Tìm nguyên nhân bầu Đức chưa cho Công Phượng ‘lên lớp’
Tính ganh ghét, đố kỵ, chơi ‘theo dây, theo nhánh’ là đặc thù có thật của môi trường bóng đá Việt, tồn tại cấp CLB cũng như đội tuyển
Công Phượng và những đồng đội ở CLB HAGL đang ở tình trạng “có thể” lên đội U23 và tuyển quốc gia. Bầu Đức chưa thực sự hào hứng để lứa cầu thủ “báu vật” của ông lên tuyển lúc này. Ông bầu từng lăn lộn trong làng bóng có nguyên nhân để băn khoăn.
Bầu Đức chưa muốn Công Phượng và đồng đội lên đội U23 và tuyển Việt Nam. Ảnh: KL.
Phó chủ tịch VFF cho rằng ông không có quyền ngăn cản cầu thủ của mình làm nhiệm vụ quốc gia. Nhưng bầu Đức muốn “chưa vội” tập trung những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… lên các đội tuyển lớn hơn. Nói thẳng ra, ông e ngại “môi trường, cách sống” của các đàn anh sẽ “không hợp, khó hòa nhập” với cầu thủ của ông vốn 7 năm qua chỉ miệt mài tập luyện ở Hàm Rồng, mới ra thi đấu hơn một năm.
Sau giải U19 trên sân Mỹ Đình, bầu Đức có trả lời giới truyền thông nói rõ nỗi lo của ông về “môi trường, cách sống”. “Tôi có quá thừa kinh nghiệm để nhận biết sự ganh ghét, đố kỵ trong môi trường đội tuyển khi các cầu thủ không có cùng xuất phát điểm, nhận thức và trình độ như nhau. Điều này dễ làm hỏng cầu thủ của tôi nếu để các cháu phải sống trong một hoàn cảnh thiếu trong sáng”.
Tính ganh ghét, đố kỵ, chơi “theo dây, theo nhánh” là đặc thù có thật của môi trường bóng đá Việt, tồn tại cấp CLB cũng như đội tuyển. Quả bóng do cầu thủ giữ bóng có chuyền đi, thuận lợi hay kiểu “5-5, 6-4″, được quyết định không phải thuận lợi hay không mà nằm ở việc cầu thủ nhận bóng thuộc “nhóm” nào. Đấy là trên sân, còn hậu trường, đó là chuyện “ma mới, ma cũ” với những tiếng nói trọng lượng nặng nhẹ khác nhau.
“Văn hóa” này chỉ nhiều ít, đậm nhạt tùy thời điểm và cả quan điểm của HLV. Dung hòa mối quan hệ giữa “các nhóm” vẫn là nhiệm vụ của nhiều đời thầy khi nhận cương vị HLV trưởng đội tuyển. Nhiều trường hợp, một quyết định về nhân sự trên sân nhưng HLV cũng cần “tham khảo” ý kiến của những công thần, những cầu thủ “đầu nhóm”.
Dưới thời HLV Miura, chuyện này dường như đã bớt đi rất nhiều. Quá trình trẻ hóa đội tuyển của ông đang mang lại một luồng sinh khí mới, những cách suy nghĩ mới cho đội bóng. Hơn nữa với việc được VFF trao quyền lớn, ông Miura có đủ thời gian và biện pháp để “làm việc” với những cầu thủ vẫn sống kiểu “tư tưởng cũ” nếu có.
Video đang HOT
Nhưng như vậy vẫn chưa khiến bầu Đức thực sự an tâm, dù ông nói sẵn sàng đồng ý khi quốc gia cần. Ông vẫn cho rằng thời điểm chín muồi cho lứa Công Phượng là SEA Games 2017 chứ không phải hiện nay. Nguyên nhân, theo ông, bởi Công Phượng hay đồng đội của anh ở học viện còn “hạn chế về vốn sống”.
Lăn tăn của ông có thể được đẩy lên thành nỗi lo khi chính Chủ tịch VFF – “sếp”, đồng thời là người bạn thân thiết bầu Đức – tuyên bố “mời cơ quan điều tra vào làm rõ trận thua 2-4 trước Malaysia”. Phát ngôn cho thấy nỗi lo của vị doanh nhân gốc Bình Định về môi trường đội tuyển “dễ làm hư hỏng cầu thủ của tôi” là có thật. Còn ai hiểu môi trường bóng đá Việt Nam và lo cho lứa Công Phương như bầu Đức…
Theo VNE
Bầu Đức: 'Tôi tin không ai nghi ngờ U19'
Phó chủ tịch VFF khẳng định U19 là đội bóng được nuôi dạy tử tế và sẽ không bị đặt nghi vấn tiêu cực.
- Ông nghĩ sao về ý kiến để Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... lên làm nòng cốt của U23 Việt Nam đá SEA Games 28, thưa ông?
- Việc để các cầu thủ U19 HAGL tham dự SEA Games 28 hay không là quyền của VFF chứ bản thân tôi không thể quyết định được. Nếu VFF thấy cần thiết và triệu tập các em lên đội tuyển, tôi không thể từ chối vì đó là nhiệm vụ quốc gia.
- Nhưng lộ trình phát triển của U19 là đến năm 2017 mới đá SEA Games. Vậy việc để họ gia nhập U23 Việt Nam lúc này do áp lực thành tích, ông nghĩ sao?
- Tôi không chịu áp lực gì hết, đơn thuần tôi nghĩ đó là nghĩa vụ quốc gia và mình phải có trách nhiệm tuân thủ. U19 đá được V-League thì lên U23 cũng đá được thôi chứ chẳng có vấn đề gì cả.
Nếu tỉnh táo nghiên cứu kỹ, tôi cho rằng, việc để nguyên bộ khung U19 Học viện của tôi là hợp lý. Các em từng ăn, ở, từng tập luyện thi đấu nhiều năm với nhau, nếu tham dự SEA Games 28, tôi tin các em sẽ đá tốt. Còn nếu chỉ lấy một vài người, nay đá mai không thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì.
Đương nhiên, lấy nguyên bộ khung chính của U19 HAGL nhưng cần phải bổ sung thêm một vài vị trí có kinh nghiệm nữa. Làm được như thế, tôi tự tin U23 Việt Nam sẽ đá tốt và có thành tích ngay ở SEA Game 28 luôn chứ không cần phải đợi đến năm 2017 đâu.
- Sau thất bại của tuyển Việt Nam, người hâm mộ nghi ngờ, lãnh đạo VFF cũng nghi ngờ các tuyển thủ ... Vậy ông tiên liệu thế nào về hậu quả nếu lứa U19 lên đội U23 đá thua và cũng có thể bị quy kết?
- Chẳng ai nghi ngờ các em U19 cả. Thực tế ở các giải, U19 đá thua tưng bừng, thua nhiều trận nhưng người hâm mộ vẫn đón nhận một cách nồng nhiệt. Người hâm mộ hiểu rằng đây là đội bóng được nuôi dạy tử tế, từ việc học văn hóa đến chuyên môn nên sẽ không bao giờ làm những việc trái với lương tâm, trái với pháp luật.
Giải giao hữu ở TP HCM, đội U19 thua cả ba trận, thua AS Roma, Nhật Bản, Tottenham, song khán giả luôn đến sân chật kín, cổ vũ rất nhiệt tình, rất chuyên nghiệp. Đến giải ở Brunei, ở Myanmar hay ở Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua, các em U19 đá có thắng, có thua, nhưng tình cảm, niềm hy vọng của người hâm mộ dành cho đội đến hôm nay vẫn đong đầy.
Nói thật, trước kia cầu thủ Việt Nam có nhiều điều tai tiếng, dư luận có quyền nghi ngờ, nhưng riêng với U19, bản thân tôi tin tưởng sẽ không có xảy chuyện đó đâu. Nếu đưa bộ khung U19 làm nòng cốt lên, kết hợp với một vài VĐV có đạo đức, có tài năng xuất sắc ở một số CLB khác, dù đá thua người hâm mộ vẫn sẽ đến sân ủng hộ hết mình. Vấn đề là các cầu thủ CLB khác phải thực sự có tư cách, đạo đức.
- Tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014 thay máu lực lượng khá mạnh với rất nhiều gương mặt trẻ xuất hiện. Theo ông, tiêu chí lựa chọn tuyển thủ thời gian tới nên như thế nào?
- Tiêu chí lựa chọn tuyển thủ, theo tôi vấn đề đạo đức cần đặt lên hàng đầu. Học viện HAGL Arsenal JMG của tôi khi thành lập ra, tiêu chí đầu tiên cũng là đạo đức và học vấn chứ không phải là bóng đá, nên cầu thủ của tôi mới có nếp sống như bây giờ, chứ không đơn giản đâu.
Người ta suy nghĩ thế nào tôi không quan tâm, riêng quan điểm của cá nhân tôi, hai yếu tố quan trọng nhất vẫn là văn hóa và đạo đức. Muốn kéo khán giả đến sân, cầu thủ phải có văn hóa và đạo đức trước đã, còn chuyên môn tính sau. Văn hóa và đạo đức phải làm từ lúc bé, lúc mới vào Học viện chứ đến 19-20 tuổi mới làm thì không được nữa rồi.
- Malaysia từng "đày" hơn 70 cầu thủ, quan chức, HLV... ra đảo, tước bỏ mọi phúc lợi xã hội, cách ly khỏi bóng đá. Theo ông, lúc nào chúng ta mạnh tay với cầu thủ dính tiêu cực?
- Mỗi quốc gia có một đặc thù riêng, một cách làm riêng... nên chúng ta không nhất thiết phải làm theo Malaysia. Còn nếu điều tra ra cầu thủ dính tiêu cực thì đương nhiên là phải mạnh tay, loại bỏ vĩnh viễn họ ra khỏi đời sống bóng đá.
Trước kia chúng ta vẫn còn xử lý vị tha, vẫn có trường hợp dính chàm nhưng được tha bổng quay lại bóng đá, thậm chí được gọi trở lại khoác áo đội tuyển quốc gia... Tôi đảm bảo câu chuyện đó đã là của nhiệm kỳ trước, bây giờ thì khác. Chủ trương của VFF là làm triệt để, cầu thủ nào dính vào tiêu cực đừng hòng có cửa trở lại với bóng đá.
- 14 năm lên chuyên, V-League dường như vẫn dậm chân tại chỗ, làm mất niềm tin với người hâm mộ... Ông nghĩ sao về mùa bóng 2015?
- Có là thánh tôi cũng không lạc quan được. Tất nhiên mình là người trong cuộc mình phải nỗ lực để làm tất cả những gì mình có thể để đóng góp cho giải đấu. Còn cá nhân tôi nghĩ, làm cho giải đấu lành mạnh và chất lượng ngay thì rất khó.
Tôi nghĩ, để giải đấu tốt lên cần phải có thời gian, phải có phương pháp làm. Nếu muốn tồn tại với bóng đá lâu dài, không riêng gì HAGL mà tất cả CLB trên thế giới đều tuân thủ theo một điều đó là lấy bóng đá nuôi bóng đá, còn không thì là tạm bợ hết và có thể giải tán bất kỳ lúc nào.
Năm nay tôi tự tin, đội bóng HAGL của tôi làm ăn có lãi, vì tôi xây dựng toàn bộ lực lượng do mình đào tạo ra, không tốn tiền chuyển nhượng, không trả lương cao, cơ chế thưởng phạt vừa phải... Để giải đấu V-League thật sự tốt, các đội bóng phải chú tâm đào tạo trẻ, đào tạo tới nơi tới chốn, đó là con đường duy nhất giúp bóng đá có lãi. Muốn làm điều đó phải có thời gian và sự kiên trì. Một lứa cầu thủ ra đời muốn đá tốt ít nhất phải chờ 8-10 năm mới đánh giá được. Đây là một câu chuyện khó, nhưng ở Việt Nam vẫn có SLNA làm tốt, Đồng Tháp làm tốt song vấn đề của họ là kinh phí hạn hẹp.
Năm nay, nhiều đội sử dụng đội hình trẻ đá V-League, như HAGL, Đồng Tháp, Khánh Hòa, SLNA, tôi hy vọng tương lai, khi các đội bóng khác cũng làm như thế thì giải đấu của ta, đội tuyển của ta mới mạnh được. Còn cứ làm ăn chụp giật, tranh mua tranh bán, thăng một hai mùa, rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, không giải quyết được vấn đề gì.
Bóng đá Việt Nam muốn phát triển, hãy đào tạo trẻ, dứt khoát phải làm chuyện đó, mà đào tạo ở đây phải đưa tiêu chí đạo đức và văn hóa lên hàng đầu như HA.GL đang làm. Đào tạo thuần chuyên môn, không quan tâm đến vấn đề văn hóa, đạo đức thì trước sau gì cũng sẽ hỏng.
Theo Thể Thao & Văn Hóa
Bầu Đức và Chủ tịch Lê Hùng Dũng: Vì sao liên tục mâu thuẫn Trong vai trò người đứng đầu liên đoàn, dường như ông Dũng đang "ào ào lao tới" chứ chưa tham khảo kỹ các cộng sự xung quanh. Bầu Đức và Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng được xem là "cặp đôi hoàn hảo" của bóng đá nội. Nhưng suốt thời gian qua, cả hai lại tỏ ra mâu thuẫn trong quan điểm làm...