Tiktok tiếp tục bị cấm tại Mỹ nếu công ty mẹ tại Trung Quốc không thoái vốn
Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đã ra phán quyết cho phép duy trì luật cấm TikTok tại nước này trong những tháng tới nếu công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc không thoái vốn tại ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng này.
Biểu tượng của ứng dụng TikTok trên màn hình điện thoại thông minh. Ảnh: AFP/TTXVN
Một hội đồng gồm 3 thẩm phán thuộc Tòa án phúc thẩm Mỹ tại Washington D.C đã từ chối xem xét đơn kháng cáo từ TikTok và ByteDance với lý do đạo luật được ban hành trước đó là phù hợp với hiến pháp.
Thẩm phán cấp cao Douglas Ginsburg cho biết: “Chúng tôi kết luận rằng các phần của đạo luật mà bên nguyên đơn yêu cầu xem xét, tức là các điều khoản liên quan đến TikTok và các thực thể liên quan, vượt qua được sự giám sát về mặt hiến pháp. Do đó, chúng tôi bác bỏ đơn kiến nghị”.
Trước đó vào tháng 4, Quốc hội Mỹ đã thông qua các điều khoản yêu cầu TikTok trong vòng 9 tháng phải “cắt đứt quan hệ” với công ty mẹ ByteDance hoặc bị cấm tại nước này. Tổng thống Mỹ Biden cũng đã ký ban hành luật và dự kiến có hiệu lực vào ngày 19/1/2025.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã từng cố gắng cấm TikTok trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng ông đã đảo ngược lập trường của mình trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua và tuyên bố sẽ “cứu” ứng dụng này. Ông Trump sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Video đang HOT
Các nhà lập pháp và quan chức an ninh quốc gia Mỹ từ lâu đã thể hiện sự nghi ngại mối liên hệ giữa TikTok và Trung Quốc. Các quan chức từ cả hai đảng của Mỹ cảnh báo Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để do thám và thu thập dữ liệu từ khoảng 170 triệu người dùng Mỹ hoặc tìm cách gây ảnh hưởng đến người dân Mỹ một cách có chủ đích. Những quan điểm trên xuất phát từ việc luật an ninh quốc gia của Trung Quốc yêu cầu các tổ chức phải hợp tác với hoạt động thu thập thông tin tình báo.
Với quyết định trên của tòa án phúc thẩm, dự kiến việc “định đoạt số phận” của Tiktok sẽ được xem xét tại Tòa án tối cao Mỹ. Trước đó, các bên liên quan đã yêu cầu tòa án phúc thẩm đưa ra quyết định trước ngày 11/7 để có đủ thời gian cho tòa án tối cao xem xét lại vụ án trước khi luật có hiệu lực. Các thẩm phán của Tòa án tối cao có thể đồng ý thụ lý vụ án và tạm dừng luật trong thời gian xem xét hoặc ra phán quyết cho rằng quyết định của tòa phúc thẩm là kết luận cuối cùng.
Theo người phát ngôn của Tikik Michael Hughes, công ty này hy vọng tòa án tối cao sẽ hủy bỏ luật này vì các điều khoản của luật dựa trên những thông tin không chính xác, sai sót và mang tính giả thuyết.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ hoan nghênh với quyết định trên của tòa án phúc thẩm. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nói rằng: “Quyết định hôm nay là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn Chính phủ Trung Quốc biến TikTok thành vũ khí để thu thập thông tin nhạy cảm về hàng triệu người Mỹ, để thao túng ngầm nội dung được cung cấp cho người sử dụng Mỹ và làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta”. Ông nói thêm: “Như Tòa án phúc thẩm đã công nhận, đạo luật này bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ theo cách phù hợp với hiến pháp. Bộ Tư pháp cam kết bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của người Mỹ khỏi các bên tìm cách khai thác các công ty dưới sự kiểm soát của họ”.
Tòa phúc thẩm Mỹ thừa nhận phán quyết này sẽ có “ý nghĩa quan trọng” đối với TikTok và người dùng ứng dụng này. Thẩm phán Ginsburg của tòa án này nhận thấy rằng lý do an ninh quốc gia của chính phủ đưa ra khi cấm TikTok là hoàn toàn phù hợp với Tu chính án thứ nhất.
Hạ nghị sĩ John Moolenaar của bang Michigan, Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc tại Hạ viện đã ca ngợi quyết định trên và cho biết: “Tôi lạc quan rằng Tổng thống Trump sẽ tạo điều kiện để người Mỹ tiếp quản TikTok để ứng dụng này có thể tiếp tục được sử dụng tại Mỹ và tôi mong muốn được chào đón ứng dụng này tại Mỹ dưới quyền sở hữu mới”.
Trước đó vào tháng 5, TikTok và ByteDance đã đệ đơn kiện đạo luật của Chính quyền Biden vì cho rằng điều này là vi phạm hiến pháp và dựa trên “những lo ngại mang tính suy đoán và phân tích sai lầm về bảo mật dữ liệu và thao túng nội dung” nhằm ngăn chặn quyền tự do ngôn luận của hàng triệu người Mỹ.
Chính quyền Trump 2.0 bất đồng về việc cấm Tiktok tại Mỹ
Bản thân ông Trump và một số thành viên nội các đề cử của mình đã có những ý kiến trái ngược nhau liên quan đến việc cấm sử dụng Tiktok - ứng dụng đang được hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng.
Biểu tượng mạng xã hội TikTok trên màn hình điện thoại ở Virginia, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tháng 4 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua và Tổng thống Joe Biden đã ký một đạo luật đặc biệt có thể sẽ cấm, ít nhất là tại Mỹ đối với ứng dụng mạng xã hội TikTok. Luật này yêu cầu cho đến ngày 19/1/2025, Tiktok phải bán cho một chủ sở hữu không phải người Trung Quốc hoặc ngừng hoạt động.
Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Do đó, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông sẽ là quyết định về số phận của TikTok tại Mỹ khi mà ông và một số thành viên trong nội các đã có những quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này.
Theo nguồn tin thận cận với ông Trump, vị Tổng thống đắc cử này sẽ cố gắng ngăn chặn lệnh cấm ứng dụng truyền thông xã hội này theo luật mới. Ông Trump có thể ngăn chặn lệnh cấm thông qua một số phương pháp như: thúc đẩy Quốc hội bãi bỏ luật, từ chối thực thi lệnh cấm hoặc hỗ trợ TikTok tìm một bên mua tại Mỹ tuân thủ luật pháp.
Trong khi đó, ông Brendan Carr - người được đề cử làm Chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm TikTok vào năm 2022. Ông Carr đã đề cập đến những mối lo ngại liên quan đến việc khai thác dữ liệu trên ứng dụng có chủ sở hữu là người Trung Quốc. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng một lệnh cấm hoàn toàn hoặc một hành động nào đó tương tự sẽ cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa công ty và Bắc Kinh".
Cựu Hạ nghị sĩ Matt Gaetz -- người được đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp và sẽ lãnh đạo bộ phận thực thi lệnh cấm, từng bỏ phiếu chống lại lệnh cấm ứng dụng khi đang là thành viên của Hạ viện. Vào thời điểm đó, ông Gaetz đã đăng tải bài viết trên mạng xã hội X cho biết: "Cấm TikTok là ý tưởng đúng đắn. Nhưng luật này quá rộng, vội vã và không thể sửa đổi hoặc điều chỉnh. Đây không phải là cách để điều hành đường sắt hoặc internet".
TikTok và công ty mẹ ByteDance đã kiện chính phủ Mỹ về lệnh cấm trên. Các công ty này cho rằng lệnh cấm là vi hiến và vi phạm Tu chính án thứ nhất, đồng thời bác bỏ các khiếu nại cho rằng ứng dụng này gây ra rủi ro về an ninh.
Trong đơn kiện, đại diện TikTok cho biết: "Bản thân Quốc hội không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy nền tảng TikTok gây ra các loại rủi ro đối với bảo mật dữ liệu hoặc phát tán tuyên truyền nước ngoài có thể biện minh cho hành động này".
Lệnh cấm ứng dụng này được cựu Hạ nghị sĩ Mike Gallagher khởi xướng tại Quốc hội. Trả lời phỏng vấn với tờ New York Times vào tháng 4, ông Gallagher cho rằng TikTok gây ra mối đe dọa gián điệp và mối đe dọa tuyên truyền và nhận định Trung Quốc là đối thủ hàng đầu của nước Mỹ.
Theo The New York Times, vào năm ngoái khi trả lời những cáo buộc liên quan đến TikTok, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không chỉ đạo các công ty thu thập dữ liệu bất hợp pháp ở các quốc gia khác.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội, Giám đốc điều hành (CEO) của TikTok Shou Zi Chew cho biết ứng dụng này không bị bất kỳ chính phủ nào thao túng. Ông Shou Zi Chew nói: "Không thấy bằng chứng nào cho thấy chính phủ Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu đó. Họ chưa bao giờ yêu cầu chúng tôi, chúng tôi cũng không cung cấp".
Trong đầu năm nay, Hạ nghị sĩ Gallagher đã từ chức và làm việc tại công ty phần mềm Palantir Technologies. Người phát ngôn của ông Gallagher đã bác bỏ những nghi vấn liên quan đến việc công ty ông đang làm từng có những hành động phản đối Tiktok. Người phát ngôn của ông Gallagher nói: "Nghị sĩ Gallagher biết và tuân thủ quy định của Hạ viện, bao gồm cả những quy định về đàm phán việc làm bên ngoài".
Các nhà sáng tạo TikTok tiếp tục đệ đơn kiện ngăn chặn lệnh cấm của Mỹ Ngày 14/5, một nhóm người sáng tạo nền tảng TikTok cho biết họ đã đệ đơn kiện lên tòa án phúc thẩm liên bang ở thủ đô Washington nhằm tìm cách ngăn chặn lệnh cấm của Chính phủ Mỹ. Biểu tượng ứng dụng TikTok trên màn hình điện thoại và quốc kỳ Mỹ (phía sau). Ảnh: AFP/TTXVN Trong đơn kiện, những người sáng...