Tiểu thương thuê người gánh heo bán qua biên giới Trung Quốc
Dù phía Trung Quốc đã cấm việc buôn bán heo tiểu ngạch qua biên giới, nhiều tiểu thương vẫn liều mình xuất hàng giữa bối cảnh giá trong nước xuống thấp kỷ lục.
Khoảng giữa năm 2016, Trung Quốc siết chặt biên giới, cấm nhập khẩu heo theo đường tiểu ngạch. Nhiều chủ hàng phải chuyển nghề buôn món khác. Hiện nay, khi thấy giá heo hơi trong nước quá rẻ, nhiều tiểu thương ở Lạng Sơn, Cao Bằng “nhớ nghề”, lại tìm cách xuất heo sang Trung Quốc kiếm lãi.
Liều lĩnh vì giá trong nước giảm sâu
Theo ghi nhận của Zing.vn, hàng ngày vẫn có một số xe chở heo gom từ các địa phương đổ về Lạng Sơn. Các tài xế cho biết heo được thu gom từ nhiều vùng như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định… Giá thu mua chỉ 12.000-15.000 đồng/kg, mỗi xe chở khoảng 20-30 tấn heo.
Một số chủ hàng người Lạng Sơn chia sẻ nếu xuất thành công qua tiểu ngạch, giá bán heo hơi có thể đạt 24.000-25.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với giá thu mua ở các tỉnh thành.
Tại Lạng Sơn, có một số điểm mà các chủ hàng vẫn tìm cách xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc như Trùng Khánh, Na Hình (huyện Văn Lãng), Bình Nghi (huyện Tràng Định), Bản Chắt (huyện Đình Lập), Co Sa (huyện Lộc Bình).
Một đoàn xe chở heo vẫn về Lạng Sơn tìm cách xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 30/4: Hiếu Công.
Tuy nhiên, theo các chủ hàng, việc xuất heo tiểu ngạch giữa lúc cấm hiện nay là sự liều mình. Tính ra chi phí để xuất thành công cũng không hề nhỏ. Chủ hàng phải tìm cách xuất heo tại những vùng biên hẻo lánh thuộc huyện Văn Lãng, Tràng Định hoặc gần phía Cao Bằng.
Không phải ai cũng có thể thông thạo đường xá và những vị trí có thể xuất heo thành công. Chủ hàng phải thuê người dân gánh heo qua đường tiểu ngạch tại những vùng xa xôi. Và mỗi lần xuất cũng rất nhỏ giọt, chỉ được 20-30 con.
Cũng vì tính chất của việc xuất buôn không chính ngạch, nhiều chủ buôn hàng không thể thống kê tuyến biên giới có bao nhiêu con heo được xuất sang thành công mỗi ngày. Họ chỉ biết số lượng rất nhỏ và khó khăn.
Phần lớn các chuyến xe chở heo về đến Lạng Sơn phải chờ 3-5 ngày vẫn chưa thể xuất được. Heo gầy đi, có con bị chết vì đói và mệt, phải bỏ khá nhiều.
Theo một số chủ hàng, việc xuất heo như một kiểu “đánh bạc”. Nhiều người thành công nhưng cũng không ít người thua lỗ. Nếu may mắn, trừ các chi phí chủ hàng có thể kiếm được 15-20 triệu đồng, thậm chí lên tới 50-60 triệu đồng mỗi chuyến.
Video đang HOT
Tuy nhiên, chi phí phải trả cho các khoản liên quan cũng rất lớn, từ vận chuyển, tắm heo hàng ngày, “lót tay”, đến chuyển bằng đường mòn qua biên giới… Nếu chuyến nào không may phải nằm đợi vài ngày, chủ hàng có thể mất vài tấn heo vì chết.
Một xe chở heo tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cuối tháng 4. Ảnh: Hiếu Công.
Động lực lớn nhất để một số chủ hàng vẫn liều mình xuất bán là do giá heo hiện xuống thấp kỷ lục. Một con heo to có trọng lượng hơi 70-80 kg chưa đến một triệu đồng. Nếu xuất buôn thành công, họ sẽ có khoản thu lợi lớn. Còn nếu thất bại, số chi phí bỏ ra cũng không quá nhiều.
Thời hoàng kim của xuất heo tiểu ngạch
Khoảng giữa năm 2016 là thời kỳ “hoàng kim” của việc xuất khẩu heo tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo chị H., một chủ buôn nhỏ tại thành phố Lạng Sơn, mỗi ngày có hàng trăm xe tải lớn nhỏ chở heo từ các tỉnh trên cả nước về đây tiêu thụ.
“Xe lớn thì 20-30 tấn, xe nhỏ 10-15 tấn. Có những đoạn quốc lộ người đi đường từ xa thấy bốc mùi hôi, là biết ngay đoàn xe chở heo đang ở trước mặt”, chị H. chia sẻ.
Một người dân sống ven quốc lộ 4A, đoạn giao giữa huyện Cao Lộc và Văn Lãng (Lạng Sơn), cho biết những đoàn xe chở heo đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Xa nhất có thể là Đồng Nai, Bình Dương, gần hơn là Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Dọc tuyến biên giới hàng trăm km từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng là địa điểm lý tưởng để xuất bán heo sang Trung Quốc. Trong đó, lượng heo chủ yếu được xuất ở Lạng Sơn và một số nơi tại Quảng Ninh. Địa hình biên giới rộng lớn, có nhiều con đường mòn mà chỉ người dân địa phương mới biết. Hoặc những con đường thuận lợi cho việc xuất heo đều được các chủ hàng tận dụng.
Giá buôn heo hơi thời kỳ đỉnh cao xuất sang Trung Quốc có thể đạt 50.000-55.000 đồng/kg. Nguồn heo dồi dào, xuất dễ dàng, thu lợi lớn là lý do khiến cả vùng biên giới nhộn nhịp, nhiều người chuyển sang loại hàng “đặc biệt” này.
Tuy nhiên, theo chị H., không phải ai cũng có thể xuất heo được. Ở đây việc xuất heo phải có quen biết, thông thạo các mối hàng bên Trung Quốc. Đặc biệt, phải có sự liên kết các chủ hàng với nhau.
Các dịch vụ ăn theo cũng khá phát triển dọc biên giới, có cả dịch vụ cho người và dịch vụ cho …heo. Nhiều xe chở heo ra Lạng Sơn phải nằm chờ xuất đến vài ngày. Khi đó, việc cung cấp dịch vụ ăn, nghỉ cho lái xe và dịch vụ tắm heo khá phát triển.
Anh T., một người chuyên cung cấp dịch vụ tắm heo tại Văn Lãng, cho biết con heo có thể không cho ăn trong 4-5 ngày, nhưng nếu một ngày không được tắm là dễ bị chết. Ngoài ra, tắm heo cũng giúp các xe tải sạch sẽ hơn, đặc biệt vào những ngày hè nắng nóng.
Thời điểm đó, nhiều hộ dân hai bên quốc lộ sắm vòi xịt nước công suất lớn, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tắm heo cho bất kỳ chủ xe nào có nhu cầu. Có những người mở rộng cả khuôn viên nhà mình làm “nhà tắm lớn” để không ảnh hưởng đến giao thông đường quốc lộ.
Dọc tuyến đường quốc lộ 1A huyện Hữu Lũng, rồi 4A lên đến Văn Lãng, Tràng Định… không khó để bắt gặp những biển quảng cáo tắm heo. Có hộ còn xây dựng chuồng heo lớn “dã chiến” cung cấp dịch vụ tắm heo, kiêm phục hồi sức khỏe cho heo.
Có những đoàn xe chở heo từ Đồng Nai, Bình Dương ra đến Lạng Sơn vốn đã mất rất nhiều thời gian làm con heo không còn được khỏe mạnh. Những trại heo “dã chiến này” vừa giúp gom hàng, vừa phục hồi sức khỏe heo, vừa có thể chờ đợi chờ xuất sang bên kia biên giới.
Khoảng tháng 5/2016, thời kỳ “hoàng kim” của xuất heo tiểu ngạch kết thúc, nhiều chủ hàng chuyển sang nghề khác, chỉ còn một số ít kiên trì tìm cách bám trụ, mặc dù rất mạo hiểm.
Tuyến biên giới tiếp giáp với Trung Quốc tại Lạng Sơn, Cao Bằng.
(Theo Zing News)
"Giải cứu" thịt heo: Tp.HCM lùi thời hạn áp đặt vòng truy xuất
Vì việc thực hiện ở một số tỉnh còn kó khăn, giá heo lại đang xuống thấp; TP.HCM đồng ý kéo giãn thời hạn áp đặt vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo để cùng chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
Đó là kết luận chung được đưa ra tại buổi sơ kết 4 tháng thực hiện truy xuất nguồn gốc heo, chiều ngày 5.5.
