TikToker Nờ Ô Nô bị xem là ‘miệt thị người nghèo’, pháp luật xử phạt hành vi này thế nào?
TikToker Nờ Ô Nô đang bị đông đảo cư dân mạng tẩy chay vì những lời lẽ bị cho là ‘miệt thị người nghèo’ trong clip từ thiện mới đây.
Ở góc độ pháp luật, TikToker này có thể đối diện với một số chế tài xử phạt.
TikToker Nờ Ô Nô có thể bị xử phạt?
Trao đổi với phóng viên xung quanh clip của TikToker Nờ Ô Nô đang gây xôn xao trên mạng, TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nội dung Tiktoker này làm từ thiện nhưng thể hiện thái độ coi thường, miệt thị người nghèo, hành vi ứng xử không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục nên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu cơ quan chức năng vào cuộc. Bên cạnh đó, sẽ có rất nhiều người phản đối, tẩy chay hành động như vậy.
Về mặt pháp lý, TS. LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh người nghèo có đầy đủ các quyền công dân, được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm như mọi công dân khác. Không vì người khác nghèo hơn mình mà có quyền miệt thị, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người đó.
Theo luật sư Cường, việc từ thiện, chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khó, những người lang thang cơ nhỡ đó là nét văn hóa, là truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Với những hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, miệt thị người nghèo, coi thường người khác thì sẽ bị xã hội cười chê, lên án và còn có thể bị xử lý bằng những chế tài của pháp luật.
(Ảnh cắt từ clip gây tranh cãi của TikToker Nờ Ô Nô)
Luật sư Cường cho rằng, hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác trên không gian mạng, đưa các thông tin trái phép trên không gian mạng sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội hơn là các hành vi diễn ra trong đời sống xã hội thực tế.
Những hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng internet như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, những thông tin không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục là hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật An ninh mạng năm 2018.
Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên không gian mạng, đưa những thông tin không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân; tội làm nhục người khác…
‘Trong vụ việc trên, có lẽ hậu quả đối với các nạn nhân chưa đến mức nghiêm trọng và có thể các nạn nhân cũng không đề nghị cơ quan chức năng xử lý nên có thể mức phạt đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP sẽ không được áp dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên, với những gì diễn ra công khai trên không gian mạng thì cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc và có thể căn cứ vào quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện để xử phạt người này với số tiền có thể tới 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 nghị định này’, TS. LS Đặng Văn Cường nêu.
‘Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;…’.
Sử dụng mạng xã hội phải phù hợp chuẩn mực đạo đức
Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định, pháp luật Việt Nam cho phép mọi công dân đều có thể sử dụng mạng internet, các nền tảng mạng xã hội để thực hiện các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí, kinh doanh. Tuy nhiên, việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Thời gian gần đây không ít những trường hợp lợi dụng các tính năng của mạng xã hội, lợi dụng các phương thức kiếm tiền trên mạng xã hội mà đưa ra những thông tin nhảm nhí, dung tục, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, gây bức xúc trong dư luận.
Không ít những trường hợp đã bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp trên không gian mạng khiến dư luận xã hội bức xúc và cơ quan chức năng liên tục phải xem xét xử lý.
Với những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, có nhiều người theo dõi thì những nội dung thông tin của họ đưa ra sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với xã hội. Những thông tin cổ xuý cho những hành vi thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục có thể tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là đối với lớp trẻ.
TS. LS Đặng Văn Cường
‘Thái độ ứng xử thiếu khiêm tốn, khinh miệt, coi thường người nghèo là đi ngược lại với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt, có thể tác động tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của giới trẻ’, TS. LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Trong xã hội hiện đại, các bậc phụ huynh thường cuốn vào công việc, ít có thời gian giáo dục, quan tâm, chăm sóc con cái. Trong khi đó các bạn trẻ thanh thiếu niên thì thường xuyên sử dụng mạng xã hội, hay theo dõi những người nổi tiếng và học theo, làm theo.
Bởi vậy một số người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội mà không có chuẩn mực đạo đức, vì muốn có nhiều lượt tương tác nên đã làm các video rẻ tiền, làm các nội dung ‘độc, dị, lạ’ không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục để câu view. Đó là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và cần phải bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật, đồng thời dư luận xã hội cần lên án để tẩy chay các tài khoản mạng xã hội kiểu này.
Với các tài khoản vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng thì đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cũng có thể khóa tài khoản hoặc theo yêu cầu của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đánh giá những tác động tiêu cực từ các tài khoản mạng xã hội có thể gây ra đối với xã hội để yêu cầu với đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội có biện pháp ngăn chặn và tiến hành xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm.
‘Để môi trường mạng được trong sạch, bớt rác thì mỗi người dân phải có ý thức trong việc sử dụng mạng xã hội, đưa các thông tin trên mạng xã hội. Dưới góc độ pháp lý thì mọi hành vi, hoạt động trên mạng xã hội đều có sự quản lý bởi pháp luật, những người đưa thông tin không phù hợp với pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dưới góc độ dư luận xã hội thì những hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục thì sẽ bị xã hội cười chê, lên án và tẩy chay.
Để nổi tiếng trên mạng xã hội không khó nhưng để giữ được sự nổi tiếng đó thì không đơn giản. Nếu người sử dụng mạng xã hội dùng các chiêu trò bẩn, xả rác lên mạng xã hội để được nổi tiếng thì cũng rất dễ bị tẩy chay và có thể sẽ có kết cục là đối diện các chế tài của pháp luật giống như một số ‘giang hồ mạng’ hoặc những người sống ảo đã phải trả giá trong thời gian gần đây’, TS. LS Đặng Văn Cường cảnh báo.
Cơ quan chức năng và TikTok đang xem xét xử lý TikToker Nờ Ô Nô
Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cùng phía Tiktok cho biết, hiện đã ghi nhận phản ánh về trường hợp của TikToker Nờ Ô Nô và đang tiến hành xử lý vụ việc.
Như VietNamNet đã đưa tin, TikToker Nờ Ô Nô đang là tâm điểm chú ý của mạng xã hội. Nguyên nhân bởi Nờ Ô Nô đã đăng tải những đoạn clip bẩn, với nội dung được nhiều người cho là có hành vi miệt thị, xúc phạm người nghèo.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, những phản ánh về TikToker Nờ Ô Nô hiện đơn vị này đã ghi nhận và đang tiến hành xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, PV VietNamNet cũng đã liên lạc với TikTok, đại diện mạng xã hội này cho biết, đã nắm được thông tin và đang xem xét các report (báo cáo) của cộng đồng về vụ việc của Nờ Ô Nô.
"TikTok sẽ xử lý vụ việc dựa trên quy trình và sẽ sớm có thông báo cụ thể về vụ việc này", đại diện TikTok chia sẻ.
TikToker Nờ Ô Nô (SN 1996) có tên thật là Phạm Đức Tuấn và còn có một biệt danh khác là Tuấn Brice. Nờ Ô Nô có quê quán tại Phú Quốc (Kiên Giang) và hiện đang sinh sống tại TP.HCM.
TikToker Nờ Ô Nô - nhà sản xuất nội dung đang bị dân mạng ném đá.
Theo tìm hiểu, Phạm Đức Tuấn từng theo học ngành sân khấu. Công việc chính của Tuấn là nhà sáng tạo nội dung với sản phẩm là các đoạn video được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội.
Hiện TikToker này sở hữu lượng follower khủng với hơn 600.000 người theo dõi trên Tiktok. Các clip của Nờ Ô Nô thường có nội dung đánh giá các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn TP.HCM.
TikToker này thường gắn với biệt danh "Thánh review" vì thành tích "ăn đâu chê đó". Trong các clip được đăng tải trên mạng, Nờ Ô Nô thường có cách nói chuyện cộc lốc, thô lỗ với nhiều lời lẽ, hành động sỗ sàng.
Phản ứng lại trước các clip chê nhiều hơn khen của TikToker này, nhiều cửa hàng thậm chí còn dán hình ảnh Nờ Ô Nô ngoài cửa cùng dòng chữ "Ở đây xin phép không đón tiếp".
Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài đăng có nội dung tẩy chay Nờ Ô Nô vì các nội dung miệt thị, câu view. Ảnh: Trọng Đạt
Dù nhiều lần nhận về những ý kiến trái chiều, Nờ Ô Nô vẫn thản nhiên khi liên tục đăng tải các đoạn clip được dân mạng đánh giá là phản cảm, xúc phạm người khác.
Đỉnh điểm của hành động này là series"Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó", do chính TikToker này thực hiện. Trong clip mới nhất, TikToker đã có nhiều lời lẽ được cộng đồng mạng cho là miệt thị đối với một bà lão có hoàn cảnh khó khăn.
Chính vì thế, một làn sóng tẩy chay Nờ Ô Nô đã xuất hiện và đang được dân mạng lan tỏa trên khắp các nền tảng mạng xã hội, từ Facebook tới TikTok. Trước động thái đó, Nờ Ô Nô không những không hối lỗi mà còn lên tiếng cảm ơn cộng đồng mạng vì lượng người theo dõi đang tăng với tốc độ nhanh chóng mặt.
Những lời lẽ cư xử không đẹp của Nờ Ô Nô đang khiến các cư dân mạng dậy sóng. Thậm chí, dân mạng còn đang liệt kê danh sách các nhà hàng, quán xá mà Nờ Ô Nô hợp tác để tẩy chay. Đồng thời kêu gọi đơn vị quản lý nền tảng là Tiktok và các cơ quan chức năng sớm có động thái nhằm loại bỏ những người sản xuất nội dung bẩn như Nờ Ô Nô trên các nền tảng mạng xã hội.
Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 300 người nghèo ở Bến Tre Ngày 13/11, Đoàn Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp với Kênh VOV giao thông, Bệnh viện 30-4 Bộ Công an, Bệnh viện Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng khám Đông Á, tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người dân nghèo, khó khăn của xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng...