Tín ngưỡng thờ vua Hùng trở thành Di sản nhân loại
Ngày 6/12, UNESCO thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chiều 6/12, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris, Pháp, Chủ tịch kỳ họp, ông Arley Gill, gõ búa thông qua hồ sơ của Việt Nam. Nhiều đoàn đại biểu quốc tế đã đến chúc mừng và chia sẻ niềm vui với đoàn đại biểu Việt Nam.
Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, phát biểu đây là một tin vui, một vinh dự đối với nhân dân Việt Nam nói chung và người dân tỉnh Phú Thọ nói riêng.
Lễ hội đền Hùng. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, trong bối cảnh hội nhập văn hóa, đa dạng văn hóa, việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được công nhận chứng tỏ sức sống của văn hóa Việt Nam, gắn với dòng chảy văn hóa hội nhập vào thế giới.
Video đang HOT
Ngoài Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, năm ngoái hồ sơ Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, chia sẻ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam để luôn vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước và chống giặc ngoại xâm.
Ông Mạc cho hay, để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của di sản này, Phú Thọ sẽ có rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, tỉnh sẽ soạn thảo chương trình hành động, trong đó có việc trùng tu tôn tạo, gắn di sản văn hóa phi vật thể với di sản văn hóa vật thể tại đền thờ vua Hùng.
Ngay khi Chủ tịch kỳ họp gõ búa thông qua hồ sơ, nhiều đoàn đại biểu quốc tế đã đến chúc mừng và chia sẻ niềm vui với đoàn đại biểu Việt Nam. Ảnh:Vietnamplus.
Trong quá trình nghiên cứu, xem xét hồ sơ đề cử, hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được các chuyên gia UNESCO đánh giá tốt. Tín ngưỡng này khi được công nhận sẽ khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như nhận thức chung về tôn trọng đa dạng văn hóa trong cộng đồng.
Những biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng do ngân sách của Nhà nước và chính quyền địa phương bảo đảm. Các biện pháp này nhằm bảo đảm việc duy trì và phát triển, đồng thời vẫn giữ nguyên được tính thiêng liêng của tín ngưỡng.
Đại diện của các làng, xã cũng như những thành viên của ban tổ chức lễ hội đã đóng góp tích cực cho việc chuẩn bị hồ sơ, đồng thời thể hiện được sự đồng thuận. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được Viện Văn hóa và Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam kiểm duyệt dựa trên ý kiến đóng góp của các cộng đồng dân cư thuộc 13 huyện ở Phú Thọ.
Theo VNE
"Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" trở thành Di sản thế giới
Vào lúc 18h10 hôm qua, 6-12, UNESCO đã chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội đền Hùng - dịp thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên và dân tộc
Tại buổi họp, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của Việt Nam nhận được sự đồng thuận rất cao. Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Cụ thể, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" và khi được UNESCO công nhận, di sản sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa.
Bên cạnh đó, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của Việt Nam cũng được đánh giá rất cao về mặt "thực hành tốt nhất trong đời sống" thể hiện qua việc được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng người dân Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, tín ngưỡng này còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học. "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" được công nhận đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam. Và điều đó đã chứng minh cho cho toàn thế giới rằng văn hóa Việt Nam có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, và có đủ khả năng hòa mình trong dòng chảy của văn hóa thế giới.
Mặc dù trên thế giới, phong tục thờ cúng tổ tiên không được thực hiện tại nhiều nước, đặc biệt là các nước phương Tây. Song, sự chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ với những tài liệu chuyên môn đầy đủ cùng việc xác định rõ đâu di sản văn hóa phi vật thể thực sự có giá trị để đưa vào hồ sơ xin xét duyệt đã góp phần đưa "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phát biểu sau khi "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" được vinh danh, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, để bảo tồn, nghiên cứu và phát huy một cách tốt nhất di sản này, tỉnh Phú Thọ sẽ xây dựng một kế hoạch tổng thể để trình Chính phủ về bảo tồn di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đầu tiên là tập trung trùng tu Đền Hùng, tiếp theo đó là xây dựng được quy chuẩn chung cho việc lễ và thờ cúng các vua Hùng.
Cùng được vinh danh với "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của Việt Nam lần này còn có 27 di sản văn hóa phi vật thể khác. Tiêu biểu như: "Arirang, nhạc dân ca trữ tình Hàn Quốc" của Hàn Quốc, "Nghề thủ công truyền thống làm vĩ cầm ở Cremona" của Italia, "Lễ hội Schemenlaufen vùng Imst" của Áo, "Nachi no Dengaku, biểu diễn nghệ thuật tôn giáo tại lễ hội lửa Nachi", "Lễ hội Mesir Macunu" của Thổ Nhĩ Kỳ, "Nghề dệt mũ rơm toquilla truyền thống tại Ecuador" của Ecuador, "Ichapekene Piesta, lễ hội lớn nhất của San Ignacio de Moxos" của Bolivia,...
Bà Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa: Thế giới ngày càng quan tâm hơn đến văn hóa
Năm nay Ban tư vấn của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 xem xét 36 hồ sơ và đưa ra đề xuất dự kiến xứng đáng ghi danh lần này là 18 hồ sơ. Những hồ sơ được ghi danh phải đáp ứng đủ các tiêu chí của UNESCO về sự nhận dạng di sản, về chức năng xã hội và ý nghĩa của di sản về sự đáp ứng mục tiêu bảo vệ di sản của Công ước về vai trò của cộng đồng và nhà nước trong chương trình hành động bảo vệ di sản Về sự cam kết của cộng đồng về các điều kiện chuyên môn liên quan đến bảo vệ di sản. Như mọi lần, Việt Nam may mắn vì hồ sơ đã được đánh giá tốt, đề nghị Ủy ban ghi danh, không có điểm nào còn băn khoăn.
Theo quy định tại các cuộc họp như lần này, Ủy ban vẫn có thể hỏi, chất vấn, hoặc đưa ra quyết định không ghi nhận nếu di sản nào đó chưa thật xứng đáng hoặc phân tích, tranh luận và nghe giải trình rồi ghi danh di sản nào được coi là xứng đáng, dù trước đó không đạt. Càng ngày càng có nhiều di sản được đề cử. Thế giới ngày càng quan tâm hơn đến văn hoá và tích cực tìm kiếm các phương thức bảo vệ di sản. Trong kỳ họp này có sự chứng kiến của nhiều chủ thể di sản, điều đó chứng tỏ rằng họ đã nhận diện giá trị văn hoá của chính họ và mong muốn bảo vệ di sản của họ. Với sự công nhận này của UNESCO, tôi hy vọng nhà nước và cộng đồng sẽ làm thật tốt để bảo vệ di sản này cũng như nhiều di sản khác quý giá và quan trọng đối với dân tộc chúng ta.
Theo ANTD
Gạt bỏ biến thái để Chầu văn được toàn vẹn Ngay sau khi hát Văn vừa được Bộ VH-TT&DL chính thức đưa vào danh sách 12 di sản phi vật thể nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đã có nhiều thắc mắc có nên đưa hầu đồng vào như một thành tố không thể tách rời trong khi bản thân hát Văn vẫn...