Tín dụng đen – sóng ngầm phát sinh tội phạm
Chỉ cần gõ google trong vài giây, có thể dễ dàng tìm được các kết quả có liên quan đến vỡ nợ tín dụng đen: bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ; đòi nợ thuê chém trọng thương con nợ, đánh cả cảnh sát; bắt cóc sinh viên để đòi nợ hàng trăm triệu đồng; kinh hoàng truy sát để đòi nợ hay đòi nợ, bắt cóc chồng, ép vợ bán xe…
Không dừng lại ở việc siết nợ bằng tài sản, đe dọa gây sức ép để con nợ phải cầm cố hoặc bán tài sản; bao vây, ăn ở tại nhà con nợ và bắt giữ người trái pháp luật… thời gian gần đây, các chủ nợ còn liều lĩnh dùng mìn, thuê côn đồ sát hại các con nợ, gây ra những vụ thảm án đau lòng mà cả xã hội phải kinh hoàng. Điều đó, vô hình trung đã tạo ra sự phức tạp về ANTT trên địa bàn, đặc biệt là những vùng ven đô nơi cơn bão tín dụng đen tràn qua. Những ngày này, việc giữ và đảm bảo ANTT vẫn đè nặng lên vai lực lượng Công an ở cơ sở.
1001 chiêu đòi nợ
Kể lại sự việc đã xảy ra, nạn nhân của vụ bắt cóc là anh Đỗ Dự Minh (34 tuổi, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn bàng hoàng, sửng sốt. Theo lời kể của anh Minh thì vì cần vốn làm ăn, cách đây không lâu anh đã vay tiền của một số người, trong đó có chị Đỗ Thị Mai Phương (29 tuổi, ở phường La Khê, quận Hà Đông). Việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió, khiến anh lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Trước các khoản vay liên tục thúc ép, anh Minh buộc phải lánh nợ một thời gian…
Anh tìm vào TP HCM kiếm việc làm với hy vọng có thể trả được một phần các khoản vay. Từ việc nợ nần, giữa anh Minh và Nguyễn Văn Trung (32 tuổi, trú tại phường La Khê) đã xảy ra mâu thuẫn. Ngày 29/6, anh Minh cùng em trai là Đỗ Tiến Thịnh đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, ở đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân làm thủ tục giải nợ thì Trung cùng với Hoàng Văn Trung (23 tuổi, trú tại khu 10, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cùng một số đối tượng khác đến ngân hàng tìm anh Minh.
Và khi Minh và anh Thịnh vừa ra khỏi ngân hàng đã bị Nguyễn Văn Trung cùng đồng bọn ép lên xe taxi, đưa đến một quán cà phê ở ngã tư phố Quang Trung – Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông. Tại đây, anh đã bị các đối tượng hành hạ, đánh đập sau đó bị ngất đi. Sau khi đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhóm đối tượng trên đã ép nạn nhân viết giấy nợ 800 triệu đồng rồi mới thả ra.
Video đang HOT
Các đối tượng trong vụ bắt giữ người trái pháp luật ở Đan Phượng.
Đây chỉ là một trong số các chiêu đòi nợ… mà các chủ nợ và đối tượng đòi nợ thuê áp dụng. Chỉ cần gõ google trong vài giây, chúng ta dễ dàng tìm được các kết quả có liên quan đến vỡ nợ tín dụng đen: bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ; đòi nợ thuê chém trọng thương con nợ, đánh cả cảnh sát; bắt cóc sinh viên để đòi nợ hàng trăm triệu đồng; kinh hoàng truy sát để đòi nợ hay đòi nợ, bắt cóc chồng, ép vợ bán xe… điều đó phần nào đã cho thấy bức tranh toàn cảnh của các vụ vỡ nợ tín dụng đen hiện nay. Có đối tượng liều lĩnh đâm ôtô, đối tượng khác thì lại đổ xăng với mục đích đe dọa con nợ để đòi tiền…
17h ngày 19/4, tại xóm 1 Giang Cao, Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội do mâu thuẫn trong việc vay nợ tiền, Nguyễn Trung Thành (30 tuổi, ở Thuận Tốn, Đa Tốn, Gia Lâm) cùng một số đối tượng khác tìm đến nhà ông Nguyễn Thành Đặng ở xóm 1, Giang Cao, Bát Tràng gây sức ép đòi nợ. Khi nhìn thấy ông Đặng, Thành lao xe ôtô đâm vào ông Đặng. Chưa dừng lại ở đó, Thành cùng đồng bọn tiếp tục dùng tuýp sắt đánh liên tiếp vào người nạn nhân gây thương tích nghiêm trọng. Con trai của ông Đặng là anh Nguyễn Đức Thanh thấy bố bị đánh, xông vào can ngăn cũng bị nhóm đối tượng này đánh gây thương tích. ư
Trong các vụ việc như trên, đối tượng Thành, Trung sau đó bị cơ quan CSĐT khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Cũng vì mâu thuẫn nợ nần mà Nguyễn Văn Tới (22 tuổi, trú tại Thượng Trì, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng) cùng một số đối tượng đã tưới xăng vào khu vực máy xay xát gạo của vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng (30 tuổi, trú tại cụm I, Liên Hà, Đan Phượng). Rất may, vụ việc này đã được gia đình kịp thời phát hiện nên chưa để xảy ra hậu quả về người và tài sản. Khi có mặt tại cơ quan điều tra, anh Dũng khai rằng anh đã nợ Tới 200 triệu đồng song không có khả năng thanh toán, Tới nhiều lần đến đòi nợ, có lần mang theo cả dao… gây sức ép cho gia đình.
Công cụ các đối tượng dùng để đòi nợ thuê.
Bài toán nào cho các vụ vỡ nợ tín dụng đen ở những vùng quê
Lãi suất hấp dẫn cộng với thủ tục vay tiền nhanh gọn, đơn giản thuận tiện khiến thời gian qua tín dụng đen có “đất” để phát triển. Các nguồn tiền này phần lớn được huy động trong dân và qua nhiều kênh rồi đến các trùm nợ… và vì thế, mức lãi suất qua từng công đoạn cũng tăng lên ngất ngưởng. “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”, một rồi vài tháng đầu, các trùm nợ trả tiền lãi sòng phẳng khiến nhiều chủ nợ lóa mắt vì khoản lợi nhuận; còn các chân rết ở giữa, chẳng phải làm gì cũng có tiền vì thế càng tích cực huy động vốn để được hưởng nhiều tiền chênh lệch. Khi các vụ việc đổ bể, các con nợ bị bắt giữ thì cũng kéo theo những hệ lụy vô cùng dai dẳng…
Các trùm nợ bị bắt còn các chân rết trực tiếp thu gom tiền vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nên các chủ nợ thực sự, sau nhiều lần đòi tiền không thành thì bức xúc dẫn đến việc thuê côn đồ đòi nợ thuê. Các đối tượng này (phần lớn là những kẻ côn đồ, có tiền án tiền sự) khi được trả tiền thì liều lĩnh làm mọi việc từ chửi bới, đe dọa đến việc động chân động tay. Đó còn chưa kể đến các giao dịch ngoài luồng như đối tượng vay tiền để đánh bạc, cá bộ bóng đá…tự giải quyết mâu thuẫn bằng cách riêng của chúng, mang đậm tính xã hội đen.
Mặt khác, để chứng minh được hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo hoặclạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra phải chứng minh được ý thức chiếm đoạt của các đối tượng và điều này không phải dễ dàng. Vì thế, phần lớn các vụ vay nợ ở đây đều dừng lại ở các giao dịch dân sự… “Chờ được vạ thì má đã sưng”, nhiều chủ nợ trong phút chốc bị mất những khoản tiền mồ hôi nước mắt đã nóng vội mà không nghĩ đến hậu quả. Đây là lý do giải thích vì sao các vụ bạo lực hiện nay ngày càng gia tăng.
Hiện nay, Công an huyện Đan Phượng, Phú Xuyên, Thường Tín… phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố đã và đang tăng cường các biện pháp nghiệp vụ. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát cũng thường xuyên gọi hỏi, răn đe các đối tượng có biểu hiện đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn. Những biện pháp này là giải pháp nhằm đảm bảo ANTT trên địa bàn. Song giải pháp này dường như cũng chỉ mang tính chất tình thế.
Thực tế các vụ vỡ nợ tín dụng đen trong thời gian qua cho thấy, không phải trong ngày một ngày hai các đường dây vỡ nợ tín dụng đen trên được thiết lập. Có nhiều đường dây như của Nguyễn Thị Cúc, Dậu và vợ chồng Quang, Quyên… đã tồn tại trong rất nhiều năm nhưng chính quyền sở tại cũng chẳng biết, chẳng hay. Chỉ đến khi con nợ bỏ trốn với các khoản nợ lên tới vài trăm tỷ đồng thì mọi người mới biết, mới hay thì đã quá muộn.
Trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế đang rơi vào giai đoạn suy thoái, việc tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng không dễ dàng thì hoạt động tín dụng đen vẫn đã và đang tiếp tục diễn ra. Và vì thế, nguy cơ của các vụ đổ bể tín dụng đen vẫn tiềm ẩn. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, ngay từ lúc này ngoài các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an, chính quyền địa phương ở cơ sở phối hợp với các cấp, các ngành cần phải làm tốt công tác quản lý địa bàn.
Thời gian gần đây, các vụ việc phức tạp về ANTT như đâm thuê chém mướn, dùng vũ khí gây án ngày càng gia tăng… Và cũng không phải ngẫu nhiên khi các vụ việc này đều tập trung ở các địa bàn, từng là tâm điểm của các vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng. Giải thích cho lý do này, một cán bộ Công an huyện Đan Phượng cho biết: Thực chất vay nợ tín dụng đen là những giao dịch ngầm giữa chủ nợ và các con nợ. Vì thế, có những khoản vay lên tới vài trăm tỷ đồng nhưng có khi chỉ vẻn vẹn bằng vài dòng chữ nghuệch ngoạc, trên đó thậm chí tên của chủ nợ và con nợ cũng không đầy đủ, rõ ràng, mọi thứ chỉ là rất chung chung như anh A cầm của B 32 tỷ đồng… Vì thế, nhiều chủ nợ sau khi viết đơn tố cáo cũng không chứng minh được nguồn gốc các khoản tiền đã ghi trong giấy cầm cố vì sau mỗi tháng “chốt nợ”, họ thường cộng cả tiền lãi và với tiền gốc để làm tròn thành một số.
Theo CAND
Tín dụng đen - sóng ngầm dữ dội
Nhiều người dân huyện Đan Phượng và các vùng lân cận nhiều ngày nay đang mất ăn mất ngủ khi hay tin cặp vợ chồng Tạ Việt Quang và Bùi Thị Quyên bị vỡ nợ và bỏ trốn khỏi nơi cư trú tối 16-9. Các chủ nợ đã huy động từ các nguồn tiền đem cho cặp vợ chồng này vay với kỳ vọng nhận được lãi suất cao. Lãi đâu chưa thấy, các chủ nợ hiện phải gồng mình gánh các khoản nợ.
Salon ô tô của vợ chồng Quang - Quyên
Đánh bóng thương hiệu để... huy động vốn
Trước đây đã có thời điểm tín dụng đen chỉ phổ biến ở các thành phố lớn thì nay "vòi bạch tuộc" của nó đã vươn tới những người dân ở ngoại thành có tiền nhưng thiếu hiểu biết. Không phải ngẫu nhiên mà trong tháng 8 ở địa bàn huyện Đan Phượng xảy ra 3 nhóm côn đồ manh động đòi nợ thuê cùng đó là việc bắt giữ người đánh đập, xiết nợ chỉ vì con nợ không trả tiền gốc cùng khoản lãi cắt cổ. Anh T vay của một chủ cửa hàng cầm đồ tên Diện số tiền 130 triệu đồng với lãi suất 10 nghìn đồng/1 triệu/ngày. Vay 130 triệu đồng thực tế Diện đã cắt lại phần lãi trừ vào khoản tiền đưa cho "con nợ". Khi không đòi được tiền cùng khoản lãi, đối tượng cùng đồng bọn bắt giữ đánh đập cưỡng đoạt tài sản của anh T. 3 vụ đòi nợ xảy ra liên tiếp cùng một địa bàn chứng tỏ tín dụng đen đang âm thầm hoạt động ở những vùng quê ngoại thành và chỉ lộ ra phần chìm của tảng băng nổi khi vợ chồng doanh nhân Quang - Quyên "ôm" khoản nợ trên 200 tỷ đồng trốn chạy trong đêm.
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Trưởng CAH Đan Phượng, CATP Hà Nội, một trong những thủ đoạn để cặp vợ chồng Quang - Quyên huy động được số tiền hàng trăm tỷ đồng qua hình thức vay lãi suất cao chính là nhờ việc đánh bóng thương hiệu, trưng số tài sản "ảo" cho mọi người thấy. Cặp vợ chồng này làm chủ Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên có trụ sở ở 36 phố Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng, Đan Phượng. Thành lập năm 2003, công ty được cấp phép hoạt động trên 30 lĩnh vực, kinh doanh chủ yếu là dịch vụ du lịch lữ hành nội địa, mua bán ô tô, xe máy nguyên chiếc. Sau nhiều năm Quang - Quyên mở rộng thêm 2 salon bán xe ô tô có hơn 30 xe ô tô con và xe du lịch, cùng một cửa hàng đại lý bán xe ô tô tải ở khu vực Cầu Gáo, Đan Phượng.
Nhiều năm liền Quang tham gia và giữ chức Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đan Phượng. Ngoài ra đôi vợ chồng rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức tài trợ cho nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật ở địa phương. Chính nhờ "vỏ bọc" quá hoàn hảo từ năm 2010 đến nay, thông qua nhiều kênh cặp vợ chồng này đã thu hút vốn bằng cách vay tiền các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân. Kinh doanh thua lỗ, vay nợ lớn nhưng Quang - Quyên vẫn mở thêm cửa hàng kinh doanh vàng bạc và đá quý ở trụ sở công ty ở phố Nguyễn Thái Học. Doanh nhân trẻ, thành đạt, hào phóng, có uy tín chính là những từ được người dân từ thị trấn cho tới xã nhận xét về cặp vợ chồng này.
Thực chất từ năm 2010, để che giấu sự thua lỗ trong kinh doanh, vợ chồng này đã nhận ký gửi nhiều xe ô tô của doanh nghiệp và cá nhân khác nhằm che đậy sự thật công ty có nguy cơ bị phá sản. Cặp vợ chồng này đã mượn nhiều "sổ đỏ" đứng tên người khác để thế chấp ngân hàng vay hàng chục tỷ đồng để quay vòng kinh doanh. Chúng tôi đến xã Tân Lập, gặp anh K chị H cho vợ chồng Quang - Quyên vay 2,25 tỷ đồng. Chị H nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Tháng 5-2011, thấy Quyên bảo cần tiền nhập ô tô loại sang từ Hải Phòng, khát vốn nên hỏi vay tôi với hứa hẹn trả lãi 2 nghìn đồng/triệu/ngày. Do quen biết tin tưởng, gia đình tôi có tiền dành dụm để sinh con chưa dùng đến nên đã đem cả cho Quyên, tôi đưa 4 lần, lần ít 150 triệu, lần nhiều 800 triệu đồng. Trong đó có hơn 1 tỷ đồng là tiền mượn từ ông ngoại bán cây cảnh đem cho vay nốt... Chị vợ tôi cũng cho Quyên vay 5,8 tỷ, tổng số huy động của bạn bè, người thân nữa cũng ngót 10 tỷ đồng đem cho vay giờ chưa biết lấy tiền đâu ra để trả... - anh K chua xót nói. Người thân của vợ chồng vỡ nợ hé lộ "mỗi ngày mở mắt ra vợ chồng nó (Quang Quyên-PV) đã mất 1,2 tỷ đồng tiền lãi, kinh doanh gì cho lại...".
