Tình cảm gia đình đích thực trong phim ngắn ‘Tiệm ăn hạnh phúc’
Phim ngắn “ Tiệm ăn hạnh phúc” của Five Star Vietnam thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng nhờ thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình.
Dù xã hội ngày càng hiện đại, quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn tồn tại ở nhiều gia đình Việt. Theo đó, người chồng được coi là trụ cột vững chãi, lao động chính trong gia đình, còn người vợ chăm lo cho hạnh phúc của gia đình nhỏ. Thế nhưng phim ngắn “Tiệm ăn hạnh phúc” lại khai thác một khía cạnh mới. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chẳng may biến cố bất ngờ ập tới khiến người đàn ông không còn là trụ cột kinh tế?
Khi người đàn ông mất vai trò trụ cột
Khai thác chủ đề gia đình theo một góc nhìn mới – góc nhìn suy tư của một người chồng khiếm khuyết với nhiều ẩn ức và đau thương, “Tiệm ăn hạnh phúc” lột tả trọn vẹn cảm xúc và suy nghĩ của một người chồng khi bỗng dưng không còn là trụ cột kinh tế của gia đình.
Từ một người chồng, người cha mẫu mực, Nguyên bất ngờ gặp tai nạn và mất khả năng lao động.
Nguyên – người chồng trong câu chuyện – mất đi khả năng lao động bởi một vụ tai nạn bất ngờ. Sự việc khiến anh dằn vặt, bất mãn và ngờ vực những người xung quanh, ngay cả vợ mình. Anh tự nhốt mình trong bóng tối ngột ngạt, trăn trở giữa hai lựa chọn: Tiếp tục níu kéo hay giải thoát cho người mình yêu thương?.
Lựa chọn của người phụ nữ
Nếu không may có chồng rơi vào hoàn cảnh đó, những người vợ sẽ làm gì? Phim xây dựng hình người vợ tên Trang như một mẫu phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ nhưng không kém phần tinh tế. Xuất phát từ tình yêu gia đình đích thực và mong muốn hàn gắn những điều vụn vỡ, Trang sẵn sàng bước ra xã hội tìm kiếm cơ hội cho mình và gia đình.
Trang mạnh mẽ và luôn biết chăm lo cho gia đình.
Nhưng vô tình, những nỗ lực thầm lặng của Trang lại gây ra hiểu lầm không đáng có. Đằng sau những ngày dài đi sớm về khuya, quần áo chỉn chu, khán giả có thể thấy được sự vất vả, chịu đựng thầm lặng của người phụ nữ khi tìm cách bươn chải vì kinh tế gia đình.
Người xem như vỡ òa cảm xúc khi thấy nụ cười của bé Bi và sự ngỡ ngàng của Nguyên trước hình ảnh người phụ nữ bên cạnh “Tiệm ăn hạnh phúc”. Vững vàng bước ra ngoài, sẵn sàng vất vả để chồng vượt qua bóng tối của sự bất lực, Trang đã giúp chồng mạnh mẽ tiến lên, tiếp tục lao động và dựng xây tổ ấm với một cơ nghiệp ổn định.
Trang là hình mẫu người phụ nữ hiện đại giỏi sự nghiệp, đảm việc nhà.
Lan tỏa thông điệp về tình cảm gia đình
Lấy cảm hứng từ tình cảm gia đình đích thực, cốt truyện giàu cảm xúc xen lẫn những tình tiết bất ngờ, phim ngắn “Tiệm ăn hạnh phúc” đã đạt nhiều thành tích ấn tượng.
Sau gần một tuần ra mắt trên mạng xã hội, video được lan tỏa mạnh mẽ với lượng tiếp cận lên đến hơn 4 triệu người, lượng xem trên các nền tảng mạng xã hội đạt gần 1,5 triệu lượt, cùng hàng nghìn lượt quan tâm và chia sẻ. Phim cũng nhận về những ý kiến và bình luận bày tỏ sự đồng cảm và yêu mến dành cho các nhân vật. Độc giả xem phim tại đây.
Video – Tình cảm gia đình trong phim ngắn ‘Tiệm ăn hạnh phúc’ Khai thác góc nhìn mới lạ và nhiều tình tiết cảm động, phim ngắn “Tiệm ăn hạnh phúc” gây ấn tượng với khán giả nhờ thông điệp nhân văn ý nghĩa.
3 sai lầm phổ biến vợ chồng mới cưới phải tránh tuyệt đối trong hôn nhân
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho các cặp đôi mới cưới để hôn nhân hạnh phúc lâu bền.
1. Cho rằng mọi vấn đề đều có thể làm lành cuối giường
Nhiều người tin rằng vợ chồng giận nhau đầu giường, làm lành cuối giường. Mặc dù đây có vẻ là cách tốt để tạm gác lại vấn đề, nhưng sự thân mật không thể giải quyết gốc rễ của vấn đề.
"Làm lành cuối giường" có thể là một cách thú vị để chấm dứt tranh cãi, nhưng vấn đề vẫn sẽ còn đó và tái diễn vào lần thảo luận tiếp theo, vì hai bạn chưa thực sự tìm ra giải pháp cho nó.
Giao tiếp mới là chìa khóa để biến những bất đồng thành giải pháp.
2. Quan niệm đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm
Trước đây người ta thường quan niệm về vai trò người chồng, người vợ trong gia đình là "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm".
Tuy nhiên ngày nay, cả đàn ông và phụ nữ nên có khả năng đảm đương trách nhiệm làm trụ cột trong gia đình.
Bạn có thể lựa chọn làm người nội trợ trong gia đình, điều đó không có gì là không tốt.
Nhưng bạn phải đảm bảo rằng bạn có thể đảm đương, gánh vác tài chính trong trường hợp chồng/vợ bạn mất việc, bệnh tật hay thậm chí là qua đời.
3. Cho rằng hôn nhân là 50/50
Chúng ta đều muốn tìm kiếm một người vợ/chồng bình đẳng. Nhưng nếu bạn kỳ vọng nửa kia luôn phải san sẻ một nửa trách nhiệm trong mọi việc với bạn, thì có thể bạn sẽ phải thất vọng vô cùng.
Điều này không có nghĩa là bạn phải cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được, mà chỉ đơn giản là cuộc sống có nhiều điều không thể đoán trước.
Mối quan hệ của bạn chỉ có thể duy trì một nhịp điệu cân bằng ổn định khi mọi thứ diễn ra hoàn hảo trong cuộc sống của cả hai, nhưng điều này hiếm khi xảy ra trong thực tế.
Người vợ hoặc người chồng có thể có vấn đề về sức khỏe, mất việc làm, gặp vấn đề về khả năng sinh sản, hay vấn đề với con cái, thậm chí vấn đề liên quan đến gia đình của một hoặc cả hai bên.
Khi những tình huống này xảy ra, bạn có thể phải gánh vác nhiều hơn phần của vợ/chồng mình.
Vì vậy đừng mong đợi hôn nhân luôn là 50/50 và hãy sẵn sàng giúp đỡ vợ/chồng bạn trong suốt hành trình chung của cả hai.