Tìm kiếm người mất tích sau động đất tại Nhật Bản bất chấp mưa tuyết
Ngày 8/1, lực lượng cứu hộ tại Nhật Bản đã bất chấp thời tiết mưa và tuyết rơi dày tiếp tục tìm kiếm hàng trăm người vẫn đang mất tích sau trận động đất lớn ở Bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, miền Trung Nhật Bản vào ngày 1/1 vừa qua.
Những ngôi nhà bị phá hủy sau động đất tại Wajima, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản ngày 2/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo chính quyền tỉnh Ishikawa, đến nay, số người thiệt mạng đã tăng lên 161 người và số người mất tích là 103.
Tuyết rơi dày cũng cản trở nỗ lực sơ tán những người sống sót đến các khách sạn và nơi tránh trú bên ngoài tỉnh Ishikawa trong bối cảnh nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tại các trung tâm tiếp nhận người phải đi sơ tán. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), ở những khu vực chịu ảnh hưởng của động đất, tính đến 8h cùng ngày (giờ địa phương), tuyết rơi dày đến 13cm ở Suzu, 12cm ở Nanao và 9cm ở Wajima.
Hơn 2.300 người trong tỉnh Ishikawa vẫn đang bị cô lập, chủ yếu do các tuyến đường bị chia cắt, sạt lở. JMA kêu gọi người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng của động đất hết sức thận trọng với những tòa nhà bị hư hỏng vì chúng có thể sụp đổ dưới sức nặng của tuyết và giữ ấm cơ thể để tránh bị hạ thân nhiệt trong bối cảnh giá rét khắc nghiệt.
Video đang HOT
Chính quyền địa phương cho biết tính đến ngày 7/1 có hơn 28.000 người đang tránh trú tại những nơi trú ẩn tạm thời và thời tiết lạnh giá cũng có thể khiến điều kiện sống của họ trở nên tồi tệ hơn.
Cùng thời gian này, khoảng 20.700 hộ gia đình ở Ishikawa vẫn chưa có điện và hơn 66.100 hộ gia đình chưa có nước.
Phát biểu trên đài NHK ngày 7/1, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ưu tiên hàng đầu là giải cứu những người còn mắc kẹt dưới các đống đổ nát và tiếp cận những cộng đồng bị cô lập. Theo ông, lực lượng phòng vệ đã cử các nhóm nhỏ đi bộ đến từng cộng đồng bị cô lập. Chính phủ Nhật Bản cũng đã triển khai nhiều máy bay trực thăng của cảnh sát và lực lượng cứu hỏa để tiếp cận họ.
Động đất tại Nhật Bản: Thời tiết khắc nghiệt khiến người dân lánh nạn thêm khó khăn
Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, từ tối ngày 7/1, tại khu vực Bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất mạnh vừa qua, sẽ có mưa và tuyết rơi dày.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác cứu hộ mà còn khiến cho cuộc sống của người dân tại các khu vực lánh nạn tạm thời thêm phần khó khăn.
Khu lánh nạn tạm thời ở thị trấn Monzenmachi, thành phố Wajima. Ảnh: Xuân Giao/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Ishikawa, không khí lạnh tăng cường dự kiến sẽ tràn xuống khu vực các tỉnh thuộc Hokuriku và tỉnh Niigata mang theo mưa lạnh từ chiều tối ngày 7/1, sau đó chuyển sang tuyết rơi dày vào rạng sáng ngày 8/1. Lượng tuyết rơi trong 24 giờ tới dự kiến là 60 cm ở vùng núi và 25 cm ở vùng đồng bằng thuộc khu vực tỉnh Ishikawa. Trong khi đó, tại tỉnh Niigata lần lượt là 90 cm ở vùng núi và 30 cm ở vùng đồng bằng, tỉnh Toyama lần lượt là 70 cm và 40 cm, tỉnh Fukui lần lượt là 60 cm và 10 cm. Cùng với đó, nhiệt độ cũng giảm mạnh xuống dưới 0 độ C vào ban ngày và nhiệt độ âm vào ban đêm, thậm chí sẽ còn lạnh hơn so với dự báo.