Chớ tham mà rước họa
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Thảo, đối tượng huy động tín dụng đen đều có cùng một chiêu thức để hút vốn đó là lãi suất cao. Các đối tượng tạo cho mình "vỏ bọc", doanh nghiệp có nhiều dự án đầu tư lớn, làm ăn phát đạt sở hữu nhiều tài sản như đất, xe ô tô, cửa hàng kinh doanh... cần vay vốn. Đến khi vỡ nợ, hệ lụy sụp đổ dây chuyền khiến nhiều người huy động vốn mới ngã ngửa không biết kiếm đâu tiền để trả nợ, một trong số đó đã trốn khỏi nơi cư trú như vợ chồng Lê Thị Th và B; Q và C. Ngày 17-9 vừa qua, nhiều chủ nợ đã đến xiết nợ để gỡ gạc phần nào số tài sản đã mất, nhiều chủ nợ bỗng chốc trắng tay, rơi vào cảnh nợ đầm đìa. Chưa dừng lại ở đó, một số đối tượng côn đồ "đâm thuê chém mướn" do một số chủ nợ vì tiếc của đã thuê nhằm đòi nợ tiếp tục gây bất ổn về tình hình ANTT tại địa bàn.
Ông Lê Đình Khánh, Chủ tịch UBND thị trấn Phùng, Đan Phượng cho biết: "Người dân trong huyện trước nay chỉ quen mua bán, vay mượn trao tay, tin tưởng nhau là chính, không thông qua chính quyền vì thế Quang - Quyên đã lợi dụng nhằm huy động lượng vốn lớn như vậy. Khi xảy ra vỡ nợ hậu quả của nó lại càng nghiêm trọng". Hiện một bộ phận không nhỏ các bị hại chưa ra trình báo cơ quan công an vì sợ cho Quang - Quyên vay tiền lãi suất cao nếu trình báo sẽ bị khép vào tội cho vay nặng lãi. Theo quy định tại Điều 163 - BLHS lãi suất cho vay cao gấp 10 lần lãi suất cơ bản của ngân hàng tại thời điểm vay mới bị khép vào tội cho vay nặng lãi. Hệ lụy từ sự vỡ nợ của vợ chồng Quang - Quyên khiến hàng chục gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, trắng tay, từ vị thế là chủ nợ bỗng chốc biến thành con nợ.
Người dân cần cẩn trọng với lời mời gọi vay lãi suất cao, xem xét đánh giá đối tác có lượng tài sản để trả nợ hay không trước khi cho vay, mua bán vay mượn tài sản lớn cần có sự chứng kiến từ chính quyền địa phương thì khi đó hậu quả của những vụ vỡ nợ dây chuyền như vụ Quang - Quyên mới được ngăn chặn phần nào, một cán bộ điều tra CAH Đan Phượng đánh giá.
Theo ANTD
Bắt trói người vì va chạm giao thông Do va chạm giao thông, nhóm người đã bắt trói hai tay và cột anh Thành vào trụ thềm nhà, tới khi công an xuất hiện anh Thành mới được giải thoát. Sáng 6/7, TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo, bác kháng cáo của bị hại, sửa một phần án sơ thẩm, tuyên phạt 5 bị cáo...