Tiêu tan hy vọng về lệnh ngừng bắn mới ở miền Đông Ucraina
Bầu không khí căng thẳng đã bao trùm cuộc đàm phán giữa chính phủ Ucraina và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông diễn ra ngày 31-1 tại thủ đô Minsk của Belarus. Đại diện các bên không ngừng cáo buộc lẫn nhau đã làm cuộc đàm phán sụp đổ trong bối cảnh xung đột ác liệt vẫn đang tiếp diễn tại miền Đông Ucraina.
Cựu tổng thống Ucraina L.Kuchma (thứ hai, bên phải) rời Minsk sau khi cuộc đàm phán thất bại
Sáng 1-2, hãng tin Tass cho biết, sau hơn 3 giờ đồng hồ, đại diện các bên đã rời bàn đàm phán mà không thông báo khả năng diễn ra các cuộc họp tiếp theo. Tham gia cuộc đàm phán có cựu Tổng thống Ucraina Leonid Kuchma, đại diện CHND tự xưng Donetsk – ông Denis Pushilin, đại diện CHND tự xưng Lugansk – ông Vladislav Deinego, Đại sứ Nga tại Ucraina Mikhail Zurabov cùng đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Heidi Tagliavini.
Hãng tin Interfax dẫn lời cựu Tổng thống Ucraina L. Kuchma cho rằng, cuộc họp đã đổ vỡ và thất bại khi hai đại diện của Donetsk và Lugansk từ chối thảo luận về một kế hoạch ngừng bắn ngay lập tức và rút các vũ khí hạng nặng. Theo ông Kuchma, những người đứng đầu CHND tự xưng Donetsk và Lugansk là Alexandr Zakharchenko và Igor Plotnitsky đã không đến tham gia đàm phán mà chỉ cử các đại diện là không đúng với thỏa thuận trước đó. Ông L.Kuchma cũng khẳng định quan điểm của Kiev không thay đổi và mong muốn thỏa thuận được ký kết trước đó tại Minsk được tuân thủ.
Trong khi đó, đại diện của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông đã bác bỏ cáo buộc “cản trở” cuộc đàm phán của Kiev, đồng thời cho biết, những người đứng đầu của Donetsk và Lugansk chỉ tham dự cuộc họp khi những hoạt động quân sự được dừng lại, một thỏa thuận mới đã sẵn sàng và được các phái đoàn chấp thuận.
Phát biểu ngay khi đàm phán kết thúc, ông D.Pusilin, đại diện CHND tự xưng Donetsk nói rằng, họ không thể gọi cuộc đàm phán này là mang tính xây dựng khi các bên chỉ đưa ra ý kiến của mình trước tình hình chiến sự leo thang hiện nay tại miền Đông. “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại và sẵn sàng hành động trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk. Nhưng chúng tôi cần một cuộc đối thoại chứ không phải tới đây nghe chính quyền Ucraina đưa ra các điều kiện. Chúng tôi cần những thỏa thuận mà có thể chấp nhận được cho tất cả các bên”, ông D.Pusilin nói.
Trước đó, các đại diện của Donetsk và Lugansk tuyên bố nếu đàm phán thất bại, họ sẽ giữ quyền tấn công cho đến khi “không còn bóng quân chính phủ Ucraina trên hai vùng đất này”.
Video đang HOT
Theo AFP, trước cuộc đàm phán, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande) và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành một cuộc điện đàm 3 bên và bày tỏ hy vọng cuộc họp ít nhất sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.
Như vậy, kết quả cuộc đàm phán ngày 31-1 đã dập tắt những hy vọng về một lệnh ngừng bắn mới có thể sớm được triển khai sau 9 tháng xung đột căng thẳng tại miền Đông Ucraina đã khiến hơn 5.000 người thiệt mạng.
Hiện chiến sự tại miền Đông Ucraina vẫn tiếp tục leo thang. Phó chỉ huy quân đội thuộc CHND tự xưng Donetsk (DPR) Eduard Basurin cho biết, các tay súng DPR đã nắm quyền kiểm soát các điểm dân cư ở ngoại vi thành phố Debalseve, cách Donetsk khoảng 50km. Theo ông Basurin, tổn thất đã được xác nhận của lực lượng vũ trang Ucraina gồm: 5 xe tăng, 7 xe bọc thép, 12 khẩu pháo, 97 người chết và bị thương.
Trong khi đó, tin nước ngoài cho biết, chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt với phạm vi ngày càng lan rộng ở miền Đông khi lực lượng đòi độc lập đang cố gắng siết chặt vòng vây đối với lực lượng Chính phủ nhằm giành quyền kiểm soát các tuyến giao lộ và đường sắt chiến lược ở Debalseve.
Bộ trưởng Quốc phòng Ucraina Stepan Poltorak xác nhận, lực lượng đòi độc lập kiểm soát một phần thành phố Debalseve, nhưng bác bỏ thông tin khoảng 8.000 binh sĩ Ucraina đang bị bao vây.
Theo Hoàng Vũ
Quân đội Nhân dân
Khủng hoảng Ukraina: Vì sao đàm phán thất bại?
Chiều tối 31/1, sau hơn bốn giờ thương lượng, cuộc đàm phán giữa đại diện các phe trong xung đột Ukraina tại Minsk, Belarus, đã không đi đến bất cứ thỏa hiệp nào. Đâu là nguyên nhân đằng sau sự thất bại này?
Xe tăng của phe ly khai ở Donetsk, miền đông Ukraina ngày 1/2/2015
Ngày 1/2, đặc phái viên của chính quyền Kiev, cựu Tổng thống Leonid Koutchma, đã rời thủ đô Belarus. Phát biểu với báo chí, ông cho hay các đại diện của phe ly khai miền đông Ukraina đã "phá hoại cuộc đàm phán với việc từ chối thảo luận về một kế hoạch cụ thể nhằm thực thi thỏa thuận ngừng bắn một cách nhanh chóng và rút các vũ khí hạng nặng" ra khỏi vùng chiến tuyến. Trong khi đó, một lãnh đạo phe ly khai, ông Denis Pouchiline, đổ lỗi cho phía Ukraina đã đưa ra "các tối hậu thư". "Tối hậu thư" cũng là lời lẽ mà đại diện của Kiev dùng để trách cứ phe ly khai trước đó.
Các thông tin do kênh truyền hình Nga Rossiya 24 công bố cho thấy đại diện các bên thương thuyết dường như không có thẩm quyền quyết định khi tham gia cuộc đàm phán lần này. Theo Reuters, cựu Tổng thống Kouchma - đặc phái viên của Kiev - đã chỉ trích việc hai lãnh đạo chủ chốt của phe ly khai (từng ký kết thỏa thuận 5/9) vắng mặt lần này.
Cuộc đàm phán thất bại ngày 31/1 là lần đàm phán thứ hai - kể từ thỏa thuận ngừng bắn 12 điểm ngày 5/9/2014 - giữa các đại diện của chính quyền Ukraina, của phe ly khai Ukraina và của nước Nga, dưới sự bảo trợ của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu OSCE.
Trên thực tế, thỏa thuận ngừng bắn mong manh - nhiều lần bị đe dọa do các đụng độ thỉnh thoảng lại nổ ra tại Donbass - đã tan vỡ cách nay hai tuần với xung đột bùng phát trở lại.
Theo các nhà quan sát, đàm phán lần này giữa chính quyền Kiev và phe ly khai thất bại là điều được báo trước vì tình hình chiến sự hiện đang nghiêng về phe ly khai. Việc ai thắng thế trên chiến trường sẽ có quyền áp đặt "tối hậu thư" cho bên kia.
Trước khi ngồi vào bàn đàm phán, phe ly khai đe dọa sