lịch trình di chuyển rất phức tạp với nhiều địa điểm đông người như quán ăn, karaoke, chợ, trường học với hơn 100 người thuộc diện F1, F2.
Ngay sau khi phát hiện 3 trường hợp này, thành phố Cao Bằng và huyện Thạch An đã cho học sinh nghỉ học, tổ chức phong tỏa các khu vực có người bệnh, khẩn trương truy vết.
Song, tình hình dần trở nên khó kiểm soát hơn khi nhiều giáo viên và học sinh thuộc diện F1 chuyển thành F0.
Đoàn công tác Sở Y tế Cao Bằng kiểm tra, giám sát tại khu cách ly Trung tâm Y tế huyện Hòa An.
Về năng lực xét nghiệm, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng chia sẻ: “Chúng tôi phải cố gắng làm cả đêm, cả ngày. Các mẫu ở huyện Bảo Lâm lấy trong ngày, sau đó tối mới chuyển ra, nên các mẫu đều phải làm cả đêm đến sáng mới có kết quả. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh trang bị thêm máy móc, vật tư cho công tác xét nghiệm để sớm khống chế dịch bệnh”.
Tổng hợp từ ngày 5/11 đến ngày 1/12, Cao Bằng có 158 ca mắc COVID-19, trong đó có 140 ca đã điều trị khỏi; 118 ca đang cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế và tại nhà, sức khỏe ổn định.
Video đang HOT
Theo ông Phong, thời điểm TP HCM bùng phát dịch bệnh, tỉnh Cao Bằng đã cử 3 đoàn hỗ trợ với 98 y bác sĩ. Sau khi trở về, đoàn đã chia sẻ về kinh nghiệm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị cho các bệnh nhân.
Nhờ vậy, khi Cao Bằng xuất hiện nhiều F0, ngành y tế địa phương đã bình tĩnh và nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Chốt phong tỏa tại hộ gia đình có F0 không triệu chứng điều trị tại nhà.
Để đáp ứng việc cách ly, điều trị trong tình hình mới, Cao Bằng cũng cho phép 49 ca nhiễm được tự cách ly, điều trị tại nhà. Đây là những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, không có bệnh lý nền, không có triệu chứng và điều kiện cơ sở nơi lưu trú đảm bảo. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường công tác giám sát cộng đồng, nâng cao ý thức người dân nghiêm túc chấp hành quy định cách ly.
Những y bác sĩ trong các đoàn hỗ trợ TP HCM chống dịch cũng tham gia các tổ tư vấn chăm sóc, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Đây là những người có kinh nghiệm và hỗ trợ rất tốt cho các bệnh nhân thông qua hệ thống giám sát y tế.
Với đặc điểm môi trường thông thoáng, các hộ dân cách xa nhau nên mô hình điều trị F0 không triệu chứng tại nhà ở Cao Bằng đang được triển khai hiệu quả.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trung tâm Y tế thành phố Cao Bằng được phân công phụ trách điều trị 6 ca F0 không có triệu chứng trên địa bàn phường Sông Hiến chia sẻ: “Với tất cả những bệnh nhân không có triệu chứng, được điều trị tại nhà, chúng tôi phải đảm bảo công tác sát khuẩn và hướng dẫn cho bệnh nhân cách ly, uống thuốc tại nhà. Mỗi ngày, chúng tôi kiểm tra bệnh nhân 2 lần. Sau đó, chúng tôi cho bệnh nhân số điện thoại, kết nối Zalo với bệnh nhân, nếu có vấn đề gì thì bệnh nhân sẽ liên lạc để chúng tôi kịp thời đến xử lý ngay”.
Thời gian cách ly điều trị tại nhà tối thiểu là 10 ngày đối với F0 không triệu chứng, 14 ngày đối với F0 có triệu chứng mức độ nhẹ, tự theo dõi tại nhà 7 ngày tiếp theo. Người thực hiện cách ly y tế tại nhà phải cam kết với chính quyền địa phương không ra khỏi phòng cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác; không tiếp xúc với động vật nuôi; luôn thực hiện “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch.
Cũng theo bác sĩ Thanh, trong bối cảnh dịch diễn biến dịch phức tạp và căn cứ vào tình hình thực tế ở Cao Bằng, việc điều trị F0 không triệu chứng tại nhà là điều cần thiết, tạo ra tâm lý lạc quan, thoải mái cho người bệnh. Yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị, cải thiện tình trạng sức khỏe.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Nguy cơ lây lan dịch COVID-19 rất cao
Diễn biến dịch COVID-19 của tỉnh Hà Giang đang rất phức tạp, số ca mắc cộng đồng trên địa bàn của tỉnh này, tính đến sáng 9/11, ghi nhận 547 người.
Nguy cơ dịch bệnh lan rộng rất cao.
Báo SK&ĐS đã phỏng vấn TTND.BS. Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về công tác chống dịch trên địa bàn.
PV: Thưa ông, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Giang hiện nay tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc ngoài cộng đồng, tỉnh đang triển khai khoanh vùng, dập dịch như thế nào?
TTND.BS. Trần Đức Quý: Từ ngày 25/10/2021, Hà Giang ghi nhận ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng. Ngay khi phát hiện, tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương, kịp thời các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch.
Chúng tôi đã kích hoạt Bệnh viện số 1 điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi và các cơ sở khác, kích hoạt các khu cách ly tập trung tuyến tỉnh và huyện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang TTND.BS. Trần Đức Quý.
Ban hành Kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị với tình huống khi có 500 đến 1.000 người mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục mua sắm bổ sung trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch; triển khai phương án phòng, chống dịch phù hợp theo từng cấp độ.
Hà Giang đã có 117 người được công bố khỏi bệnh. Số ca mắc COVID-19 được điều trị tại nhà thời điểm này là 407 người.
