Tìm ra cây cầu bí ẩn trong bức họa Mona Lisa
Bức “Mona Lisa” của Leonardo Da Vinci là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới, nhờ vẻ đẹp cũng như những bí ẩn xung quanh.
Bức họa Mona Lisa được trưng bày tại bảo tàng Louvre, Pháp. Ảnh: Getty Images
Là chủ đề tranh luận suốt nhiều thế kỷ qua, người dân thị trấn Buriano, ở vùng Tuscany của Italy, tin tưởng rằng cây cầu phía sau nàng Mona Lisa chính là cầu Ponte Buriano của địa phương này. Họ đã tôn vinh nó trong chiến dịch du lịch địa phương, thậm chí còn tuyên bố trong biển chào của thị trấn rằng đó là cây cầu trong tranh của danh họa Leonardo Da Vinci.
Nhưng giờ đây, nhà sử học người Italy Silvano Vinceti khẳng định cây cầu ẩn hiện trong tranh Mona Lisa thực sự là cầu Romito ở thị trấn Laterina gần đó.
“Hình dạng đặc biệt của sông Arno dọc theo dải đất đó tương ứng với những gì Leonardo miêu tả trong phần phong cảnh bên trái của người phụ nữ”, nhà sử học Vinceti phát biểu tại cuộc họp báo ở Rome vào ngày 3/5.
Ông Vinceti cũng đã làm một bản dựng ảo của cây cầu Romito để so sánh những điểm tương đồng, dựa trên các tài liệu từ kho lưu trữ nhà nước ở Florence.
Bức “Mona Lisa” được vẽ vào đầu thế kỷ 16. Trong khi đó, theo nhà sử học Vinceti, từ năm 1501 – 1503, Da Vinci sống cùng với Hồng y Cesare Borgia gần vùng Laterina. Cầu Romito đã được sử dụng từ thời đó và có bốn nhịp, giống như được mô tả trong tác phẩm nghệ thuật.
Mặt khác, cây cầu Buriano có sáu nhịp và Ponte Bobbio, một cây cầu ở Piacenza mà một số người tin là xuất hiện trong bức tranh, có nhiều hơn sáu nhịp.
Video đang HOT
Cầu Romito nối Arezzo, Fiesole và Florence giờ đã trở thành đống đổ nát. Ông Silvano Vinceti cho biết ông đã nghiên cứu các hình ảnh chụp bằng máy bay không người lái về bờ sông Arno, tàn tích và ảnh chụp trong nhiều năm để xác định rằng cây Romito chính là cây ở phía sau nàng Mona Lisa.
Thị trưởng Laterina Simona Neri cũng tham dự buổi họp báo và bày tỏ sự vui mừng về viễn cảnh cây cầu này sẽ thu hút khách du lịch đến với thị trấn 3.500 dân của bà.
“Chúng tôi thực sự hy vọng rằng tin tức tuyệt vời này sẽ gây tò mò và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để khởi động lại ngành du lịch tại vùng đất của chúng tôi”, nữ thị trưởng nói.
Kiệt tác từ thời thế kỷ 16 của Leonardo Da Vinci hiện được lưu giữ tại bảo tàng Louvre ở Paris, nơi hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm.
Xác định được thành phần bí mật trong tranh của danh họa Leonardo da Vinci
Theo một nghiên cứu mới, các bậc thầy hội họa như Leonardo da Vinci, Sandro Botticelli và Rembrandt có thể đã sử dụng protein, đặc biệt là protein từ lòng đỏ trứng, trong các bức tranh sơn dầu.
Theo kênh CNN, một lượng vết cặn protein từ lâu đã được phát hiện trong các bức tranh sơn dầu cổ điển, mặc dù chúng thường được cho là do nhiễm bẩn.
Một nghiên cứu mới được công bố ngày 28/3 trên tạp chí Nature Communications cho thấy việc đưa protein này vào tranh sơn dầu có thể là có chủ ý. Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ kiến thức về kỹ thuật vẽ của các bậc thầy hội họa (thế hệ Old Masters) gồm những họa sĩ châu Âu tài năng nhất của thế kỷ 16, 17 hoặc đầu thế kỷ 18 và cách họ chuẩn bị sơn để vẽ.
Tác giả nghiên cứu Ophélie Ranquet thuộc Viện Cơ học và Kỹ thuật Quy trình Cơ khí tại Viện Công nghệ Karlsruhe ở Đức cho biết: "Có rất ít nguồn tài liệu viết về vấn đề này và chưa có công trình khoa học nào trước đây để nghiên cứu về chủ đề này một cách sâu sắc như vậy. Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng ngay cả với một lượng rất nhỏ lòng đỏ trứng, bạn có thể đạt được sự thay đổi đáng kinh ngạc về tính chất trong sơn dầu, chứng tỏ nó có thể mang lại lợi ích như thế nào cho các họa sĩ".
Hóa ra, đơn giản chỉ cần thêm một ít lòng đỏ trứng vào các tác phẩm là có thể mang lại hiệu quả lâu dài, không chỉ là tính thẩm mỹ.
Trứng và dầu
So với loại được người Ai Cập cổ đại pha chế và gọi là màu keo (vốn kết hợp lòng đỏ trứng với bột màu và nước), thì sơn dầu tạo ra màu sắc đậm hơn, cho phép chuyển màu rất mượt mà và khô nhanh hơn nhiều, vì vậy có thể sử dụng trong vài ngày sau khi pha. Tuy nhiên, sơn dầu (sử dụng dầu hạt lanh hoặc dầu rum thay vì nước) cũng có những nhược điểm, như dễ bị tối màu hơn và hư hỏng do tiếp xúc với ánh sáng.
Bởi vì sơn là một quá trình làm bằng tay và mang tính thử nghiệm, nên có thể các danh họa đã thêm lòng đỏ trứng vào loại sơn mới mà lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ 7 ở Trung Á trước khi lan sang Bắc Âu trong thời Trung cổ và Italy trong thời kỳ Phục hưng.
Trong nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu đã tái tạo quy trình tạo sơn bằng cách sử dụng bốn thành phần là lòng đỏ trứng, nước cất, dầu hạt lanh và bột màu để trộn hai màu phổ biến và quan trọng là trắng chì và xanh lam.
Bà Ranquet nói: "Thêm lòng đỏ trứng có lợi vì nó có thể điều chỉnh các đặc tính của những loại sơn này một cách mạnh mẽ". Ví dụ, sơn có lòng đỏ trứng chứa chất ô xy hóa nên sẽ ô xy hóa chậm hơn.
Các phản ứng hóa học giữa dầu, chất màu và protein trong lòng đỏ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và độ nhớt của sơn. Ví dụ, màu trắng của chì khá nhạy cảm với độ ẩm, nhưng nếu phủ lên nó một lớp protein, nó sẽ giúp có khả năng chống lại độ ẩm cao hơn rất nhiều, khiến sơn trở nên khá dễ sử dụng.
Bà Ranquet phân tích: "Mặt khác, nếu bạn muốn một thứ gì đó cứng hơn mà không cần phải thêm nhiều bột màu, thì với một chút lòng đỏ trứng, bạn có thể tạo ra một lớp sơn có độ bóng cao".
Theo bà Ranquet, từ nhiều thế kỷ trước, các danh họa đã muốn dùng ít chất màu hơn vì một số chất màu nhất định - như lapis lazuli, được sử dụng để tạo ra màu xanh lam ultramarine - có giá đắt hơn vàng.
Bức "The Madonna of the Carnation" tại Alte Pinakothek ở Munich, Đức là một trong những bức tranh đầu tiên của Leonardo da Vinci. Nếp nhăn của lớp sơn dầu hiện rõ trên khuôn mặt. Ảnh: Getty Images
Bằng chứng trực tiếp về ảnh hưởng của lòng đỏ trứng trong sơn dầu có thể thấy trong bức "Madonna of the Carnation" của Leonardo da Vinci. Đây là một trong những bức tranh được quan sát trong quá trình nghiên cứu và đang được trưng bày tại Alte Pinakothek ở Munich, Đức. Tác phẩm cho thấy nếp nhăn rõ ràng trên khuôn mặt của Đức mẹ Mary và đứa trẻ.
Bà Ranquet mô tả: "Sơn dầu bắt đầu khô từ bề mặt trở xuống, đó là lý do tại sao nó bị nhăn".
Một lý do khiến sơn bị nhăn có thể là do lượng chất màu trong sơn không đủ và nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể tránh được tình trạng này khi thêm lòng đỏ trứng: "Điều đó khá tuyệt vời vì bạn có cùng một lượng chất màu trong sơn của mình, nhưng nhờ có lòng đỏ trứng mà mọi thứ thay đổi".
Vì nếp nhăn xuất hiện trong vòng vài ngày, nên có khả năng Leonardo và các danh họa khác có thể đã biết được điều này cũng như biết các đặc tính có lợi khi thêm lòng đỏ trứng vào sơn dầu, gồm khả năng chống ẩm. "Madonna of Carnation" là một trong những bức tranh đầu tiên của Leonardo, được vẽ vào thời điểm mà ông có thể vẫn đang cố gắng làm chủ chất liệu sơn dầu mới phổ biến lúc bấy giờ.
Hiểu biết mới về các bức tranh cổ điển
Một bức tranh khác được quan sát trong quá trình nghiên cứu là "The Lamentation Over the Dead Christ" của Botticelli, cũng được trưng bày tại Alte Pinakothek. Tác phẩm chủ yếu được vẽ bằng bằng màu keo, nhưng sơn dầu đã được sử dụng cho nền và một số yếu tố phụ.
Bà Ranquet nói: "Chúng tôi biết rằng một số phần của bức tranh thể hiện những nét vẽ điển hình của tranh sơn dầu, nhưng chúng tôi đã phát hiện ra là có protein. Bởi vì chỉ có rất ít protein và chúng khó phát hiện, nên điều này có thể bị nhầm là nhiễm bẩn. Trong các xưởng vẽ, các họa sĩ đã sử dụng nhiều thứ khác nhau và có thể trứng chỉ xuất hiện từ màu keo".
Tuy nhiên, vì thêm lòng đỏ trứng tạo ra hiệu quả tuyệt vời như vậy đối với sơn dầu, nên xuất hiện protein trong tác phẩm có thể là dấu hiệu của việc sử dụng có chủ ý. Bà Ranquet hy vọng rằng những phát hiện ban đầu này có thể thu hút thêm sự chú ý, tò mò đối với chủ đề còn ít được nghiên cứu này.
Bà Maria Perla Colombini, Giáo sư hóa học phân tích tại Đại học Pisa ở Italy, đồng ý với nghiên cứu: "Bài nghiên cứu thú vị này mang lại một kịch bản mới để hiểu các kỹ thuật vẽ cũ... Kiến thức mới này không chỉ góp phần bảo tồn và gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật tốt hơn mà còn giúp hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật".
Người vợ bí mật của nguyên soái Josip Broz Tito Nguyên soái Josip Broz Tito (1892-1980) là Tổng thư ký kiêm Chủ tịch Liên đoàn Những người cộng sản Nam Tư (từ năm 1939 đến năm 1980), ông tham gia và lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Tư trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Sau đó, Tito trở thành Thủ tướng và Tổng thống (1945-1980) của Cộng hòa...