Tìm quán ăn sáng rẻ mà ngon ngay trung tâm Đà Nẵng
Với giá chỉ có 6k cho mỗi món thôi đấy!
Thời buổi bão giá như hiện nay, để tìm được một quán ăn sáng vừa thoả mãn nhu cầu dạ dày vừa rẻ thật không dễ dàng gì. Nhất là đối với học sinh, sinh viên – “tầng lớp” hầu hết phụ thuộc kinh tế gia đình. Vì thế chúng tớ sẽ giới thiệu bạn một quán ăn sáng và chiều đáp ứng nhu cầu ngon mà rẻ, lại còn ở ngay trung tâm thành phố nữa nhé!
Quán này khá quen thuộc với sinh viên ĐH Duy Tân bởi nó nằm trong hẻm đối diện trường. Đi đến hẻm 152 Phan Thanh, chạy vào khoảng 40m là bắt gặp biển hiệu của quán. Quán bán khá nhiều món như bún mắm, bánh bèo, bánh ướt, bánh canh, bánh đập… Tuỳ theo buổi sáng/chiều sẽ có menu khác nhau. Chẳng hạn chỉ có bánh canh mới bán vào buổi sáng và đến buổi chiều, bà chủ quán đổi bánh canh sang bánh đập. Bởi vì khách hàng chủ yếu là học sinh – sinh viên nên quán chỉ mở 2 buổi sáng chiều là từ 6-9h và 15-18h.
Video đang HOT
Theo cảm nhận của chúng tớ thì các món ở đây không cầu kỳ như các nơi khác nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Đơn cử như bún mắm, người ta sẽ chỉ cho thịt ba chỉ luộc cùng với nem hoặc chả chứ không có nhiều lựa chọn như các quán bún mắm thông thường. Cũng chính vì các loại thịt, chả đi kèm khá “giản dị” nên ăn có thể hơi ngấy. Bánh bèo đi kèm nhân ướt cùng tôm xay, đậu phộng và một ít rau. Bánh bèo ở đây ăn vặt là vừa đẹp, vì dĩa vừa phải, không quá nhiều mà cũng không quá ít. Bánh đập đối với dân Đà Nẵng thì không còn xa lạ gì, nhưng với hầu hết dân ngoại tỉnh thì bánh đập là món hơi lạ. Người ta dùng bánh tráng giòn “đập” vào miếng bánh ướt đã quẹt sẵn dầu ăn cùng hành lá, khi ăn chỉ cần chắm nước mắm. Bánh đập ở đây khá bắt mùi vì nước mắm ngon, có kèm sa tế hành ở trên.
Nói chung để tìm một quán ăn giá cả vừa phải mà chất lượng cũng không phải bàn cãi nhiều thì đây là một địa chỉ thích hợp để bạn nên thử. Bởi vì giá chung cho mỗi món như vậy chỉ có 6k. Chưa kể quán còn bán thêm sữa đậu nành, sữa chua và nước ngọt, cũng với giá phải chăng, hợp với túi tiền teen.
Theo Pháp Luật XH
Con đường bún mắm
Không biết có phải vì người bán và người ăn, đa số là người gốc miền Tây nên bún mắm trở thành món "đinh" ở con đường Nguyễn Nhữ Lãm, phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú (TP HCM).
Đường chỉ dài khoảng 200 m mà có gần hai mươi quán bún mắm. Có lẽ vì cạnh tranh hay muốn giới thiệu đặc sản quê nhà mà bảng hiệu của mỗi quán đều có cả tên địa phương như bún mắm Bạc Liêu, bún mắm Sóc Trăng, bún mắm Cần Thơ...
Điều đặc biệt của những quán bún mắm ở đây là giữ được hương vị đậm đà và tô bún luôn có đủ các loại rau miệt đồng với bắp chuối, rau đắng, kèo nèo, bông súng... Giá bình dân, nhưng tô bún mắm ở đây có vẻ phong phú hơn nhiều nơi khác qua những con tôm, miếng mực, chả cá, miếng thịt heo quay...
Ở phố bún mắm này không chỉ có bún mắm. Không một mặt bằng nào bỏ trống là nhận xét đầu tiên của khách khi bước chân qua con đường này. Ngoài cái tên con đường bún mắm, những người quen đến ăn ở đây còn gọi nơi đây là phố ẩm thực hợp tác.
Gọi là phố ẩm thực hợp tác bởi những hàng quán buôn bán ở đây từ đầu đến cuối đường đều biết nhau. Gần như có một quy luật bất thành văn là mọi người cùng hợp tác trong việc buôn bán. Khách ngồi ở một quán nhưng có thể gọi món ăn các hàng khác một cách thoải mái không phân biệt khoảng cách. Khi có ùn tắc ở đâu thì nhóm hàng quán ở đoạn đó phải tự sắp xếp giải toả nhanh, luôn giữ cho con đường đi lại dễ dàng. Vệ sinh môi trường cũng là một trong những điều kiện bắt buộc các cửa hàng cùng nhau gìn giữ...
Nhưng quan trọng hàng đầu chính là sự hoà đồng tương trợ nhau mang tính cách chòm xóm láng giềng trong sinh hoạt của người Nam bộ được thể hiện khá rõ nét trong cung cách làm ăn ở phố. Chi, người miền Tây thuê nhà mở quán bán bún mắm cho biết lúc vừa đến còn lạ chỗ lúng túng, bà con chung quanh thấy quán của chị thiếu đủ thứ, áp nhau phụ giúp từ công đến của, vậy mà thấm thoát đã gần mười năm.
Phố hợp tác ẩm thực Nguyễn Nhữ Lãm hình thành khá sớm từ năm 2000. Theo Thông, chủ quán bún, bánh canh Thuý Vy là cư ngụ tại đây từ lâu. Ban đầu chỉ có vài hàng ăn mở cửa bán từ đầu đường Nguyễn Nhữ Lãm phía đường Nguyễn Sơn. Nhờ ở cạnh chợ phường Phú Thọ Hoà nên khách đi chợ tiện ghé ăn hoặc chờ người nhà vào chợ. Từ từ thấy bán được bà con bắt đầu mở quán bán tiếp và chỉ trong vòng hai năm hàng quán đã ken kín con đường.
Khách hàng của phố ẩm thực ngoài công nhân viên chức, cư dân quanh vùng thì người từ Bình Chánh, quận 12, Lái Thiêu... dịp hội hè đến công viên Đầm Sen thế nào cũng có nhiều người ghé qua phố ẩm thực để thưởng thức những món ăn khoái khẩu. Món ăn thức uống ở phố ẩm thực không thiếu thứ gì từ món chay, mặn đến ăn chơi, ăn no, chè cháo, tráng miệng, giải khát... Ngoài bún mắm, ở đây còn có đủ món ăn Âu, Hoa, Ấn, Việt như hủ tiếu, mì Tàu, mì Quảng, mì Ý, bò bíttết, phở, bánh cuốn, cơm tấm, cơm gà, cháo gà, cháo vịt, càri dê, càri gà... Đa số những món ăn buổi tối có giá trung bình từ 15.000-17.000 đồng mỗi suất, buổi sáng có giá 12.000-15.000 đồng.
Theo: Sài Gòn Tiếp Thị
Nhớ hương vị mắm quê nhà Với mùi vị nồng nồng đặc trưng, mắm đã trở thành một thứ đặc sản rất đỗi quen thuộc của người dân xứ Việt. Vào những ngày này, nếu ai đang ở quê nhà thưởng thức món mắm sẽ cảm thấy thật "sảng khoái" với cái hương vị đậm đà mà rất đỗi quen thuộc này. Mắm tôm Kinh Bắc Về miền Kinh...