Tin mới vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc vào trường học ở HN
Ngay sau khi lực lượng chức năng phát hiện Công ty Trung Thành tuồn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào 7 trường mầm non, tiểu học ở quận Tây Hồ (Hà Nội), nhiều phụ huynh đã đến trường đón con, không cho ăn bán trú.
Nhiều phụ huynh không cho ăn bán trú. Ảnh: Nguyễn Hà
Các trường từ chối trả lời báo chí
Có mặt tại trường Tiểu học Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội), một trong những trường vừa bị lực lượng chức năng phát hiện: Công ty cung cấp “tuồn” thực phẩm không rõ nguồn gốc vào bếp ăn. Đúng bữa trưa ngày 15/1, PV Tiền Phong chứng kiến trong nhà ăn khá rộng rãi, bữa ăn của học sinh chỉ đơn giản có bát bún nấu với xương hầm, không có một chút rau nào. Hàng trăm học sinh xì xụp 5-10 phút là xong bữa. Khi thấy PV chụp ảnh, nhân viên của trường này ngăn cản, yêu cầu đi ra ngoài. Tại Trường mầm non Nhật Tân, đại diện trường này cho hay lãnh đạo trường không tiếp PV.
Trước cổng trường Tiểu học Phú Thượng, khác với mọi ngày đa số học sinh đều ăn bán trú, nghỉ ngơi để học buổi chiều thì nay hết giờ học buổi sáng, nhiều phụ huynh đến trường đón con về nhà. Một phụ huynh có con học lớp 4 cho biết, dù nhà cách trường khá xa nhưng từ nay hai vợ chồng sẽ thay nhau đón con về nhà ăn trưa. Vị phụ huynh này nói: “Sau khi biết sự việc chúng tôi rất bức xúc. Mỗi bữa ăn đóng 30.000 đồng mà ai ngờ trường lại cho con chúng tôi ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc”.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn đã gần 70 tuổi nhưng vẫn đi xe máy đến trường Tiểu học Phú Thượng đón hai cháu ngoại. Ông Toàn cho hay, trước đây gia đình cũng cho cháu ăn bán trú nhưng cách đây không lâu, nhiều người dân xung quanh trường mẫu giáo Phú Thượng có kể lại chuyện thấy có người trong trường ra chợ mua thực phẩm, trong khi trường cam kết với phụ huynh mua ở các công ty đảm bảo nguồn gốc. “Chúng tôi cảm thấy không tin tưởng nên vất vả mấy cũng đến trường đón cháu. Ăn vào sinh bệnh thì ăn làm gì”, ông Toàn nói.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giám đốc Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa cho hay, hệ tiêu hóa của trẻ mầm non, học sinh nhỏ tuổi cực kỳ non nớt, rất dễ bị tác động bởi vi khuẩn, lượng tồn dư chất hóa học. “Nếu trẻ bị ngộ độc ngay còn dễ phát hiện, có những loại thuốc bảo vệ thực vật tồn dư ăn vào ruột có sự tích lũy lâu dài mới gây bệnh nguy hiểm”, ông Thịnh nói.
Video đang HOT
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo quy định, thực phẩm để vào được trường học phải qua rất nhiều cửa kiểm soát. Các trường học không được trực tiếp thu mua thực phẩm mà phải ký hợp đồng với những nhà cung cấp thực phẩm được nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, quy định cũng nêu rõ, các trường có trách nhiệm kiểm tra quá trình tiếp nhận thực phẩm. Nếu bằng cảm quan mắt thường không đạt buộc phía doanh nghiệp phải đổi hoặc chấp nhận trả.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là qua điều tra của cơ quan chức năng, sau nhiều ngày theo dõi quy trình hoạt động và phát hiện, người của Công ty Trung Thành mang thực phẩm đến trường và trường không có người tiếp nhận, kiểm tra như quy định. Trong khi đó, bà Lê Thị Bính, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thượng cho rằng: Báo chí thông tin sai sự thật, giờ đó trường chưa có người đến giao nhận chứ không phải không có người kiểm tra!
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó phòng giáo dục quận Tây Hồ cho biết: “Sự việc đang khiến những người làm quản lý giáo dục như ông đau đầu”. Ông Long cho biết, quy trình để các trường học ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các doanh nghiệp thường là do một số đơn vị doanh nghiệp đến với giới thiệu với phòng hoặc họ tự tìm đến trường. Phòng không chỉ định các trường mua thực phẩm của công ty nào mà chỉ quản lý về mặt hồ sơ, sổ sách. Trong quá trình cung ứng thực phẩm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát lại thuộc về các trường.
Cũng theo ông Long, hàng tháng đơn vị cũng có thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học nhưng đều không phát hiện vấn đề gì. Ông Long cho rằng, cái khó hiện nay là sản phẩm rau, thực phẩm sạch được quản lý không có bất cứ tem mác nào vì thế khi bị trà trộn với rau ngoài chợ bằng mắt thường rất khó phát hiện. Việc quản lý chất lượng thực phẩm một mình ngành giáo dục không thể làm được.
Vụ việc chấn động, nhưng chỉ phạt được từ 1-3 triệu đồng (?!)
Ngay trong ngày 15/1, UBND quận Tây Hồ cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo phòng giáo dục và đại diện các trường và gửi văn bản chấn chỉnh các trường, triệu tập các trường mua thực phẩm của Công ty Trung Thành lên làm việc. Riêng đối với các trường không làm đúng trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm đầu vào, Phòng GD&ĐT sẽ có hình thức xử lý.
Trao đổi với Tiền Phong, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hiệp Thống cho hay, hàng năm, Sở có nhiều đợt kiểm tra bếp ăn, thực phẩm các trường học; yêu cầu các trường thành lập ban chăm sóc sức khỏe học sinh, mời phụ huynh tham gia vào việc kiểm soát thực phẩm. Tuy nhiên, theo ông Thống, cái khó hiện nay là các trường đang chỉ làm theo quy định của nhà nước là ký kết với các công ty được cấp phép.
Theo ông Thống, việc lợi dụng, lừa đảo chất lượng thực phẩm cho đối tượng là học sinh là hành vi không thể chấp nhận được. Đối với công ty vi phạm đề nghị cơ quan nhà nước xử phạt thật nghiêm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Phương, Đội trưởng đội 4, Phòng cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội lại cho biết, mức xử phạt các doanh nghiệp vi phạm như Công ty Trung Thành hiện nay thực hiện theo Nghị định 185 xử phạt về buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ chỉ dừng lại ở mức từ 1-3 triệu đồng! Theo ông Phương, đơn vị phải mất nhiều ngày đêm theo dõi mới phát hiện vụ việc nhưng với mức phạt theo quy định hiện nay quá nhẹ, không đủ tính răn đe.
Sáng sớm ngày 14/1, Đội 4, Phòng cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT phát hiện nhân viên Công ty Trung Thành thu gom thực phẩm ở chợ Vân Nội, Đông Anh cung cấp cho các trường học ở quận Tây Hồ. Qua nhiều ngày theo dõi, lực lượng đã bắt giữ hàng trăm kilôgam rau củ khi đang vận chuyển vào tiêu thụ ở các trường học. Điều đáng nói, các trường này không thực hiện giao nhận, kiểm tra thực phẩm như quy định. Đại diện Công ty Trung Thành đã thừa nhận vụ việc, khai nhận cung cấp cho 5 trường gồm: Trường tiểu học Phú Thượng, Trường mầm non Nhật Tân, Trường mầm non Xuân La, Trường mầm non Tứ Liên, Trường mầm non Phú Thượng.
Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)
Hà Nội: Đề nghị xử lý nghiêm công ty đưa rau "bẩn" vào trường học
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Đây là những hành động không thể chấp nhận, cần điều tra làm rõ hành vi sai trái của Công ty Trung Thành.
Liên quan đến vụ các lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm kg rau của quả không rõ nguồn gốc tuồn vào một số trường học tại quận Tây Hồ (Hà Nội), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra các nguồn hàng vào trường trước khi chế biến, lưu các mẫu thức ăn để kiểm tra; đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với công ty vi phạm.
Ảnh cắt từ phóng sự của VTV
Ngày 14/1, Đội 4 Phòng cảnh sát môi trường Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với lực lượng thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát hiện hàng trăm kg rau củ quả không rõ nguồn gốc đang vận chuyển vào 7 trường mầm non và tiểu học khu vực quận Tây Hồ, Hà Nội.
Các loại rau, củ quả thực phẩm này đều của Công ty Trung Thành cung cấp và được công ty thu gom từ chợ đầu mối Vân Nội, Đông Anh, sau đó sơ chế và dán nhãn mác thực phẩm sạch để cung ứng cho các nhà trường.
Theo báo cáo nhanh của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, Công ty Trung Thành có hơn 2ha canh tác trồng rau củ quả sạch, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cấp giấy phép đến thời hạn tháng 12/2016. Công ty có đăng ký kinh doanh, mã số thuế, giấy phép cung cấp vệ sinh an toàn thực phẩm; trong bản cam kết bằng văn bản với các trường ghi là công ty cung cấp thực phẩm sạch.
Trước đó, đại diện một số trường đã kiểm tra thực địa tại diện tích trồng rau của công ty. Thế nhưng, Công ty Trung Thành không thực hiện đúng hợp đồng đã cam kết với các trường, mà đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc vào các bếp ăn tập thể dành cho trẻ.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đây là những hành động không thể chấp nhận và kiến nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ những hành vi sai trái của Công ty Trung Thành: "Tôi cho rằng cơ quan chức năng phải xử phạt thật nặng để làm gương nếu đúng là mua rau không an toàn về. Bởi vì với người tiêu dùng đã đành, nhưng với trẻ em là tương lai của đất nước mà làm như thế này thì thật là vô trách nhiệm. Sở đề nghị các trường tiếp tục tăng cường, không những phối hợp với địa phương mà còn mời cha mẹ học sinh vào tham gia ban chăm sóc sức khỏe để cùng kiểm soát việc này. Hai là dừng hợp đồng với đơn vị này".
Nhiều phụ huynh trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng bày tỏ lo lắng về hành vi của công ty Trung Thành. Chị Nguyễn Thị Kim Dung, ở quận Hoàng Mai, chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất lo lắng khi nguồn gốc thực phẩm các con ăn không được rõ ràng. Các con ăn vào không đảm bảo. Những rau, thực phẩm không rõ nguồn gốc phun hóa chất, tăng trưởng kích rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Tôi thấy không yên tâm khi các con ăn ở trường như thế này".
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường, nhất là vào dịp trước và sau Tết Âm lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tăng cường kiểm tra các nguồn hàng vào trường trước khi chế biến, lưu các mẫu thức ăn để kiểm tra... đồng thời các trường học phải ký hợp đồng rõ ràng với những nhà cung cấp rau củ quả và phải kiểm tra trực tiếp tới những cơ sở cung cấp cho trường.
Các lực lượng chức năng thành phố cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về đánh giá chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm./.
Thu Hiền
Theo_VOV
Bắt hai "hotgirl" môi giới bán dâm qua mạng zalo Với vẻ ngoài xinh đẹp hai má mì quê Nghệ An và Thanh Hóa sử dụng zalo môi giới bán dâm giá từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượt Với vẻ ngoài xinh đẹp, hai "má mì" quê Nghệ An và Thanh Hóa sử dụng zalo môi giới bán dâm giá từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượt. Được biết, đây là hai...