Tín hiệu tích cực từ thế hệ mới của bóng đá Việt Nam
Thành công liên tiếp của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại các giải đấu quốc tế vừa qua cho thấy những tín hiệu tích cực từ thế hệ mới của bóng đá Việt Nam.
Đặc biệt những gì thầy trò huấn luyện viên Gong Oh-kyun thể hiện tại vòng chung kết U23 châu Á 2022 cho thấy một lứa cầu thủ trẻ đủ sức kiến tạo tương lai mới cho bóng đá nước nhà.
Cầu thủ Nhâm Mạnh Dũng vẫn nỗ lực tìm kiếm cơ hội đá chính cho Viettel FC. Ảnh: VTFC
Thành công vang dội của lứa cầu thủ U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2018, mà người ta quen gọi là lứa cầu thủ U23 “Thường Châu” đã in sâu trong tiềm thức của người hâm mộ. Bởi vậy, khá thiệt thòi cho lứa cầu thủ U23 hiện tại khi luôn bị so sánh với lứa cầu thủ “Thường Châu”. Song, những gì mà đội tuyển U23 Việt Nam thể hiện tại vòng chung kết U23 châu Á 2022 vừa qua đã cho thấy một diện mạo mới của đội tuyển, một lứa cầu thủ tài năng mới và đầy triển vọng trong tương lai.
Tại vòng bảng vòng chung kết U23 châu Á 2022, thầy trò huấn luyện viên Gong Oh-kyun đã hòa U23 Thái Lan (2-2), thắng U23 Malaysia (2-0) và gây bất ngờ lớn khi cầm hòa đương kim vô địch U23 Hàn Quốc (1-1) tại vòng bảng, giành quyền vào vòng tứ kết U23 châu Á 2022.
Ở vòng tứ kết, mặc dù phải dừng bước sau thất bại 0-2 trước Saudi Arabia, nhưng U23 Việt Nam vẫn cho thấy những tín hiệu rất tích cực về cả lối chơi và nhân sự.
Bình luận viên bóng đá Vũ Quang Huy cho rằng, những chàng trai của U23 Việt Nam đã dần khẳng định được khát vọng và tên tuổi của bản thân để tìm kiếm sự công nhận.
Video đang HOT
Theo chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú, huấn luyện viên Gong Oh-kyun và lứa U23 Việt Nam có một điểm chung là đều “đi từ không đến có”. Trước giải, những thông tin về ông Gong Oh-kyun là vô cùng ít ỏi. Ông chỉ được coi là người “đóng thế”, là người giảm tải áp lực công việc cho huấn luyện viên Park Hang-seo. Song, ông Gong Oh-kyun đã cho thấy một phong cách mới, một lối đá tấn công nhiều hơn phòng ngự, nhưng vẫn hiệu quả.
Chia sẻ về phong cách huấn luyện của mình, huấn luyện viên Gong Oh-kyun bày tỏ: “Triết lý huấn luyện của tôi là vận dụng các nguyên tắc trong một sự tự do, tức là không gò bó trong một khung nhất định. Quan điểm của tôi là sử dụng hết các cầu thủ trong sân là điều rất tốt. Chỉ cần đá 1 phút tại giải vừa rồi cũng rất giá trị. Kinh nghiệm thi đấu thực tế giúp ích rất nhiều cho cầu thủ, cho nền bóng đá sau này”.
Các cầu thủ U23 Việt Nam thi đấu ấn tượng dưới thời huấn luyện viên Gong Oh-kyun.
Vòng chung kết U23 châu Á là giải thành công về khía cạnh chuyên môn với đội tuyển U23 Việt Nam, cho thấy điểm sáng về sự tự tin, cách tổ chức lối chơi, thể lực cũng như kỹ năng cá nhân của từng cầu thủ. Đội hình U23 Việt Nam có chất lượng khá đồng đều, nhưng sau giải đấu trở về với các câu lạc bộ, cơ hội để các cầu thủ U23 Việt Nam ra sân, thể hiện mình tại Giải vô địch bóng đá quốc gia (V.League) không nhiều.
