Tin thương lái, nhà nông ôm quả đắng
Mặc dù đã ký hợp đồng với một số nông dân ở thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, để trồng bắp (ngô) lấy thân làm thức ăn cho bò, nhưng khi đến kỳ thu hoạch, người ký hợp đồng tự xưng là đại diện của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai bỗng phủi tay, khiến bà con dở khóc dở cười…
Mòn mỏi chờ thu mua
Vào khoảng tháng 6.2016, ông Nguyễn Công Duy (trú tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) tự xưng là người đại diện của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) ký hợp đồng với một số hộ ở thị xã Ayun Pa trồng bắp lấy thân cung cấp thức ăn cho bò. Theo một số hộ dân, sau khi tính toán thấy có lãi, công ty hứa bao tiêu sản phẩm nên nhiều người đã rủ nhau ký hợp đồng với ông Duy.
Bà Trịnh Thị Minh bên ruộng bắp hơn 4ha đang héo khô nhưng không bán được. Đ.N
Ông Duy không phải là nhân sự của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai. Công ty có ký hợp đồng mua cây bắp với ông Duy, nhưng đã cắt hợp đồng mấy ngày nay do vi phạm hợp đồng. Việc người dân ký hợp đồng với ông Duy không liên quan tới công ty chúng tôi. Xưa nay ông Duy làm việc với công ty cũng không rõ ràng, cung cấp không đúng số lượng, thời gian”. Ông Nguyễn Ngọc Mai
Anh Đặng Bá Quốc trú thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao cho biết: “Tôi thấy có hộ đã trồng thử, đến hỏi thăm thì họ cho số điện thoại của người nói là đại diện phía Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai tên Nguyễn Công Duy để liên hệ. Sau đó, họ gợi ý cho chúng tôi ký hợp đồng trồng bắp, thấy điều khoản có lợi nên tôi đã rủ thêm một số người nữa tham gia. Tôi làm nhóm trưởng đứng tên ký hợp đồng với phía ông Duy”.
Ký kết xong, những hộ dân tham gia đã đồng loạt xuống giống. Sau 70 – 85 ngày cây bắp đến kỳ thu hoạch, người dân báo cho ông Duy nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai về thu mua theo hợp đồng.
Theo bà Trịnh Thị Minh (thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao) thì sau khi báo tin cho phía ông Duy, hơn chục ngày sau người bên phía thu mua mới xuống rẫy của nông dân. “Họ nói cây bắp khô quá không thu mua được, nhưng thực tế cây vẫn xanh. Rồi họ lại yêu cầu bắp phải đủ 12 hàng hạt. Chúng tôi bóc thử, rõ ràng trái bắp nào cũng 14-15 hàng, nhưng họ vẫn không mua” – bà Minh nói.
Video đang HOT
Bà Minh cho biết thêm: “Theo lời ông Duy chỉ dẫn, chúng tôi đã trồng dày để lấy thân ngô nên năng suất trái bắp không đạt như bình thường. Nhà tôi đầu tư trồng 4ha, chi phí chừng 20 triệu đồng/ha, giờ họ không chịu mua thì đành bỏ thôi. Mía đã chết hết rồi, bắp lại không bán được, chẳng biết lấy gì mà ăn nữa…”.
Anh Nguyễn Văn Kim (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) rầu rĩ nói: “Thấy có hợp đồng tưởng chắc ăn, tôi đã đi vay mượn tiền để làm bắp. Đúng lịch thu hoạch chúng tôi gọi thì họ không đến. Mấy ngày sau họ mới xuất hiện thì lại viện cớ bắp không đạt yêu cầu rồi bỏ mặc”.
Hợp đồng mập mờ?
Không riêng thị xã Ayun Pa, một số nông dân huyện Chư Pứh có ký hợp đồng trồng bắp với ông Nguyễn Công Duy song cũng không bán được dù bắp đạt tiêu chuẩn, chất lượng…
Theo ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Pứh, trước đây Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai có giới thiệu đầu mối là ông Nguyễn Công Duy trực tiếp ký hợp đồng trồng và thu mua bắp với người dân. Qua đó nhiều hộ dân đã hợp đồng gieo trồng 30ha bắp nguyên liệu, tuy nhiên ông Duy mới thu mua được 15ha thì dừng và cũng không thanh toán đúng thời gian cam kết.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Mai – Phó Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai cho biết: Ông Duy không phải là nhân sự của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai. Công ty có ký hợp đồng mua cây bắp với ông Duy, nhưng đã cắt hợp đồng mấy ngày nay do vi phạm hợp đồng. “Việc người dân ký hợp đồng với ông Duy không liên quan tới công ty chúng tôi. Xưa nay ông Duy làm việc với công ty cũng không rõ ràng, cung cấp không đúng số lượng, thời gian” – ông Mai nói.
Phóng viên cũng liên hệ với ông Nguyễn Công Duy thì ông này khẳng định không thu mua cây bắp cho người dân là do sản phẩm không đạt chất lượng. “Bắp trồng cho bò ăn phải đáp ứng yêu cầu có trái. Bà con trồng diện tích đảm bảo, nhưng từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, thời tiết bất lợi nên chất lượng cây bắp không đạt tiêu chuẩn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Hải – Chủ tịch UBND xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) cho biết, người dân tự ký hợp đồng với ông Duy mà không hề thông qua chính quyền, thêm vào đó đây là hợp đồng dân sự nên chính quyền không quản lý được.
“Chúng tôi sẽ mời những hộ dân có liên quan đến trao đổi để nắm tình hình, sau đó sẽ mời đại diện của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai, đối chất xem hai bên thỏa thuận như thế nào và đề nghị các bên phải làm theo đúng hợp đồng để bảo vệ quyền lợi cho bà con” – ông Lê Xuân Hải cho hay.
Theo Danviet
Vì sao cánh đồng lớn... chưa lớn?
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), thực tế cho thấy CĐL trong sản xuất lúa bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá, các mô hình CĐL này vẫn chưa đủ lớn...
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Tính đến nay, mô hình CĐL tăng lên rõ rệt cả về số lượng và diện tích thực hiện ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Theo thống kê, từ năm 2013 đến hết vụ lúa đông xuân năm 2015-2016, tổng diện tích CĐL của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 450.000ha.
Đa số nông hộ tham gia mô hình đều đánh giá, nhờ quy mô diện tích gieo sạ lớn nên thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Cụ thể, chi phí sản xuất trung bình giảm từ 10-15%/ha lúa nếu canh tác theo mô hình CĐL, đồng thời giá trị sản lượng có thể tăng 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha).
Tham gia CĐL nông dân có lợi nhuận tăng thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha (thu hoạch lúa ở huyện Vị Thủy, Hậu Giang). Ảnh: Đức Khánh
Ngoài ra, khi tham gia vào CĐL, nông dân (ND) được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp (DN) liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi suất. Về phía các DN, có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, với chất lượng bảo đảm, tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển.
Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, mô hình liên kết sản xuất theo hướng CĐL vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, các cơ chế chính sách có liên quan...
Theo đánh giá của ngành chức năng, vẫn có khoảng 20% ND chưa thực hiện đầy đủ hợp đồng bao tiêu, nhiều nơi chính quyền còn thờ ơ (nhất là ở cấp huyện trở xuống) khi tham gia vào quá trình xây dựng CĐL.
Nói về vấn đề này, ông Lê Minh Trượng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam, thông tin: "Kinh phí đầu tư đầu vào các CĐL của DN không phải là nhỏ. Thế nhưng, khi có tác động về giá lúa tăng so với hợp đồng thì họ lại bán cho thương lái bên ngoài nên DN rất khó thu hồi vốn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông của nhiều vùng sản xuất chưa thuận lợi, làm gia tăng chi phí vận chuyển khiến giá thành đội lên (từ 200-300 đồng/kg lúa)".
Ngoài ra, hiện tại có một nghịch lý là DN kinh doanh gạo nội địa có thương hiệu thì phải chịu thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) 5%, trong khi các nhà phân phối bán gạo lẻ thì không phải chịu thuế. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nhưng DN và ND khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, mà chủ yếu do vướng thủ tục hành chính.
Cần xây dựng hệ thống dự báo
"Trong xây dựng CĐL cần tăng cường công tác huấn luyện, tập huấn một cách thực tế để nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh, cũng như kiến thức về tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người lao động, đặc biệt là ND" - ông Hà Minh Triều - Giám đốc Hợp tác xã Phước Trung (xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) nêu ý kiến.
Nói về kết nối giữa DN và ND, ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), cho rằng: Cần phải củng cố và phát triển các hợp tác xã và tổ hợp tác vì đây chính là cầu nối giữa ND và DN. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý...phục vụ cho việc đưa sản phẩm tham gia vào các kênh phân phối như: Siêu thị, trung tâm thương mại cho hợp tác xã hoặc tổ hợp tác sản xuất.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, cho rằng: Chúng ta cần xây dựng hệ thống thông tin, dự báo về sản xuất và thị trường, thống nhất từ T.Ư đến địa phương để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân định hướng sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất về các nội dung quản lý nhà nước có liên quan trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tiêu chí CĐL để từng bước hoàn thiện và phát triển bền vững.
"Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các mô hình kinh tế tập thể; kiến nghị ngành ngân hàng có hướng hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho DN về vốn đầu tư sản xuất. Mặt khác, sẽ phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể trong vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu gạo nhằm hạn chế tình trạng DN tham gia thực hiện CĐL theo kiểu hình thức" - Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Theo Danviet
Vì sao chất cấm có trong chăn nuôi lợn vẫn không giảm? Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai đã tích cực vào cuộc nhưng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn vẫn gia tăng. Tỉnh Đồng Nai có đàn lợn lớn nhất cả nước với 1,7 triệu con. Gần đây, Chi cục Thú y TP HCM và các tỉnh, thành Đông Nam bộ phát hiện nhiều trường hợp sử...