Tin ngân hàng ngày 4/7: Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành trong quý IV
Giả thông báo chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để lừa đảo; Sacombank nhận 3 giải thưởng lớn về kinh doanh và chuyển đổi số từ Mastercard; Agribank tăng lãi suất huy động từ tháng 7… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành trong quý IV
Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán VnDirect nhận định lạm phát cao hơn dự kiến của Việt Nam có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên siết chặt hơn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ phù hợp nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành trong quý IV
Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ “phù hợp”, không thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường vì: (1) Mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong các tháng tới, chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 được dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mục tiêu 4%. (2) Cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch và (3) NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.
“Đối với lãi suất điều hành, nếu có đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý IV/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%”, báo cáo VnDirect cho biết.
VnDriect dự báo đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý III/2022 vì nhu cầu huy động vốn thấp do nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đà tăng của lãi suất huy động có thể tăng tốc trở lại trong quý IV sau khi NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM).
Nhóm phân tích cho rằng rằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng thêm 0,3 – 0,5 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM có thể tăng lên mức khoảng 5,9 – 6,1%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022, mức này vẫn thấp hơn so với mặt bằng trước đại dịch là khoảng 7,0%/năm.
Về lãi suất cho vay, VnDirect dự báo gói cấp bù lãi suất có thể giảm lãi suất cho vay trung bình từ 0,2 – 0,4 điểm % vào năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói bù lãi suất với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể giảm bớt nếu các NHTM tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.
Giả thông báo chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để lừa đảo
Vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng đối tượng giả danh là cán bộ ngân hàng hoặc người mua hàng online gọi điện cho nạn nhân thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản. Tuy nhiên, do lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet banking của khách hàng bị lỗi.
Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP để kiểm tra hoặc dụ dỗ nhấn vào đường link website có địa chỉ tên miền gần giống với tên ngân hàng do chúng gửi qua tin nhắn để thực hiện các bước nhận tiền. Các đối tượng sử dụng thông tin nạn nhân cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của họ.
Để phòng ngừa tội phạm trên, Công an khuyến cáo: Khi thụ hưởng số tiền mà người khác chuyển, chỉ cần cung cấp đúng tên chủ tài khoản, số tài khoản thì người chuyển sẽ chuyển thành công số tiền đã thỏa thuận. Chỉ nên đăng nhập tài khoản của cá nhân vào các ứng dụng ngân hàng mà mình đã sử dụng lâu nay, không nhập vào trang web; thường xuyên kiểm tra, cập nhật tính năng bảo mật tài khoản ngân hàng, mạng xã hội; không cho mượn, thuê giấy tờ cá nhân.
Video đang HOT
Khi bị lừa đảo, nạn nhân hãy nhanh chóng liên hệ và đề nghị ngân hàng nơi mình mở tài khoản để phong tỏa tài khoản và tích cực phối hợp cung cấp thông tin tố giác tội phạm cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đồng thời, ghi nhớ các trang web chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thường được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn). Đối với các trang web đăng ký tên giống nhưng đuôi khác đều là giả mạo…
Sacombank nhận 3 giải thưởng lớn về kinh doanh và chuyển đổi số từ Mastercard
Mới đây, tại Hội nghị Khách hàng thường niên – Mastercard’s Customer Forum, Sacombank được Mastercard vinh danh tại 3 hạng mục: Ngân hàng tiên phong công nghệ số – Innovation Breakthrough, Ngân hàng dẫn đầu về doanh số giao dịch – Leadership in Debit Volume và Ngân hàng có số lượng thẻ thanh toán tăng trưởng ấn tượng – Leadership in Debit Growth.
Sacombank được đánh giá cao dựa trên những đổi mới tích cực trong kinh doanh và tinh thần tiên phong, sáng tạo đưa công nghệ số vào phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Đặc biệt, với hạng mục Ngân hàng tiên phong công nghệ số – đây là giải thưởng Mastercard dành cho ngân hàng đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á triển khai dịch vụ QR on Card và Ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ bảo hiểm chủ doanh nghiệp đối với thẻ doanh nghiệp.
Cụ thể, Sacombank đã kết hợp với Mastercard phát hành thẻ QR on Card dành cho các cá nhân là hộ kinh doanh cá thể vừa và nhỏ. Với công nghệ in mã QR theo chuẩn EMV trên mặt sau của thẻ thanh toán quốc tế Mastercard, Sacombank đã chuyển đổi thành công công cụ thanh toán trở thành điểm chấp nhận thẻ. Các mã QR này có chứa đầy đủ thông tin của chủ hộ kinh doanh, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng Sacombank Pay để quét mã QR thanh toán một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, Sacombank còn là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ra mắt giải pháp thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động – Tap to phone. Công nghệ này cho phép doanh nghiệp nhanh chóng biến chiếc điện thoại di động hệ điều hành Android thành thiết bị chấp nhận thanh toán thay thế cho máy POS truyền thống, giúp giảm chi phí đầu tư và đặc biệt phù hợp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ như quán ăn, cửa hàng tạp hóa, tiểu thương chợ truyền thống, các shippers giao hàng…
Sacombank cũng là ngân hàng tiên phong cho phép phát hành thẻ phi vật lý trên nền tảng di động. Với công nghệ Tokenization, khách hàng dễ dàng đăng ký mở mới thẻ tín dụng, thẻ thanh toán trực tuyến trên ứng dụng Sacombank Pay. Sau khi mở thẻ thành công, khách hàng có thể sử dụng thông tin thẻ để giao dịch trực tuyến ngay bằng thẻ phi vật lý trong ứng dụng Sacombank Pay.
Agribank tăng lãi suất huy động từ tháng 7
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây đã công bố biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân từ tháng 7/2022. Theo đó, ngân hàng đã tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng – 24 tháng thêm 0,1 điểm % lên 5,6%/năm. Tuy nhiên, Agribank không thay đổi ở các kỳ hạn còn lại: kỳ hạn 6 tháng – 11 tháng vẫn là 4%/năm, kỳ hạn 3 tháng – 5 tháng là 3,4%/năm, kỳ hạn 1 tháng – 2 tháng là 3,1%/năm.
Agribank tăng lãi suất huy động từ tháng 7/Ảnh minh họa
Trước đó, BIDV cũng đã tăng lãi suất huy động cá nhân từ ngày 1/6. Đáng chú ý, đây là lần cập nhật biểu lãi suất đầu tiên của ngân hàng này kể từ tháng 8/2021 và cũng là lần tăng đầu tiên sau giai đoạn giảm liên tục từ tháng 7/2019.
Tương tự như Agribank, BIDV giữ nguyên lãi suất huy động với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Trong khi ngân hàng đã điều chỉnh tăng 0,1 điểm % lãi suất ở tất cả các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cố định ở mức 5,6%/năm.
Động thái tăng lãi suất huy động của BIDV, Agribank diễn ra sau khi mặt bằng lãi suất của các ngân hàng tư nhân đã tăng liên tục kể từ cuối năm 2021 đến nay. Những ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, ACB, VPBank, MB… đều đã tăng đáng kể, có nơi tăng gần 1 điểm % trong nửa năm qua.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động còn có thể tiếp tục tăng. Cụ thể, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 1 – 1,5 điểm % trong cả năm 2022.
Việc tăng mạnh lãi suất huy động đã bắt đầu tác động lên chi phí vốn của các ngân hàng, tuy nhiên, chi phí huy động sẽ vẫn duy trì thấp hơn mức trước dịch nhờ tỷ lệ CASA cao. Một số ngân hàng có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ các TCTD quốc tế cũng sẽ có lợi thế trong việc duy trì chi phí vốn thấp.
Các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MB, MSB, TPBank… sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn.
Cạn room tín dụng, đã đến lúc ngân hàng thay đổi 'khẩu vị'
Đến tháng 6/2022, tăng trưởng tín dụng theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước đã đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Dù còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% nhưng nhiều ngân hàng ngay từ hồi cuối tháng 5 đã đồng loạt xin được cấp thêm hạn mức (room) tín dụng.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo đó, tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tín dụng của ngân hàng đã đạt gần 9% sau 4 tháng đầu năm so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% tại cùng thời điểm trên, dù room được cấp là 10%; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khi đạt mức tăng trưởng tín dụng tới 14,3% ngay sau quý I/2022, gần chạm trần mốc 15% được cấp.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... cũng trong tình trạng tương tự.
Lãnh đạo các ngân hàng nhìn nhận nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao kể từ cuối năm 2021 và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp theo gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách cũng đang được toàn ngành ngân hàng gấp rút triển khai. Do đó, để đáp ứng cơn "khát vốn" cho phục hồi tăng trưởng, lãnh đạo các ngân hàng đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sớm nới room tín dụng phù hợp.
Tuy nhiên, nới room tín dụng liệu có giải được cơn "khát vốn" của doanh nghiệp? Trao đổi cùng phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ quan điểm khi room tín dụng của các ngân hàng đã gần cạn, sẽ rất khó triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế, bao gồm cả chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Dù vậy, với vai trò là cơ quan điều hành, trước áp lực lạm phát toàn cầu đang tăng cao, ông Hùng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc kỹ việc nới room để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có ngân hàng gần cạn room nhưng cũng có những ngân hàng vẫn còn room tín dụng và đây là cơ hội để các ngân hàng xem xét lại khẩu vị rủi ro, cơ cấu lại chất lượng tín dụng.
Trên thực tế, lãnh đạo một ngân hàng cho biết để gỡ thế khó khi room tín dụng gần cạn, ngân hàng phải linh hoạt cơ cấu lại dư nợ, hướng dòng vốn vào cho vay ngắn hạn, vay lưu động, bổ sung vốn kinh doanh....
Thông thường cạn room tín dụng, các ngân hàng sẽ xin cơ quan quản lý cấp thêm nhưng không phải ngân hàng nào cũng được chấp thuận. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng trả lời chất vấn trước Quốc hội rằng ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhiều, nhưng nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì Việt Nam sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện nay.
Với tốc độ tăng trưởng lớn, nếu không kiểm soát room tín dụng, áp lực lạm phát sẽ rất lớn, áp lực tăng lãi suất huy động cũng rất cao, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. "Trước đây khi không kiểm soát room tín dụng, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, lên tới trên 30%, tạo ra những cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền cho vay", Thống đốc cho hay.
Nhìn lại từ đầu năm đến nay, trước tốc độ tăng trưởng của tín dụng, cuộc đua lãi suất cũng đã tăng nhiệt trở lại sau hơn 2 năm neo ở mức thấp. Báo cáo mới phát hành của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VBCS) cho biết lãi suất huy động kể từ đầu năm đến nay đã nhích tăng khoảng 0,3-0,8%/năm; trong đó, kỳ hạn 12 tháng có mức tăng đạt xấp xỉ 0,7%/năm.
Xét riêng trong tháng 6, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất thêm từ 0,1-0,4%/năm tùy từng kỳ hạn như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)... Trong đó, SCB đang là một trong những ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn nhất ở kỳ hạn 12 tháng với 7,3%/năm.
Đáng chú ý, trong lần điều chỉnh lãi suất này còn có cả các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước. Theo đó, lần đầu tiên trong suốt 3 năm qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng ở mức 5,6%/năm. Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất huy động trực tuyến cũng đã được cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng lên mức 6,4%/năm, thêm 0,3%/năm so với hồi tháng 5/2022. Hay tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), khách hàng gửi tiền lần đầu cũng được tặng lãi suất thêm tới 0,5%/năm....
Nhìn chung, tại thời điểm này lãi suất tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng đều được hầu hết các tổ chức tín dụng áp dụng mức kịch trần là 4%/năm. Còn với tiền gửi dài hạn, mức lãi suất trên 7%/năm đã xuất hiện trở lại ở nhiều ngân hàng như SCB, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank)...
Ngoài cộng lãi suất, một số ngân hàng còn dành ưu đãi cho khách hàng duy trì tiền gửi cố định trong thời gian từ 6-12 tháng như miễn phí thường niên khi mở thẻ tín dụng quốc tế, miễn phí chuyển tiền cho người thân ở nước ngoài...
Lý giải cho các đợt tăng lãi suất liên tiếp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng việc lãi suất huy động ở mức thấp trong suốt 2 năm qua dù tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh nhưng cũng đã phần nào khiến dòng vốn ít nhiều đã chảy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, tiền số... Lượng tăng trưởng vốn huy động vì thế chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước đây và cũng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của vốn tín dụng.
"Do đó, để đảm bảo khả năng cung ứng vốn, các ngân hàng đã dần dần nâng lãi suất tiết kiệm lên mức phù hợp với yêu cầu thu hút vốn và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền", ông Thịnh nói.
Đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất ổn về chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy..., lãnh đạo của một ngân hàng thương mại cho biết ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để giữ chân người gửi tiền khi áp lực lạm phát đang đè nặng.
Tích cực thu hút vốn nhưng room cạn - vốn có nhưng lại khó cho vay - là thực trạng tại nhiều ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% không phải là "đóng cứng" mà sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ tăng trưởng tín dụng dựa trên một số yếu tố như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Các chuyên gia của Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào cuối quý III/2022 phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ không còn gặp nhiều áp lực tăng như trong thời gian gần đây.
Người mua nhà 'chùn bước' trước nỗi lo lãi suất tăng cao Nhiều người mua nhà không dám xuống tiền thời điểm này do lo sợ lãi vay mua nhà thời gian tới sẽ tăng cao. Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế. Trước sự điều chỉnh của Ngân hàng...