Tin vịt: Tiêu chí chọn người tình
Mới đây, Tạp chí Xóm Nhà Lá đã phỏng vấn một nữ diễn viên đang rất nổi, câu chuyện xoay quanh chuyện chọn người tình của cô.
Xin trích một câu trả lời của nữ diễn viên này: “Giờ thì tôi chẳng còn đòi hỏi gì nhiều ở đàn ông như trước nữa. Quan trọng nhất là anh ấy phải tốt bụng, rộng lượng, hào phóng. Không hiểu thời buổi này còn có những ông chủ nhà băng như thế không?”.
*
* *
Yêu cầu “khoai”
Chỉ thị của sếp gửi cho phòng nhân sự: “Hãy tìm cho tôi một viên trợ lý rất thông minh để giải quyết ngon lành mọi nhiệm vụ dù phức tạp đến đâu, nhưng phải rất ngờ nghệch để luôn hài lòng với mức lương ít ỏi cho công việc mà mình đã làm”.
*
* *
Lỗi chính tả nhỏ xíu
Lời Tổng thống nói với Bộ trưởng Tài Chính: “Tôi đã đọc bản dự thảo ngân sách liên bang năm tới. Nói chung khá rõ ràng. Rất tốt! Tuy nhiên nó có một lỗi nhỏ, trong đó có ghi là năm tới, tỉ lệ lạm phát là ở 8-9%. Đó là con số thực nhưng phải viết liền nhau, 89%, không có dấu gạch ngang…”.
Video đang HOT
*
* *
Đoán tiền
Cuốn sách “Đoán người qua nụ cười” của tác giả Henry Mintzberg viết: “Nếu trong quán rượu, một cô gái đẹp không quen biết bỗng dưng cười với bạn rất tươi – Đích xác là cô ấy đang cần tiền. Còn nếu bạn cười tươi đáp lại – Đích xác là trong túi bạn còn tiền”.
*
* *
Wall Street Journal đã viết
Định nghĩa của tạp chí “Wall Street Journal”:
- Kẻ mà được rất nhiều người nhớ lâu sau khi họ qua đời, đó là những kẻ để lại sau lưng những món nợ chưa thanh toán.
- Phá sản – Đó là khi các chủ nợ tới lột áo khoác của bạn sau khi bạn đã chuyển hết tiền xuống túi quần.
- Việc chi tiền để đấu tranh chống tham nhũng chính là việc làm tương đương với bỏ Vodka ra để chống nạn nghiện rượu.
Cử Tạ (Theo Bưu Điện Việt Nam)
Chỉnh không cần chuẩn!
Mấy ngày vừa rồi, các forum xôn xao về chuyện lỗi chính tả và tiếng Anh, xuất phát từ biển hiệu chào mừng hội nghị ASEAN thừa một chữ "L", một cái khoảng cách. Tôi tò mò, tôi vào tôi đọc.
Đọc xong, tôi có cảm giác thích thú (như một con ma xó đang nhảy múa trong đầu) vì chính tôi có một bộ sưu tập ảnh là hậu quả hài hước xuất hiện khi người của Việt Nam sử dụng tiếng của Anh Quốc.
Hôm nay tôi tổ chức triển lãm nhé!
One "Sweat" day thay vì One "Sweet" day (Một ngày ngọt ngào)
Ảnh này là chụp lại tờ tạp chí để trên bàn một cửa hàng áo cưới nằm trên phố Huế, Hà Nội. Tôi biết ngay người ta nhầm từ "Sweat" thành "Sweet", tức "Một ngày ngọt ngào" (One Sweet Day) bỗng trở thành "Một ngày chảy nhiều mồ hôi! Nhưng xem xét lại, đó là cặp đôi trẻ sắp đám cưới, nên biết đâu câu viết sai lại là câu viết chuẩn nhất!
Ảnh này tôi chụp tại một quán café sành điệu nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Lẽ ra người ta nên viết "Men's Toilet" (hoặc "Men's" không cũng được; có hai phòng chia nam nữ vậy ít ai thắc mắc về thiết bị ở trong). Toilet Man nghe như một nhân vật anh hùng trong truyện tranh, giống kiểu Spiderman, Batman, Superman. Nếu Spiderman nhảy giữa các nhà cao tầng và Bat Man bắt tội phạm vào đêm, tôi rất tò mò muốn biết khả năng đặc biệt của siêu nhân Toilet Man này là gì!
Trong tiếng Anh từ "fake" (giả) là từ bẩn, nói thì nói nhẹ, giấu được thì giấu. Shop này thì khác - người ta không chỉ cho hiện từ fake mà còn nhấn mạnh nữa - các shop khác chỉ bán túi giả bình thường, còn shop của chúng ta sẽ cung cấp cho bạn một chiếc túi siêu giả! (Khỏi phải nói giá vẫn thật).
Đây là ảnh tôi chụp trong thang máy của tòa nhà Parkson Hùng Vương, Quận 5. Nhiều người thắc mắc không hiểu sao có một anh Tây chụp đi chụp lại biển quảng cáo bình thường. Sự thật là nói từ "maxi" với bất cứ người Mỹ hoặc Canada họ sẽ nghĩ ngay đến cái ở Việt Nam hay gọi là "chuyện nhỏ ấy mà", là lý do vì sao chúng ta đã có sản phẩm của Diana" (Maxi Pad là thương hiệu lớn của Mỹ; hãy gõ 2 từ đó vào google rồi bấm "hình ảnh" mà xem). Max-Talk là được. Thêm chữ "i" là nguy hiểm. Thêm chữ "talk" nữa là toi ngay. Maxi Talk nghe như tên các loại chương trình truyền hình giáo dục giới tính có nhóm các em 14 tuổi ngồi tâm sự với nhau về những khó khăn mới gặp rồi chuyển sang vấn đề Joe Jonas vs. Justin Bieber ai "cute" (xinh) hơn. (Phải nói quảng cáo trên dành cho người tiêu dùng Việt Nam nên xét về mặt hiệu quả kinh tế thì người Canada hiểu thế nào cũng không quan trọng lắm).
Không cần phải viết sai chính tả hay chọn nhầm từ mới làm cho khách nước ngoài mỉm cười. Biển này (phố Lê Lợi, Hội An) không có từ nào viết sai hoặc có nghĩa bóng nguy hiểm - cái vui là sự kết hợp từ. Theo lô-gic quảng cáo (bán được cái gì quảng cáo cái đó) quan trọng nhất đối với du khách phương Tây đi Hội An chơi là (a) kem chống nắng, (b) bao cao su, (c) nút bông và (d) rượu các loại! Chắc thế là đủ cho một chuyến đi rất thú vị, trong trường hợp chuyện (c) không ảnh hưởng quá nhiều đến các chuyện (a), (d), rồi cuối cùng (b)!
Biển này cũng chụp ở Hội An, trên đường Cửa Đại cạnh bờ sông. Các từ dễ hiểu. "Haircut" là cắt tóc, "Motorbyke" là Motorbike (tặng 9 điểm vì chữ "y" sành điệu), "Picking one's ears" là lấy ráy tai (bỏ qua chuyện người Tây không quen với dịch vụ đó và "picking one's ears" là chọn dùng động từ phản thân có nghĩa là "tự lấy ráy từ tai của chính mình). Cái vui ở đây là dịch vụ thứ hai: "Chia sẻ". Mình rất tò mò muốn biết nhân viên sẽ giúp khách chia sẻ cái gì và bằng cách nào?!
Sự hội nhập là con đường hai chiều và các phương tiện hài hước hay đâm vào nhau. Ảnh trên tôi cướp từ laptop một người bạn xinh đẹp (xin lỗi em), trong đó có băng-rôn của các đạo diễn Hàn Quốc trẻ viết tặng các bạn Việt Nam nhờ sự giúp đỡ của ông trời và từ điển Việt-Hàn. (Chúc thì đã kính rồi, nhưng chúc cái gì chắc phải đợi băng-rôn tiếp theo mới biết!). Thêm vào đó là những chương trình truyền hình người nước ngoài buôn chuyện bằng tiếng Việt chưa thạo, là những hội nghị các ông bà tự giới thiệu bằng tiếng Việt bập bênh, là những lễ ăn hỏi có anh chàng Tây hồi hộp xin phép "cưới hai bác" - không ai có thể nói rằng sự hội nhập không có chất dễ thương của nó.
Thế nhé, các bạn chúc một vui vẻ rất tốt trong cuối tuần!
Theo Dân Trí