Tìm kiếm MH370 là chiến dịch đắt nhất lịch sử hàng không
Các chuyên gia ước tính số tiền chi cho hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia vào khoảng 400 triệu USD và sẽ là chiến dịch đắt đỏ nhất trong lịch sử hàng không hiện đại.
Tàu Xue Long của Trung Quốc tham gia tìm kiếm chuyến bay MH370. Ảnh: Xinhua.
Zhao Chaofang, nhà hải dương học thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc, ước tính chi phí cho hoạt động tìm kiếm MH370 ít nhất cũng phải gấp 10 lần so với việc tìm kiếm chiếc Air France 447 rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009. Ông cho rằng phải tốn 200 triệu USD mỗi năm mới có thể duy trì hoạt động tìm kiếm MH370.
“Nếu hoạt động tìm kiếm hiện giờ chuyển sang dài hạn, kéo dài nhiều năm thì phải cần 200 triệu USD mới đủ duy trì nỗ lực của các bên”, ông Zhao nói. Ông còn cho biết thêm rằng, giới khoa học trong nước tin Trung Quốc đã chi hàng chục triệu USD trong vòng 21 ngày tìm kiếm MH370 vừa qua.
Các báo cáo trước đó cho thấy Pháp và Brazil tiêu tốn hơn 40 triệu USD trong hai năm tìm kiếm và trục vớt hộp đen của Air France 447. Các nhà chức trách khi đó sử dụng robot dưới nước để tìm kiếm dưới đáy biển. Họ dừng lại sau khi phát hiện 50 thi thể trong tổng số 228 người trên chuyến bay.
Một nhà nghiên cứu cấp cao giấu tên tại Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc còn cho rằng chi phí sẽ “vượt qua, vượt xa” so với cuộc tìm kiếm Air France. Các chuyên gia chưa rõ quốc gia nào sẽ gánh chịu chi phí liên quan sự việc lần này.
Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein trước đó từng nhắc đến vấn đề chi phí và nhấn mạnh rằng Malaysia chưa thảo luận với các quốc gia khác.
Video đang HOT
“Chưa có ai, chính phủ Malaysia hay đối tác của chúng tôi, thảo luận về vấn đề tiền bạc”, ông Hussein nói. “Tất cả đều cố gắng tìm chiếc máy bay mất tích. Ý nghĩ về chi phí còn chưa xuất hiện trong tâm trí chúng tôi”.
Phi công thuộc Không lực Hoàng gia Australia tìm kiếm MH370 ở khu vực nam Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters.
Malaysia cho biết hiện có 27 quốc gia đã huy động các nguồn lực, đóng góp vào quá trình tìm kiếm MH370. Trong số này có 10 tàu Trung Quốc, 5 tàu Australia, 6 tàu Malaysia và một tàu Anh. Mỗi tàu tiêu tốn ít nhất 160 USD tiền nhiên liệu trong mỗi giờ.
Ngoài ra, chi phí cho việc sử dụng vệ tinh cũng sẽ tăng theo nếu hoạt động tìm kiếm kéo dài. Theo Zhao, Trung Quốc hiện đã sử dụng hơn 20 vệ tinh để tìm kiếm dấu hiệu của MH370. Mỗi vệ tinh tiêu tốn hơn 60 triệu USD nhưng chỉ có tuổi thọ 4 năm. Ước tính chỉ riêng sử dụng vệ tinh, Trung Quốc đã tốn khoảng 160 triệu USD.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghị định thư quốc tế nào quy định hoặc phân chia chi phí cho quá trình điều tra và tìm kiếm.
Oi Ei Sun, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore và là cựu thư ký của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, đưa ra một giả thiết rằng quốc gia dẫn đầu hoạt động điều tra nên gánh chịu chi phí. Tuy nhiên, trong thực tiễn, các quốc gia tham gia cũng thường hỗ trợ một phần để bày tỏ thiện chí.
Quá trình tìm kiếm dấu vết MH370 đang được coi là dài nhất trong lịch sử hàng không dân dụng hiện đại. Kỷ lục trước đó là 10 ngày, trong cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 737-400 thuộc hãng hàng không PT Adam Skyconnection Airlines của Indonesia. Phi cơ này biến mất vào ngày 1/1/2007 ở khu vực ngoài khơi quần đảo Sulawesi, Indonesia. Trong vụ tai nạn của Air France, các nhà chức trách phát hiện các dấu hiệu liên quan đến chiếc phi cơ trong vòng một tuần kể từ khi nó rơi xuống biển.
Theo VNE
Tại sao việc tìm kiếm MH370 lại gặp khó khăn?
Việc tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines, theo một cách nào đó là một sự thể hiện gần như phi thường về sự hợp tác quốc tế. 26 quốc gia, trong đó có nhiều nước là đối thủ của nhau, đã mở lãnh thổ, vùng biển và không phận hoặc đóng góp công nghệ và dữ liệu vệ tinh để phục vụ công tác cứu hộ.
Sự hợp tác đặc biệt trên đã góp phần thu hẹp phạm vi tìm kiếm tới một khu vực hẻo lánh trên nam Ấn Độ Dương vào tuần này. Tuy nhiên, nỗ lực cũng kèm theo những giới hạn về sự tín nhiệm giữa các cường quốc như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Ấn Độ và Thái Lan. Tất cả đều hạn chế cung cấp những thông tin nhạy cảm vì lợi ích chiến lược riêng của mỗi quốc gia.
Các công cụ tìm kiếm bao gồm các radar tân tiến, mạng lưới vệ tinh, những phân tích tình báo, máy bay và tàu giám sát, cũng là những thiết bị do thám. Và khi bắt tay hợp tác với nhau, việc các nước tham gia che đậy khả năng kỹ thuật cũng như điểm yếu của mình đã cản trở công tác tìm kiếm, các nhà phân tích quân sự cho thấy.
"Tại Đông Nam Á và trong khu vực rộng lớn hơn, không có diễn đàn quốc phòng nào cho phép chia sẻ thông tin khả năng liên quan tới một sự việc nào đó có quy mô lớn như thế này," tờ The New York Times dẫn lời Jon Grevatt, một nhà phân tích Châu Á-Thái Bình Dương tại tổ chức tư vấn quốc phòng IHS Jane's, Bangkok cho biết.
"Họ cố gắng thiết lập kênh liên lạc chung nhưng nó không thực sự xảy ra. Đó là bằng chứng xa hơn về việc tiếp tục ngờ vực hoặc thiếu tin tưởng lẫn nhau."
Chẳng hạn như, các nhà chức trách Ấn Độ đã miễn cưỡng thảo luận về dữ liệu radar từ Vịnh Bengal, dọc theo một trong những hướng đi có thể của chiếc máy bay. Điều này thực ra là vì họ không có nhiều dữ liệu khi mà khu vực này là một điểm yếu trong hệ thống radar bao phủ của Ấn Độ. Trong một cuộc phỏng vấn, một quan chức quân sự cấp cao Ấn Độ cho biết Ấn Độ không giám sát chặt chẽ tại Bengal vì đó là không phải là một khu vực nhạy cảm như biên giới với phía bắc với Pakistan. Điều này có thể kiến họ đã không phát hiện chiếc máy bay bay vào ban đêm, ông cho biết.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Malaysia đã xảy ra trong quá trình hợp tác cứu hộ. Các nhà chức trách Trung Quốc hôm thứ Hai đã lên án Malaysia về việc họ miễn cưỡng chia sẻ thông tin về công tác tìm kiếm chiếc máy bay khi mà 2/3 hành khách trên chuyến MH370 là người Trung Quốc.
Cùng lúc, Trung Quốc cũng không sẵn sàng cho các quốc gia khác thấy dữ liệu radar quân sự chưa xử lý của họ, thậm chí một số nhà điều tra muốn ngó qua để xác định liệu chiếc máy bay có bay theo hướng bắc tới Trung Á hay không. Thay vì vậy, Trung Quốc, cũng giống như một vài quốc gia khác, chỉ nói với các nhà chức trách Malaysia rằng dữ liệu của họ không phát hiện máy bay.
"Họ sẽ không chia sẻ dữ liệu radar," một trong các nhà chức trách phương Tây giấu tên cho biết.
Có thể hiểu rằng Trung Quốc không chỉ muốn giấu khả năng mà còn che đậy cả những hạn chế về công nghệ của họ, ngay cả khi họ đã mạnh bạo hơn trong việc xác nhận là một cường quốc quân sự, các nhà phân tích nói.
Một số quan chức Trung Quốc nói rằng thực sự có căng thẳng trong suốt quá trình tìm kiếm nhưng họ đổ lỗi cho những người khác. Đại tá Dai Xu thuộc Không quân Trung Quốc, tác giả của các cuốn sách quân sự, cho biết: "Trung Quốc đã nỗ lực rất lớn trong lần tìm kiếm và cứu hộ này, điều đó đã thể hiện sự chân thành tối đa. Tuy nhiên không may là không phải mọi quốc gia đều như vậy vì lòng tin chính trị chưa đủ."
Các hình ảnh vệ tinh là một trong những thông tin được bảo vệ và gây tranh cãi nhất.
Một cựu quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết các hình ảnh được cho là mãnh vỡ của máy bay mà chính phủ Trung Quốc tiết lộ từ đầu và sau này đã xác định là không liên quan tới vật trôi nổi ở phía đông Malaysia đã được "chỉnh sửa" để che đậy khả năng thực sự của vệ tinh.
"Tôi tin rằng người Trung Quốc đã cố ý làm rối các bức ảnh để ngăn việc tiết lộ độ phân giải thật," một cựu phi công Mỹ tán thành với quan điểm của vị quan chức quân sự cấp cao.
Sầm Hoa
Theo_VietNamNet
Chuyển hướng tìm kiếm máy bay mất tích vì có "đầu mối mới" Chính phủ Úc ngày 28.3 cho biết họ chuyển hướng tìm kiếm máy bay MH370 mất tích sang phía đông bắc của vùng tìm kiếm ở nam Ấn Độ Dương, sau khi được Malaysia cung cấp "đầu mối mới". Hải quân Mỹ dò tìm các vật thể nghi mảnh vỡ chiếc MH370 bên trong một chiếc máy bay trinh sát P-8A Poseidon -...