Tình báo giả gái và cuộc chạy trốn lời cầu hôn của quý tử
Lịch sử ngành tình báo Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nam nhân giả gái nào như Huỳnh Văn Thắng. Với lợi thế hình thể đặc biệt, Năm Thắng đã giả gái thành công, lập được nhiều chiến tích xuất sắc.
Thế nhưng, khi khoác lên mình chiếc áo “nữ thám báo” của Thiên Nga Phụng Hoàng, Năm Thắng cũng phải đối mặt với bao tình huống trớ trêu. Chính vì “nhan sắc” hơn người của mình, mật danh F5 đã lọt vào “mắt xanh” con trai của Đại tá, Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) ngày nay.
Ngậm ngùi mang danh bán nước
Sau nửa năm lăn lộn, Năm Thắng đã lột xác từ cậu thanh niên lam lũ thành “kiều nữ” xinh đẹp, lấy tên mới là Huỳnh Thị Thanh. Tuy nhiên cũng từ đây, không chỉ riêng “cô” Thanh mà ngay cả bà mẹ Trương Thị Chánh cũng phải hứng chịu nhiều đao búa của dư luận khi có đứa con jtheo Mỹ làm phản gián.
Có lần, một đám lính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tràn vào nhà hàng xóm bắt hết gà vịt. Thấy hành động ngang nhiên cướp của giữa ban ngày của lũ “đầu trâu mặt ngựa”, người nhà này lên tiếng kháng cự. Những kẻ hống hách đã quay sang đánh đập gia chủ. Đúng lúc đó, “cô” Thanh đi bán hàng về qua, thấy có người bị đánh đập nên chạy vào bênh vực. Nhìn “cô gái” đang tuổi xuân thì xinh đẹp lại phận “liễu yếu đào tơ”, một tên trong đám lính hất hàm: “Ê, con nhỏ mày là Việt Cộng hay sao mà to gan. Tụi tao “thịt” luôn cả mày bây giờ?”.
Biết không thể nói lí lẽ “suông”, Năm Thanh đã đưa thẻ chứng nhận mình là thành viên nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng và không quên đe dọa: “Tao là Việt Cộng đấy, chạy đi mà báo với chỉ huy của bọn mày, có biết anh Mười Râu là ai không? Tao mà méc anh ấy là tụi bay liệu hồn đó nghen”. Nghe vậy, đám lính quèn ngơ ngác nhìn nhau rồi cầm lấy tấm thẻ biệt đội Thiên Nga đi xác minh. Lát sau, cả đám vội quay lại rối rít xin “chị” Năm Thanh tha thứ. Nhưng khi bọn lính sợ quá chạy mất hút, Năm Thanh quay lại thì nhận được tiếng mỉa mai của người hàng xóm: “Tao tưởng mày tốt bụng, hóa ra đi làm chó săn cho giặc”. Những ngày sau, Năm Thanh đi đâu cũng bị người ta khinh khi, chê bai, mắng chửi thậm tệ không tiếc lời.
Ông Huỳnh Văn Thắng vẫn không quên được chuyện bi hài suýt chút nữa đã bị…cầu hôn. Ảnh TG.
Nhớ lại những năm tháng bị “hàm oan”, Năm Thắng bùi ngùi: “Tui thì không sao nhưng thương nhất vẫn là má tui. Có hôm đi chợ, mua được bó rau đang tính trả tiền thì người bán giật ngay bó rau và nói “Thà để cho chó heo ăn còn hơn bán cho loại người phản nước, hại dân”. Nghe người bán hàng chửi mắng, má tui như chết lặng không nói nên lời. Suốt dọc đường về, bả chỉ biết lấy vạt áo lặng lẽ lau dòng nước mắt”. Nhiều lần phải nghe những lời nói nặng nề, bà cũng rất đau khổ. Nhưng hơn ai hết, bà Chánh hiểu rõ nhiệm vụ cách mạng mà Năm Thắng đang hoạt động còn quan trọng hơn cả danh dự một đời người. Hai mẹ con bà không hề trách cứ những lời chửi bới của hàng xóm, kiên trì chịu đựng để vượt qua.
Oái ăm khi con trai tỉnh trưởng “phải lòng”
Khi cô em vợ Sáu Dung ngỏ ý muốn đưa Năm Thanh qua bên ban nam để học hỏi kinh nghiệm của hai tên nội gián là Tư Một và Phạm Văn Hương, Mười Râu không hề nấn ná mà gật đầu ngay. Từ lúc Năm Thanh vào hoạt động cho Thiên Nga, Mười Râu đã để ý tới “cô gái” ưa nhìn có nước da trắng ngần, nhan sắc nổi trội. Ngặt nỗi, Năm Thanh là chỗ thân thiết với Sáu Dung và vợ hắn nên Mười Râu dù có muốn được ở cạnh “ người đẹp” cũng phải e dè. “Kiều nữ” Năm Thanh được cử sang ban nam, tên trung úy háo sắc và ham mê nhục dục mừng chẳng khác nào “mỡ dâng miệng mèo”.
Video đang HOT
Ngoài Mười Râu, còn có Tư Nghệ (Đội điều tra, xét hỏi Ty Cảnh sát) là bạn chung chiến hào với gã, cũng phải “điêu đứng” trước nhan sắc của “mỹ nữ” F5. Để có cơ hội gần gũi, Mười Râu và Tư Nghệ thường rủ rê “nàng” khi thì đi xem phim, cà phê tán dóc hay vào khách sạn tâm sự. Dù thế, tất cả lời mời mọc của hai tên háo sắc đều bị “người đẹp” khước từ khéo léo.
Nhưng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, câu nói ấy dường như đã “ứng nghiệm” vào chàng trai giả gái này. Chỉ sau lần gặp đầu tiên, Lộc – con trai tỉnh trưởng Phạm Chí Kim, kiêm Tiểu khu trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) đã bị “đốn ngã” trước “cô gái” duyên dáng Huỳnh Thị Thanh.
Lộc vốn là công tử con nhà bề thế, nổi tiếng ăn chơi và bạo ngược trong vùng. Trong một lần gặp gỡ ở buổi họp thành viên biệt đội tình báo, Lộc đã cảm mến và thầm thương trộm nhớ “cô” Năm Thanh. Dù bản thân vẫn còn “nặng lòng” với “người đẹp”, nhưng khi biết cậu ấm con trai Tỉnh trưởng Kim có lòng tương tư Năm Thanh, cả Mười Râu và Tư Nghệ đành trở thành kẻ mai mối bất đắc dĩ.
Biết rằng nếu rủ Năm Thanh sỗ sàng sẽ bị từ chối, Tư Nghệ đành ngọt nhạt nài nỉ: “Thanh ơi, Thanh đi ra bờ hồ Trúc Giang uống cà phê một chút rồi anh nói chuyện này Thanh nghe”. Khi “người đẹp” tới chỗ hẹn, sau một hồi ấp úng, Tư Nghệ mới đi vào câu chuyện: “Thanh ơi, anh mời em đi xi-nê mấy lần không phải để tán tỉnh em đâu mà để em gặp Lộc. Nó thầm yêu trộm nhớ em lâu rồi. Nó muốn xin cưới em làm vợ”. Vừa nghe lời cầu hôn, “cô gái” Huỳnh Thị Thanh như chết đứng vì sợ lộ thân phận. Biết đã gặp rắc rối, dù trong lòng rất hoang mang, Năm Thanh vẫn cố trấn tĩnh: “Nếu mình không chấp nhận lời cầu hôn thì làm sao hành động được. Còn mình đồng ý thì sao có thể làm vợ nó được”. “Cô” cố gắng trấn tĩnh trả lời: “Em cũng có phước lắm mới được anh Lộc để ý, em bằng lòng làm vợ anh ấy”.
Một mặt đồng ý, F5 cũng tìm cách báo cáo với tổ chức để nắm tình hình. Trước tình huống có một không hai này, sợ thân phận của Năm Thanh bị bại lộ, tổ chức đã cử “người đẹp” quay lại Thiên Nga để xem xét. Khi biết rõ thân phận vẫn chưa bị phát hiện, Năm Thanh nửa mừng nửa lo vì mọi việc vẫn diễn ra như đúng kế hoạch. Nhưng đồng thời, “cô” cũng chịu bó tay trước nguy cơ phải lấy tên Lộc làm “chồng”. Nắm bắt tình hình đó, Năm Thanh đành báo cáo tổ chức xin rút lui khỏi vị trí F5 để chuyển sang khu vực Đông Nam Bộ hoạt động.
May thay, đúng vào thời điểm này, toàn miền Nam đang sục sôi phát động chiến dịch Hồ Chí Minh và chuyện “cầu hôn” bị “xếp” sang một bên. Nhớ lại kỷ niệm bi hài, ông Thắng cười tươi: “May lúc đo, tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng, bọn chúng lo chạy thoát thân nên quên luôn chuyện cưới xin, nếu không thì…”.
Sau 5 năm giả gái để thâm nhập vào Thiên Nga, Năm Thắng đã sống trong vỏ bọc “mỹ nữ” và thoát được nhiều thế bí để đảm bảo an toàn tính mạng. Ngày đất nước toàn thắng, Năm Thắng lại trở về sống bên bà mẹ già yếu. Nhưng cũng từ đây “cô gái” F5 dường như vẫn còn luẩn quẩn với kiếp “hồng nhan truân chuyên”.
Theo Khôi Nguyên (Gia Đình & Xã hội)
Bí mật về huyền thoại tình báo giả gái nổi tiếng Sài Gòn
Trải qua quá trình "tu luyện", Năm Thắng thực sự hóa thân thành một cô gái có dáng đi yểu điệu để thâm nhập vào đội nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng. Dù sống giữa bầy lang sói, nhưng nhờ sự tinh nhạy và khôn ngoan, "cô gái" Huỳnh Thị Thanh (tên gọi khi giả gái của Năm Thắng) đã hoàn thành tốt mọi chỉ thị của cấp trên, giúp nhiều cán bộ cách mạng của ta thoát khỏi "nanh vuốt" của quân thù.
Trở thành "nữ thám báo"
Từ khi cải trang thành nữ giới, Năm Thắng ngày ngày đi "buôn thúng, bán bưng" từ Vàm Nước Trong đến bến Dừa Cháy. Ít ai ngờ rằng, người "con gái" đang mang trên mình một nhiệm vụ tối mật, đó là phải trà trộn được vào tổ chức "nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng".
Thiên Nga Phụng Hoàng là một tổ chức tình báo được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập năm 1968, dưới sự cố vấn của CIA (Mỹ). Nhiệm vụ của Thiên Nga là xâm nhập vào các cơ sở cách mạng của ta, sau đó thu thập thông tin và tìm cách giết hại các chiến sĩ. Thành viên của biệt đội chân dài này được tuyển chọn rất khắt khe. Người trúng tuyển phải là những thiếu nữ trong độ tuổi 18-25, có ngoại hình đẹp, giao tiếp giỏi và khôn khéo. Sau quá trình "sát hạch", các chị em được thu nạp vào Thiên Nga. Trước khi thực thi nhiệm vụ, họ sẽ được cử đi học ở các khóa tình báo tại Trường Tình báo Trung ương ở Sài Gòn.
Tổ chức Thiên Nga hoạt động hết sức tinh vi, chúng thường cài nhiều tình báo, mật thám vào các cơ sở cách mạng. Đặc biệt, để dễ bề trà trộn, đội quân gián điệp này còn được chia làm hai ban: ban nam do Trung úy Mười Râu khét tiếng ác ôn phụ trách và ban nữ do Sáu Dung (em vợ Mười Râu) đứng đầu. Trong thời gian hoạt động từ năm 1968 - 1971, chúng đã dùng tiền bạc để mua chuộc nhiều người làm gián điệp, gây không ít thiệt hại cho quân ta.
Hình ảnh Năm Thắng khi cải trang. Ảnh tư liệu.
Về phần Năm Thắng, khi đã hóa thân thành nữ nhi, nhờ tài ăn nói khéo léo, "nàng" nhanh chóng tiếp cận được với những người liên quan đến biệt đội Thiên Nga. Đôi khi, "cô" Thanh còn cố tình đi lạc đường, đâm thẳng vào tận "sào huyệt" của bọn gián điệp rồi giả vờ "đi nhầm đường" để tìm cách bắt chuyện làm quen. Hằng ngày, Năm Thanh (Căn cước mang tên Huỳnh Thị Thanh, mật danh là F5) thường xuyên rao bán bánh trước nhà Mười Râu. Cô gái xinh xắn, nói năng nhẹ nhàng, vóc dáng cân đối đã lọt vào "mắt xanh" của Năm Mỹ (vợ của Mười Râu). Năm Mỹ thường xuyên mua bánh dừa nên Năm Thanh nhanh chóng tiếp cận được với người phụ nữ này.
Mỗi lần đi bán bánh qua nhà Mười Râu, Năm Thanh lại ghé vào thì thầm chị em với Năm Mỹ. Ông Năm Thắng kể: "Mỗi khi gặp vợ của Mười Râu, tui luôn tỏ ra thân thiết. Tui kể lể với Năm Mỹ là do hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, gặp thời buổi kiếm tiền khó khăn, lại ghét cách mạng nên tui trốn lên đây buôn bán. Tui giả bộ cần tiền đặng nuôi gia đình nên nhờ chị Năm Mỹ tìm việc làm có lương ở trong chính quyền. Không ngờ, nghe tui nói xong, Năm Mỹ liền gật đầu đồng ý và bảo: "Em bán bánh được bao nhiêu đồng. Chị sẽ nói chuyện với chồng chị và đứa em gái cho em gia nhập đội Thiên Nga, lương lậu vừa hậu hĩnh lại nhàn hạ". Thế nhưng không hổ danh là vợ của "trùm" Thiên Nga, Năm Mỹ ra điều kiện cho "cô gái" là phải có 7 cây vàng để lo lót một tấm giấy chứng nhận là thám báo. Người chiến sĩ tình báo bồi hồi nhớ lại: "Khi ấy, tổ chức cách mạng của ta còn rất khó khăn, gia đình tui cũng quá nghèo nên má tui phải chạy vạy vay mượn hàng xóm mới đủ được ngần ấy để lo cho con vào Thiên Nga".
Khi đã nhận tiền, Năm Mỹ vui vẻ dẫn "cô" Thanh qua gặp Sáu Dung. Đây vốn không phải là lần đầu tiên phụ trách ban nữ của Thiên Nga gặp cô gái này. Trước đó, Sáu Dung đã "lưu tâm" tới cô Năm Thanh cao ráo xinh xắn, hoạt bát đi bán hàng rong. Ả đã bí mật cho người xác minh lai lịch của "cô" rất kỹ càng nên khi thấy chị gái giới thiệu "cô" F5, Sáu Dung nhận lời ngay. "Nhờ các cán bộ cách mạng lo lý lịch của tui chu toàn và kín kẽ nên không chỉ Sáu Dung mà cả tên trung úy Mười Râu cũng không phát hiện được điều gì nghi vấn cả", ông Năm Thắng kể.
Ngày 1/1/1971, "cô" Huỳnh Thị Thanh chính thức được gia nhập tổ chức "nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng" khi vừa tròn 18 tuổi. Ở trong biệt đội này, cô Thanh được giao nhiệm vụ theo dõi tin tức ở vùng Nước Trong và một số địa bàn ở xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày) dưới vỏ bọc một cô gái bán bánh dừa.
Lập công xuất sắc
Áp lực vì quá... đẹp Trong thời gian hoạt động thám báo ở Thiên Nga Phụng Hoàng, Năm Thanh đã gặp nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" cũng chỉ vì nhan sắc xinh đẹp. Không chỉ cảnh sát, mật thám mà ngay cả tên Trung úy Mười Râu cũng từng thèm thuồng "kiều nữ" này. Hắn liên tục rủ người đẹp đi xem phim, đi chơi để tìm cách ve vãn. Nhiều lần, Mười Râu có ý định sàm sỡ, đòi "ngủ" với F5 nhưng "cô" đều khéo léo từ chối.
Nhờ sự khôn khéo, Năm Thanh dần lấy được lòng Sáu Dung. Cô luôn cận kề kẻ phụ trách ban nữ như một vệ sĩ riêng. F5 được Sáu Dung nâng đỡ, bao bọc và kết nghĩa chị em. Trong tất cả các thành viên của tổ chức, Năm Thanh được coi là nữ thám báo nhanh nhẹn và đáng tin cậy nhất của Thiên Nga ở Mỏ Cày.
Tuy nhiên, để vừa đảm bảo được sự tin cậy, vừa che giấu được thân phận thật, F5 luôn ý thức được rằng mọi hành động phải hết sức cẩn trọng, bởi sống giữa hang hùm chỉ hơi sơ hở là bị phát hiện và bị thủ tiêu bất cứ lúc nào. "Dù đã được tiêm thuốc làm giảm nam tính, giọng nói cũng đã thay đổi nhưng khổ nỗi, râu tui vẫn mọc ra. May mắn là các thành viên của Thiên Nga đều có một phòng sinh hoạt riêng nên cứ tối đến là tui phải... nhổ hết râu, đến sớm mai, da liền lại là không thấy vết nhổ"- Năm Thắng kể về "bí quyết" giả gái.
Khi đã được cấp thẻ thám báo, Năm Thanh luôn hoàn thành tốt công việc của tổ chức giao phó. Nhiệm vụ của F5 và các thành viên trong biệt đội Thiên Nga là sáng ra phải có mặt tại trụ sở báo cáo tình hình tin tức hoạt động của Việt cộng, lên kế hoạch đối phó và nhận mệnh lệnh cấp trên, sau đó lại trở về với công việc thường nhật. Ngày ngày, F5 được giao nhiệm vụ đội lốt thiếu nữ gánh hàng rong đi lại trong xã Định Thủy và "để mắt" tới Việt cộng.
Huyền thoại tình báo thời còn trẻ. Ảnh TG
Để tạo dựng lòng tin, F5 đã phối hợp cùng với đồng chí Đặng Tấn Phong (nguyên Thiếu tá CA tỉnh Bến Tre) ở cơ sở chủ động chỉ điểm giả nhưng phải đảm bảo sự chính xác để lấy lòng tổ chức. Nhớ lại những tháng năm hoạt động trong hang hùm, ông Năm Thắng cười xòa: "Tui phải cố gắng để mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch đã bàn với đồng chí Phong. Tui báo với Sáu Dung địa điểm phục kích của Việt cộng. Có hôm, tui báo tin có quân du kích phục ở mé đồn... Sáng hôm sau, bọn chúng cho quân kiểm tra và thấy có nhiều vết chân của du kích mai phục, từ đó Mười Râu và Sáu Dung hoàn toàn tin tưởng tui".
Suốt 5 năm hoạt động trong Thiên Nga, điều khiến ông nhớ mãi là chiến công xuất sắc khi phát hiện được hai tên thám báo nằm vùng nguy hiểm của địch. Vào năm 1973, Nguyễn Văn Tư (Tư Một - thuộc tổ chức cảnh sát đặc biệt Bến Tre) và Phạm Văn Hương (nhân viên tình báo Tiểu khu Mỏ Cày) đã lập công với Thiên Nga khi giúp tổ chức này bắt giữ được nhiều chiến sĩ cách mạng.
Một lần đi chơi, Sáu Dung tiết lộ với Năm Thanh: "Có hai nam thám báo bên ban của anh Mười Râu lập công lớn nên được thưởng rất hậu hĩnh. Nhờ có hai anh này, chúng ta tiêu diệt được 4 tên Việt cộng. Bởi vậy, bên ban nữ cần phải cố gắng hơn nữa để được cấp trên khen thưởng". Nghe vậy, Năm Thanh như "mở cờ trong bụng", "cô" liền tỉ tê: "Chị ơi, em rất khâm phục anh Tư Một và anh Hương. Hai anh ấy giỏi thiệt đó. Chị cho tụi em được gặp hai ảnh để học hỏi kinh nghiệm. Mà bộ chắc hai anh đẹp trai lắm, giới thiệu cho ban nữ nha chị Sáu!". Nghe người em kết nghĩa bày tỏ nguyện vọng, Sáu Dung không chút nghi ngờ đã đồng ý đưa Năm Thanh sang ban nam để học hỏi "bí kíp" chỉ điểm. Chỉ trong một thời gian ngắn, F5 đã có trong tay hai tấm hình của Tư Một và Phạm Văn Hương. Đồng thời, "cô" cũng nắm được thông tin chính xác địa điểm chúng thường hoạt động và bí mật gửi về để tổ chức của ta nhận diện. Ngay sau đó, hai tên thám báo đã bị tiêu diệt. Những ngày sau đó, Năm Thanh đã giúp tổ chức cách mạng nhận ra kẻ chiêu hồi Ba Đăng. Sau khi đầu hàng giặc, tên này tự nguyện làm chỉ điểm cho Thiên Nga. Nhưng rồi, Ba Đăng cũng có chung số phận như những tên phản gián khác. Cuối cùng, hắn đã bị cách mạng trừ khử.
Một thời gian sau, đi bán bánh ở đâu, "cô" Thanh cũng nghe người dân bàn tán về việc mấy tên chỉ điểm bị cách mạng trừng trị. Vờ như không biết, Năm Thanh chỉ hỏi bâng quơ "vậy hả?", rồi quay thúng đi rong ruổi trên những nẻo đường mà trong lòng vui như "trẩy hội". Ít ai ngờ rằng, cô "kiều nữ" với gánh hàng rong chính là người lập công xuất sắc tiêu diệt bọn phản quốc.
(Còn nữa)
Theo Khôi Nguyên (Gia đình & Xã hội)
Gặp doanh nhân hiến hơn 5 ngàn lạng vàng cho cách mạng Có một thời gian khó nhưng đẹp như cổ tích, như huyền thoại của nước Nam ta khi hàng vạn cây vàng được hiến tặng chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ... Tôi gặp lại cụ bà Trịnh Văn Bô mới cách đây ít ngày dịp Bộ Tài chính có hẳn một cuộc hội thảo để chuẩn bị việc ra...