Tìm việc làm sau dịch Covid-19: Vì thất nghiệp nên phải… khởi nghiệp
Thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Nguyễn Thị Diệu Huỳnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã tự khởi nghiệp bằng cách đi nhặt lá bồ đề về làm tranh.
Huỳnh với tác phẩm tranh của mình – ẢNH: NỮ VƯƠNG
Sáng tạo theo hướng mới của riêng mình
Lúc đầu khi phải nghỉ việc, cứ tưởng rằng sẽ sớm quay trở lại, nhưng không ngờ dịch bệnh kéo dài và ngày càng phức tạp, nhìn thấy công việc làm mịt mù nên phát hoảng và Huỳnh lao vào tìm việc để kiếm kế sinh nhai. Nhưng vì bị suy nhược và liệt cơ mắt đã phải mổ mấy lần nên Huỳnh không thể đi xe được, phải kiếm một việc nào đó nằm trong khả năng cho phép.
“Lúc đầu thấy mấy bạn của mình bán hàng hay thức ăn qua mạng, nói chung ai có nguồn gì thì bán cái nấy và nấu được món gì cũng bán. Nhưng mình không chạy xe máy được, không lẽ mỗi lần nấu xong thức ăn bán cho khách là phải đặt xe ôm để đi giao thì hết mất tiền lời. Vì thế, mình phải nghĩ ra một công việc mới để vừa ở nhà, vừa hạn chế di chuyển mà vẫn có thể kiếm tiền”, Huỳnh nói.
Những tác phẩm sáng tạo từ lá bồ đề của Huỳnh- NỮ VƯƠNG
Thế rồi trong một lần tình cờ, thấy lá bồ đề đẹp, giống hình trái tim nên Huỳnh mang về ép vào vở cho đẹp. Sau đó, Huỳnh lên mạng thấy ở các nước làm tranh gân lá đẹp quá nên mày mò, rồi tự sáng tạo theo hướng mới của riêng mình.
Chưa bao giờ được học về hội họa, nhưng do ước mơ từ nhỏ của Huỳnh trước khi đi theo nghề hướng dẫn viên du lịch là làm nhà thiết kế thời trang nên cô nàng cũng có năng khiếu về vẽ.
“Lúc đầu nghỉ việc, ngồi ở nhà buồn buồn mới lấy lá bồ đề làm thử, xong rồi tặng bạn bè. Bạn khen đẹp và bảo, sao không làm bán kiếm tiền. Thế là mới thử làm bán. Bán được vài bức thấy mọi người ai cũng khen nên mình nghĩ tại sao không thử phát triển dòng tranh này”, Huỳnh kể về cơ duyên đến với dòng tranh gân lá.
Video đang HOT
Đến bây giờ, dù chưa được nhiều người biết đến, và cũng chỉ bạn bè, khách quen ủng hộ nhưng thấy ai cũng khen nên Huỳnh tính khởi nghiệp từ sáng tạo này. “Nghề hướng dẫn viên du lịch không biết bao giờ mới đi làm lại được. Nhiều khi ngành du lịch có quay lại thì mình nghĩ cũng chỉ là rải rác chứ đâu thể được như trước”, Huỳnh cho biết.
Hàng thủ công độc và hiếm tạo ấn tượng với người dùng
Để làm được loại tranh này, Huỳnh phải tự mày mò nghiên cứu các quy trình, thử đi thử lại nhiều lần, cuối cùng mới rút ra được kinh nghiệm. “Vì đâu có ai dạy mà học. Ở trên mạng thấy các nước người ta làm nhưng họ cũng đâu có chỉ cách thức hay quy trình để làm tranh gân lá như thế nào, nên mình phải tự mò hết”, Huỳnh kể.
Mày mò được rồi, cô lại sáng tạo theo cách của riêng mình. “Hiện tại xếp lá và vẽ tranh nghệ thuật trên gân lá thì đã có người làm. Nhưng để điêu khắc mà lưu hình lại trên lá như mình mà không phải vẽ từ bên ngoài thì ở VN chưa thấy ai làm, vì mình cũng tìm hiểu trước để tránh trùng lặp và phải sáng tạo để có sự mới lạ cho sản phẩm”, Huỳnh bộc bạch.
Từ ngày thất nghiệp, Huỳnh suốt ngày cặm cụi với những chiếc lá bồ đề – NỮ VƯƠNG
Khi mày mò làm thể loại tranh độc đáo này, lúc đầu nhìn thấy Huỳnh ngày nào cũng lang thang cầm theo một túi ni lông và cây gắp rác, ai cũng thắc mắc không hiểu sao cô gái trẻ này suốt ngày đi nhặt rác như vậy.
“Mọi người đâu có biết, thấy mình đi như vậy, lại cứ lúi húi nhặt lá, mà lá bồ đề khi rụng không nhặt thì người ta cũng quét đổ rác. Và cũng vì không thể giải thích là mình nhặt lá về làm tranh nên ai hỏi mình cũng chỉ nói nhặt rác cho sạch thôi”, Huỳnh kể.
Sau khi nhặt lá về, Huỳnh luộc trong 4 tiếng đồng hồ để thịt lá chín rã ra, sau đó lấy bàn chải đánh răng chà hết phần thịt lá và chỉ giữ lại phần gân đối với những tranh gân lá. Còn với tranh điêu khắc trên lá thì trước khi chà lá, Huỳnh vẽ trước lên và khi chà thì chừa phần hình đó ra, chỉ chà theo phần hình đã vẽ.
“Khó nhất là giữ cho thịt lá khỏi bị rách, vì nếu thịt lá mềm quá thì khi chà sẽ bị rách và trôi; còn nếu luộc chưa thật sự mềm thì chà mạnh cũng làm hư lá và gãy luôn gân, vì gân lá rất mỏng manh. Chính vì thế, phải canh nhiệt độ để luộc sao cho lá không chín quá”, cô lý giải.
Huỳnh cũng cho biết thêm sau khi chà lá xong thì mang đi ngâm để cho lá trắng ra, ngâm xong mang đi phơi và sau đó dùng bàn ủi để ủi cho lá thẳng, khô hoàn toàn để không bị ẩm và mốc.
Huỳnh cho biết dù phải làm việc quần quật từ sáng tới tối với những chiếc lá nhưng cô nàng thấy rất vui và như giải tỏa được những căng thẳng, bức bối trong người. Dù là tay ngang vào nghề nhưng Huỳnh luôn hy vọng: “Hàng thủ công độc và hiếm sẽ tạo ấn tượng với người dùng. Cái gì sản xuất theo quy mô công nghiệp thì sẽ na ná nhau, còn khi làm thủ công như thế này thì không bức tranh nào giống bức tranh nào cả, và cũng đơn giản vì một cây không bao giờ có những chiếc lá kích cỡ giống nhau nên tranh của mình sẽ không bức nào giống bức nào, luôn mang cảm giác mới lạ cho người thưởng thức”.
Tìm việc làm sau dịch Covid-19: Lời mời hấp dẫn, nhưng...
'Em đừng xem những tin tuyển dụng việc làm trên mạng kẻo bị lừa đảo. Đến chỗ của chị là em sẽ có việc, đảm bảo quyền lợi của người lao động, có tiền không chỉ đủ sống ở TP.HCM mà còn có dư'.
Nhiều công ty giới thiệu việc làm tại khu vực ngã tư An Sương, Q.12, TP.HCM - KHÁNH NGUYỄN
Với lời mời có thể kiếm được mức lương từ 5 - 7 triệu đồng, không cần bằng cấp của nhiều trung tâm giới thiệu việc làm tại khu vực Bến xe An Sương, các lao động trẻ từ nhiều nơi đến TP.HCM với mong muốn tìm được một công việc ổn định.
