Tiểu thương sốt ruột mong “chạy” hàng khỏi chợ Long Biên
Trưa 3/8, toàn bộ chợ Long Biên bị phong tỏa. Nhiều tiểu thương không kịp sơ tán hàng hóa, lo lắng hàng sẽ bị hỏng. Nhiều người vẫn còn ở trong chợ, hối hả thu dọn đồ đạc rời đi.
Chợ Long Biên bị phong tỏa, tiểu thương lo lắng vì chưa kịp đưa hàng ra khỏi chợ.
12h ngày 3/8, UBND phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) ra quyết định phong tỏa chợ Long Biên.
14h ngày 3/8, anh Đào Văn Thực (41 tuổi, buôn bán hoa quả trong chợ Long Biên) đang nghỉ ngơi tại nhà, thì bất ngờ nhận được cuộc gọi thông báo: Giờ không lấy được hàng ra khỏi chợ do có F0. Anh Thực hốt hoảng đánh xe ra khu vực chợ, định chuyển nốt số cam sành còn lại lên xe để tránh hư hỏng.
Anh Thực cho biết, mình còn 5-7 tạ cam sành trong chợ nhưng nay không vào được để xử lý số cam này.
“Trong gian hàng còn khoảng 5-7 tạ cam nữa, đêm qua tôi bán thâu đêm, sáng về để ngủ, định chiều ra bán tiếp mà đã nghe tin phong tỏa. Số cam còn lại chỉ để được khoảng 2 ngày, mà ngoài trời nắng như vậy thì sẽ rất nhanh hỏng”, anh Thực buồn bã nói.
Tuy sốt ruột hàng hóa, nhưng anh vẫn đồng tình với việc phong tỏa chợ để kiểm soát dịch bệnh của chính quyền.
Cũng trong tình cảnh của anh Thực, anh Nguyễn Trung Kiên (49 tuổi, buôn bán rau củ trong chợ Long Biên) cho biết, sau khi nghe tin, lúc 16h30 chiều nay anh chạy ra chợ để thu gom số rau còn lại nhưng không kịp.
“Tôi buôn bán ở đây được gần 10 năm nay, số rau, củ còn thừa từ đêm qua vào khoảng 10 triệu đồng, hiện đã cho vào kho lạnh. Cả nhà tôi đều làm nghề này, khu chợ bị phong tỏa không rõ khi nào mở cửa lại, ảnh hưởng rất nhiều đến kế sinh nhai của gia đình, vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi”, anh Kiên bày tỏ.
Lúc 17h cùng ngày, tại khu vực đường Hồng Hà gần chợ Long Biên, khoảng 6 xe tải chở đầy hàng hóa của các tiểu thương đỗ dọc bên đường. Tại đây người dân và tiểu thương lo lắng chờ được vào bên trong chợ để xử lý nốt số hàng hóa còn tồn trong các gian hàng.
Anh Bính buồn rầu chia sẻ khi bản thân bị mất việc, khó có thể về quê giữa mùa dịch căng thẳng.
Ngồi bên vệ đường, đôi mắt ửng đỏ tỏ ra vẻ lo lắng, anh Nguyễn Văn Bính (làm thuê trong chợ Long Biên) cho hay, anh rất lo vì chợ tạm đóng cửa cũng có nghĩa là anh bị thất nghiệp. Là người từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội làm thuê, ở nhà còn nuôi bố mẹ già, anh Bính cho hay: “Giờ tôi thất nghiệp không có tiền ăn, mà cũng chẳng thể về nhà được nữa”. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn là như vậy, nhưng anh vẫn ủng hộ việc phong tỏa của chính quyền.
Theo ghi nhận của PV Dân trí , sau khi có lệnh phong tỏa chợ Long Biên, lực lượng chức năng đã lập hàng rào chắn, các chốt phong tỏa tại đường Hồng Hà, ngăn không cho ai tiếp cận khu vực này. Bên ngoài cổng chính chợ, lực lượng 113 của Công an quận Ba Đình làm nhiệm vụ cảnh báo người dân và tiểu thương không được tụ tập, đảm bảo an ninh trật tự khu vực.
Trước đó, chiều 3/8, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, quận đã giao phường Phúc Xá ban hành quyết định phong tỏa chợ Long Biên lúc 12h ngày 3/8, do tại đây có một ca F0 là N.Q.T. (sinh năm 1994, tạm trú tại ngõ 187 Hồng Hà, phường Phúc Xá). Anh T. đến chợ Long Biên giao hàng cho một số tiểu thương tại đây. Anh T. có kết quả xét nghiệm dương tính vào sáng 3/8.
Hiện nay lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 150 người tại chợ Long Biên.
Quận Ba Đình cũng ra thông báo tìm người đã đến ngõ 187 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá và chợ Long Biên từ ngày 18/7/2021 đến ngày 3/8/2021. Tất cả những ai từng đến 2 địa điểm đã nêu trong khoảng thời gian trên, tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế quận Ba Đình.
Chiều 3/8, sau khi có lệnh phong tỏa chợ Long Biên, nhiều tiểu thương bên trong chợ nhanh chóng thu dọn đồ đạc và hàng hóa để rời khỏi đây.
Bên ngoài đường Hồng Hà, nhiều tiểu thương không thể di chuyển vào khu vực chợ nên đã đỗ xe tại khu vực ven đường.
Nhiều người dân hối hả di chuyển khỏi khu vực bị phong tỏa.
Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân nhanh chóng thu dọn hàng hóa trong chợ.
Tiểu thương lo lắng tập trung gần khu vực chợ, họ mong muốn được chuyển số hàng hóa trong chợ ra ngoài.
Phó Thủ tướng: Báo động tình trạng dịch "tấn công" hệ thống chợ, siêu thị
Theo Phó Thủ tướng, qua phân tích dịch tễ ở nhiều địa phương, tình trạng lây nhiễm dịch qua hệ thống phân phối rất đáng báo động; là nguy cơ lớn làm bùng phát dịch trên diện rộng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: VGP).
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 5312/VPCP- KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các chuỗi cung ứng.
Công văn nêu rõ, trong mấy ngày gần đây xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong hệ thống phân phối tại thành phố Hà Nội và một số địa phương.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, qua phân tích dịch tễ ở nhiều địa phương, tình trạng lây nhiễm dịch bệnh qua hệ thống phân phối rất đáng báo động, là một trong những nguy cơ lớn có thể làm bùng phát dịch trên diện rộng.
Vì vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị... (đặc biệt ở các khu đô thị có đông dân cư); có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với tình hình mới.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đảm bảo tổ chức, vận hành hệ thống chợ, siêu thị an toàn. Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần chú trọng tổ chức các điểm phân phối ngoài không gian mở, đảm bảo khoảng cách tiếp xúc.
Chợ Long Biên (Hà Nội) đã phải tạm dừng hoạt động vì ghi nhận ca mắc Covid-19.
Về thực trạng vẫn còn số lượng không nhỏ người dân tự phát rời khỏi địa bàn nơi cư trú khi thực hiện giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ đạo thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" và các giải pháp đồng bộ để phát hiện, quản lý y tế theo quy định tất cả các trường hợp người đến từ vùng dịch.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường thực hiện công tác chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản dịch bệnh xấu hơn theo phương châm "4 tại chỗ".
Cụ thể, lưu ý việc tổ chức hệ thống thu dung, điều trị nhiều tầng nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng trong đó đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng (bệnh nhân) để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp. Giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng.
Củng cố, nâng cao hoạt động Tổ Covid cộng đồng, tiếp tục phát huy vai trò trong việc phát hiện dịch thời gian qua; tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyên môn để từng bước tham gia hỗ trợ lực lượng y tế hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại nhà và chăm sóc y tế ban đầu cũng như chăm lo đời sống cho mọi người dân trên địa bàn khi có dịch bệnh.
Đồng thời, phải tổ chức tập huấn, thí điểm việc lấy mẫu, cách ly tại nhà. Thiết lập hệ thống đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ người dân về các giải pháp phòng chống dịch và bảo đảm an sinh, không để bất kỳ người dân nào cần sự trợ giúp về lương thực và y tế mà không có người tiếp nhận và chuyển thông tin tới cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết.
Tạm phong tỏa chợ đầu mối Minh Khai tại Hà Nội UBND quận Bắc Từ Liêm cho hay việc phong tỏa phục vụ truy vết, khử khuẩn do một tiểu thương ở đây được phát hiện nhiễm nCoV. Trao đổi với Zing sáng 2/8, đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết địa phương vừa ghi nhận một trường hợp nhiễm nCoV tại chợ đầu mối Minh Khai, phường Minh Khai. Để phục...