Tìm thấy hóa chất gây sẩy thai trong sơn móng
Các loại sơn móng “vô danh” và siêu rẻ được bày bán công khai ở nhiều nơi là nguồn sản phẩm có nguy cơ nhiễm độc cao.
Cơ quan Kiểm soát chất độc hại (DTSC) của Mỹ cảnh báo tìm thấy 3 hóa chất toluene, dibutyl phthalate và formaldehyde có nguy cơ gây sẩy thai, tổn hại đến sức khỏe con người trong một số loại sản phẩm sơn móng lưu thông trên thị trường nước này. Không loại trừ các sản phẩm này đã lưu hành từ lâu ở Việt Nam, nhất là ở dạng sản phẩm trôi nổi, không nhãn hiệu.
Tại chợ Thái Bình (Q.1), hàng trăm loại mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, son môi, phấn, lăn khử mùi, sơn móng tay chân chất đống trong các khay nhựa đặt dưới nền đất. Nhờ ưu thế giá rẻ, chủng loại phong phú, màu mè xanh đỏ bắt mắt nên được khá nhiều phụ nữ lựa chọn.
Các loại sơn móng này rất đa dạng về xuất xứ. Có loại hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, một số loại tem nhãn lem luốc, không nhận ra xuất xứ, thành phần hóa chất.
Không chỉ “sạp” nền đất, ngay các sạp có tủ kiếng cũng bán đủ loại sơn móng, xuất xứ khá mơ hồ. Tại “chợ” tự phát phía sau chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), các “sạp” mỹ phẩm đặt ở nền đất ẩm ướt, dơ bẩn xen kẽ trong các quầy thịt cá. Đủ loại sơn móng không rõ nguồn gốc, chất lượng đổ đống ngổn ngang. Muốn biết, khách chỉ còn cách hỏi, người bán hàng “phán” sao biết vậy. Khảo sát các chợ Bình Tây, An Đông, Tân Định… đều tìm thấy các loại sơn móng tương tự như trên. Ngoài ra, dễ dàng tìm thấy các loại sơn móng trôi nổi tại vỉa hè.
Video đang HOT
Các loại sơn móng đủ màu sắc, giá rẻ bày bán tại các chợ
Các “tiệm” làm móng di động ở chợ Phạm Văn Hai khá đông khách lui tới. Khách chỉ chọn màu sơn, không quan tâm lắm đến chất lượng hay nguy cơ độc hại từ các sản phẩm làm đẹp này. Ghi nhận thực tế, cả thợ lẫn khách đều không thực hiện biện pháp bảo vệ sức khỏe nào.
Anh Lâm Uyên – chủ tiệm làm tóc trong Làng đại học Thủ Đức, cho biết sơn móng tiệm anh sử dụng là hàng công ty, mỗi lần hết hàng gọi nhân viên công ty mang xuống. Tuy nhiên, anh cũng không biết công ty này nằm ở đâu cũng như không biết hàng xuất xứ nơi nào, đã qua kiểm tra về chất lượng, hàm lượng chất độc hại, khuyến cáo độc hại hay chưa. “Lâu nay tiệm tôi vẫn dùng loại sơn móng này. Trời kêu ai nấy dạ, biết sao bây giờ” – anh Lâm Uyên phân trần.
Đã 3 tuần kể từ ngày DTSC đưa ra cảnh báo, đến nay các cơ quan quản lý ở nước ta, đặc biệt các cơ quan giám sát về chất lượng hàng hóa vẫn chưa làm rõ nghi vấn sơn móng chứa chất cấm để trấn an hay cảnh báo người dân.
Bác sĩ Trần Ngọc Ánh – Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết các loại hóa chất trong sơn móng có thể gây ngộ độc cấp tính, viêm da dị ứng hay viêm da kích thích, gây ngứa, đỏ da, nổi mụn nước, trợt, chảy nước, đôi khi bội nhiễm, có mụn mủ… Ngoài ra còn gây rối loạn tiêu hóa, như buồn nôn, đau bụng, chóng mặt, ói, tiêu chảy… Nếu sử dụng lâu ngày làm hư móng, sần sùi, mất bóng, dày, đổi màu, lỗ chỗ, lồi lõm…
Các nhãn hiệu sơn móng bị Mỹ phát hiện nhiễm độc gồm: Sation 99 basecoat, Sation 53 red-pink nail color, Dare to Wear nail lacquer, Chelsea 650 Baby”s Breath Nail Lacquer, New York Summer Nail Color, Paris Spicy 298 nail lacquer, Sunshine nail lacquer, Cacie Light Free Gel Basecoat, Cacie Sun Protection Topcoat, Golden Girl Topcoat, Nail Art Top-N-Seal và High Gloss Topcoat.
Theo Thanh Niên
Cảnh sát môi trường bức xúc vì chưa xử hình sự thực phẩm độc hại
"Trong thời gian qua, chúng tôi liên tục bắt quả tang các thực phẩm như cá, phở, nước ngọt có tồn dư hóa chất độc hại... nhưng chỉ xử phạt hành chính ở mức độ nhẹ. Chỉ khi nào Bộ Y tế đưa danh mục các hóa chất này vào danh mục chất cấm thì chúng tôi sẽ xử lý hình sự được ngay".
Chưa có vụ vi phạm nào về VSATTP bị xử lí hình sự
Đó là khẳng định của Đại tá Trần Trọng Bình, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tại buổi họp giao ban với Chính phủ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) ngày 26/4.
Theo ông Bình, tình hình vi phạm luật về môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực, nhất là vi phạm về ATVSTP đối với các mặt hàng thiết yếu gây bức xúc cho người dân.
Đơn cử như những vụ sử dụng formol vào trong bánh phở, đường hóa học Cyclamate trong nước ngọt hay nguy hiểm hơn là phân urê thường được các ngư dân đánh bắt xa bờ bỏ vào cá để giữ cá tươi lâu. Urê không màu, không mùi cho nên bằng mắt thường khó phân biệt được đâu là cá ướp, đâu là cá tươi ngon. Đến khi lên bờ, hải sản lại một lần nữa bị các đầu nậu tráng qua một lớp urê khác là vô tư bán để cả ngày chúng vẫn tươi ngon như vừa mới vớt từ dưới biển lên...
Mặc dù, tất cả các vụ việc kể trên lực lượng cảnh sát môi trường đã gặp các lực lượng thanh tra y tế, thanh tra nông nghiệp và viện kiểm sát nhưng kết quả cuối cùng là không xử lí hình sự được vì luật không cho phép. Bởi theo Điều 244 Bộ luật hình sự quy định về tội vi phạm quy định VSATTP, để xử lý hình sự được người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm không đảm bảo an toàn thì điều kiện là phải có hậu quả thiệt hại cho tính mạng hoặc thiêt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
"Điều này là rất bất cập bởi những loại chất độc hại này không gây tử vong ngay được mà nó sẽ ngấm dần dần vào cơ thể gọi là ngộ độc mãn tính và phải ít nhất 10 năm mới dẫn tới ung thư và tử vong. Đây cũng là một tội ác cần được xử lý nghiêm ngặt. Song với luật như hiện nay thì dù hành vi mua bán, chế biến thực phẩm, mất vệ sinh, vi pham quy định về ATTP số lượng lớn, quy mô tính chất chuyên nghiệp, thực phẩm được xác định có khả năng gây nguy hại lớn cho con người khi sử dụng cũng không có bị cáo nào bị xử lý hình sự", ông Bình bức xúc.
Tuy nhiên, một điều bất cập nữa là những chất cấm trên dù Bộ NN&PTNT đã cấm cho sử dụng trong chăn nuôi, còn Bộ Y tế vẫn chưa đưa vào danh mục hạn chế sử dụng. "Nếu trong thời gian tới, Bộ Y tế làm quyết liệt vấn đề này thì chúng tôi không cần theo Điều 244 mà chỉ cần dự vào Điều 155 của Bộ Luật hình sự là có thể đưa một số vụ ra xử lý hình sự ngay được", ông Bình khẳng định.
Tương tự, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP cũng đang rất lung túng trong xử lý việc kinh doanh các hóa chất độc hại tại chợ Kim Biên vì còn rất nhiều "đụng chạm" giữa các cơ quan chức năng. Vì vậy, TP kiến nghị, các bộ, ngành phải có quyết định những người kinh doanh hóa chất công nghiệp phải có bằng cấp và trình độ chuyên môn mới được phép kinh doanh bày bán những hóa chất này. Phải quản lý ngay từ đầu vào rồi mới tính đến đầu ra.
Đại diện lực lượng quản lý thị trường cũng cho rằng, lực lượng nào đã bắt được các vụ vi phạm về VSATTP thì phải để cho lực lượng đó chủ trì xử lý. Còn những lực lượng khác chỉ nên cử chuyên gia đến để góp ý xử lý sao cho hiệu quả nhất. Chứ không thể đồng loạt ra quân vì như vậy sẽ rất chồng chéo và mất thời gian.
Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận, chậm nhất là đến tháng 6 Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế và Bộ Công an phải trình Chính phủ một Thông tư liên tịch hướng dẫn về ATVSTP. Trong đó, đặc biệt chú yế đến vấn đề thanh kiểm tra và xử lý
Theo Infonet
Chất tạo nạc: Bộ Nông nghiệp "lắc", Y tế "gật" Trong khi các chất Ractopamin (chất tạo nạc) bị Bộ NN&PTNT cấm thì vẫn được Bộ Y tế đưa vào danh mục sử dụng và có quy định rõ trường hợp sử dụng và hàm lượng. "Đây là việc khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng để biện minh rằng Bộ NN&PTNT cấm nhưng Bộ Y tế đâu có cấm" - Ý kiến của...