Trong vai một sinh viên vừa ra trường, lần đầu tiên đặt chân vào TP.HCM nhiều ngày tìm việc làm, tôi có mặt tại Bến xe An Sương vào một buổi chiều đông đúc. Quanh khu vực QL22 gần Bến xe An Sương, tôi bắt gặp những tấm pa nô với lời mời chào hấp dẫn: công việc có mức lương từ 5 - 7 triệu đồng, bao ăn ở, không cần bằng cấp...
Những người môi giới đon đả mời chào tôi bằng những lời hứa hẹn rằng muốn tìm việc gì cũng có, không phải mất một khoản phí nào cả. "Em đừng đi lung tung hoặc xem những tin tuyển dụng việc làm trên mạng kẻo bị lừa đảo. Đến chỗ của chị là em yên tâm chắc chắn sẽ có việc, được đảm bảo quyền lợi của người lao động, có tiền không chỉ đủ sống ở TP.HCM mà còn có dư", nhân viên môi giới tìm cách chèo kéo tôi. Nhưng câu chuyện sau đó diễn ra không dễ dàng như vậy.
Mức phí môi giới 600.000 đồng !?
Tại Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề Quế Nga (61/1 QL22, ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn), người phụ nữ tên Nguyễn Thị Phi mời chào tôi vào tìm kiếm việc làm. Trong nhà chỉ có hai chiếc bàn dành cho người môi giới và vài chiếc ghế nhựa để tiếp khách cùng với những giấy tờ chứng nhận được đóng mộc đỏ dán đầy trên tường. Lấy cuốn sổ từ trong hộc bàn, bà Phi bắt đầu tìm kiếm việc làm cho tôi.
Giới thiệu là sinh viên tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa tìm được việc làm ở quê nên quyết định vào TP.HCM tìm kiếm cơ hội, tôi được bà Phi giới thiệu việc làm ở xưởng chế tạo máy. Công việc chính là đứng vận hành máy móc trong nhà xưởng. Lương trong tuần thử việc đầu tiên là 220.000 đồng/ngày, sau đó là 280.000 đồng/ngày (đã bao gồm tiền ăn, nơi ở thì được chủ nhà xưởng bố trí cho ở trọ cùng các nhân viên khác). Thời gian làm việc từ 7 - 19 giờ. Một tuần làm ca ngày và một tuần làm ca tối đan xen nhau, những tuần ca tối thì sẽ làm xuyên đêm...
Thấy tôi lưỡng lự vì công việc làm ca đêm đòi hỏi phải thức khuya cả tuần liền, bà Phi đề nghị một công việc khác nhẹ hơn là trông giữ xe. Công việc làm theo giờ học sinh đi học trong tuần, được trả mức lương 6 triệu đồng/tháng, nhưng được bao ăn ở tại nhà của chủ. Người phụ nữ này cũng cho biết chủ nơi giữ xe này yêu cầu nếu có học vấn thì đỡ phải hướng dẫn, công việc đơn giản, làm việc chăm chỉ sẽ được hỗ trợ thêm.
Sau một hồi chần chừ, đắn đo, tôi quyết định chọn công việc làm ở nhà xưởng với lý do lương cao hơn để gửi thêm về cho gia đình. Bà Phi lập tức lấy một tờ giấy cam kết với vài thông tin về việc làm và yêu cầu tôi ký vào tờ giấy xác nhận, rồi nộp 600.000 đồng tiền phí để "giữ chân" công việc.
Tôi thắc mắc: "Phải nộp tiền ngay bây giờ hay sao?". Bà Phi hướng dẫn khi nào nhận việc sẽ trừ vào lương tháng đầu tiên của người đi làm. Nếu đi làm đủ 3 ngày thì không sao, nhưng nếu làm ít hơn thì phải đóng số tiền còn thiếu hoặc ký rồi mà không đi làm thì phải đóng 600.000 đồng để lấy lại giấy tờ từ chủ, vì đây là tiền môi giới giữa trung tâm và công ty. Cũng theo bà Phi, nếu tôi vào làm ngày đầu mà thấy không hợp thì có thể tìm một công việc khác làm cho đủ ngày, hợp đồng tối thiểu 1 tháng.
Sau khi gọi điện thoại cho nơi tôi muốn nhận việc, bà Phi cho biết vì là cuối tuần nên chưa thể chở đến chỗ làm để chỉ việc và hẹn tuần sau. Lấy lý do sợ phải đợi lâu, tôi thoái thác không ký vào hợp đồng và rời khỏi trung tâm. Tuy nhiên, tôi vẫn để lại giấy tờ và nói sẽ trở lại để cân nhắc chuyện ký hợp đồng.
Thế nhưng, khi đến trễ một buổi và đòi lại giấy tờ, bà Phi đổi thái độ và nói đã đem giấy tờ của tôi cho công ty rồi, muốn lấy lại thì qua đó lấy. Tôi thắc mắc: "Tôi chưa hề ký vào bất kỳ biên bản hay hợp đồng nào mà?". Bà Phi trả lời: "Ở đây không nói chuyện bằng giấy tờ (?!)". Tôi lại hỏi: "Vậy muốn chuộc lại giấy tờ thì như thế nào?". Bà này nói cộc lốc: "Đưa 300.000 đồng rồi chuộc lại giấy tờ".
Sau một lúc đối thoại căng thẳng và dường như phát hiện tôi có ghi âm cuộc nói chuyện, bà Phi mới dịu giọng và trả lại giấy tờ cho tôi.
Khó có chỗ làm ưng ý
Tôi tiếp tục đi kiếm việc làm quanh các trung tâm khác ở khu vực An Sương. Hầu hết người đi xin việc muốn được chở đến chỗ làm đều phải ký vào giấy cam kết có mức phí môi giới 600.000 đồng và được trừ dần vào lương khi đi làm.
Tôi gặp và bắt chuyện với Trần Văn Thanh (20 tuổi, quê Khánh Hòa) đang đứng trước Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề Quế Nga. Thanh cho biết bố mẹ đi làm thuê ở rẫy cà phê trên Đắk Lắk, bản thân học chưa hết THCS, trước đó đi làm phục vụ quán ăn. Nhưng do dịch bệnh, quán đóng cửa nên thất nghiệp. Vì muốn làm một việc gì đó ổn định và có tiền hơn nên Thanh quyết định đến TP.HCM. "Sáng sớm đến đây, ăn uống xong rồi vào hỏi han công việc ở các trung tâm giới thiệu việc làm quanh ngã tư An Sương, nhưng thấy chưa gì đã bị trừ 600.000 đồng vào lương mà chưa biết công việc thế nào nên cũng hơi lo, đang phân vân chưa dám nhận việc", Thanh nói và tâm sự: "Cũng định tìm chỗ làm lương ít một chút nhưng có người dạy nghề cho mình như những công việc liên quan đến máy móc thì sau này có tương lai hơn, chứ làm phục vụ mãi thì không biết bao giờ mới đỡ khổ".
Tại thời điểm này, rất nhiều thanh niên như tôi lang thang tìm việc làm để kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng may mắn có được một chỗ làm ưng ý. Cũng có vài thanh niên mà tôi gặp trong quá trình tìm việc có ý định "về quê khởi nghiệp thay vì kiếm việc quá khó"... (còn tiếp)
Không được thu phí người lao động
Thông tư liên tịch số 95/2007/TTLT/BTC- BLĐTBXH của bộ Tài chính, LĐ-TB-XH ban hành ngày 7.8.2007 hướng dẫn về phí giới thiệu việc làm. Theo đó, trung tâm giới thiệu việc làm không được thu phí tư vấn; giới thiệu việc làm; cung ứng lao động đối với người lao động.
Tìm việc làm sau dịch Covid-19: Tự chuyển nghề để thoát thất nghiệp Nhận thấy tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới rất phức tạp, ngành du lịch vẫn tiếp tục điêu đứng, nhiều bạn trẻ làm ngành này đã chọn hướng chuyển nghề, khởi nghiệp... Sau thời gian chán nản và bế tắc vì thất nghiệp, giờ đây Chi đã lạc quan hơn với công việc bán trái cây tại chợ -...