Tìm kiếm tàu cổ khác xung quanh tàu 700 tuổi
Nhằm bảo tồn di sản văn hóa dưới nước ở vùng biển Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định giao cho Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương tiếp tục mở rộng vùng khảo sát, tìm kiếm các con tàu cổ khác xung quanh con tàu cổ 700 tuổi.
Tàu cổ 700 tuổi chứa “kho cổ vật” chìm đắm ở vùng biển Bình Châu. Ảnh: Trí Tín.
Trong thời gian khai quật khoảng 4.000 cổ vật có niên đại thế kỷ 13 trong con tàu đắm ở vùng biển Bình Châu, các chuyên gia phát hiện nhiều mảnh gốm vỡ có niên đại thế kỷ 15 trôi dạt vào con tàu này. “Những mảnh gốm này không phải là hiện vật bên trong con tàu 700 tuổi mà có thể từ con tàu cổ khác ở khu vực lân cận trôi dạt đến”, TS Nguyễn Đình Chiến, phó giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Sung, cố vấn Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương cho biết, song song với việc mở rộng khai quật cổ vật trong phạm vi 300 m2 còn lại xung quanh tàu 700 tuổi, tỉnh vừa có chủ trương cho phép đơn vị tiếp tục thăm dò, khảo sát, tìm kiếm các tàu cổ khác bị đắm ở vùng biển Bình Châu từ nhiều thế kỷ trước.
Hiện vùng biển Bình Châu đã được Chính phủ qui hoạch xây dựng cảng nước sâu Dung Quất 2. Trước tình hình này, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đề xuất tỉnh khẩn cấp khảo sát, khai quật khảo cổ học nhằm bảo tồn di sản văn hóa dưới nước lẫn trên bờ ở khu vực này.
Video đang HOT
Đĩa men ngọc chạm hoa văn nổi mang đặc trưng nghệ thuật gốm sứ niên đại thế kỷ 13 vừa được khai quật từ con tàu cổ 700 tuổi ở vùng biển Bình Châu. Ảnh: Trí Tín.
Trao đổi với VnExpress.net, TS Đoàn Ngọc Khôi, phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cho biết thêm, năm 1999, Bảo tàng Quảng Ngãi từng phối hợp với Công ty Visal tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ học con tàu đắm chứa cổ vật tại vùng biển thôn Châu Tân, xã Bình Châu.
Kết quả khai quật được khoảng vài tạ cổ vật, trong đó chủ yếu là hiện vật gốm sứ, đồ đồng và đồ đá (triện, nghiên mực..) có niên đại thế kỷ 15 đến 17. Con tàu cổ nằm cách bờ 20m, ở độ sâu 4,5m, cách tàu 700 tuổi về phía Bắc khoảng 500m.
Cũng trong năm 1999, trong lúc thăm dò, khảo sát, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều mảnh gốm vỡ trôi dạt từ tàu đắm nằm sát trên lớp san hô ở gần hòn Nhàn (cách tàu 700 tuổi vừa khai quật 1 km về phía Đông Nam).
“Căn cứ vào những mảnh vỡ gốm sứ niên đại khác nhau trôi dạt phát hiện ở vùng biển Bình Châu, chứng tỏ ở khu vực này còn một số tàu cổ khác cần tiếp tục khảo sát, tìm kiếm, khai quật để bảo tồn di sản”, TS Khôi nói.
Theo VNE
Con tàu 700 tuổi hầu như còn nguyên dưới đáy biển
Dù bị chìm dưới biển Bình Châu, huyện Bình Sơn(Quảng Ngãi) gần 700 năm nhưng con tàu chứa cổ vật vẫn còn nguyên vẹn bánh lái, mạn, đáy tàu... khiến các chuyên gia, nhà khoa học "rất ngỡ ngàng".
Xác con tàu cổ lộ diện còn nguyên vẹn sau gần 700 năm chìm dưới đáy biển Bình Châu, huyện Bình Sơn. Ảnh: Trí Tín.
Sau gần 1 tháng làm đê vây, hút thổi cát, các chuyên gia đã khai quật cổ vật dưới đáy biển theo phương pháp như trên bờ, thu về gần 270 thùng (hàng nghìn cổ vật quí). Đồng thời, lộ diện trên nền cát đáy biển là con tàu gỗ gần như còn nguyên vẹn sau khoảng 700 năm đắm ở vùng biển Bình Châu.
TS Đoàn Ngọc Khôi, phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cho biết, con tàu cổ chìm ở vùng biển Bình Châu lộ diện còn nguyên vẹn bánh lái, đáy và be tàu còn nguyên khối, có niên đại sớm hơn nhiều so với nhiều con tàu đắm từng phát hiện ở vùng biển Việt Nam.
Con tàu dài gần 25m, đáy tàu rộng 5m nhưng bề ngang bên trên rộng ước khoảng 9m bị chìm theo phương thẳng đứng. Cổ vật xếp ngăn nắp trong 12 khoang tàu còn khá vững chãi. Kết quả khai quật bước đầu trong lòng con tàu cho thấy có nhiều tiêu bản đĩa gốm chạm khắc hoa văn hình rồng có giá trị lớn. Ngoài ra có một số vật dụng của thủy thủ đoàn như tiền đồng, quả cân trong con tàu này.
"Con tàu gỗ chìm dưới đáy biển Bình Châu đã gần 700 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn gây kinh ngạc cho giới nghiên cứu, khảo cổ học", TS Khôi ngạc nhiên nói.
Các chuyên gia giám định cổ vật được khai quật từ con tàu đắm ở vùng biển Bình Châu. Ảnh: Trí Tín.
Ban chỉ đạo khai quật cổ vật Quảng Ngãi quyết định thay đổi phương án trục vớt ban đầu sang bảo tồn tại chỗ con tàu cổ nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở vùng biển Bình Châu. Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương đã hoàn tất khai quật "kho cổ vật" bên trong lòng con tàu và đang huy động đội ngũ thợ lặn tiếp tục trục vớt cổ vật trong phạm vi 600 m2 xung quanh con tàu đắm. Dự kiến đến ngày 15/7, việc khai quật khảo cổ học ở vùng biển Bình Châu sẽ kết thúc.
Ông Đoàn Sung, cố vấn Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương chia sẻ, so với nhiều đợt khảo sát, khai quật các con tàu đắm ở các vùng biển trong cả nước, con tàu chứa cổ vật ở Bình Châu có giá trị rất lớn. "Sau khi các chuyên gia xử lý xong, chúng tôi sẽ trưng bày cổ vật phục vụ khách tham quan. Còn xác con tàu được khoanh vùng, bảo tồn tại vùng biển Bình Châu kết nối với tour lặn biển tạo điều kiện việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương với loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái biển", ông Sung cho biết thêm.
Con tàu cổ 700 năm tuổi này sẽ được bảo tồn tại vùng biển Bình Châu nhằm tạo điều kiện việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương với tour du lịch, dịch vụ lặn biển. Ảnh: A.Khiêm.
Ngày 26/6, trao đổi với VnExpress, TS Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á khẳng định, đây là lần đầu tiên ở châu Á, một con tàu cổ được phát hiện còn nguyên vẹn cụm bánh lái hiếm hoi.
"Con tàu cổ này là tư liệu sinh động cho các nhà nghiên cứu lịch sử đóng tàu, giao lưu thương mại thế giới. Nó bị chìm ở vùng biển này chứng tỏ năm xưa nơi đây là điểm giao thương sầm uất, giữ vai trò thương mại quan trọng của khu vực châu Á", TS Việt khẳng định.
Cũng theo TS Việt, lâu nay các nhà nghiên cứu chỉ tiếp cận lịch sử tàu thuyền qua các bản vẽ, lý thuyết thì giờ đây với phương pháp khai quật cổ vật dưới đáy biển như trên cạn ở vùng biển Bình Châu họ đã ghi nhận được nhiều điều thú vị. Đây cũng là lần đầu tiên các chuyên gia trực tiếp sờ được hiện vật, giải mã nhiều bí ẩn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho quá trình nghiên cứu lịch sử tàu thuyền thế giới.
Theo VNE
Ném đá cảnh sát vì nghĩ 'kho cổ vật' giá 120 tỷ đồng Lãnh đạo huyện Bình Sơn cho rằng, ngư dân nghĩ tàu chứa cổ vật ở vùng biển Bình Châu trị giá đến 120 tỷ đồng và lấy một thứ bán được nhiều tiền hơn chuyến đi biển nên chống đối mà không biết đó là tài sản quốc gia. Công an Quảng Ngãi đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án...