Ngành y tế đã huy động 339 cán bộ y tế tăng cường cho TP Hà Giang, huyện Vị Xuyên để truy vết và lấy mẫu xét nghiệm; tăng cường thầy thuốc từ đoàn công tác chống dịch từ miền Nam về.
Tăng cường 2 tổ cấp cứu lưu động trên địa bàn TP Hà Giang, 1 tổ công tác điều phối ôxy y tế phục vụ điều trị người bệnh. Thành lập thêm cơ sở thu dung quản lý, điều trị ca bệnh COVID-19 tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Thuận Hoà đáp ứng khoảng 250-300 giường.
Triển khai khu khám đa khoa ngoại viện của BVĐK huyện Bắc Mê để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch COVID-19; duy trì 17 tổ cơ động...
Chúng tôi cho rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Hà Giang đang được kiểm soát, khống chế nhưng nguy cơ lây lan là cao.
Do đó, các ngành, địa phương cần quyết tâm, sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc khống chế dịch bệnh COVID-19, không chủ quan, lơ là.
Tiếp tục "thần tốc" truy vết, xét nghiệm tại các khu vực phát hiện ca bệnh tại cộng đồng. Các tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng truy vết khẩn trương xác định đúng các trường hợp F1, F2 để áp dụng biện pháp cách ly y tế phù hợp theo hướng khoanh vùng hẹp nhất.
Các địa phương thẩm định nơi cách ly đáp ứng điều kiện theo quy định; thành lập cơ sở thu dung quản lý, điều trị ca bệnh; rà soát, bố trí mỗi xã có 1 cơ sở cách ly tập trung, 1 cơ sở thu dung, điều trị các trường hợp F0; khu cách ly đảm bảo các điều kiện về chỗ ngủ, điện, nước, thông tin liên lạc, khu vực vệ sinh, xử lý chất thải...
PV: Hà Giang là địa bàn có nhiều người dân tộc sinh sống, địa bàn dân cư thưa thớt, công tác chống dịch COVID-19 của tỉnh gặp những khó khăn gì, thưa ông?
TTND.BS. Trần Đức Quý: Hà Giang là địa bàn rộng, ngành y tế phải căng sức, dàn trải lực lượng ở nhiều huyện vùng sâu, vùng xa, nên cán bộ y tế rất vất vả trong công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, cán bộ thầy thuốc trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn đeo bám các điểm nóng cùng với chính quyền cơ sở để khoanh vùng triệt để các điểm dịch, kịp thời điều trị và xử lý các ca mắc mới.
Hà Giang đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vaccine. Ảnh: Hồng Mai
Về tiêm chủng, Hà Giang hiện có 387.978 người được tiêm vaccine phòng COVID - 19, tỷ lệ bao phủ đạt 65,85%; trong đó 78.922 người tiêm đủ 2 mũi. Tiến độ cập nhật lên hệ thống phần mềm quản lý tiến độ tiêm chủng quốc gia đạt trên 90%. Riêng TP Hà Giang tỷ lệ bao phủ đạt 95,56%; Bắc Quang 83,99%; Vị Xuyên 81,63%; Quang Bình 69,85%...
Chúng tôi mong muốn Bộ Y tế tiếp tục phân bổ cho tỉnh thêm số lượng vaccine để chúng tôi sớm phủ hết mũi 1 ở những người trong độ tuổi. Và, sớm bắt tay vào tiêm vaccine cho trẻ em.
PV: Thưa ông, số ca mắc COVID-19 trong học sinh ở Hà Giang cũng là một vấn đề để tỉnh phải đặc biệt lưu ý?
TTND.BS. Trần Đức Quý: Hà Giang có 629 cơ sở giáo dục, 251.115 học sinh. Trong đó có 13 trường nội trú, 152 trường bán trú, với 62.061 học sinh ăn, ở bán trú, nội trú. Báo cáo của ngành GD-ĐT cho biết, đợt dịch diễn ra từ cuối tháng 10 đến nay đã có 62 trường học ở 9 huyện, TP xuất hiện các ca nhiễm COVID-19. Thống kê có 43 cán bộ giáo viên, 397 học sinh dương tính với COVID-19.
Khi xuất hiện các ca COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, ngành GD-ĐT triển khai ngay các nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất sớm khống chế các ổ dịch trong trường học như: Chỉ đạo các trường khẩn trương báo cáo, phối hợp với cơ quan chuyên môn trên địa bàn thực hiện cách ly y tế đối với các trường hợp mắc mới và người tiếp xúc gần...
Tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với các trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có liên quan. Yêu cầu thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên trường, lớp học; tăng cường hoạt động tuyên truyền nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cán bộ, giáo viên và học sinh tuân thủ các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh.
Từ ngày 1/11/2021, Hà Giang đã cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên GDTX và GDDN trên địa bàn tỉnh nghỉ học đến ngày 13/11/2021 để phòng, chống dịch.
Ngành GD-ĐT được giao trách nhiệm cùng với ngành y tế tăng cường phòng, chống dịch bệnh ở các đơn vị trường học, đặc biệt ở các trường học nội trú, bán trú. Với đặc thù người học sinh hoạt, ăn, ở, học tập tập trung nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhanh, dễ lây lan dịch bệnh.
Thường xuyên rà soát, bổ sung và thực hiện đầy đủ các kế hoạch, phương án phòng chống dịch tại cơ quan, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người học. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
Hà Nội yêu cầu đám cưới không quá 30 người Thành phố yêu cầu lễ cưới không tập trung quá 30 người cùng một thời điểm. Người tham dự, ban tổ chức, nhân viên phục vụ phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19. Đây là một trong những nội dung của Kế hoạch thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"...