Tiểu thương lao đao vì dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò
Dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò bùng phát mạnh ở Hà Tĩnh khiến tình hình kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt, trâu bò ế ẩm, nhiều tiểu thương phải đồng loạt nghỉ bán.
Xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10/2020, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò khiến người chăn nuôi tại Hà Tĩnh lao đao. Do gia súc nhiễm bệnh phải tiêu hủy nên người tiêu dùng quay lưng với thịt bò. Từ đó, tình hình kinh doanh thịt và các sản phẩm từ trâu, bò sụt giảm nghiêm trọng.
Đồng loạt nghỉ bán
Khảo sát của Zing tại một số chợ trên địa bàn Hà Tĩnh, ở khu vực bán thịt bò nhiều quầy hàng đóng cửa, nghỉ bán gần 2 tháng nay vì không có khách mua.
Ông Đào Văn Đức, tiểu thương bán thịt bò ở chợ Phố Châu (huyện Hương Sơn) cho biết thời điểm ra Tết đến nay, dịch viêm da nổi cục ở bò bùng phát, lượng khách mua sụt giảm mạnh.
“Bình thường một ngày tôi bán khoảng 20-30 kg thì nay bán vài kg có khi cũng không hết. Mặc dù bệnh này không lây sang người, người mua vẫn lo sợ”, ông nói và cho biết 3 tuần nay ông đã quyết định nghỉ bán ở chợ vì quá ế ẩm.
Tình kinh doanh ế ẩm, nhiều tiểu thương kinh doanh thịt bò phải đồng loạt nghỉ bán. Ảnh: T.T.
Video đang HOT
Tiểu thương này cho biết hiện nay chợ có khoảng 10 quầy bán thịt bò tuy nhiên từ khi có dịch người tiêu dùng e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe không ăn thịt trâu, bò nên đa số tiểu thương tại đây đều buộc phải nghỉ bán.
Tương tự, chị Minh Hiền, tiểu thương bán thịt bò ở chợ TP Hà Tĩnh cũng cho biết giá thịt bò giảm còn khoảng 200.000-250.000 đồng/kg nhưng không có khách mua. “Tâm lý người mua đều thấy sợ, họ chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác”, chị chia sẻ.
Buôn bán ế ẩm, không có khách nên chị Hiền và một số tiểu thương tạm nghỉ bán một thời gian. “Chỉ mong dịch mau chóng ổn định chứ trong thời gian nghỉ chợ chúng tôi cũng không biết phải làm gì để kiếm sống”, chị tâm sự.
Người tiêu dùng quay lưng với thịt trâu, bò không chỉ khiến các tiểu thương bán thịt phải nghỉ chợ mà nhiều hàng quán kinh doanh sản phẩm từ thịt bò cũng phải đóng cửa, chuyển hướng kinh doanh.
Gần một tháng nay, chị Lê, chủ quán phở bò ở Hà Tĩnh phải sửa biển hiệu thành có bán phở gà, phở dê. “Chúng tôi bắt buộc phải chuyển sang bán phở gà, phở dê, miến lòng vì dịch bệnh khách không ăn thịt bò nữa. Nếu không chuyển hướng chắc phải đóng cửa nghỉ bán mất”, chị cho biết.
Theo chị, mặc dù chuyển hướng sang bán phở gà, phở dê nhưng lượng khách tại quán giảm hẳn, không đông như trước.
Không nên “tẩy chay” thịt trâu, bò có nguồn gốc rõ ràng
Từ khi biết ở Hà Tĩnh bùng phát dịch bệnh viêm da nổi cục, gia đình chị Mỹ Bình (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã dừng mua bất kỳ sản phẩm nào từ thịt trâu, bò. “Nhìn hình ảnh trâu, bò nhiễm bệnh trông rất ghê sợ, nếu ăn ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ”, chị nói.
Thực tế, không chỉ chị Bình mà không ít người tiêu dùng tại tỉnh này cũng có chung suy nghĩ phòng còn hơn tránh nên họ quyết định không mua, ăn thịt trâu, bò và các sản phẩm làm từ loại thịt này.
Những con bò mắc bệnh xuất hiện các triệu chứng sốt cao, trướng bụng, nổi những cục lớn trên toàn thân. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, cho biết viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này không gây bệnh và lây lan sang người.
“Người tiêu dùng không nên hoang mang và tẩy chay thịt trâu, bò, nên thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng sản phẩm thịt bò rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch rõ ràng”, ông nói.
Theo ông Hùng, việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn đang được kiểm soát chặt. “Tất cả các lò mổ đều được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, đóng dấu kiểm dịch lên sản phẩm thịt”, ông Hùng cho biết thêm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạo điều kiện để Hà Tĩnh đăng ký số lượng vaccine với các doanh nghiệp nhập khẩu và nhận về trên 117.000 liều phân bổ cho các địa phương.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân để tránh mua phải thịt trâu, bò nhiễm bệnh, người tiêu dùng nên lựa chọn, sử dụng thịt trâu, bò sạch, có nguồn gốc, có dấu kiểm định, an toàn, chế biến hợp vệ sinh.
Khi mua, người dân cần kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như màu sắc, độ bám dính tự nhiên, không thấy nhớt và ướt nước khi ấn vào thịt, không có mùi hôi. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như: Nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh…
Nghệ An: Dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn ra trên diện rộng
Đến ngày 02/4, có 17/21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Các địa phương Quỳ Hợp, Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương và Quế Phong là những đơn vị mới nhất xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu bò. Trước đó, có 12 địa phương đã có trâu, bò nhiễm bệnh bao gồm: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Diễn Châu, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, TX Thái Hòa, Quỳ Châu, Đô Lương và TP.Vinh.
Như vậy, tính đến nay, dịch viêm da nổi cục đã xảy ra trên diện rộng với 17/21 địa phương có dịch với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 668 con ở 481 hộ chăn nuôi. Hiện, chỉ còn 4 huyện chưa xuất hiện dịch này là: Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông và Yên Thành.
Dịch bệnh đã lan rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An - ảnh minh họa.
Theo thống kê, các huyện có ổ dịch nhiều bao gồm: Diễn Châu, Nghi Lộc (14 ổ dịch/huyện); Nghĩa Đàn 10 ổ dịch, Đô Lương 9 ổ dịch. Một số ổ dịch có tổng số con mắc bệnh nhiều, diễn biến phức tạp như xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn), phường Quỳnh Xuân (T.X Hoàng Mai)...
Được biết, các ổ dịch phát sinh chủ yếu từ các hộ chăn nuôi chưa được tiêm vắc-xin phòng dịch viêm da nổi cục, không thường xuyên khử trùng tiêu độc bằng hóa chất đặc hiệu diệt côn trùng, muỗi, ve, mòng. Do đó, hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang chỉ đạo các địa phương gấp rút đăng ký để tiêm vắc-xin viêm da nổi cục trên diện rộng.
Đối với những con trâu, bò đã nhiễm bệnh, người dân cần báo với cơ quan thú y để có hướng dẫn điều trị cụ thể, tuyệt đối không giấu dịch. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi giết mổ, bán tháo thịt trâu, bò nhiễm bệnh ra thị trường - cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An khuyến cáo.
23 xã, phường, thị trấn ở Hà Tĩnh có dịch viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục lây lan rộng ở Hà Tĩnh. Hiện nay, 23 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị, thành phố có ổ dịch chưa qua 21 ngày. Các địa phương tổ chức phun tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục. Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi...