Tin đồn báo ứng khiến hung thủ thiệt mạng ngay sau khi gây án?
Vì mâu thuẫn trong việc làm ăn kinh doanh, Lê Đức Tín (SN 1976, tỉnh Bình Định) đã ra tay sát hại cặp vợ chồng chủ cửa hàng buôn bán vải.
Sau khi gây tội ác, hung thủ bị bấn loạn tinh thần, đi xe máy đâm vào một chiếc xe tải hỏng máy đậu bên lề đường. Biết mình không thoát được tội, kẻ thủ ác đã tự sát ngay ngày hôm sau, khi đang điều trị tại bệnh viện.
Buổi tối kinh hoàng
Nạn nhân trong vụ án là vợ chồng ông Lưu Văn Sơn (SN 1946) và bà Trần Thị Nhi (SN 1959, trú tại khối 1, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn). Đã hơn 10 năm trôi qua nhưng ông Lưu Mỹ Tài (SN 1968, cháu ruột ông Sơn) vẫn chưa thể quên được buổi tối đầy ám ảnh ngày hôm đó. Ông Tài kể, trưa ngày 14/12/2004, ông sang nhà chú ruột ở cạnh đó nhưng thấy cửa khóa, chiếc xe máy vẫn dựng bên trong. Nghĩ vợ chồng chú đi vắng hoặc ngủ trong nhà nên ông Tài đi về mà không hề hay biết về cảnh tượng kinh hoàng ở bên trong cánh cửa.
Đến khoảng 20h tối hôm đó, ông Tài gọi vào số điện thoại bàn của người chú nhưng không ai bắt máy. Lo lắng vợ chồng chú có chuyện chẳng lành, ông Tài cùng một số người thân phá cửa vào nhà thì không khỏi giật mình kinh hãi. “Lúc đó tôi đứng ở phòng
trước, nhìn vào thấy xác người phủ mền nằm ở trước phòng ngủ, xung quanh đầy vết máu. Tôi biết trong nhà đã xảy ra án mạng nên không dám bước vào xem vì sợ làm sai lệch hiện trường. Tôi và người thân gọi điện cho công an huyện tới làm việc, sau đó thì mới biết là cả chú và thím đều đã chết…”, ông Tài kể lại.
Căn nhà nơi trước đây xảy ra vụ thảm án kinh hoàng.
Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, ông Sơn nằm chết phía trước phòng ngủ, bà Nhi nằm ở nhà bếp, cách xác chồng khoảng 10m, cả hai đều được đắp một tấm vải. Tại hiện trường có một con dao phay mũi bằng, một dao Inox gãy mũi, một kìm điện mũi nhọn, tất cả đều dính máu. Trên tường có nhiều vết máu khô, nền nhà nhiều chỗ máu đọng thành vũng, in nhiều dấu dép. Nhiều tờ bạc mệnh giá 50- 100 nghìn đồng dính máu vương vãi. Tuy nhiên, căn nhà không có dấu vết lục soát.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, bà Nhi bị nhiều vết thương do vật nhọn đâm khắp người và tử vong do đứt động mạch cổ. Ông Sơn cũng bị nhiều vết thương như vợ và chết do vỡ hộp sọ. Thời gian xảy ra vụ án được xác định là vào tối ngày 13/12/2004, trước thời điểm phát hiện vụ việc 1 ngày. Điều kì lạ là trong thời gian hai vợ chồng ông Sơn bị sát hại, bà con nhân dân và người thân ở cạnh đó không hề nhận thấy những dấu hiệu bất thường.
Không manh mối
Để nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc trấn an dư luận, Công an tỉnh Bình Định và Công an huyện Hoài Nhơn khẩn trương vào cuộc điều tra. Thông tin ban đầu cho thấy, vợ chồng ông Sơn làm nghề mua bán vải, lấy hàng từ TP.Hồ Chí Minh đưa về địa phương bỏ sỉ cho nhiều người và bán lẻ cho thợ may. Căn nhà của nạn nhân vốn là cửa hàng buôn bán vải nên trong ngày 13/12/2004, có nhiều người đến đây mua vải. Người khách sau cùng ra về vào lúc 16h50 và khi đó người khách này thấy ông Sơn lấy xe máy chạy ra ngoài mua cháo vịt.
Làm việc với những hàng quán mà ông Sơn tìm đến thì được biết, cả ba quán ông Sơn đến đều hết cháo nên ông về không. Từ 17h trở đi, không một ai trông thấy vợ chồng ông Sơn ra khỏi nhà. Theo thông tin một khách hàng của vợ chồng ông Sơn cung cấp, lúc 19h ngày 13/12 người này nhiều lần
Video đang HOT
gọi điện đến nhà ông Sơn nhưng không ai bắt máy. Từ kết quả điều tra ban đầu, cơ quan công an nhận định vợ chồng ông Sơn bị sát hại trong khoảng thời gian từ 17h đến trước 19h ngày 13/12/2004.
Mở rộng điều tra phát hiện, trong cuốn sổ ghi chép việc mua bán có tên nhiều bạn hàng chưa thanh toán tiền mua vải. Mối quan hệ mua bán giữa vợ chồng ông Sơn với bạn hàng tuy chưa phát hiện có mâu thuẫn nhưng tiềm ẩn nhiều nghi vấn cần làm rõ. Về quan hệ gia đình, vợ chồng ông Sơn đang có những bất đồng với anh em và bà con trong họ. Ngôi nhà vợ chồng ông đang ở là nhà thờ họ đang có tranh chấp. Giữa vợ chồng ông Sơn và gia đình nhà vợ thời gian trước đó cũng có nhiều mâu thuẫn gay gắt.
Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, chuyên án GN 12.04 được thành lập do Đại tá Chế Trường, Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng ban, Đại tá Nguyễn Trung Tâm – Phó giám đốc Công an tỉnh làm phó ban. Trong cuộc họp tổ chức tại Công an huyện Hoài Nhơn, sau khi nghe các đơn vị chức năng báo cáo kết quả điều tra tại hiện trường và tài liệu ban đầu trinh sát thu thập được, Ban chuyên án chỉ đạo các lực lượng tiến hành điều tra làm rõ theo các hướng nhận định: Giết người cướp tài sản; giết người do tranh chấp tài sản; giết người do mâu thuẫn trong kinh doanh…
Trong quá trình điều tra, trinh sát phát hiện ngày 14/12/2004, một người dân nhặt được chiếc mũ bảo hiểm tại cống Ông Tài, cách ngôi nhà vợ chồng ông Sơn bà Nhi khoảng 10km về hướng bắc. Hai ngày sau đó, cũng tại khu vực này, một người dân địa phương nhặt được chiếc áo lạnh. Cả hai thứ còn lành lặn nhưng đều dính máu, tuy nhiên đã hoại tử nên không thể giám định. Ban chuyên án nhận định, hai vật dụng khả nghi này có thể liên quan đến vụ án và cử lực lượng truy tìm chủ nhân của chúng. Vì hai nạn nhân bị sát hại hết sức dã man nên theo lẽ thường, các hướng điều tra tập trung vào các đối tượng côn đồ cộm cán tại địa phương. Trong suốt một tháng sau đó, các trinh sát tiến hành khoanh vùng, sàng lọc đối tượng hình sự ở huyện Hoài Nhơn, các huyện lân cận và một số địa phương khác có mặt tại thị trấn Bồng Sơn trong thời gian xảy ra vụ án. Tuy nhiên, sau hơn một tháng làm việc không ngừng nghỉ, việc điều tra vẫn không phát hiện bất cứ dấu hiệu nghi vấn nào.
Vụ tai nạn giao thông bất thường
Khi công tác điều tra đang đi vào thế bế tắc thì bỗng xuất hiện một manh mối vô cùng quan trọng. Một nguồn tin cho biết, bà Nhi trước đây có quan hệ mua bán với một thanh niên tên Tín, quê ở thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn). Tuy nhiên sau đó hai người nảy sinh mâu thuẫn, Tín không được bà Nhi cung cấp vải nữa, phải trực tiếp vào TP.Hồ Chí Minh lấy hàng và tỏ thái độ thù ghét bà Nhi.
Kết quả xác minh cho biết, người thanh niên đó là Lê Đức Tín (1976, ở khối 6, thị trấn Tam Quan, Hoài Nhơn), chủ một tiệm may chuyên may dù biển và từng là một trong số bạn hàng lớn của bà Nhi. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra hướng vào nhân vật này thì trước đó, chiều ngày 13/12/2004, Tín đã bị tai nạn giao thông, sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Bất ngờ hơn, chiều ngày 14/12/2004, Tín tự tử chết tại bệnh viện. Bởi thời điểm đó vụ án vẫn chưa được phát hiện nên nên các trinh sát cho rằng Tín không liên quan đến vụ án, không đi sâu xác minh.
Tuy kẻ tình nghi đã chết nhưng Ban chuyên án vẫn tiến hành xác định Tín có liên quan đến vụ án hay không. Công tác xác minh được bắt đầu từ việc Lê Đức Tín bị tai nạn giao thông. Biên bản về vụ tai nạn giao thông này ghi rõ: Lúc 18h30 ngày 13/12, Lê Đức Tín điều khiển xe môtô chạy trên QL1A từ hướng bắc vào, khi đến địa phận khối 6 thuộc thị trấn Tam Quan đã tông vào chiếc xe tải bị hỏng đậu bên lề đường cùng chiều. Khi bị tai nạn Tín ngã xuống bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định trong tình trạng còn hôn mê. Khi xem xét kĩ lưỡng, các điều tra viên nhận thấy vụ tai nạn giao thông do Tín gây ra có nhiều điểm bất thường. Nhiều nhân chứng khẳng định, khi tự gây tai nạn, Tín ngã xuống đường bất tỉnh ngay lúc đó. Bệnh án do Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định lập cho biết, Lê Đức Tín bị thương vùng mặt, ngoài ra trên thân thể không có thương tích gì đáng kể.
Tuy nhiên, khi khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn, CSGT Công an huyện Hoài Nhơn lại phát hiện trên ghi đông, chân thắng xe và đế dép của Tín dính nhiều máu… Từ đây một câu hỏi đặt ra: Máu trên ghi đông xe và dưới đế dép Tín từ đâu mà có?
Trinh sát lập biên bản tạm giữ đôi dép trên và Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Bình Định đã giám định, kết luận dấu dép tại hiện trường nhà vợ chồng ông Sơn là do đôi dép của Tín để lại. Đến đây, Ban chuyên án nhận định Tín nhiều khả năng liên quan đến vụ án vợ chồng ông Lưu Văn Sơn và bà Trần Thị Nhi bị sát hại. Thêm những câu hỏi được đặt ra: Tín có liên quan thế nào đến vụ án? Nếu Tín là hung thủ trong vụ án thì người này giết vợ chồng ông Sơn vì động cơ gì và bằng cách nào?
Chết vì tự sát…
Như đã nói, vụ trọng án được xác định xảy ra vào chiều ngày 13/12/2004. Chính vì vậy, để biết Tín có liên quan đến vụ án hay không, các trinh sát tiến hành điều tra trong khoảng thời gian ngày hôm đó, Tín đã làm những gì. Việc sinh hoạt của Tín sau đó đã được dựng lại một cách cụ thể, chi tiết. Theo đó, khoảng 7h sáng ngày 13/12, Lê Đức Tín chở con gái 2 tuổi đi nhà trẻ sau đó đi uống cà phê đến 9h về nhà. Một lát sau đó, Tín lại lấy xe đi chơi với một số người ở địa phương đến 11h về ăn cơm, nghỉ trưa.
Đến 15h chiều cùng ngày, Tín ngủ dậy lấy xe đi chơi tiếp. Đến 16h, Tín đến nhà người quen ở thôn Tân Thành 2 (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) mượn mũ bảo hiểm. Đây chính là chiếc mũ bảo hiểm mà người dân nhặt được tại cống Ông Tài. Tín đem mũ bảo hiểm và áo lạnh về gửi nhà mẹ ruột ở gần nhà rồi đi đón con. Đến 16h30, Tín đến lấy áo lạnh, mũ bảo hiểm và đi đâu không ai rõ. Đến 18h30, gia đình nhận được tin Tín bị tai nạn giao thông cách nhà một đoạn ngắn. Khi xảy ra tai nạn trên người Tín không có mũ bảo hiểm và áo lạnh mà khi đi Tín đã mang theo.
Mối liên hệ giữa vụ trọng án và Lê Đức Tín ngày càng rõ dần, tuy nhiên, để có đủ tài liệu chứng minh Tín là thủ phạm giết người, Ban chuyên án chỉ đạo trinh sát tiếp cận những người trong gia đình của Tín để làm rõ diễn biến tâm lý trước khi gã tự tử và điều tra thu thập chứng cứ về hành vi phạm tội của gã. Sau gần 2 tháng vừa thuyết phục vừa áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, trinh sát mới thu thập đủ chứng cứ chứng minh Lê Đức Tín là hung thủ gây ra vụ án.
Người vợ của Tín thì trình bày, sau một đêm cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, sáng 14/12/2004 Tín tỉnh lại. Khi đó, Tín thấy hai tay mình có dính máu thì liền bảo vợ lau nhanh, khi vợ chưa kịp lau thì Tín nổi cáu. Đến khoảng 12h trưa, mặc dù đang còn truyền nước nhưng Tín bảo vợ cầm bình nước dẫn mình ra ngoài. Khi đi dọc hành lang bệnh viện, Tín nói với vợ: “Hôm qua tao giết vợ chồng bà Nhi rồi”. Người vợ nghĩ Tín bị chấn thương, thần kinh không ổn định nên nói nhảm, hơn nữa lúc này vụ án chưa được phát hiện nên đã gạt đi.
Thấy vợ không tin, Tín nói tiếp: “Ngày mai mày sẽ biết”. Sau đó Tín dặn thêm: “Nếu công an đem con dao Inox đến hỏi thì mày bảo không biết. Dặn mẹ cũng nói như vậy”. Mặc dù Tín nói nhiều đến việc sát hại vợ chồng ông Sơn nhưng người vợ không nghĩ đó là thật. Một lúc sau Tín bảo vợ đi mua băng keo, tuy nhiên khi người vợ về đến nơi thì thấy nhiều người đang đứng dưới chân tháp nước bệnh viện bàn tán về việc Tín đang ngồi trên đó. Người vợ quá hoảng sợ liền gọi điện thông báo sự việc với gia đình.
Đến 16h ngày 14/12, hai người anh ruột của Tín từ huyện Hoài Nhơn vào tới nơi. Vợ Tín đem mọi chuyện kể lại với hai người anh chồng, tuy nhiên vì lúc đó vụ án chưa bị phát hiện nên hai anh ruột Tín vẫn không tin. Khoảng 16h30, sau nhiều lần khuyên bảo nhưng Tín không chịu xuống, một người anh trai phải leo lên tháp nước mang sữa cho Tín. Tín uống sữa xong nói với anh: “Tôi không xuống đâu. Hôm qua tôi giết vợ chồng bà Nhi rồi”.
Người anh hỏi Tín cụ thể chuyện là thế nào thì Tín trả lời: “Ai bảo mua bán gian lận, ăn chặn tiền của tôi lại còn cho là tôi ngu nữa. Tôi dùng dao đâm nhưng không chết nên lấy thớt đập. Trong thớt có dấu tay tôi, thế nào công an cũng tìm ra. Tôi chết cho khỏi ảnh hưởng gia đình. Cái mũ bảo hiểm mượn của bà Hạnh và áo pilot dính máu nhiều quá tôi ném xuống cống Ông Tài”. Nghe Tín nói rành rọt lại có vẻ hết sức nghiêm túc, người anh bủn rủn tay chân, vội vàng leo xuống. Khi anh trai vừa đặt chân xuống đất thì Tín cũng nhảy xuống và tử vong ngay lúc đó.
Đêm đó, trong lúc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, gia đình Lê Đức Tín đang khóc than thương xót y thì cách đó 90km, nhiều người cũng đang đau xót, rùng mình trước cái chết thảm thương của vợ chồng ông Sơn bà Nhi. Biết Tín đã nói sự thật, rằng chính gã là kẻ sát hại vợ chồng ông Sơn nhưng gia đình vì vừa sợ hãi vừa xấu hổ nên quyết định giấu kín mọi chuyện. Tuy nhiên, mọi người không thể ngờ rằng vụ án sau đó vẫn được làm sáng tỏ, Tín dù đã chết nhưng không thể che giấu được tội lỗi của mình.
Cũng từ cái chết bất ngờ của Tín mà sau này, khi vụ án được làm sáng tỏ, nhiều người đã cho rằng Tín bị nạn nhân báo oán. Nhiều người còn thêu dệt những thông tin, tình tiết ly kỳ cho rằng ngay sau khi Tín rời khỏi hiện trường, Tín đã bị “vong hồn” nạn nhân truy đuổi và việc ấy khiến Tín sợ hãi mà đâm xe vào ô tô đang đậu bên đường…
Hành vi máu lạnh
Theo lời khai của người anh trai về việc Tín nói dùng thớt đánh chết vợ chồng nạn nhân, trinh sát tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hiện trường và phát hiện thu giữ được cái thớt còn dính máu và bết tóc của nạn nhân. Từ những bằng chứng trên, ngày 7/2/2005, Ban chuyên án kết thúc vụ án sau 52 ngày điều tra. Quá trình gây án của hung thủ cũng đã được kết luận.
Theo đó, do mâu thuẫn trong việc mua bán vải dù, Lê Đức Tín căm thù bà Trần Thị Nhi và tìm cách giết chết nạn nhân. Chiều ngày 13/12/2004, Tín đến nhà người quen mượn mũ bảo hiểm sau đó đem về nhà mẹ ruột gửi rồi đi đón con. Đến 16h30 chở con về nhà xong, Tín đến nhà mẹ ruột lấy mũ bảo hiểm, áo lạnh và con dao Inox để đi vào thị trấn Bồng Sơn để thực hiện ý đồ đen tối.
Khoảng 17h, gã vào nhà ông Sơn, lúc này chỉ có một mình bà Nhi ở nhà nên gã đã dùng con dao Inox lấy từ nhà mẹ mình và con dao phay của gia đình bà Nhi để sát hại người phụ nữ. Sau khi giết chết bà Nhi, Tín định trốn chạy nhưng chưa kịp ra khỏi nhà thì gặp ông Sơn đi mua cháo vịt về nên gã tiếp tục ra tay. Tín dùng dao đâm ông Sơn nhiều nhát rồi sau đó lấy thớt đập vào đầu đến tử vong. Những vết thương trên đầu ông Sơn phù hợp với dấu vết để lại trên cái thớt thu được tại hiện trường. Sau khi giết chết vợ chồng ông Sơn, Tín lấy hai tấm vải phủ lên người nạn nhân, ra ngoài khóa cửa sắt lại rồi lên xe trốn chạy. Cái chết của vợ chồng ông Sơn khiến Tín bị ám ảnh, bấn loạn tinh thần nên lao xe máy vào xe tải hỏng máy đang đậu sát lề đường cùng chiều và bị bất tỉnh. Sau khi tỉnh dậy tại bệnh viện, Tín thấy tội ác của mình chắc chắn sẽ bị vạch trần và trừng trị nên đã tìm đến cái chết. Gia đình vì không muốn chuyện bại lộ nên đưa Tín về quê chôn cất, đồng thời thống nhất giấu kín mọi chuyện.
Bất hạnh còn vương
Ông Tài cho biết, ông bà nội mình trước đây sinh ra 7 người con, 6 trai, 1 gái, trong đó ông Sơn là con trai út trong nhà. Ông Sơn và bà Nhi sau khi lấy nhau thì sống chung với cha mẹ chồng, hai người sau đó sinh 2 người con, 1 trai 1 gái. Những năm 2000, vợ chồng ông Sơn đã gửi hai con cho người anh trai kế để đưa sang Mỹ học tập. Sau này, khi cha mẹ lần lượt mất đi, hai vợ chồng ông Sơn tiếp tục sống trong căn nhà cũ của gia đình, làm nghề buôn bán vải. Cuộc sống đang yên ổn, công việc buôn bán đang ăn nên làm ra thì tai họa ập đến.
Ngày đó, cái chết của ông Sơn và bà Nhi khiến cho người dân phố huyện Bồng Sơn bàng hoàng thương xót. Với gia đình ông Tài, việc hai người thân bị sát hại là một cơn ác mộng ám ảnh mọi người đến tận sau này. “Nhà tôi và nhà chú ở gần nhau nhưng chú thím bị sát hại mà chúng tôi chẳng hay biết. Đến lúc chứng kiến cảnh tượng hãi hùng thì tôi bủn rủn tay chân. Chúng tôi càng nghĩ càng chẳng thể hiểu nổi vì sao hung thủ lại ra tay tàn ác như vậy. Khi hung thủ chết, vụ án buộc phải khép lại, gia đình chúng tôi vô cùng đau đớn, uất ức. Bởi gia đình hung thủ đến một lời xin lỗi cũng chẳng có…”, ông Tài tâm sự.
Điều đau lòng nữa là, khi ông Sơn và bà Nhi bị sát hại, hai người con ở bên Mỹ vì nhiều lý do mà chẳng thể về Việt Nam. Trong khi người thân quê nhà sống trong nước mắt thì ở bên kia bán cầu, hai đứa con nạn nhân chỉ biết đau đớn tuyệt vọng.
Ông Tài cho biết, cuộc sống hiện tại của hai người con của vợ chồng ông Sơn ở bên Mỹ gặp nhiều khó khăn. Người con gái lớn nay đã 27 tuổi, người con trai nhỏ nay 21 tuổi, cả hai vẫn còn đang đi học. Người bác trai ở Mỹ nay vốn già yếu, chẳng làm lụng được nữa, trong khi cha mẹ không còn nên hai chị em đều phải tự làm lụng để lo cho bản thân. Ông Tài và một số người thân ở quê vì điều kiện khó khăn nên chẳng thể giúp đỡ được cho cháu, cho em.
Phong Nguyên
Theo_Người Đưa Tin
Cựu chiến binh tử nạn trên đường về thăm chiến trường xưa
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào 21h15 ngày 27/4, trên QL1 A đoạn qua xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương, trong đó có nạn nhân là cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng.
ảnh minh họa
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm xảy ra tai nạn, xe ô tô mang BKS 77A-00498 do ông Nguyễn Tưởng (51 tuổi, ở xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) điều khiển theo hướng Bắc - Nam, trên xe chở 4 người trên đường đi thăm lại chiến trường xưa. Khi đến đoạn đường nói trên, lái xe con rẽ trái qua đường thì bị xe bồn mang BKS 76K-8315 do Trần Như Linh (33 tuổi, ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển chiều ngược lại tông trực diện.
Vụ tai nạn khiến 2 trong số 5 người ngồi trên xe ô tô 4 chỗ là ông Vũ Trọng Thành, quê ở Bắc Ninh đang trên đường thăm lại chiến trường xưa và bà Nguyễn Thị Trưng (xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) tử vong sau khi đi cấp cứu tại bệnh viện. Ba người còn lại đều bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng. Tại hiện trường, xe ô tô 4 chỗ bẹp dúm, xe bồn cũng bị hư hỏng nặng.
Nhận được tin báo, Công an huyện Hoài Nhơn đã có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc. Cùng ngày, Ban An toàn giao thông huyện Hoài Nhơn đã đến thăm hỏi và hỗ trợ thân nhân người tử nạn 3 triệu đồng và người bị thương 2 triệu đồng. Riêng nạn nhân tử vong là cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng được hỗ trợ 10 triệu đồng; một nạn nhân bị thương nặng đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định được hỗ trợ 4 triệu đồng.
Hiện các ngành chức năng huyện Hoài Nhơn đang hoàn tất các thủ tục và chờ thân nhân nạn nhân đang trên đường vào Bình Định nhận thi thể.
Nguyên nhân vụ tai nạn đang được Công an huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định điều tra làm rõ.
Doãn Công
Theo Dantri
Bộ trưởng Thăng lại "trảm tướng" Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng quyết định thay giám đốc điều hành và Ban Quản lý dự án 2 do Quốc lộ 1 thi công ì ạch Sáng 24/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị chức năng về việc xử lý vướng...