Nhìn vào đội hình của U23 Việt Nam, những cầu thủ đã được đá V.League, gồm: Bùi Hoàng Việt Anh, Lý Công Hoàng Anh, Dụng Quang Nho, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Hai Long. Trong đó, Việt Anh là cầu thủ ra sân nhiều nhất trong màu áo Hà Nội FC. Còn Hai Long từng có mùa giải 2020 với vai trò quan trọng trong đội hình Than Quảng Ninh, khi chuyển đến Hà Nội FC, anh chỉ có cơ hội từ ghế dự bị.
Tương tự, Nhâm Mạnh Dũng (Viettel) ở hai mùa giải đã qua chỉ ra sân cho Viettel được 4 lần với gần 100 phút. Bản thân cầu thủ này cũng chia sẻ, việc cạnh tranh với các tiền đạo ngoại binh sẽ rất khó khăn trong môi trường khắc nghiệt như V.League. Phan Tuấn Tài lại là cầu thủ đang chơi cho đội bóng ở giải hạng Nhất là Đắk Lắk theo bản hợp đồng cho mượn từ Viettel. Sau màn trình diễn trong màu áo U23 Việt Nam, Tuấn Tài mới được gọi trở lại Viettel để tìm kiếm cơ hội thi đấu ở V.League 2022.
Còn bình luận viên bóng đá Ngô Quang Tùng cho rằng, việc các cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hay ít lại không do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) quản lý, mà do ông bầu của các đội bóng. V. League là sân chơi chuyên nghiệp, mỗi ông bầu tốn hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng/năm để nuôi đội 1 cũng như đội trẻ, nên VFF không thể bắt ép họ được.
Quyền Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cho biết, VFF sẽ làm việc với các câu lạc bộ để có giải pháp hài hòa giữa lợi ích của câu lạc bộ, đồng thời tạo điều kiện thi đấu cho các cầu thủ trẻ tại các giải đấu trong nước, qua đó phát hiện tài năng, tạo lứa kế cận cho các đội tuyển quốc gia hướng tới các giải đấu quốc tế trong tương lai.
U23 Việt Nam và khoảng trống sau thành công
Tấm Huy chương Vàng SEA Games 31 và hành trình đáng nhớ tại vòng chung kết U23 châu Á 2022 cho thấy bóng đá Việt Nam đang có một thế hệ cầu thủ giàu tiềm năng.
Tuy nhiên, sau những giải đấu ấn tượng, mối băn khoăn lớn nhất luôn là làm thế nào để các cầu thủ trẻ có được điều kiện tốt nhất để phát triển thành những ngôi sao trong tương lai.
Các cầu thủ U23 Việt Nam cần được thi đấu thường xuyên để tiếp tục phát triển. Ảnh: Goal
Cơ hội ra sân hạn chế
Thống kê trước vòng chung kết U23 châu Á 2022 cho thấy, U23 Việt Nam là đội bóng nằm trong nhóm có lực lượng các cầu thủ ít được ra sân ở giải vô địch quốc gia nhất trong số tất cả các đội. Đây là một điều không hề khó hiểu khi phần lớn các cầu thủ trong đội hình của huấn luyện viên (HLV) Gong Oh-kyun đều còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm và chưa có nhiều trải nghiệm tại V.League.
Ngoại trừ Bùi Hoàng Việt Anh ở Hà Nội FC, Nguyễn Thanh Bình ở Viettel, Nguyễn Văn Toản ở Hải Phòng và Lý Công Hoàng Anh ở Topenland Bình Định; những cầu thủ còn lại trong đội hình U23 đều có rất ít cơ hội được ra sân tại V.League. Nhiều người trong số họ đang thi đấu theo hợp đồng cho mượn ở các đội bóng thuộc giải hạng Nhất, số còn lại chỉ là những phương án dự phòng thường xuyên phải ngồi dự bị. Hai cầu thủ cùng thuộc biên chế của Viettel là Nhâm Mạnh Dũng và Phan Tuấn Tài là những trường hợp tiêu biểu. Tuấn Tài đang thi đấu cho Đắk Lắk ở giải hạng Nhất theo hợp đồng cho mượn, còn Nhâm Mạnh Dũng không thể cạnh tranh suất đá chính với cặp tiền đạo ngoại binh Geovane Magno và Pedro Paulo.
Ngay cả khi V.League cho phép các đội bóng đăng ký thêm cầu thủ ở mùa giải này, điều đó cũng chỉ tạo thêm cơ hội ở dạng... tiềm năng cho các cầu thủ. Họ phải cần rất nhiều may mắn và cả sự tin tưởng từ HLV để tiến vào đội hình chính. Ngay cả trung vệ đội trưởng U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2022 là Bùi Hoàng Việt Anh cũng chỉ được ra sân thường xuyên ở Hà Nội FC khi các đàn anh Duy Mạnh, Đình Trọng gặp chấn thương dài hạn. Người đá cặp ăn ý với Việt Anh là Thanh Bình cũng phải chờ đến khi Quế Ngọc Hải trở về Sông Lam Nghệ An mới có được vị trí chính thức trong hàng thủ Viettel.
Phương án tối ưu
Hiện tại, các giải trẻ của bóng đá Việt Nam từ lứa U15 đến U21 vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm nhưng dưới hình thức của các giải đấu tranh cúp. Tính cả vòng loại đến vòng chung kết của các giải trẻ, các đội bóng chỉ có khoảng 10 trận đấu, đây là con số quá thấp đối với các cầu thủ trẻ. Ngoài các giải đấu đó, hầu hết các cầu thủ trẻ đều chỉ tập luyện với đội 1 và không có nhiều cơ hội thi đấu.
Nói một cách công bằng, việc các đội bóng V.League hạn chế sử dụng cầu thủ trẻ không phải là lỗi của họ. Áp lực thành tích lớn buộc các HLV phải lựa chọn đội hình tối ưu với những cá nhân xuất sắc nhất ở từng vị trí. Nếu ưu tiên cho các cầu thủ trẻ nhưng không đảm bảo được thành tích, thì các nhà cầm quân có thể phải trả giá bằng chính chiếc ghế của mình.
Rõ ràng, không thể chờ đợi việc các đội bóng V.League chủ động tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ và cũng không thể bắt buộc họ làm điều đó. Bóng đá Trung Quốc đã từng "ép" các đội bóng ở giải vô địch quốc gia của họ sử dụng một số lượng cầu thủ nhất định ở lứa tuổi U23 trong các trận đấu chính thức. Nhưng hiệu quả của chiến lược này là con số 0 tròn trĩnh khi các đội bóng tìm mọi cách đối phó, lách luật. Đã có những đội tung cầu thủ trẻ vào sân rồi thay ngay họ ra trong vòng... 15 giây chỉ để đảm bảo "đúng luật" và không bị phạt.
Phương án được nhiều chuyên gia đề xuất là tổ chức một giải đấu độc lập dành cho các cầu thủ trẻ. Đây là mô hình đã phổ biến ở nhiều quốc gia có nền bóng đá phát triển trên thế giới. Cụ thể, các giải trẻ sẽ diễn ra song song với giải vô địch quốc gia, giúp các cầu thủ được thi đấu liên tục, qua đó, nâng cao kinh nghiệm lẫn trình độ.
Việc tổ chức một giải đấu riêng cho lứa trẻ cũng giúp các đội bóng có được sự đánh giá xuyên suốt về quá trình tiến bộ của các cầu thủ "cây nhà lá vườn", qua đó, các HLV có thể cân nhắc việc đưa những người xuất sắc bổ sung lên đội 1 bất cứ lúc nào. Đây được xem là phương án tối ưu nhất để tạo ra một sân chơi chất lượng và có tính liên tục cho các cầu thủ trẻ, tuy nhiên, nó cũng có những rào cản về công tác tổ chức và tạo ra gánh nặng tài chính với các đội bóng.
Chỗ đứng nào cho U23 ở V-League? Dù thi đấu ấn tượng ở SEA Games 31 và vòng chung kết U23 châu Á, các cầu thủ U23 Việt Nam đối mặt nỗi lo không cạnh tranh được chỗ đứng ở V-League hay Giải Hạng nhất khi trở về CLB Ngày các tuyển thủ U23 Việt Nam trở về sau hành trình tham dự vòng chung kết (VCK) U23 châu Á...