‘Tình cũ của vợ yêu cầu tôi ly hôn để giải thoát cho cô ấy’
Tôi và vợ không phải tình yêu sâu đậm, sống chết có nhau như nhiều cặp vợ chồng khác. Chúng tôi đến với nhau như duyên phận đã định sẵn. Tôi và em biết nhau qua một đợt tập huấn trên tỉnh.
ảnh minh họa
Hai người cô đơn gặp nhau, thấy hoàn cảnh phù hợp, tính cách khá tương đồng nên nhanh chóng kết tóc se tơ.Ngày ấy, tôi đã gần 30 tuổi còn em 28 tuổi. Chúng tôi cùng là giáo viên dạy Toán, em dạy trường A còn tôi dạy trường B của huyện. Tuy rằng hai nhà cách nhau chưa đến chục cây số nhưng nếu không có đợt tập huấn năm ấy có lẽ tôi không thể quen em.
Nói thật lòng, đến ngày cưới tôi vẫn chỉ mến em chứ chưa thực sự yêu. Tôi còn bị chút vấn vương của mối tình xưa đọng lại. Chỉ sau khi sống với nhau thì sự dịu dàng, đảm đang của em cộng với trách nhiệm làm chồng, làm cha tôi mới thực sự yêu em. Yêu đúng cách một người đàn ông yêu vợ, yêu mẹ của con mình.
Tôi biết em cũng như tôi. Em cũng có một mối tình sâu đậm. Đến với tôi nhưng em không thể quên người yêu cũ, em vẫn giấu hình ảnh đó sâu tận trong tim. Ngay cả khi em là vợ, là mẹ trong gia đình bé nhỏ thì một phần trái tim em vẫn đi theo người tình cũ. Tuy biết vậy, nhưng tôi tôn trọng em, tôn trọng quá khứ của em, tôn trọng tình cảm ấy. Chỉ cần khi bên cạnh tôi, em yêu thương và có trách nhiệm với gia đình là được.
Nhớ lại ngày cưới, khi ấy tôi còn băn khoăn vì không có tình yêu thì sao chúng tôi ở được với nhau đến khi răng rụng, mắt mờ. Nhưng lại có người nói trong hôn nhân tình yêu không phải tất cả. Để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, ngoài tình yêu cần phải có trách nhiệm, có sự tôn trọng nhau. Ông bà mình có yêu đâu mà cũng sống với nhau hết cả đời. Chính vì thế, hơn 10 năm nay, tôi và em chung sống có hai đứa con mà không một lần cãi vã. Tình cảm như bền vững bởi sợ dây trách nhiệm.
Video đang HOT
Cuộc sống của tôi cứ bình lặng trôi qua như thế. Hai vợ chồng luôn phấn đấu trong công việc, luôn là giáo viên xuất sắc của trường. Tôi hết lòng chăm lo cho gia đình còn em luôn thu vén, chăm sóc nhà cửa, con cái. Công việc yêu thích, vợ hiền, con ngoan khiến tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ở một cái huyện nghèo như thế này mấy ai được viên mãn như tôi.
Tuy nhiên, cuộc sống luôn là một đại dương đầy sóng gió chứ không phải dòng sông bình lặng. Độ này tôi thấy vợ rất khác. Lấy lý do dạy thêm, em đi sớm về tối. Về đến nhà hay mơ mộng, đầu óc để đâu đó. Đôi khi tôi thấy em mỉm cười, nụ cười như thiếu nữ đang yêu. Đôi khi tôi lại thấy em ưu tư nhìn xa xăm vô định. Với tôi và con, em thường xuyên cáu gắt. Đến đứa con gái 10 tuổi còn bảo dạo này mẹ khác quá.
Qua một người bạn tôi tình cờ biết được tình cũ của em sau bao năm bôn ba nước ngoài nay đã giàu có trở về. Có lẽ đó chính là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi của em. Người ta nói “tình cũ không rủ” cũng đến. Tôi rất sợ, sợ em còn yêu người kia. Tôi nghe phong thanh có người nói em đã gặp và đang qua lại với người ấy. Càng ngày thái độ của vợ càng khác nhưng tôi vẫn tự dối lòng rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu.
Nhưng chuyện gì đến rồi cũng đến. Một ngày đẹp trời, có tin nhắn từ số máy lạ hẹn gặp tôi. Người đó nói có chuyện quan trọng cần nói chuyện với tôi. Đọc tin nhắn, lòng tôi đầy nghi ngờ. Lẽ nào là số của hắn ta. Tôi đưa tin nhắn hỏi vợ có phải số của hắn không. Vợ không trả lời, chỉ buông một câu: “Ai thì anh cứ đi gặp để biết”. Với thái độ ậm ờ của vợ, lòng tôi càng lo lắng.
Tôi đến chỗ hẹn, một người đàn ông ra hiệu gọi tôi. Hắn tầm bằng tuổi tôi, phong thái đĩnh đạc, đúng chất người lắm tiền. Hắn giới thiệu là “người yêu” của vợ tôi và yêu cầu tôi ly hôn để buông tha cho em. Hắn nói, em không yêu tôi, những năm qua em sống như người mất hồn, sống cho tròn đạo làm vợ, làm mẹ. Hắn nói em còn rất yêu hắn và hắn cũng vậy.
Hắn còn nói rất nhiều, kể rất nhiều về em, về hắn, về tình cảm giữa hai người. Tôi như chết lặng. Không phải tôi sợ hắn mà tôi đang nghĩ lại 10 năm chung sống với vợ. Kì thực, chưa bao giờ tôi thấy nụ cười viên mãn trên môi em. Em cũng chẳng cáu gắt hay tỏ thái độ trước bất cứ một việc gì, em cứ bình thường một cách vô cảm.
Có lẽ hắn nói đúng, bao nhiêu năm qua em sống bằng trách nhiệm mà không có tâm hồn. Có lẽ trách nhiệm không làm nên một gia đình hạnh phúc khi không có tình yêu. Có lẽ nào tôi nên nghe lời hắn ta và giải thoát cho em…
Theo Nguoiduatin
Về quê...
... Chị chẳng ngại gì ngoài việc nhận được lời hỏi han chi tiết từ những con người chân chất, thật thà ấy. Họ gọi đó là tình làng nghĩa xóm, quan tâm thân tình đến nhau bất kể người kia có cần, có thích hay không.
Hình minh họa: Dân Việt
Không đáp lại thì họ sẽ có chuyện để kể rằng dâu nhà ấy khinh khỉnh lạnh nhạt với bà con lối xóm, trong khi khéo vừa hỏi chuyện mình lúc trước, chỉ lát sau gần như toàn bộ những người có mặt ở đó biết nội dung. Đến giúp đám, thì chỉ có việc nhặt hành, nhặt tỏi, nhặt rau lau bát, rất thích hợp cho việc túm tụm thì thào.
Câu chuyện nào cũng được các bà các chị săm soi từ đầu đến chân, rồi đem ra mổ xẻ bàn luận sau khi "khổ chủ" đã rời quê cả tuần. Vấn đề các bà quan tâm quá, chuyện nhà ai cũng tường tỏ từng chân tơ kẽ tóc, từng nội tình ngoại vụ chuyện gì cũng biết.
"Nhà bà Hoan có gần trăm cây vàng nhưng giấu kỹ lắm. Nhà thím Thuấn đầy tiền, thím ấy dậy thêm rồi tham gia công tác ở trường kiếm bộn, chẳng qua cứ giả nghèo giả khổ thôi, đã ai thèm xin đâu". "Thằng ấy nó đi buôn, tiền chất hàng núi. Thằng kia làm cho công ty nước ngoài, lương hàng trăm triệu một tháng".
Chị cười thầm, chắc họ toàn vống lên theo kiểu "gà mẹ rụng lông", chứ giờ người khôn của khó, làm gì mà dễ thế, ai mà được "quan tâm" thì cũng mếu dở. Sau đến chính chị là chủ thể của câu chuyện.
Ra là mẹ chồng lúc nào cũng tự hào con trai mình giỏi giang tài ba, một có khi thêm thắt thành hai, đi khoe trong mọi câu chuyện rằng chúng nó tự mua đất, tự làm nhà. Bà kể những "kỳ tích" ấy nhưng lại "quên" không kể những vất vả, những nợ nần, những lần hai vợ chồng bị lừa tiền, góp vốn làm ăn thua lỗ, những vụ giúp đứa em gặp khó khăn, vì kể ra như thế thì lại xấu đứa em.
Là bà tự hào kể vậy thôi cứ cũng đã được cái gì đâu, vậy là mọi người bắt đầu đặt những câu cắc cớ, hỏi trực tiếp chị: "Vợ chồng mày giàu thế sao không cho bố mẹ tiền xây nhà đi". Chị ngạc nhiên: "Nhà bố mẹ cháu năm gian to đẹp, chắc chắn như thế, lại mới xây thêm dãy nhà ngang, có buồng để không. Sao phải xây mới ạ?". Song họ cứ thích tham gia, rằng phải xây nhà tỉ bạc mới là xây, là cho. Có người lại quát: "Sao không thay cho bố mày cái xe máy mới". Họ nói "Giờ chúng mày còn trẻ mà đã thế, là giỏi là tài, báo hiếu cho bố mẹ đi chứ còn gì?".
Chị đến xây xẩm mặt mày, tính chị vốn không hay kể lể, vì kể ra cũng có bớt túng thiếu đi được đâu, thành ra không kể khổ nghĩa là người đó rất sướng. Và nếu sướng, nhiều tiền thì phải biết chia sẻ, chị cười và buồn cho suy nghĩ ấy quá.
Người quê nhìn thấy có đôi đứa "giàu non", cùng vài kẻ hay "chém gió" nên kính nể những người đi làm ở thành phố lắm, luôn nghĩ rằng người phố tiêu tiền như rác, ở đó tiền rơi khắp đường chịu khó nhặt tí là đầy.
Nỗi tủi khổ vì chẳng có sự trợ giúp còn chưa nguôi thì việc buồn lại đến khi có những người không hiểu, nói vợ chồng chị ích kỷ, tham lam chỉ biết nghĩ cho bản thân... Mẹ chồng cũng chẳng thể nói đỡ cho câu nào vì như thế khác gì "đốp" vào những gì bà từng khoe khoang trước kia.
Sự quan tâm thái quá ấy khiến cho gia đình nhỏ lục đục không ít sau mỗi lần về quê. Cũng bởi một lời nói chân tình đúng lúc khiến cho người ta nhớ mãi, bên cạnh đó những lời đơm đặt cay nghiệt vô tình hay hữu ý có thể làm ai đó ám ảnh suốt đời không quên.
Theo Danviet
"Cô ấy ngoại tình với bạn thân của tôi" Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, lại phải nuôi 2 con nhỏ nên cách đây 2 năm vợ chồng tôi quyết định để tôi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Hình chỉ có tính chất minh họa. Vậy mà, trong khi tôi đang vất vả nơi xứ người để kiếm tiền chăm lo cho gia đình thì cô...