Tiểu thương ôm Chủ tịch Hà Tĩnh khi được hứa ‘đảm bảo tương lai’
Nghe Chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh hứa sẽ giải quyết thấu đáo việc ký hợp đồng mới, bác bỏ thông tin bán chợ…, nhiều tiểu thương đã tiến lại bắt tay, ôm ông Khánh và cam kết không bãi thị.
Sáng 29/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh có buổi đối thoại với hàng nghìn tiểu thương chợ Hà Tĩnh về chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý. Động thái này bắt nguồn từ việc ba ngày qua, tiểu thương liên tục bãi thị, kéo về tỉnh đòi quyền lợi, yêu cầu ký hợp đồng dài hạn thay vì 3 tháng như chính quyền đề ra.
Các tiểu thương tập trung trước cổng chợ Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng
Mở đầu buổi đối thoại, nhiều tiểu thương bày tỏ lo lắng việc chuyển đổi sẽ ảnh hưởng đến tương lai, kế sinh nhai của gia đình. Họ muốn Chủ tịch tỉnh giải đáp các thông tin liên quan việc bán chợ cho doanh nghiệp, phá bỏ một phần chợ, gia hạn và ký hợp đồng mới với tiểu thương sẽ ra sao.
Trả lời câu hỏi của bà con, ông Đặng Quốc Khánh cho hay chợ Hà Tĩnh được xây dựng 15 năm, nay bộ máy quản lý cồng kềnh, quy hoạch ngày xưa bị phá vỡ, kiốt chen chúc, nguy cơ mất an toàn cháy nổ rất cao, do vậy chuyển đổi mô hình là cần thiết.
Ông Khánh phủ nhận tin đồn bán chợ cho tư nhân. Theo ông, chợ là tài sản của nhà nước, cấp huyện không có chức năng bán, muốn chuyển đổi thì tỉnh phải ra quyết định. Nếu ai đó nghe những tin đồn thất thiệt như vậy thì đề nghị cung cấp nguồn để nhà chức trách xử lý.
Tiểu thương ôm Chủ tịch Đặng Quốc Khánh sau khi được hứa đảm bảo tương lai. Ảnh: Đ.H
Video đang HOT
Người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh cho hay, trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý thì chợ cần phải sửa chữa, chỉnh trang, song giữ nguyên hiện trạng, không đập phá đình chợ.
Với vấn đề ký hợp đồng, ông Khánh hứa sẽ đảm bảo tương lai cho các tiểu thương. Theo ông, những hộ đã hết hạn thuê 15 năm sẽ ký tiếp hợp đồng ngắn hạn. Sau khi chuyển mô hình, người dân sẽ ký hợp đồng dài hạn hơn.
“Việc ký hợp đồng ngắn hạn để đảm bảo tính pháp lý. Người dân không ký vào thì khi xảy ra sự cố ai sẽ chịu trách nhiệm, vô tình sẽ thiệt thòi cho tất cả”, ông Khánh giải thích.
Sau đối thoại với Chủ tịch tỉnh, chiều nay các kiốt trong đình chợ đã mở cửa buôn bán trở lại. Ảnh: Đức Hùng
Kết thúc buổi đối thoại, hàng nghìn người đã vỗ tay cảm ơn Chủ tịch tỉnh. Nhiều tiểu thương đã tiến lại bắt tay, ôm chầm ông Đặng Quốc Khánh, hứa không bãi thị, trở lại kinh doanh buôn bán như trước kia.
“Chúng tôi thấy được đảm bảo tương lai sau khi nghe Chủ tịch tỉnh đối thoại”, một tiểu thương nói.
Trước đó, ngày 26/11, khoảng 1.000 hộ dân kinh doanh trong chợ đồng loạt đóng quầy hàng để phản đối chính sách chuyển đổi mô hình quản lý và ký hợp đồng mới với những hộ hết hạn. Nhiều tiểu thương thông tin, năm 2001 họ ký hợp đồng mua kiốt thời hạn 15 năm với Ban quản lý chợ Hà Tĩnh, mỗi quầy từ 20 triệu đồng, do vậy họ muốn ký hợp đồng dài hạn như trước thay vì chỉ được ký 3 tháng.
UBND TP Hà Tĩnh đã tổ chức đối thoại với bà con, song không đạt được thỏa thuận cần thiết.
Đức Hùng
Theo VNE
Hơn một nghìn tiểu thương Hà Tĩnh bãi thị
Cho rằng việc ký hợp đồng gia hạn ki ốt kinh doanh trong vòng 3 tháng là bất hợp lý, hơn một nghìn tiểu thương chợ Hà Tĩnh đóng quầy phản đối.
Ngày 26/11, khoảng hơn 1.000 hộ dân đang kinh doanh, buôn bán phía trong đình chợ Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) đồng loạt đóng quầy hàng vì không đồng ý với chính sách ký hợp đồng thuê ki ốt mới.
Nhiều tiểu thương thông tin, năm 2001 họ ký hợp đồng mua ki-ốt thời hạn 15 năm với Ban quản lý chợ Hà Tĩnh, mỗi quầy từ 20 triệu đồng. Hàng tháng, chi phí thuế, điện nước mỗi ki ốt khoảng một triệu đồng.
Chợ Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng
Bà Hoàng Thị Bích Liên (tiểu thương kinh doanh hàng vải) cho biết, hai ngày trước, Ban quản lý chợ Hà Tĩnh mời tiểu thương lên họp, bàn về việc gia hạn hợp đồng thuê ki ốt đối với những hộ sắp hết hạn thuê 15 năm.
Tại cuộc họp này, đại diện của Sở Công thương Hà Tĩnh và Ban quản lý chợ yêu cầu người dân giao lại hợp đồng mua ki ốt trước đây, để ký hợp đồng mới với thời hạn 3 tháng, hết thời hạn này sẽ tính tiếp.
Các tiểu thương không đồng tình thời hạn trên, họ muốn ký hợp đồng thuê ki ốt dài hạn như trước kia.
Ki ốt tại chợ Hà Tĩnh đồng loạt ngừng kinh doanh vào sáng 26/11. Ảnh: Đức Hùng
"Chúng tôi thấy bất hợp lý, hàng hóa nhập về kinh doanh dài ngày, nếu ký 3 tháng, lỡ sau đó không được ký tiếp hợp đồng mới nữa thì sẽ thế nào", bà Thái Thị Phi (60 tuổi, tiểu thương kinh doanh quần áo) nói và cho hay tiểu thương thấy bất bình nên bãi thị để phản đối.
Nhiều tiểu thương muốn ký hợp đồng dài hạn như trước thay vì 3 tháng. Ảnh: Đức Hùng
Ông Nguyễn Duy Hòa, Trưởng ban quản lý chợ Hà Tĩnh cho biết, việc ký hợp đồng 3 tháng là thực hiện theo chỉ đạo của Sở Công thương Hà Tĩnh. Cụ thể, Sở đang thực hiện lộ trình chuyển đổi Ban quản lý chợ thành doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý chợ.
"Do vậy, đối với những hộ đã hết hạn thuê ki ốt 15 năm thì Sở chỉ đạo ký hợp đồng kéo dài 3 tháng để thực hiện lộ trình. Sở dĩ các tiểu thương không đồng tình vì trước đó đã ký dài hạn, nên yêu cầu quầy đó là của họ", ông Hòa nói và cho hay TP Hà Tĩnh đã nắm tình hình, thời gian tới sẽ tổ chức họp giải thích chính sách cho bà con tiểu thương.
Đức Hùng
Theo VNE
Hà Tĩnh: Không có khái niệm đập chợ Sáng 28/11, UBND TP Hà Tĩnh họp báo thông tin về vụ việc tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh bãi thị mấy ngày qua. Tại buổi họp báo, ông Hà Văn Trọng, Chủ tịch UBND TP cho hay, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là theo chủ trương của chính phủ. Chuyển đổi chợ sang mô hình doanh nghiệp, HXT sẽ...