Tin vui: Sản xuất thành công hạt giống dưa hấu xuất sang Nhật
Sau 2 năm nghiên cứu và canh tác thử nghiệm, đến thời điểm này Việt Nam đã sản xuất thành công hạt giống dưa hấu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.
Kết quả này đạt được từ quá trình hợp tác, chuyển giao kỹ thuật và thực hiện canh tác thử nghiệm trên giống dưa hấu từ Nhật Bản do Công ty Hagihara Farm của Nhật triển khai.
Kỹ sư Nhật Bản giám sát việc trồng khảo nghiệm giống dưa hấu tại Việt Nam
Ban đầu, vùng khảo nghiệm được Hagihara Farm xây dựng tại tỉnh Gia Lai. Trước đó, phía Nhật Bản cũng chọn Thái Lan nhưng các địa phương này không cho chất lượng như mong muốn. Vùng trồng tại các tỉnh ĐBSCL được chọn thay thế, cụ thể là tại tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang.
Đây là hai khu vực có các điều kiện tự nhiên tốt, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu trong quá trình kiểm nghiệm được đặt ra bởi phía doanh nghiệp Nhật Bản, có thể cho ra năng suất hạt cao nhất và phẩm chất trái thương phẩm ngon nhất.
Ông Trần Việt Trương ngụ huyện Châu Thành (Hậu Giang), người trực tiếp tham gia sản xuất cho biết sản xuất hạt giống đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Nhật Bản là điều không đơn giản.
“Khó khăn nhất là khâu thụ phấn lai tạo để hình thành nên trái dưa giống, đòi hỏi sự lựa chọn kỹ càng và tỉ mỉ với tập trung cao độ trong từng thao tác khi tiến hành thụ phấn cho dưa” – ông Trương kể.
Sản xuất hạt giống dưa hấu khó nhất ở khâu thụ phấn lai tạo để hình thành nên trái dưa giống
Video đang HOT
PGS. TS. Dương Văn Chín – Tập đoàn Lộc Trời đánh giá, việc sản xuất hạt giống ưu thế lai cho quả thương phẩm vừa không có hạt nhưng chất lượng vẫn ngon là việc khó dù ngoài thị trường có bán rất nhiều hạt giống dưa hấu.
Công ty Hagihara đã nghiên cứu chọn ra được bộ hạt giống bố mẹ tối ưu. Nông dân Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của lực lượng kỹ thuật dùng hạt giống bố mẹ này để sản xuất ở điều kiện trong nước, cho ra hạt ưu thế lai F1 không bị lẫn tạp.
Kết quả mang lại: 8,1kg hạt giống được sản xuất từ các ruộng dưa đã vượt qua các tiêu chí khắt khe và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản.
Nông dân triển khai mô hình sản xuất giống dưa hấu
Sau khi đạt được mốc này, việc hợp tác sẽ mở ra cơ hội sản xuất được hàng tấn hạt khác phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước có trồng dưa hấu. “Điều này có ý nghĩa rất lớn khi trước đây hạt giống rau màu lâu nay chúng ta vẫn nhập khẩu là phần nhiều” – TS. Chính cho biết.
Được thành lập vào năm 1916, Hagihara Farm là công ty nông nghiệp hàng đầu tại Nhật Bản. Hiện nay, Hagihara đang sở hữu giống dưa hấu không hạt, dưa lưới canh tác theo quy trình hữu cơ. Các sản phẩm của công ty này chiếm khoảng 70% thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản
Việc hợp tác của doanh nghiệp trong nước với đối tác Nhật Bản cũng đặt ra những quy định nghiêm ngặt nhằm tiến tới xây dựng quy trình trồng dưa hữu cơ tại Việt Nam.
Theo Danviet
Kiên Giang: Nâng chất lúa, hồ tiêu bằng canh tác hữu cơ
UBND tỉnh Kiên Giang vừa có quyết định về việc ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, với 16 sản phẩm có thế mạnh lực cạnh tranh và xuất khẩu. Đây được xem là hướng đi mang tính dài hạn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, là trực tiếp giúp nông dân làm giàu bền vững.
Diện tích lúa chất lượng cao tăng dần
Kiên Giang hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa với 4,3 triệu tấn, chiếm hơn 10% sản lượng cả nước và gần 18% sản lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đang triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nông sản, sản xuất lúa theo hướng hàng hóa tập trung, với diện tích trồng lúa cả năm trên 766.000ha (vùng lúa chất lượng cao chiếm 70% diện tích), sản lượng đạt trên 4,5 triệu tấn/năm, sản lượng gạo trên 3,1 triệu tấn/năm.
Trong đó, chú trọng các sản phẩm gạo chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hàng năm trên 500.000 tấn gạo.
Bà con nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành) thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019. Ảnh: N.Q
Điều đáng mừng là diện tích lúa chất lượng cao tăng dần theo từng vụ, hướng nông dân canh tác lúa theo quy trình VietGAP, 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm. Sử dụng nguồn giống lúa chất lượng cao đạt trên 90% diện tích, diện tích sử dụng giống cấp xác nhận đạt hơn 168.700ha/vụ.
Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh quy hoạch phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo theo hướng VietGAP, diện tích 120.000ha đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.
Nâng cao chất lượng lúa gạo đang được người dân và doanh nghiệp trong tỉnh Kiên Giang chú trọng. Trong đó, mô hình trồng lúa thảo dược đang được Công ty cổ phần Điền Tín (TP.Rạch Giá) triển khai tại hai huyện Hòn Đất, Giồng Riềng là một điển hình.
Đây là mô hình nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm lúa gạo đáp ứng nhu cầu thị trường với tiêu chí an toàn cho người canh tác, người tiêu dùng và môi sinh. Ngoài thu mua cho nông dân vùng nguyên liệu với giá 7.000 đồng/kg, dự kiến giá trị mang lại từ mô hình gạo thảo dược cao gấp 4-5 lần so với gạo thông thường.
Ông Ngô Thành Khuyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Điền Tín - cho biết: "Hiện công ty có 2 dòng sản phẩm gạo thảo dược gồm gạo đỏ, gạo tím, có khả năng đáp ứng từ 3.000-5.000 tấn/năm. Ngoài ra, công ty còn có 2 sản phẩm gạo cao sản gồm R24, R21, khả năng đáp ứng 7.000 tấn/năm". Do quản lý theo chuỗi khép kín từ khâu giống, quy trình canh tác, thu mua, xay xát, chế biến đóng gói có truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm của Công ty Điền Tín được nhiều đối tác chấp nhận ký hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Giúp nông dân làm giàu bền vững
Trong khi đó, với tổng diện tích hơn 1.000ha được trồng chủ yếu ở các huyện Phú Quốc, Gò Quao, Giồng Riềng và TP.Hà Tiên, tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Kiên Giang với sản lượng 2.000 tấn/năm.
Hiện, huyện Gò Quao có 261ha tiêu được trồng dưới tán tràm, trong đó diện tích cho trái khoảng 175ha, nhiều nhất là ở 2 xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và Vĩnh Hòa Hưng Nam. Ngoài ra, huyện còn có 20ha tiêu đạt chứng nhận VietGAP và 9,5ha được chứng mô hình tiêu hữu cơ. Toàn bộ sản phẩm tiêu hữu cơ đã được Công ty TNHH Sinh học tự nhiên Phú Quốc thu mua xuất khẩu sang châu Âu, Nhật, Mỹ.
Trong bối cảnh giá tiêu thị trường giảm còn 50.000 đồng/kg như hiện nay thì sản phẩm tiêu hữu cơ có giá trị cao hơn so với giá thị trường từ 30 - 40%. Như vậy, sản xuất theo quy trình hữu cơ, giúp nhà nông tăng lợi nhuận 100 triệu đồng/ha.
Theo ông Lê Hữu Toàn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Gò Quao, đây cũng là giải pháp mà huyện Gò Quao đang thực hiện để nâng cao giá trị tiêu và một số mặt hàng chủ lực khác. Huyện đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Sinh học tự nhiên Phú Quốc mở rộng vùng sản xuất tiêu hữu cơ đạt 100ha trong những năm tới.
Bên cạnh việc đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển, tỉnh Kiên Giang đã chú trọng đẩy mạnh công tác giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp.
Cuối năm 2018, lần đầu tiên tỉnh tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội, nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương tới người dân cả nước và tìm kiếm đối tác kết nối cung cầu.
Các đặc sản của tỉnh tham gia hội chợ gồm: Nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, gạo hữu cơ, các sản phẩm chế biến từ thủy sản, khô mắm, khóm... Qua trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp của tỉnh đã ký kết được với Siêu thị BigC tiêu thụ sản phẩm khóm, kết nối với Công ty cổ phần Kinh doanh, chế biến nông sản Bảo Minh để tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu. Chanh không hạt, măng cụt đã liên kết được với Doanh nghiệp Bữa ăn an toàn.
Đối với gạo hữu cơ thì liên kết tiêu thụ được với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Chợ Việt... Đây là những hướng đi triển vọng, giúp nông sản của Kiên Giang vươn xa hơn nữa, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Theo Danviet
Nông sản Việt gặp khó ở Trung Quốc: Không đổi mới mình sẽ thất bại Sáu tháng đầu năm 2019 ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản ở thị trường Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, do Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu. Thực tế, theo chuyên gia của Bộ Công Thương, chính sách của họ trước nay vẫn thế, chỉ là từ nay...