Việc thực hiện đeo vòng truy xuất để nhập heo còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ ở các tỉnh. Ảnh Nguyên Vỹ
Báo cáo với UBND TP.HCM, Sở Công thương cho rằng do qua nhiều trung gian, cộng thêm cơ sở chăn nuôi chưa quen sử dụng các công cụ truy xuất nên tiêu thụ khó khăn hơn nhiều các kênh phân phối hiện đại như doanh nghiệp, cửa hàng...
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc sở Công thương cho biết heo đưa về Thành phố chỉ mới 50% đảm bảo đủ thông tin truy xuất, chủ yếu là từ trang trại khép kín, trại quy mô lớn hoặc từ các doanh nghiệp FDI.
Việc thực hiện truy xuất dễ tiến hành với các chương trình nuôi theo chuẩn Vietgap, Lifsap. Việc phối hợp với các tỉnh nên vận động có trọng điểm thay vì triển khai tràn lan trong nông dân.
"Khi giới hạn đối tượng, thương lái sẽ chủ động tìm tới trại. Việc này giúp đạt 2 mục đích: đảm bảo chất lượng sản phẩm và thúc đẩy chăn nuôi phát triển lành mạnh. Tất nhiên có hạn chế là hộ nhỏ lẻ không đáp ứng được, chỉ bán ngay tại địa phương mình", ông Hòa nói.
Nhiều địa phương cho rằng đã thực hiện đầy đủ việc kiểm dịch nhưng quy định đeo vòng truy xuất mới được vào thị trường TP.HCM làm hạn chế việc kích cầu tiêu dùng. Ảnh Nguyên Vỹ
Trên cơ sở đó, Sở Công thương đề xuất TP.HCM chấp thuận chủ trương đeo vòng cho heo được triển khai thực hiện đồng loạt, dự kiến vào đầu tháng 6. Tiếp theo đó là thực hiện với trứng và thịt gia cầm.
Nhưng bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc sở NNPTNT TP.HCM cho rằng nên giãn cách thời gian áp dụng đồng loạt vì tỷ lệ hộ tham gia còn thấp, cách triển khi qua nhiều thao tác; thực hiện lại không liên tục.
Đồng tình quan điểm, đại diện Chi Cục Thú y Thành phố cho biết từ tháng 4, heo từ Long An nhập về chợ đầu mối Bình Điền chỉ mới 8 - 9 % có đeo vòng, và chỉ đeo vòng mang tính đối phó. Việc xử lý chỉ nhắc nhở, chưa phạt hành chính được vì chưa có chế tài.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá kết quả thực hiện dù chưa đạt nhưng vẫn phải kiên trì vì vì lợi ích chung của xã hội: "Tuy nhiên vì hoàn cảnh chung nên phải hài hòa, xem xét lại thời hạn áp dụng sao cho hợp lý".
Vòng truy suất cũng phải tiếp tục cải tiến chất lượng từ hình thức đến công nghệ. Ảnh Nguyên Vỹ
Trên cơ sở đó, ông Tuyến chỉ đạo các sở ngành tiếp tục có kế hoạch cụ thể để đề án duy trì liên tục, đồng bộ; tiếp tục nghiên cứu cải tiến hiệu qủa vòng truy suất; tích cực kiểm tra an toàn thực phẩm; hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn có kế hoạch tăng tỷ lệ heo đeo vòng vào chợ, sở Công thương nên làm việc với các nhà mạng Vietttel, VNPT hỗ trợ internet để các tỉnh thực hiện truy suất.
Tính đến nay, đề án có 1.131 cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia, trong đó nhiều nhất là Đồng Nai 424. Nhưng trong số này chỉ có 123 cơ sở (chiếm 11%) thực hiện đeo vòng nhận diện. Hộ chăn nuôi, tổ hợp chiếm 35% số lượng cơ sở nhưng chỉ cung cấp 7% số lượng heo. Doanh nghiệp FDI chiếm 25% số cơ sở nhưng cung cấp 51% số lượng heo.
Theo Danviet
Chưa bao giờ có cuộc giải cứu lợn lịch sử như vậy Con lợn không phải quả dưa, con cá để có thể mua bán một cách dễ dàng nhưng nhiều ngày qua, sau lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, một loạt các bộ ngành, doanh nghiệp, đơn vị cùng chung tay vào cuộc "giải cứu" thịt lợn xuống thấp lịch sử. Hiệu quả là...