Tìm ăn mì Quảng Sâm
Với nhiều người Quảng Nam ở Sài Gòn, họ thà nấu mì Quảng tại nhà chứ không thể chịu được kiểu mì Quảng bán ngoài tiệm.
Trong tản văn “Người Quảng ăn mì Quảng”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lý giải hóm hỉnh, rằng sở dĩ nhiều người Quảng buồn bực với món mì ở Sài Gòn đã thay đổi theo thời gian và không gian là bởi: “có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé đến già chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn không một người Quảng Nam nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia”.
Mì Quảng tôm thịt
Một bạn đọc cũng chia sẻ với Sài Gòn Ẩm Thực về sự cầu kỳ và tinh tế của món mì này trong một gia đình Quảng Nam từ những ngày xa xưa: “Ba mẹ tôi chọn đám ruộng trồng lúa Ba trăng (hoặc lúa IR 75) và đặc biệt không phun thuốc sâu để dành làm mì Quảng. Với loại gạo này khi tráng, cọng mì mới đạt được độ mềm mỏng, dẻo, dai và thơm. Tiếp theo dầu bôi lá mì phải dùng loại dầu (đậu) phụng mới ép là tốt nhất, không thì dầu phụng khử. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được mùi vị thơm ngon đặc trưng của nó”.
Nước mắm ăn với mì Quảng phải là nước mắm nhỉ. Ớt ăn món này ngon nhất có lẽ là ớt xanh Điện Bàn, cay vừa phải mà lại thơm. Riêng về rau sống ăn kèm thì không thể thiếu nõn chuối chát non (chuối hạt, chuối sứ) và cải con.
Mì Quảng thoạt nhìn khá đơn giản nhưng rất tinh tế trong từng thành phần
Cọng mì vàng óng màu nước nhân
Bánh tráng, nước mắm tỏi ớt ăn kèm với mì Quảng
Ngày xưa vị chua của mì Quảng là giấm (nhà nào cũng nuôi giấm bằng cách ngâm bánh tráng nướng với rượu trắng) chứ không dùng chanh như ngày nay mặc dù trong vườn nhà trồng rất nhiều chanh. Nấu mì Quảng cũng đơn giản nhưng nguyên liệu được chọn lựa rất cầu kỳ và thường theo mùa vụ.
Sài Gòn có nhiều quán mì Quảng ăn nên làm ra nhờ vào thực khách…không phải gốc Quảng, không ăn bằng tâm thức cũ nên thấy mì Quảng vẫn là một trong những món ăn hấp dẫn, có lẽ chỉ phổ biến sau các món “di cư” như bún bò Huế hay phở Hà Nội. Chủ tiệm thường là người Quảng Nam nhưng các tiệm vẫn khác nhau, chỗ này hơn chỗ kia có khi chỉ vì dĩa rau sống phong phú, hay nước nhưn ít nhiều, nước mắm tỏi ớt có “đúng chất” hay không…
Video đang HOT
Mì Quảng Sâm ở Tân Bình là một trong những tiệm lâu đời và có nhiều chất Quảng nhất nhì Sài Gòn. Chủ quán là anh Võ Văn Sâm, vốn là một nhà giáo tại Quảng Nam, sau đó vào Sài Gòn lập nghiệp từ nghề đạp xích lô cho đến gánh mì Quảng vỉa hè. Gần hai chục năm nay, tiệm mì Quảng Sâm đã là nơi lui tới của nhiều thực khách yêu thích món này, đặc biệt là những người gốc Quảng sinh sống gần ngã tư Bảy Hiền (Cách Mạng Tháng Tám – Lý Thường Kiệt).
Mì cá lóc, cá thu hay cá ngư là điểm mạnh của quán Sâm
Miếng cá to, chắc thịt cũng là điểm nhấn hấp dẫn của tô mì Quảng
Theo con mắt khắt khe của nhiều thực khách người Quảng Nam thì nước nhưn của mì Quảng Sâm tuy ngon nhưng lại chưa thực sự xuất sắc lắm. Điểm cộng của quán nằm ở phần nước chấm làm từ gừng, tỏi, ớt giã nhỏ thả vào nước mắm nhỉ, nhìn quyến rũ; cùng sợi mì dẻo, dai dai, màu nước nhưn ánh vàng thật đẹp.
Các loại nhưn được nêm đậm đà mà không bị ngọt đường, mang hương vị rất Quảng nhờ gia vị củ nén, dầu phộng. Nổi bật ở đây là nhưn cá, con tôm sông ngọt lịm và miếng thịt gà thơm phức.
Không khí ăn mỳ ở đây thật vui tai vui mắt. Chưa có món nào lại ăn với đầy đủ ngũ quan như mì Quảng: màu sắc bắt mắt thỏa mãn cái nhìn, tiếng kêu của bánh tráng rôm rốp, đậu phộng giòn tan nghe vui tai, mùi thơm của củ nén, dầu phộng, nước mắm và rau thơm các loại, lưỡi chạm vào cái mềm mượt của mì, cái giòn của rau, có đủ vị đậm đà, chua, cay, ngọt từ nước mắm và thịt cá…
Có khi bạn sẽ cảm nhận được hồn quê xứ Quảng khi ăn món mì này trong một con hẻm yên tĩnh và xanh mát. Nên gọi món mì Quảng cá lóc hay là cá thu, cá ngừ vì rất ít quán nấu được món mì thơm ngon và độc đáo đến như vậy.
Giang Vũ
Mì Quảng Sâm
8 Ca Văn Thỉnh, phường 11, quận Tân Bình
Mở cửa: sáng từ 6h đến 1h trưa, chiều từ 3h đến 10h đêm
Giá bán: Mì Quảng (25.000đ/tô nhỏ, 30.000đ/tô lớn)
Theo Tapchiamthuc
4 món ăn khiến người Quảng Nam - Đà Nẵng nở mày nở mặt
Hoặc "tung hoành ngang dọc" mọi miền đất nước hoặc được thế giới công nhận giá trị, các món ăn này đều khiến người dân hai tỉnh miền Trung nở mày nở mặt khi nhắc đến.
1. Bánh tráng thịt heo
Dù không là phải là quê hương của món ăn này, nhưng ở cả 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và Sài Gòn, những tiệm bánh tráng thịt heo giờ đếm không xuể.
Bánh tráng đặt tấm phở mỏng lên trên, cho thêm rau sống đồ ghém, thịt heo ba chỉ hoặc thịt chân giò vào, cuốn lại chấm cùng loại nước mắm nêm cay cay, đậm đà dậy mùi đặc trưng. Món ăn dân dã, đơn giản mà lôi cuốn không biết bao thực khách, nên chẳng nhà hàng nào treo biển ẩm thực Đà Nẵng mà thiếu món bánh tráng thịt heo.
Bánh tráng thịt heo thường được bán theo suất với giá dao động 60.000 - 100.000 đồng tùy nơi và thường được chọn làm món khai vị hoàn hảo cho một bữa tiệc linh đình.
2. Thịt bò khô
Bò khô là món ngon quen thuộc của người Việt và mỗi một vùng miền, vị bò khô được chế biến rất khác biệt. Tuy nhiên, món bò khô trứ danh nhất có lẽ thuộc về Đà Nẵng. Bởi vậy đến đây, hiếm khách du lịch nào trong vali lại thiếu đi cân thịt bò khô mua về làm quà cho người thân.
Bò khô Đà Nẵng khá cay và ngọt, thường có vị cam thảo đặc trưng, ăn với chanh tạo nên hương thơm đậm đà khó cưỡng. Người Đà Nẵng thường dùng bò khô để nhắm rượu. Ngoài ra món ăn còn được sử dụng như một nguyên liệu chính, kết hợp với đu đủ xanh bào sợi, lạc rang để làm món nộm bò khô.
Bò khô Đà Nẵng loại ngon thường được bán với mức giá trên 500.000 đồng/kg.
3. Mì Quảng
Mì Quảng là món ăn dân dã với người dân Hội An, còn với thế giới, mì Quảng được được công nhận là 1 trong 12 món ăn Việt Nam được có giá trị ẩm thực châu Á.
Mì Quảng tôm thịt là món cổ điển, giờ đã được chế biến thêm phần phong phú với các loại mì gà, mì cá, mì sứa, mì bò...
Sợi mì Quảng được làm từ gạo tráng bánh dẻo thơm, xay mịn mà không thêm bất cứ nguyên liệu gì vào. Nước mì Quảng không đầy tràn như các món bún phở khác mà chỉ xâm xấp nhưng thơm cay, đậm đà nhờ bí quyết pha chế và gia giảm đặc biệt. Ăn mì Quảng nhất định phải có các loại rau sống như cải con, búp chuối thái mỏng... ngoài ra không thể thiếu dĩa ớt xanh, đậu phụng quê rang, bánh đa, miếng chanh và chén nước mắm nguyên chất. Có lẽ những quán vỉa hè ở Hội An là nơi bạn sẽ tìm thấy những tô mì Quảng đúng chất nhất.
4. Cao lầu
Có người nói tên cao lầu xuất phát từ việc khi xưa, những người giàu thích đến các tiệm ăn, ngồi trên lầu ngắm phố phường và gọi món cao lương mĩ vị này, lâu dần quen gọi rút gọn là "cao lầu". Cũng có người cho rằng nguồn gốc món ăn liên quan đến người Hoa, nhưng thực tế, dân Hoa kiều ở đây lại không công nhận nó. Khó để xác định, chỉ biết cao lầu xuất hiện ở Hội An từ rất lâu và là món ăn không thể không thưởng thức khi đến thăm thành phố nhỏ bé yên bình này.
Sợi cao lầu được chế biến công phu nhất. Ảnh: Yeudulich.
Tinh túy của món cao lầu là sợi mì được chế biến rất công phu, làm từ gạo thơm ngâm nước tro xay thành bột, sau đó xắt thành từng sợi đem hấp nhiều lần rồi phơi khô. Cao lầu ăn kèm tép mỡ làm bằng da heo chiên giòn, thịt xíu, cùng giá trụng và rau sống. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống và tép mỡ vỡ tan trong miệng mới đạt yêu cầu...
Nhờ những điểm độc đáo trên, cao lầu cũng trở thành món ăn tiêu biểu của ẩm thực phố cổ Hội An và được công nhận là một trong 10 mon ăn đat gia tri âm thưc châu A.
Theo Eva
Mát-xa răng với bánh cuốn Đà Nẵng Ở Đà Nẵng, không khó để tìm món điểm tâm vì có quá nhiều sự lựa chọn như bún chả cá, mì quảng, bún mắm, bánh canh... Nhưng rất nhiều người trong một tuần thì có đến 3-4 ngày chọn món bánh cuốn nóng. Dù không có nguồn gốc từ Đà Nẵng, nhưng món bánh cuốn đã xuất hiện hàng chục năm nay...