Tỉnh Bắc Ninh “tuýt còi” vụ đấu giá “cụ” sưa 200 tuổi
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết đã yêu cầu Sở Tư pháp rà soát lại quy trình đấu giá cây gỗ sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc (Thuận Thành).
Liên quan đến những lùm xùm xung quanh vụ việc cây sưa 200 tuổi tại đình làng Đông Cốc (thôn Đông Cốc – xã Hà Mãn – Thuận Thành – Bắc Ninh) được đấu giá 24,5 tỷ đồng, UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Sở Tư pháp rà soát lại quy trình đấu giá.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tử Quỳnh – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện tỉnh này đã ra văn bản đình chỉ việc mua bán khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc.
Số phận cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc đến nay vẫn chưa được định đoạt.
Theo ông Quỳnh, cây sưa 200 tuổi là cây nằm trong di sản nên Bộ Văn hóa và tỉnh đồng ý mới được khai thác nhưng việc đấu giá phải thực hiện đầy đủ quy trình đấu giá.
Ông Quỳnh cho biết: “Ngày 5/8, tôi đã ra văn bản giao cho Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh rà soát lại toàn bộ quy trình. Hiện, Sở Tư pháp đang phối hợp với phía công an và Sở NN&PT Nông thôn rà soát lại lần cuối để kết luận”.
“Nếu trường hợp không chặt chẽ thì sẽ hủy kết quả đấu giá”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay.
Cũng liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn – Nguyễn Văn Hiến cho biết: Hiện tại UBND huyện Thuận Thành ra công văn yêu cầu dừng lại. Tới đây, chính quyền sẽ triệu tập họp dân để bàn thảo, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân.
Nói về kế hoạch chi số tiền sau bán sưa 200 tuổi, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn cho biết, số tiền bán cây sưa này sẽ được đưa riêng cho thôn dùng để tu bổ di tích đình làng Đông Cốc, xây dựng các công trình, cơ sở của thôn.
“Nếu cần thiết xã sẽ đứng ra mở tài sản cho thôn giám sát vì thôn không đủ tư cách pháp nhân”, ông Hiến nói.
Video đang HOT
Cũng theo thông tin từ ông Hiến, theo luật, đúng 10 ngày từ khi đấu giá thành công thì người trúng giá đã chuyển tiền vào tài khoản.
Vị “đại gia” cũng nhiều lần đề nghị được khai thác cây sưa 200 tuổi nhưng lại gặp phải những lùm xùm gần đây.
Trong buổi làm việc với PV, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn cung cấp một bản hợp đồng khác liên quan đến cây sưa này. Bản hợp đồng khiến ngay cả lãnh đạo xã Hà Mãn cũng phải bất ngờ!
Theo Nhất Nam (Người đưa tin)
Đại gia gỗ Đồng Kỵ hé lộ phiên đấu giá "cụ" sưa 200 tuổi
Có tất thảy 5 đại gia gỗ, trong đó có 4 đại gia đến từ làng gỗ Đồng Kỵ tham gia phiên đấu giá cây sưa 200 tuổi ở thôn Đông Cốc (Thuận Thành - Bắc Ninh).
Đại gia gỗ hé lộ về phiên đấu giá "cụ" sưa 200 tuổi
Số phận của cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc (xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) đến nay, vẫn chưa được định đoạt dù đã nhiều lần ngã giá.
Từ những năm 2012 về trước và đến nay, đã có biết bao "đại gia gỗ" tìm đến đình làng Đông Cốc ghé thăm cây sưa 200 tuổi với ý định "mua bán", thế nhưng sự thể đều bất thành.
Mới nhất, là cuộc đấu giá cây sưa 200 tuổi diễn ra ở Hà Nội khi một đại gia trúng giá 24,5 tỷ đồng nhưng bị nhiều người dân nghi ngờ dẫn đến mâu thuẫn làm vùng quê vốn yên bình trở nên "căng thẳng".
Khuôn viên đình làng Đông Cốc với những cánh cửa sắt kín đáo để bảo vệ những cây sưa hàng trăm năm tuổi giá trị hàng chục tỷ đồng - (Ảnh: Nhất Nam).
Theo tìm hiểu của PV, cuộc đấu giá cây sưa 200 tuổi diễn ra vào sáng ngày 1/8, tại Công ty CP Đấu giá Việt Nam (trụ sở KĐT Đầm Trấu, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Phiên đấu giá có sự góp mặt của khoảng 10 cán bộ gồm cả lãnh đạo huyện Thuận Thành, lãnh đạo xã Hà Mãn và đại diện đến từ thôn Đông Cốc như: Bí thư thôn - Nguyễn Văn Thỏa , Trưởng thôn - Nguyễn Văn Mậu và Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn - Nguyễn Văn Hựu.
Đặc biệt, tham gia phiên đấu giá có 5 đại gia gỗ cùng đến từ Từ Sơn (Bắc Ninh), trong đó có 4 đại gia đến từ làng gỗ Đồng Kỵ và 1 đại gia đến từ Đồng Quang.
Giá khởi điểm của cây sưa 200 năm tuổi được đưa ra đấu bán là 23.964.672.000 đồng (không có thuế GTGT). Phiên đấu giá diễn ra 16 lần thì tìm được người trả cao nhất là ông Nguyễn Văn Hùy đến từ Đồng Kỵ (Từ Sơn - Bắc Ninh) với giá là 24.5 tỷ đồng.
Ông Hùy đã trả qua các mức giá là 24,1 tỷ; 24,24 tỷ; 24,35 tỷ và giá trúng cao nhất là 24,5 tỷ đồng.
Trao đổi với PV qua điện thoại, một đại gia tham gia trong phiên đấu giá cho rằng việc cây sưa được bán với giá 24,5 tỷ là giá khá cao vì thời giá bây giờ khó nói. Tuy nhiên, theo "đại gia" này sự việc gây xôn xao vừa qua khiến người mua gặp thiệt thòi rất lớn.
Một đại gia gỗ trẻ tuổi đến từ Đồng Kỵ tham gia buổi đấu giá cho PV biết, qua thông tin trên mạng anh được biết cây gỗ sưa 200 tuổi ở Đông Cốc được đấu giá nên anh đăng ký tham gia.
Đình làng Đông Cốc có lịch sử lâu đời - (Ảnh: Nhất Nam).
Tuy nhiên, vị đại gia trẻ này tỏ ra không mặn mà với cây gỗ sưa 200 tuổi khi cho rằng mình chỉ trả vài câu vì thấy các đại gia khác trả hăng quá. "Anh chỉ trả mấy câu vì thấy người ta trả hăng quá nên rút", vị đại gia trẻ chia sẻ.
Nói thêm về cây gỗ sưa này, vị đại gia đến từ Đồng Kỵ cho biết, qua thăm cây thấy thân cây đã chết 1/3 nên không biết chất lượng bên trong sẽ như thế nào và vì thế việc trả cây với giá cao như người dân nói (49 tỷ) là ngang với đánh bạc.
Vì sao cây sưa đang xanh tốt ... bỗng khô một phần thân?
Liên quan đến sự việc cây sưa 200 tuổi bị khô một phần, nhiều người dân trong thôn Đông Cốc cho biết, vài năm trước, khi cơn sốt gỗ sưa lên cao và người dân cũng tính đến chuyện bán cây thì có nhiều thương lái đã ghé thăm. Trong đó, có cả những thương lái đến từ Trung Quốc.
Cây sưa cổ thụ 200 tuổi nhiều lần được ngã giá bất thành - (Ảnh: Nhất Nam).
Khi thương lái người Trung Quốc ghé thăm họ đã khoan thử vào thân cây để đo lõi cây. Sau đó một thời gian, cây bỗng có biểu hiện cành khô, lá héo. Người dân nghi ngờ mũi khoan trên là nguyên nhân khiến cây mất dần đi sự sống (?).
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn - Nguyễn Văn Hiến xác nhận: Lúc đó, cây sưa đang xanh tốt nhưng sau khi những lái buôn Trung Quốc đến thăm, họ khoan 2 mũi vào tâm cây khiến cây chết khô.
"Cây đang xanh tốt họ khoan 2 mũi thì làm gì cây chả chết... Thời điểm những năm 2012, có rất nhiều thương lái đến thăm sưa", Chủ tịch UBND xã Hà Mãn cho biết thêm.
Ông Hiến cũng cho rằng, nếu để truy việc cây sưa chết thì trách nhiệm phải thuộc về Ban Quản lý, lãnh đạo thôn thời điểm đó.
(Còn nữa)
Theo Nhất Nam (Người đưa tin)
Ghen tuông, vợ cũ cắt cổ chồng rồi uống thuốc sâu tự tử Mặc dù đã ly hôn từ năm 2008, nhưng N.T.H. và anh N.M.C vẫn sống chung một nhà. nghi ngờ anh C đang có quan hệ với người phụ nữ khác nên thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn đánh, cãi nhau. Đêm 23/10, nổi cơn ghen, H. dùng dao cắt cổ chồng cũ rồi uống thuốc sâu tự tử. Ngôi nhà xảy ra...