Tìm nguyên nhân cá nuôi làng bè Hiệp Hòa chết bất thường
Gần 1 tháng trở lại đây, cá nuôi trong các lồng, bè trên sông Cái thuộc khu vực P.Hiệp Hòa ( TP.Biên Hòa) có hiện tượng lờ đờ, bỏ ăn và nổi đầu lên mặt nước.
Hiện tượng cá chết đang có xu hướng tăng nhanh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Hiện mỗi ngày, người nuôi cá bè trên sông Cái đều phải vớt cá chết. Ảnh: B.Nguyên
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết bất thường này nhằm tránh rủi ro cá chết hàng loạt như từng xảy ra trước đó.
* Không đủ oxy trong nước
Trước phản ánh của người nuôi cá bè trên sông Cái về tình trạng cá bè chết bất thường, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) đã nhiều lần về khu vực nuôi cá bè khảo sát, kiểm tra.
Kết quả quan trắc môi trường khu vực nuôi cá bè trên sông Cái thuộc khu vực P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) của Chi cục Thủy sản trong tháng 7 cho thấy nhiều thông số về môi trường nuôi vẫn trong giới hạn cho phép. Cụ thể, các thông số quan trắc NO2, N-NH4 , PO4 3-, COD, TSS, H2S vẫn ở trong ngưỡng giới hạn cho phép. Riêng thông số oxy hòa tan (DO) luôn thấp với mức dao động từ 2,8-3,0 mg/l (có lúc xuống 2,6 mg/l), chưa đạt yêu cầu dành cho mục đích đặt lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Video đang HOT
Gần nhất là kết quả kiểm tra môi trường nước của Chi cục Thủy sản vào buổi sáng ngày 29-7, hàm lượng oxy hòa tan trong nước mặt tại khu vực bè nuôi cá trên sông Cái còn thấp hơn rất nhiều so với kết quả đo trước đó. Cụ thể, hàm lượng oxy hòa tan trong nước mặt tại các bè nuôi cá chỉ khoảng 1,8 mg/l; hàm lượng oxy hòa tan ở khu vực bờ sông gần khu vực bè nuôi đạt 2,5 mg/l và ở khu vực giữa sông là 3,2 mg/l, đều thấp hơn QCVN cho phép là từ 4mg/l. Đặc biệt hàm lượng oxy tại bè nuôi cá thấp hơn khoảng 2,5 lần so với mức quy chuẩn cho phép. Kết quả đo dòng chảy của nước sông trong bè chỉ từ 0-0,1 (gần như không chuyển động) trong khi ở ngoài khu vực bè nuôi là gần 0,3. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàm lượng oxy trong khu vực bè nuôi thấp hơn các khu vực khác trên sông.
Theo ông Trần Văn Quyết, chủ bè cá trên sông Cái, hơn 1 tháng nay, cá nuôi trong bè có hiện tượng lờ đờ, bỏ ăn và nổi đầu lên mặt nước. Nhận thấy đây là hiện tượng cá bị ngộp vì thiếu oxy nên ông Quyết cho hệ thống máy sục cung cấp oxy hoạt động suốt 24/24 giờ. “Trước đây, các bè nuôi thường chỉ bật máy cung cấp oxy hoạt động vào những thời điểm con nước đứng, hàm lượng oxy thấp. Hiện tôi phải cho máy sục oxy hoạt động suốt ngày đêm vì chỉ cần tắt máy là cá nổi lên chết trắng bè”.
* Lượng cá chết tăng nhanh mỗi ngày
Điều đáng báo động là tình trạng cá chết tại khu vực nuôi cá bè trên sông Cái đang tăng nhanh mỗi ngày gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Ông Trần Văn Trung, một chủ bè cá khác tại khu vực này vừa vớt cá chết vừa xót xa: “Tháng trước, cá chỉ chết lác đác nhưng hiện cứ vài tiếng là tôi phải vớt cá chết một lần, mỗi lần vớt là cả hàng trăm ký. Tình trạng cá chết đang tăng nhanh và hầu như bè nào ở khu vực này cũng bị thiệt hại”.
Nhằm giảm bớt thiệt hại, nhiều người nuôi cá bè có cá trọng lượng lớn đang tranh thủ bán cá. Tuy nhiên hiện do thị trường tiêu thụ chậm, thương lái chỉ thu mua cầm chừng khiến người nuôi cá như “ngồi trên đống lửa”.
Ông Nguyễn Văn Vỵ, người nuôi cá bè lâu năm ở làng bè Hiệp Hòa cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến cá chết có thể do nguồn nước ô nhiễm từ việc xả thải, khiến cá thiếu oxy. Mong các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt hơn trong việc kiểm tra các nguồn xả thải để bảo vệ nguồn nước sông.
Trước tình trạng cá chết bất thường, Chi cục Thủy sản đã có văn bản gửi đến UBND TP.Biên Hòa kiến nghị thực hiện nhiều giải pháp như: hướng dẫn người dân neo đậu bè đúng khoảng cách, bảo đảm dòng chảy thông thoáng nhằm tăng khả năng trao đổi nước trong bè, lồng. Khuyến cáo người nuôi tăng cường sục khí, quạt nước, sủi oxy để tăng cường cung cấp oxy cho cá, nhất là vào thời điểm con nước đứng. Chủ động giảm sinh khối, giảm mật độ cá nuôi trong lồng bè so với mùa khô. Tăng cường diệt khuẩn, vệ sinh lồng bè sạch sẽ, thông thoáng. Ngoài ra, người nuôi cũng phải chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường ở khu vực nuôi cá bằng cách vớt cá chết, thu gom rác thải sinh hoạt ở khu vực nuôi…
Nghệ An: Ra công điện khẩn về công tác ứng phó với bão số 2
UBND tỉnh Nghệ An vừa có công văn khẩn gửi các sở, ban, ngành, địa phương về công tác ứng phó với cơn bão số 2.
Hồi 7 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Hình ảnh dự báo di chuyển của cơn bảo số 2.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh,Trưởng BCH phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có công điện khẩn về việc ứng phó với bão số 2.
Đối với khu vực ven biển và các đảo: Các địa phương phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Cảng vụ Nghệ An và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện (kể cả tàu vận tải và tàu du lịch), hướng dẫn di chuyển và thoát ra không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh, trú an toàn. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú. Tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: Các địa phương khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, trong các nhà yếu, không bảo đảm an toàn, trong đó cần lưu ý công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực sơ tán. Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Triển khai các biện pháp bảo vệ công trình, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, hầm mỏ, các công trình đang thi công ven biển, khu vực khai thác khoáng sản, các trang trại. Triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều theo cấp báo động, nhất là đối với các tuyến đê biển xung yếu, đang thi công; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển.
Lực lượng chức năng tích cực kêu gọi thuyền vào bờ neo đậu an toàn.
Đối với khu vực miền núi: Tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ và các cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ; thường xuyên cập nhật, công bố vùng nguy hiểm trên biển để tàu thuyền, phương tiện vận tải không đi vào và chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; theo dõi, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo,....
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan báo đài địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và mưa lớn để các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.
Các sở ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão; chủ động chỉ đạo ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh) biết để xử lý kịp thời...
Bí quyết nuôi thuỷ sản xen ghép thu hàng trăm triệu/ha: Con lành thả trước, dữ dằn thả sau "Nguyên tắc trong nuôi thủy sản xen ghép là con nào hiền lành thả trước, con nào dữ thả sau, cho ăn thức ăn khác nhau, thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi" - ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết. "Nguyên tắc trong nuôi thủy sản xen ghép...