Với tình hình thời tiết không thuận lợi này, không chỉ công tác cứu hộ mà cuộc sống của người dân Nhật Bản tại các điểm lánh nạn tập trung ở khu vực nói trên cũng đối mặt với khó khăn bội phần, nhất là việc giữ ấm cơ thể. Đó là chưa kể các đợt dư chấn cường độ từ mạnh đến trung bình vẫn liên tục xảy ra kể từ ngày 1/1 đến nay.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN trực tiếp tại một điểm lánh nán tập trung ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa, cho thấy đa số người lánh nạn đều là người cao tuổi và cuộc sống đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, tòa nhà 3 tầng vốn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thị trấn Monzenmachi, thành phố Wajima, đã được trưng dụng để trở thành khu lánh nạn tạm thời cho những người buộc phải sơ tán sau trận động đất lớn ngày 1/1. Tại đây, thường xuyên có khoảng 30 người lánh nạn, chủ yếu là người cao tuổi, trong tình trạng sinh hoạt thiếu điện, nước, gas và hệ thống sưởi ấm.
Theo đại diện của khu lánh nạn, điện đang được sử dụng được chạy bằng máy phát điện công suất nhỏ nên chỉ đủ để duy trì nạp điện cho các máy sưởi điện cỡ nhỏ, sạc điện thoại, thắp sáng một vài bóng đèn ở các tầng, cung cấp điện cho một màn hình TV nhỏ để cập nhật tình hình cũng như đun nước uống. Trong khi đó, nước được các tăng ni của một ngôi chùa trên núi gần đó cung cấp định kỳ 1-2 lần/ngày đựng trong các bình nước khoảng 10 lít.
Mặc dù có đầy đủ chăn đệm nhưng khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, hệ thống sưởi không thể đủ sưởi ấm cho cả phòng sinh hoạt chung. Ngoài ra, những người ở đây chủ yếu ăn đồ khô do không thể đun nấu vì thiếu điện và gas. Từ ngày 5/1, đã có thêm một xe phát sóng di động bố trí cạnh tòa nhà nhưng chỉ hoạt động theo giờ bằng máy phát điện để đảm bảo duy trì liên lạc ở mức độ tối thiểu.
Vị đại diện này cũng cho biết, khi tuyết rơi dày, việc tiếp tế các nhu yếu phẩm dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do tuyết rơi làm giảm tầm nhìn và che phủ các điểm nứt gãy trên các tuyến đường, trong khi địa phương không có đủ nhân lực để dọn tuyết. Ngoài ra, các khu vệ sinh công cộng lại đặt ở ngoài tòa nhà khiến cho sinh hoạt thêm phần khó khăn.
Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn tại khu lánh nạn tạm thời. Ảnh: Xuân Giao/TTXVN
Tính đến 16h ngày 6/1, đã có tổng cộng 126 trường hợp tử vong tại tỉnh Ishikawa được ghi nhận trong trận động đất, ít nhất 516 người bị thương và 210 người chưa rõ thông tin.
Trong các trận động đất trước đó tại Nhật Bản, từng ghi nhận nhiều trường hợp tử vong tại các khu lánh nạn do thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, chủ yếu là những người già và người mắc bệnh nặng.
Động đất tại Nhật Bản: Tỉnh Ishikawa đẩy nhanh nỗ lực khắc phục hậu quả Theo Tân Hoa xã, ngày 6/1, ông Hiroshi Hase - Thống đốc tỉnh Ishikawa ở miền Trung Nhật Bản - thông báo tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau trận động đất ở Bán đảo Noto khiến 126 người dân của tỉnh thiệt mạng, đồng thời phá hủy nhiều công trình xây dựng và đường sá. Cảnh tàn phá sau động...