Tỉnh Bắc Giang xem xét hỗ trợ gia đình ông Chấn
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: UBND tỉnh đang xem xét hỗ trợ gia đình ông Chấn về mặt vật chất, đồng thời giao Công an tỉnh làm rõ những cán bộ sai phạm để xử lý theo quy định.
Chiều 7/11, trao đổi với phóng viên về trường hợp án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn ( thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết: Sau khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quyết định huỷ hai bản án đã xử đối với ông Chấn, tỉnh đã giao phía Công an tổ chức rút kinh nghiệm và làm rõ những cán bộ công an sai phạm để xử lý theo đúng quy định, không dung túng hay bao che bất cứ ai. Riêng về ngành tư pháp như Toà án và Viện kiểm sát tỉnh thì thẩm quyền đề nghị, kiểm tra, xử lý lại thuộc về Tỉnh uỷ tỉnh Bắc Giang.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang trao đổi với phóng viên.
Ông Nguyễn Văn Linh cho biết thêm: Mỗi năm tỉnh Bắc Giang nhận hàng chục nghìn đơn thư của người dân về nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong gần 3 năm đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông chưa từng nhận được đơn thư khiếu nại về trường hợp của ông Chấn.
“Vụ việc ông Chấn đã xảy ra cách đây 10 năm, cũng quá lâu nên việc kiểm tra xem đơn thư công dân gửi đến đâu, chúng tôi có nhận được hay không thì giờ này chưa thể khẳng định. Thời điểm năm 2003, Chủ tịch tỉnh là Đào Xuân Cần, còn ông Phạm Hữu Khánh làm giám đốc công an tỉnh. Từ đó đến nay, địa phương đã thay đổi nhiều kể cả Chủ tịch đến giám đốc công an tỉnh. Hiện chúng tôi đã cho kiểm tra, rà soát lại”, ông Linh cho biết.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang tới thăm hỏi động viên ông Nguyễn Thanh Chấn.
Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang: Hiện UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tổ chức thăm hỏi động viên gia đình ông Chấn, đồng thời xem xét thực hiện hỗ trợ gia đình ông Chấn về vật chất.
“Sau khi tiếp nhận thông tin Toà Tối cao huỷ hai bản án đã xét xử đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, thay mặt UBND tỉnh Bắc Giang, chúng tôi đã giao trực tiếp UBND huyện Việt Yên và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đến chia sẻ, động viên về mặt tinh thần với ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình. Về vật chất, ông Chấn là con liệt sĩ nên đang chúng tôi đang chờ báo cáo từ huyện về tình hình khó khăn mà gia đình gặp phải hiện nay để bàn việc hỗ trợ cho gia đình ông trong việc sửa sang, xây dựng nhà cửa. Nếu là hộ gia đình nghèo thì cần được xem xét để hỗ trợ ngay”, ông Nguyễn Văn Linh cho hay.
Theo Xuân Lực
Sáng tỏ nỗi oan "đòi tình không được, ra tay giết người"
Chuỗi ác mộng 10 năm mang tội hiếp dâm, giết người, rồi cũng đã đến lúc kết thúc với ông Chấn và người thân. Niềm vui lại bắt đầu nhen lên trong ngôi nhà tuềnh toàng, xơ xác.
Thôn Me sau kỳ án oan của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn dường như chưa bao giờ nhộn nhịp hơn thế. Suốt dọc đường dẫn vào nhà phạm nhân oan sai này, chỉ cần hỏi đường đến Thôn Me là người dân hỏi ngay rằng: "Vào nhà ông Chấn hả?" Như thế đủ để thấy rằng "nhiệt" trong án oan này cao đến thế nào.
Sau khi người "tù oan" trở về hòa nhập với cộng đồng, người người mừng cho công dân chân chất ấy. Thời điểm cách đây 10 năm khi xảy ra án, có lẽ dân làng nơi đây đã xác định sẽ không bao giờ còn được gọi cái tên Nguyễn Thanh Chấn và nhìn thấy người đàn ông này hiện hữu trong thôn làng bình yên này nữa.
10 năm - vật đổi sao dời, cuộc sống luôn biến động và đổi thay không ngừng nghỉ. Ông Chấn trở về nhà với một bộ mặt ngô nghê, và những động tác, cử chỉ khá chậm chạp, không còn nhanh nhẹn hoạt bát như 10 năm trước đây. Ông ngô nghê ngay trong chính con đường dẫn vào nhà mình, rồi đến từng đồ vật trong ngôi nhà thân thuộc xưa cũ. 10 năm tù oan, với chất chồng bao nỗi đau và nước mắt, là sự tủi hờn của những con người khốn khổ phải hàng ngày, hàng giờ căng mình cầm cự trước những sóng gió của cuộc đời.
Video đang HOT
Căn nha ngheo xac xơ 10 năm văng bong ông Chân
Chúng tôi tìm về nhà ông Chấn tại thôn Me, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, sau 3 ngày ông được tại ngoại trở về nhà. Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, xiêu vẹo bên mảnh vườn tan hoang, xơ xác, thiếu vắng sự chăm sóc chỉn chu. Bên trong nhà đồ vật tuềnh toàng, chẳng có gì đáng giá. Thậm chí, những đồ vật "tự chế" có lẽ từ thời "thượng cổ" rồi, nhưng cho đến giờ vẫn còn được sử dụng, khiến ai cũng phải chạnh lòng. Những gì được coi là "án tại hồ sơ" trong vụ việc này đã phút chốc xé toạc bức tranh hạnh phúc và bình yên của cả một gia đình. Sóng gió bất ngờ ập đến khiến những con người trong gia đình ấy lâm vào cảnh ly tán, đớn đau, tủi nhục.
7 con người chung nhau cay đắng
Khi chúng tôi có mặt, vợ ông Chấn đang nằm co quắp tại một góc giường, khuôn mặt vẫn in hằn sự mệt mỏi. Đôi mắt bà nhắm hờ, thỉnh thoảng những giọt nước mắt lại trào ra, như muốn thỏa thê hết những chuỗi ngày cay đắng, tủi cực. Từ hôm chồng được tha về, tinh thần bà cũng phấn chấn hẳn lên, bệnh tình có phần thuyên giảm.
Thời điểm ông Chấn bị bắt đi, rồi bị kết án tù chung thân, ngôi nhà cấp bốn hiện nay chỉ được xếp bằng gạch, lợp bằng prô xi măng. Thương các con khổ cực, và đau đáu với nỗi đau chồng bị oan sai, bà Chiến chỉ còn biết cắn răng làm việc bằng năm, bằng mười người khác. Việc đầu tiên là lo dựng lại ngôi nhà, sao cho 4 người con có chỗ ở gọi là "tạm" tử tế, để những ngày vác đơn đi kêu oan, bà Chiến không phải thấp thỏm âu lo.
"Khi đó, tiền bán hàng, tiền đi làm được bao nhiêu là tôi lại dành dụm để cứ vài tháng lại đón ô tô khách lên trại giam trên Vĩnh Phúc thăm ông ấy một lần. Mỗi lần đi như vậy cũng mất 2 - 3 ngày. Số tiền dành dụm được còn lại, tôi đi khắp nơi kêu oan cho chồng", bà Chiến kể.
"Vì làm được đồng nào, tôi lại dùng để đi kêu oan cho bố chúng nó, nên chỉ có mỗi thằng út được học hết cấp 3, những đứa còn lại chỉ được học tới lớp 9", nói tới đây bà Chiến lại khóc. Vài năm nay bà Chiến phải đi viện liên tục vì bệnh huyết áp, thần kinh .Trước hôm chồng được tha, bà vẫn phải nằm viện tâm thần. Hiện tại, sức khoẻ bà vẫn chưa ổn định, lúc nóng giận, khi mệt mỏi thất thường.
Bà Chiên - vơ ông Chân ôm đau suôt nhưng vân quyêt tâm kêu oan cho chông
Ông Chấn đi tù khác nào cột trụ gia đình bị gãy xuống. Cái tiếng "chồng, cha hiếp dâm, tù tội, giết người" khiến vợ con ông Chấn đi đâu cũng bị người đời xì xào, mỉa mai. Rất nhiều lần trong ngần ấy năm, gia đình nạn nhân Hoan đến trước cửa nhà ông Chấn mắng chửi thậm tệ, mà vợ con người mang án oan cũng không dám nói lại nửa lời. Nghiệp làm ăn cũng sụp đổ từ đó.
Ngày bố bị bắt, 4 đứa con ông Chấn đi học đến trường là bị bạn bè xa lánh, miệt thị đến mức cả 3 đứa đầu phải bỏ học. Cậu út học lên cao đẳng nhưng cũng nghỉ nửa chừng vì bạn bè biết được bố mang tội giết người.
Cụ Nguyễn Thị Vì thì chia sẻ bằng giọng khó nhọc: "Tôi năm nay 72 tuổi, ngày con tôi bị bắt tôi vẫn còn sung sức lắm. 10 năm qua, gia đình tôi sống trong bão tố, ngày nào tôi cũng thắp hương đều đặn 2 lần để mong đèn trời soi xét, phù hộ cho con tôi sớm được giải nỗi oan khuất. Từ sâu trong tâm khảm, tôi vẫn luôn có đức tin rằng, con tôi rồi sẽ có ngày được giải oan, trở về đoàn tụ với gia đình..."
Cụ Vi - me ông Chiên rưng rưng xuc đông khi thây con trai được giải oan, trở về đoàn tụ
Đã bao lần cụ bị người làng xì xào, mắng chửi thậm tệ. Thậm chí người ta còn bảo cụ "đẻ ra đứa con lộn giống".
Nỗi đau tinh thần đi liền nỗi đau vật chất. Con dâu suốt ngày kêu oan và dành dụm đi thăm chồng hàng tháng, cụ Vì còn được chút sức nào cũng gắng chút sức ấy phụ giúp, ngồi bán cà pháo ở chợ. Có dạo đi ăn cỗ một đám cưới trong làng, trong mâm có 6 người nhưng chỉ 5 người nói chuyện với nhau. Cụ Vì bị đẩy "ra rìa" trong suốt quá trình ăn uống, cả đến lúc biếu lộc mang về, cụ Vì cũng không có suất. Tuổi già hẩm hiu, lại luôn bị người đời dè bỉu, nhưng người mẹ này vẫn rất kiên cường để sống và tồn tại trong búa rìu dư luận.
Tội nghiệp nhất có lẽ là cô con gái thứ 3 của ông Chấn, tên là Quyền. Chị này năm nay đã 30 tuổi song vẫn đang lưu lạc xứ người làm giúp việc. Chỉ vì bố " như thế", chẳng ai nhòm ngó và để ý đến, nên đến giờ Quyền vẫn ở không.
Cụ Vì bảo: "Nó nhất quyết không chịu về nhà, vì mặc cảm. Gia đình thương xót nó vất vả, phải bôn ba lưu lạc, nên hết lần này đến lần khác động viên cháu về, song nó một mực rằng "nếu bố được ra tù thì về, còn không thì sẽ đi làm giúp việc như thế cả đời và không bao giờ quay về Việt Nam nữa"".
Hỏi tâm trạng cụ khi hay tin con trai được minh oan ra sao, đôi mắt nhăn nheo không còn rõ mí bỗng sáng rực lên, khuôn mặt rạng rỡ: "Vui lắm cô chú ạ. Người làng nói trêu gia đình tôi phải mổ lợn ăn mừng cho người mới từ cõi chết trở về".
Bưc thư nao anh viêt vê cho vơ cung băt đâu băng 4 chư "Đêm buôn nhơ em"
Anh Nguyễn Hữu Quyết, con trai cả của ông Chấn, cho biết, gia đình anh trong 10 năm qua có một cuộc sống quá bĩ cực. Khi bố đi tù, trong nhà chỉ còn lại chiếc xe ngựa nhưng cũng phải bán rẻ vì không có ai thuê. Quyết phải đi làm thợ xây, sau này mổ lợn cho mẹ bán. Dành dụm được đồng nào là mẹ lại mang đi thăm bố. Thương bố, anh càng đau đớn hơn nhìn mẹ gục ngã từng ngày.
10 năm đi lại tiếp tế cho chồng, thu thập bằng chứng và kêu oan lên các ngành, các cấp trong vô vọng, khiến người đàn bà bệnh tật đầy người.
"Năm 2011, mẹ bị tai biến đến mức miệng cứng không nói được, may mà cấp cứu kịp thời. Rồi có lần bị tai nạn giao thông ngã rách sâu ở đùi, phải chữa trị khá tốn kém. Khoảng 6 tháng nay, dần đoán được hung thủ và biết được cuộc chiến đang gần đến hồi kết thì mẹ khỏe lại. Bất ngờ có tin đảo ngược hoàn toàn vụ án, mới khiến mẹ hóa điên như vậy. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây khi bố về, mẹ em cũng tỉnh táo hơn đôi chút, cả nhà ai cũng mừng. Có bữa ngồi nói chuyện quên ăn. Rồi bố mẹ em thức trắng cả đêm, cứ thế nằm ôm nhau khóc", Quyết tâm sự.
Về phần ông Chấn, cho đến giờ nhiều lúc vẫn chưa tin rằng "được thức dậy trên cái giường của nhà mình". Ngồi tù 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn chậm chạp đi nhiều so với tuổi hiện tại. Ông bị mắc chứng đau đầu kinh niên, không nói được nhiều. Một câu hỏi dài, nhiều nội dung cũng có thể làm ông bị bối rối, bóp trán. Chỉ cần ai đó nhắc đến từ "oan" cũng có thể khiến ông bật khóc.
Nhưng dong chư chưa chan cam xuc cua anh Chân khi gưi vê cho gia đinh, vơ con
10 năm tủi nhục trong tù, ông luôn bày tỏ khát vọng một ngày nào đó được trở về với gia đình, vợ con. Ngày vướng vào vòng tù tội, các con còn chưa kịp lớn khôn, giờ được giải oan trở về, ông đã có con dâu và lên chức ông nội.
Cái tên gây chấn động
Dân làng nơi đây thường nói vui cái tên Nguyễn Thanh Chấn đúng là tạo nên "chấn động". Vụ án oan mang tên Nguyễn Thanh Chấn dường như khiến cho lòng dân cả nước phẫn nộ.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang: Nguyễn Thanh Chấn có một quán bán tạp hóa gần sân bóng thôn Me. Chiều 15.8.2003, tại đây có tổ chức giao lưu đá bóng của thanh niên trong làng. Đến 19h cùng ngày, khi trận bóng kết thúc, bà Nguyễn Thị Chiến - vợ ông Chấn nói chồng đi xin nước về để phục vụ bán hàng. Ông Chấn đi xe đạp qua nhà một người dân ở cuối sân bóng để xin nước.
Khi qua nhà chị Nguyễn Thị Hoan, cách cửa hàng của gia đình ông Chấn khoảng 100 mét, thì thấy có mỗi hai mẹ con chị Hoan ở trong nhà. Ông Chấn tiếp tục đạp xe đến nhà một người hàng xóm với chị Hoan là anh Minh, nhưng nhà anh này tắt điện không có ai ở nhà. Ông Chấn dựng xe đạp vào thành giếng của gia đình anh Minh rồi đi tắt qua ruộng khoai lang để vòng về phía sau nhà chị Hoan.
Quan sát thấy cửa sau nhà chị Hoan mở, ông Chấn lẻn vào và nói với chị Hoan cho mình quan hệ, nhưng người phụ nữ này không đồng ý và nói lại: "Anh đừng lằng nhằng, vớ vẩn". Ngay sau đó, Chấn lao vào sàm sỡ chị Hoan, tuy nhiên bị chị Hoan chống cự quyết liệt. Chấn quật ngã chị Hoan ngã xuống đất. Tay trái của Chấn giữ tay chị Hoan và dùng gối chân tì vào sườn người phụ nữ này, còn tay phải thò vào túi quần rút ra một con dao bấm (loại dao có bản rộng 2 cm, dài 10 cm) rồi đâm nhiều nhát vào bụng, mặt và sườn chị Hoan...
Trong lúc bị đâm, nạn nhân có giơ tay lên đỡ khiến lưỡi dao bị gãy. Khi lưỡi dao bị gãy, Chấn đút chuôi dao vào túi và dùng hai tay nâng phần đầu lên rồi đập mạnh xuống đất nhiều lần. Thấy mặt nạn nhân chảy quá nhiều máu, Chấn dùng chiếc gối đậy vào mặt, sau đó đi ra khép cửa lại rồi tắt điện và bỏ trốn bằng cửa chính.
Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, xác của chị Hoan đã được phát hiện. Vụ việc ngay sau đó đã được cấp báo lên cơ quan chức năng. Ngày 16.8.2003, cơ quan chức năng khám nhiệm hiện trường vụ án, tìm thấy một lưỡi dao bấm rơi cạnh xác nạn nhân, phát hiện trên nền nhà có nhiều dấu chân trần dính máu...
Vẫn theo cáo trạng: Ngày 28.9.2003, ông Chấn đã đến cơ quan điều tra tự thú và khai nhận mình chính là người giết chết chị Hoan. Cùng ngày, ông Chấn bị tạm giam. Sau đó, cả phiên tòa của tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao, diễn ra vào các ngày 26.3, 7.6.2004, đều tuyên án chung thân đối với ông Chấn về tội danh "giết người", được quy định tại khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Môt goc nha đơn sơ, nhưng tư nay se tran ngâp tiêng noi cươi hanh phuc cua gia đinh ông Chân
Cũng phải nói rằng, vợ ông Chấn là người phụ nữ rất kiên cường. Nhìn người phụ nữ nhỏ bé và chân chất này chẳng ai nghĩ rằng chính bà lại có thể góp sức lật ngược lại tình thế tưởng như đã vô vọng, để cứu người đàn ông của cuộc đời mình thoát khỏi án oan, trở về như vậy.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Công an xã Nghĩa Trung, cho biết, chứng kiến cảnh bà Chiến ốm đau, bị không ít lời đàm tiếu, mà vẫn kiên trì đi kêu oan cho chồng, không ít người bày tỏ sự thán phục. Vẫn theo ông Hoàn, từ những thông tin đứt quãng, chưa thật rõ ràng của một người họ hàng với Lý Nguyễn Chung (nghi phạm mới ra đầu thú về tội mà ông Chấn đang gánh chịu) nói ra, bà Chiến đã âm thầm lần theo từng manh mối, để làm cơ sở minh oan cho chồng.
Cũng từ đây, tất cả những cuộc nói chuyện với người nhà Lý Nguyễn Chung đều được bà Chiến bí mật ghi âm lại. Về nhà, bà Chiến mày mò ráp nối lại các thông tin có được. Dần dà, chân dung nghi phạm ra tay giết hại chị Hoan được dựng lên.
Theo bà Chiến, điều khiến bà nghi ngờ nhất là sau khi vụ án xảy ra, Chung gần như không còn xuất hiện ở làng Me nữa. Tìm hiểu, bà Chiến được biết hiện anh này đã lấy vợ, có con và đang làm ăn sinh sống ở tận Đắk Lắk. Tất cả những thông tin quý giá trên được bà Chiến thể hiện trong đơn gửi các cơ quan chức năng. Trên cơ sở này, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã phối hợp cùng Bộ Công an, TAND Tối cao, khẩn trương điều tra, xác minh, vận động Chung ra đầu thú.
Chuỗi ác mộng 10 năm rồi cũng đã đến lúc kết thúc với ông Chấn và người thân. Giông bão đã qua đi và bầu trời đã trong xanh trở lại. Người đàn ông của tổ ấm nhỏ bé cuối cùng cũng đã trở về. Con có lại cha, vợ có lại chồng. Hơi ấm lại trở về trong ngôi nhà ọp ẹp, cũ kỹ, song đầy sánh những yêu thương. Hi vọng từ đây với sự quan tâm và giúp đỡ của tất cả mọi người, ông Chấn sẽ sớm khắc phục được khó khăn hiện tại, tiếp tục chèo lái con thuyền gia đình xuôi theo dòng chảy êm ả và nhiều thuận lợi, để bù lại những mất mát, thiệt thòi suốt những năm tháng qua. 10 năm ấy - biết bao đau đớn!
Theo ANTD
10 năm tù oan: Tâm sự nhói lòng của mẹ già Bà bảo rằng mình rất sợ - sợ cái ngày con trai được ra tù mà mẹ không còn sống trên đời nữa. "Thằng Chấn bị oan, bị tù tội, sống tủi nhục nhiều năm trong tù và ở ngoài, cả gia đình nó cũng đâu tránh khỏi những nỗi oan ức. Từ khi bố bị kết tội giết người, cả 4 đứa...