Tìm nguyên nhân trượt lở đất ở Rào Trăng 3
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 3-11 đã đề nghị Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 – chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) – phối hợp với lực lượng công an, quân đội rà soát lại lòng suối từ Rào Trăng 3 đến Rào Trăng 4 để tính toán các phương án tìm kiếm các công nhân mất tích.
Các lực lượng cần tranh thủ lúc trời tạnh ráo để triển khai phương án tìm kiếm. Thống nhất tập trung thi công nắn dòng để sau khi bão số 10 đi qua, khi bảo đảm an toàn thì tiến hành ngăn dòng, tiếp tục tổ chức tìm kiếm. Ông Định cũng đề nghị các lực lượng theo dõi diễn biến mưa, lũ để chủ động công tác ứng phó, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng cứu nạn, phương tiện, hậu cần tại hiện trường.
Mưa lớn đã gây ra vụ trượt lở đất vào ngày 12-10 khiến 17 công nhân công trình thủy điện Rào Trăng 3 bị mất tích. Đến nay đã tìm được 5 thi thể, 12 người vẫn mất tích.
Lực lượng chức năng tìm kiếm các công nhân thuỷ điện Rào Trăng 3 mất tích Ảnh: Quang Nhật
Về vụ sạt lở nghiêm trọng này, TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, từng phát biểu trên các phương tiện truyền thông rằng vào năm 2019, đơn vị đã tiến hành điều tra và cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại đây. Ông đã chuyển giao đề án nghiên cứu cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Trả lời Báo Người Lao Động, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, khẳng định: “Họ nói như vậy khiến cho mọi người hiểu nhầm chúng tôi biết mà không làm. Chúng tôi sẽ trao đổi lại với họ về vấn đề này”.
Video đang HOT
Cách đây 3 tháng, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh được nhóm nghiên cứu mời đến trao đổi, bàn giao bộ kết quả nghiên cứu. Ông Đặng Văn Hòa, Phó chánh Văn phòng, đã đến tiếp nhận, cho biết buổi bàn giao chỉ diễn ra trong 45 phút.
“Chúng tôi đọc qua và nhận xét sơ bộ kết quả nghiên cứu có nhiều lỗi về địa giới hành chính, các tuyến đường như quốc lộ, tỉnh lộ. Vì vậy, chúng tôi đã góp ý ngay tại đó và họ nói sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh trong năm 2021″ – ông Hòa khẳng định.
Theo ông Hùng, ở Rào Trăng thì họ nghiên cứu, cảnh báo khi thủy điện đã thi công. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh là yêu cầu các thủy điện phải tuân thủ các quy trình, quy định về phòng chống thiên tai. Trước thời điểm xảy ra sạt lở, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã liên tục phát đi các công điện yêu cầu chủ đầu tư phải chấp hành.
Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành kế hoạch ứng phó với thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Khoảng 4.700 hộ với hơn 19.200 khẩu sống ở các khu vực có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất phải di dời khi có nguy cơ. Ông Hùng cho biết vào năm đó cũng đã tiến hành cắm cảnh báo tình trạng trượt lở đất ở nhiều khu vực.
“Tai biến địa chất xảy ra lâu rồi chứ không phải bây giờ nữa. Chúng ta đành chấp nhận sống chung với thiên tai nhưng phải có giải pháp bền vững, an toàn đối với người và tài sản” – ông Hùng khẳng định.
Theo TS Trần Thanh Nhàn, Khoa Địa lý – Địa chất Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), miền Trung có đặc điểm địa hình miền núi phía Tây chuyển sang đồng bằng phía Đông có khoảng cách hẹp, độ chênh lớn nên độ dốc địa hình và sông suối cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hiện tượng trượt lở sườn dốc xảy ra phổ biến và dòng lũ chảy xiết, tốc độ truyền lũ từ thượng nguồn về hạ du lớn.
“Trượt lở ở cụm Rào Trăng 3 chưa thể khẳng định do xây dựng thủy điện hay không, cần phải kiểm tra, nghiên cứu và đánh giá. Trượt lở có thể xảy ra bất cứ đâu, ví dụ như ở khu vực cửa khẩu Cha Lo – Quảng Bình không hề xây dựng thủy điện” – TS Trần Thanh Nhàn nói.
Thảm họa trượt lở đất đá: Cần cảnh báo hay cần quy hoạch?
Các chuyên gia cho rằng, để tăng khả năng cảnh báo trượt lở đất đá đến từng khu vực một cách kịp thời nhất, có thể lắp các thiết bị quan trắc phát hiện trượt lở sớm.
Trượt lở đất đá là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn thương tâm tại miền Trung trong đợt mưa lũ vừa qua
Giúp cảnh báo sớm từng khu vực
Từ năm 2012, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam thực hiện đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam". Đến nay, đã xây dựng và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở 25 tỉnh và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở 15 tỉnh.
Dựa trên thông tin do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cung cấp, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cảnh báo trượt lở đất trước 3-6 giờ tại khu vực có nguy cơ cao. Tuy nhiên, cảnh báo này mới dừng lại ở cấp huyện, ví dụ huyện nào có nguy cơ cao, rất cao, chứ chưa chi tiết đến các điểm cụ thể. Vì vậy, hiệu quả cảnh báo được đánh giá chưa cao.
Theo ông Hoàng Kim Quang, chuyên gia về công nghệ viễn thám, để dự báo đến từng khu vực có nguy cơ cao, có thể sử dụng phương án lắp thiết bị quan trắc. Khi có dấu hiệu xảy ra trượt lở đất đá, thiết bị sẽ cảnh báo đến người dân để kịp thời sơ tán.
Trên cơ sở xác định các khu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở, kết hợp với điều kiện dân cư có sinh sống ở đó không, có thể lắp các thiết bị quan trắc cảnh báo trượt lở đất. Hệ thống quan trắc gồm các thiết bị như đo khí tượng, đo mưa, đo độ dịch chuyển, hệ thống định vị GPS. Khi khu vực quan trắc có bất thường sẽ báo động ngay cho trung tâm điều hành, cảnh báo đến người dân.
Ông Quang nói rằng, hệ thống quan trắc đồng bộ có thể rất đắt tiền và tốn kém. Việc lắp đặt trên diện rộng là không khả thi. Tuy nhiên, có thể "liệu cơm gắp mắm", sử dụng các thiết bị quan trắc đơn giản với giá vài chục triệu đồng để cảnh báo nguy cơ trượt lở.
Theo TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" thực hiện từ miền Bắc đến Quảng Ngãi đã xác định được 15.000 điểm trượt lở đất đá, trong đó có 300-400 điểm trượt lở rất lớn. Đối với những điểm trượt lở đất đá rất lớn, Chính phủ đã có chương trình di dời người dân khỏi các khu vực này.
Ngoài ra, trong đề án, Bộ Tài nguyên & Môi trường xác định sẽ xây dựng khoảng 10 trạm quan trắc trượt lở. Để lắp đặt 10 trạm quan trắc này, các nhà khoa học sẽ khảo sát để lựa chọn vị trí phù hợp. Một số dự án hợp tác khoa học quốc tế cũng có kế hoạch xây dựng các trạm cảnh báo đa thiên tai, cảnh báo được cả lũ quét, sạt lở đất. Một số trạm đã được lắp đặt, như tại bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Tập huấn nâng cao nhận thức người dân
Theo TS Hòa, hệ thống quan trắc mang lại hiệu quả cao nhưng sẽ khó triển khai diện rộng bởi giá thành cao, trong khi Việt Nam có tới 15.000 điểm có nguy cơ trượt lở đất đá. Vì vậy, bên cạnh việc quan trắc tại các khu vực trọng điểm, cần triển khai thêm một số giải pháp khác để nâng cao khả năng cảnh báo trượt lở đất đá.
"Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan. Tại các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao, các nhà khoa học sẽ xác định ngưỡng mưa sinh trượt lở đất đá. Sau đó, mỗi làng sẽ được trang bị một thiết bị đo mưa. Khi mưa đến ngưỡng sinh trượt lở, người dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Từ đó giúp thiệt hại về người và của", ông Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng, tại các khu vực vùng núi ở Việt Nam có rất ít quỹ đất an toàn. Người dân vạt núi làm nhà thì dễ chịu tác động của sạt lở đất đá, làm nhà ven suối thì dễ bị lũ ống, lũ quét. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, tập huấn người dân các kỹ năng đối phó thiên tai, thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập vào đầu mùa mưa bão. Tại các vùng có nguy cơ trượt lở cao, cần xác định một số vị trí tương đối an toàn để người dân có thể sơ tán khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
Quảng Nam: Hoàn thành sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 11 giờ trưa 4.11 Để chủ động ứng phó bão số 10 (GONI) và tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở...