Tìm đường kinh doanh bắt nguồn từ mong mỏi chăm con khỏe
Đến với ngành yến như một cái duyên, chị Võ Thị Lệ, chủ thương hiệu Yến sào Tâm Đức (phường Hải Hòa, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) coi sức khỏe của người tiêu dùng là kim chỉ nam để xây dựng một thương hiệu được nhiều người tin dùng.
“Yến sào Tâm Đức” của chị Võ Thị Lệ đoạt giải Nhì hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 của Hội LHPN TP Đà Nẵng
Ý tưởng kinh doanh xuất phát từ tấm lòng người mẹ
Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Công nghệ thực phẩm tại Đại học Nha Trang, chị Lệ bắt đầu tìm hiểu Yến sào từ năm 2014 nhưng thai nghén ý tưởng cho đến tận 3 năm sau, tháng 5/2017, chị mới mạnh dạn tập tành kinh doanh. Trước đó, chị là nhân viên phòng quản lý chất lượng của một công ty thủy sản.
Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh của mình, chị Lệ cho biết, tất cả bắt nguồn từ đứa con đầu lòng, bé Hồ Võ Anh Thư. Bé sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng từ khi qua 9 tháng thì thường đau ốm, lười ăn nên bé tăng cân ít và có vấn đề về tim. Hầu hết tháng nào con chị cũng ốm vặt, có thời gian dài bé nằm viện liên tục. Vợ chồng chị tìm hiểu nhiều cách để tăng cường sức đề kháng cho bé khỏe hơn, cải thiện tình trạng sức khỏe. “Nào là thuốc bổ, sữa nội rồi sữa ngoại, yến hũ các loại… tôi đều tìm cho con. Cho đến một hôm, tình cờ nghe người bạn nói nhà anh có nuôi chim yến, mà yến chưng rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt rất tốt cho người bệnh, người già yếu, trẻ nhỏ. Vậy là tôi quyết định mua về chưng cho con dùng thử. Hết đợt này sang đợt khác, những tác dụng của tổ yến làm cho bé khỏe hơn, tình trạng sức khỏe cải thiện rõ rệt. Bé bắt đầu tăng cân, ít ốm vặt và năng động, hoạt bát hơn so với các bạn cùng trang lứa”, chị kể.
Video đang HOT
Thời điểm này, chị nghỉ việc tại công ty cũ và đầu quân vào một công ty sản xuất yến sào. Từ đây, chị lại có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến. Là một kỹ sư chuyên ngành thực phẩm nên khi trực tiếp chứng kiến quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm từ tổ yến tại nơi mình làm việc, chị Lệ thất vọng bởi chất lượng và cách làm thủ công. Chị trở về nhà, băn khoăn, trăn trở và tự nhủ, với kiến thức và chuyên môn mình có được, mình phải làm gì đó để bảo vệ người tiêu dùng. Vậy là, trong thời gian chị đi làm văn phòng, cứ tối về lại say sưa với các tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến với chiến lược là “lấy công làm lãi”. Ban đầu, bạn bè và người quen ủng hộ chị, sau đó chị được bạn bè giới thiệu và khách hàng cũ quay lại, thêm khách hàng mới ở các tỉnh lẻ, thành phố lớn nhắn tin đặt hàng. Đến đây, chị nghĩ mình nên làm gì và cần làm gì.
“Tôi quyết định lần thứ hai nộp đơn xin nghỉ việc, mạnh dạn bước đi và xây dựng kế hoạch kinh doanh yến sào”, chị Lệ cho biết.
Từng bước vượt qua khó khăn, chị Lệ đã thành công với con đường mình chọn
Vượt qua khó khăn
Trước khi bước sang kinh doanh mảng yến sào, chị Lệ từng thất bại khi kinh doanh rau sạch, vì vậy, nguồn vốn để khởi động lại kinh doanh với chị lúc này thực sự vô cùng khó khăn vì không được sự ủng hộ của gia đình. Hơn nữa, bắt đầu khởi nghiệp khi con cái còn quá nhỏ, mọi việc chị đều phải sắp xếp, thức khuya, dậy sớm, mày mò tự làm mọi việc. Một mình chị làm tất cả các khâu từ nghiên cứu đặc điểm loài chim yến, cách nuôi, quy trình sản xuất, bán hàng kiêm giao hàng. Để trang trải đủ chi phí, chị phải làm thêm phát tờ rơi, dịch vụ bảo vệ cho các nhà hàng, khách sạn của Hàn Quốc.
Là người có nhiều năng lượng, sống tích cực cho nên chị Lệ luôn tìm kiếm các khóa học miễn phí về sản xuất kinh doanh, tìm cơ hội tăng cường kết nối để lan tỏa được sản phẩm. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm, sự chỉ chỉ dẫn của các cấp chính quyền, các nhà kinh doanh nên bước đi ban đầu thiếu chuyên nghiệp, không có định hướng rõ ràng.
Từng bước vượt qua gian khó, chị đã gặt hái được thành công. Cho đến nay, chị Lệ đã tạo được uy tín trên thị trường, được nhiều người tin dùng và chủ động trong sản xuất kinh doanh về vốn, về mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, chị còn tạo việc làm cho nhiều người lao động, giúp họ có thu nhập ổn định cuộc sống.
“Trong tôi có thêm niềm tin rằng là cuối cùng mình cũng chọn được một con đường đi đúng đắn mặc dù khó khăn vẫn còn chồng chất phía trước”, chị Lệ xúc động chia sẻ.
Cũng trong những năm qua, nhờ sự giúp đỡ của Hội phụ nữ các cấp, chị đã mạnh dạn hơn trong việc tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các triển lãm trong thành phố Đà Nẵng. Trong tương lai, chị mong muốn sẽ được tham gia triển lãm ở các tỉnh lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… và đẩy mạnh kênh cung cấp sản phẩm online, tăng độ nhận biết thương hiệu đối với người tiêu dùng, mở rộng thị trường mục tiêu, liên kết với các tạp hóa, siêu thị mini, quầy thực phẩm chức năng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm…
Với triết lý kinh doanh: “Lấy cái tâm làm gốc, đạo đức kinh doanh và sức khỏe của người tiêu dùng làm tài sản quý giá nhất”, chị luôn dặt chất lượng sản phẩm làm trọng tâm.
Không chỉ kinh doanh giỏi, chị Lệ còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện của phường, của quận và các câu lạc bộ thiện nguyện trên địa bàn thành phố, góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong xã hội.
Tuyên Quang: Thầy trò chung tay giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn do hỏa hoạn
Vừa qua, gia đình hai học sinh của trường THPT Trung Sơn là em Ma Thị Dinh lớp 12C5 và em Ma Văn Giao lớp 10A1 tại xóm Bẩng, xã Công Đa, huyện Yên Sơn không may bị hỏa hoạn.
Ban giám hiệu trường THPT Trung Sơn và các em học sinh đã kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn với gia đình bị hỏa hoạn.
Toàn bộ ngôi nhà và tài sản đều bị cháy, hiện gia đình hai em gặp nhiều khó khăn. Bản thân hai em không còn đồ dùng cá nhân cũng như sách vở, đồ dùng học tập.
Với tinh thần "Tương thân, tương ái", chia sẻ khó khăn với hoàn cảnh của hai em, sáng nay (11/01), Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường đã kịp thời phát động phong trào ủng hộ, quyên góp giúp đỡ hai học sinh. Toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và hơn 500 học sinh của nhà trường đã tham gia ủng hộ.
Ngay trong buổi sáng quyên góp, thầy và trò trường THPT Trung Sơn đã quyên góp được 8 triệu đồng tiền mặt, hai chăn ấm và vở viết cho hai học sinh. Ban giám hiệu và các Đoàn thể trong nhà trường đã trực tiếp đến tận gia đình để trao tặng. Số tiền ủng hộ và những phần quà tuy nhỏ nhưng là nguồn động viên kịp thời đến gia đình và hai em.
Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc giúp các em học sinh nhà trường ý thức được sự chung tay, giúp đỡ, chia sẻ với bạn bè đang gặp khó khăn, hoạn nạn . Đây cũng là hành động thiết thực của nhà trường trong việc thực hiện phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
An Giang hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do thiên tai Ngày 22-10, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng dẫn đầu đoàn công tác đã đến trao tặng tỉnh Thừa Thiên Huế 500 triệu đồng, để giúp đỡ người dân bị thiệt hại do thiên tai ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt. Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Tiếc Hùng trao bảng hỗ trợ...