Tín dụng chính sách thay đổi diện mạo huyện cửa ngõ Cù lao Minh
Những năm qua, tín dụng chính sách ở Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre) được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo tại huyện cửa ngõ khu vực Cù lao Minh.
Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, hàng nghìn hộ dân ở huyện Mỏ Cày Bắc đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Qua đó đời sống người dân có nhiều khởi sắc, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện thuần nông.
Người dân nhận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Thuộc diện hộ nghèo nhưng chí thú làm ăn, anh Phan Văn Trường ngụ ấp Ông Cốm, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre được chính quyền địa phương xem xét và tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng để chăn nuôi dê năm 2016. Sau giải ngân, gia đình tiếp tục được cán bộ tín dụng ngân hàng phối hợp với Hội Nông dân xã quan tâm hướng dẫn, nhờ vậy mô hình chăn nuôi dê của anh Trường phát triển thuận lợi. Đến năm 2019, anh quyết định vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để mở rộng quy mô đàn dê.
Anh Trường cho biết, trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn của địa phương. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, có lẽ gia đình không dám mạnh dạn đầu tư chuồng trại, con giống để phát triển chăn nuôi. Từ một vài con dê ban đầu, đến nay chuồng dê kiên cố của anh luôn ổn định khoảng 10 con để tái đàn liên tục, tạo thu nhập ổn định cho gia đình vươn lên thoát nghèo vào năm 2021.
Cũng như gia đình anh Trường, trước đây, mọi thu nhập của gia đình bà Phạm Thị Tám (sinh năm 1956) ở xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc đều phụ thuộc vào công việc thuê mướn “nay có mai không” của hai mẹ con. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, bà đã có điều kiện chuyển đổi mảnh đất vườn tạp phía sau nhà để sản xuất cây giống. “Trúng mùa, trúng giá”, cuộc sống bà Tám vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 và xây dựng ngôi nhà khang trang.
Nhìn ngôi nhà còn thơm mùi vữa của bà Tám, ai ai cũng phải vui mừng vì từ nay gia đình bà sẽ có cuộc sống ổn định và đầy đủ hơn. Bà Phạm Thị Tám xúc động, bản cảm thấy mừng và cảm ơn chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để gia đình được tiếp cận và vay vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống, “hiện thực hóa giấc mơ” vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Ông Huỳnh Hiếu Trung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua, Phòng giao dịch đã phối hợp với UBND các xã, phường làm tốt việc điều tra, rà soát, xác định các đối tượng vay vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng kịp thời nguồn vốn ưu đãi.
Ngoài ra, đơn vị cònchỉ đạo, quản lý đối với các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc quy định về việc bình xét công khai khi vay vốn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Theo ông Huỳnh Hiếu Trung, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (Chương trình hộ nghèo, Học sinh sinh viên và Giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai hơn 11 chương trình và một số chương trình do các tổ chức ủy thác cho Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
Video đang HOT
Tính đến cuối tháng 5/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 339 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%, với gần 12 nghìn hộ vay. Dư nợ tập trung chủ yếu vào các chương trình tín dụng lớn, như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Người dân phát triển chăn nuôi dê từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Ông Huỳnh Hiếu Trung cho biết thêm, thời gian qua, vốn tín dụng chính sách được triển khai đến 100% ấp, tổ nhân dân tự quản trong toàn huyện. Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở nông thôn; làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức cho không, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mặt khác, thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã có ý thức tiết kiệm, dành dụm để tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai.
Phó Bí thư thường trực huyện ủy Mỏ Cày Bắc Trần Thị Sol cho rằng, vốn tín dụng chính sách đã góp phần kéo giảm gần 10% tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong 12 năm (từ 12,57% năm 2010 xuống còn 2,66% năm 2022). Theo đó, đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động động; xây gần 15 nghìn công trình vệ sinh nước sạch, hỗ trợ cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp tục đến trường và trên 9.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, tạo tiền đề bền vững cho địa phương phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần tạo đột phá để xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Cũng theo bà Trần Thị Sol, thời gian tới, cần thực hiện tốt các chủ trương xã hội hoá nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, để tạo lập thêm nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi khác, phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đồng thời đề nghị UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan, xây dựng phương án, tập trung các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn vào một đầu mối Ngân hàng chính sách xã hội, và tiếp tục ưu tiên bố trí vốn ngân sách hàng năm thông qua Hội đồng nhân dân, ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay theo các chương trình, chính sách theo quy định….
ADVERTISING
00:00
Bà Trần Thị Sol cũng lưu ý Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức chính trị xã hội nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến tầng lớp nhân dân.
Người dân phát triển cây trồng từ nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Mặt khác, phải tích cực phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và UBND các cấp nâng cao chất lượng tín dụng, đôn đốc thu hồi hiệu quả đối với các hộ vay chây ỳ không trả, thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Có thể nói, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện cửa ngõ khu vực cù lao Minh đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, mục tiêu đến năm 2030, phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc sẽ phấn đấu đảm bảo 100% đối tượng chính sách xã hội đủ điều kiện có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát huy hiệu quả theo mục tiêu các chương trình tín dụng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng vốn tín dụng bình quân hàng năm ít nhất 10%; phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 10%/tổng nguồn vốn; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với Đề án thí điểm và đảm bảo an sinh xã hội tỉnh, huyện giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đa chiều bền vững, về việc làm, về nông thôn mới và về an sinh xã hội của huyện.
Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
Những năm qua, nhờ không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng của hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều hộ nghèo, cận nghèo khu vực vùng cao tỉnh Yên Bái dễ dàng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, mở ra cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Người nghèo vay vốn chính sách tại Điểm Giao dịch xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Cầu nối vay vốn cho người nghèo
Với vai trò là cầu nối cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái đã đồng bộ triển khai trên toàn địa bàn với phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị xã hội. Quy trình từ giải ngân, thu nợ và quản lý toàn bộ quá trình chu chuyển vốn được thông qua mạng lưới Điểm giao dịch và mô hình Tổ tiết kiệm, vay vốn.
Ông Bùi Văn Hóa, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải cho biết, với đặc thù là huyện 30a, có 91% dân số là đồng bào Mông nên mọi hoạt động của Phòng Giao dịch đều tập trung vào người nghèo, người hưởng chính sách. Phòng Giao dịch luôn duy trì 183 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản để người dân thuận lợi, nhanh chóng hưởng thụ nguồn vốn này cho phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ đó, vốn tín dụng ưu đãi đã triển khai kịp thời tới 98 thôn, bản toàn huyện cho vay 2.062 lượt hộ nghèo, với tổng dư nợ đạt trên 303,5 tỷ đồng.
Nhằm xây dựng mạng lưới ủy thác, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái đã ký kết ủy thác với 4 tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên; ký kết ủy thác với 36 hội cấp huyện và 615 hội cấp xã.
Mạng lưới ủy thác thông qua hợp đồng ủy nhiệm với 2.322 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản trên toàn tỉnh, đảm nhận toàn bộ nghiệp vụ của ngân hàng trực tiếp với người dân. Đồng thời, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội các huyện đều có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.
Nhận xét về tính hiệu quả của mạng lưới ủy thác tại cơ sở, ông Vũ Lê Chung Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu cho biết, bên cạnh việc tư vấn chính sách, hướng dẫn thủ tục vay vốn theo quy định. Tại các Điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn có cán bộ tín dụng để phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trực tiếp kiểm tra việc sử dụng vốn vay tới từng hộ gia đình. Đồng thời, thẩm định phương thức đầu tư sản xuất, kinh doanh của các hộ dân; hướng dẫn các hộ tiếp cận với những mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao. Đây chính là cánh tay nối dài của Chính phủ tới người dân vùng sâu vùng xa.
Với đặc điểm địa bàn rộng, đi lại khó khăn, cùng sự hạn chế trong nhận thức, hiểu biết về thủ tục và chính sách tín dụng là rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đối với người dân vùng cao như tỉnh Yên Bái. Việc duy trì hoạt động của Điểm giao dịch xã và Tổ tiết kiệm vay vốn tại thôn, bản là một giải pháp hữu hiệu, rất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Yên Bái trong những năm vừa qua.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, để các chủ trương của Đảng và chính sách của Chính phủ đến đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả. Chúng tôi thực hiện niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ các thủ tục, chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 100% Điểm giao dịch các xã và luôn duy trì, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là giải pháp tốt nhất để giúp người dân thuận tiện vay vốn và cán bộ tín dụng liên tục theo dõi, kiểm tra, giám sát trong quá trình sử dụng vốn vay của người dân.
Hiệu quả hoạt động tín dụng ở vùng cao
Để phát huy nguồn vốn vay ưu đãi có hiệu quả, bảo toàn nguồn vốn, đồng thời đảm bảo mục tiêu làm tốt công tác an sinh xã hội thì việc lựa chọn đối tượng cho vay, thẩm định, hướng dẫn, giám sát mục đích sử dụng vốn vay được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái đặc biệt coi trọng. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, luôn cần có sự đồng hành trực tiếp của Ngân hàng Chính sách Xã hội với đối tượng cho vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Để đảm bảo công tác này, theo ông Hoàng Đình Huân, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trạm Tấu cho biết, ngay từ đầu năm, Phòng Giao dịch luôn chủ động xây dựng kế hoạch, thông báo giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng kịp thời cho từng thôn, bản; chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát, thẩm định số hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chưa được vay vốn; phân tích, đánh giá tình hình sử dụng nguồn vốn vay của từng hộ gia đình; tổng hợp nhu cầu vay vốn theo các chương trình, và xây dựng kế hoạch tăng trưởng sát với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái đã triển khai hàng loạt giải pháp nâng cao hoạt động tín dụng cho người nghèo. Cụ thể, cải cách thủ tục và rút ngắn thời gian làm thủ tục cho vay; đồng bộ các chương trình cho vay, đa dạng kênh dẫn vốn; cập nhật và giải ngân kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi; nâng hạn mức tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đánh giá về hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, ông Trang A Lồng, Chủ tịch Ủy ban nhân xã cho biết, hiện nay các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã đều được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi rất dễ dàng, không phải thế chấp; mục đích vay, phương án sử dụng vốn vay được cán bộ tín dụng thẩm định kỹ và đồng hành cùng người dân trong suốt thời gian vay vốn. Do vậy, người dân sử dụng vốn rất hiệu quả, nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo, ổn định đời sống, đồng thời đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi trong cộng đồng.
Thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái cho thấy, đến hết quý I/2022, dự nợ cho vay hộ cận nghèo đạt 538 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 566 tỷ đồng. Đặc biệt, cho vay hộ nghèo trên toàn tỉnh Yên Bái đạt trên 1.000 tỷ đồng với 23.200 hộ, bình quân đạt gần 42 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn vay ưu đãi trên đã giúp cho hộ nghèo trên toàn tỉnh trồng mới, chăm sóc trên 15.700 ha rừng, 330 ha cây ăn quả; mua 8.400 con trâu, bò giống, 7.000 con lợn, dê, cừu giống và hơn 200.000 con giống gia cầm các loại.
Bằng các nghiệp vụ, biện pháp chỉ đạo tích cực, chủ động và cụ thể, hoạt động ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái ngày càng phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi dành cho người nghèo, liên tục tăng nhanh cả về quy mô lẫn chất lượng ủy thác, nhất là hiện thực hóa chính sách ưu đãi của Chính phủ tới người dân vùng cao Yên Bái.
Nhận xét về hiệu quả giảm nghèo từ nguồn vốn chính sách, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là một kênh chủ lực, giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và từng bước làm giàu. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh Yên Bái.
Cần Thơ: Nỗ lực nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được thành phố quan tâm thực hiện. Đến nay, thành phố chỉ còn 80 hộ dân tộc thiểu số nghèo. Đó là thông tin được lãnh đạo thành phố Cần Thơ đưa ra tại buổi gặp mặt chúc Tết cổ truyền Khmer Chôl Chnăm Thmây năm 2022 do Thành ủy, UBND...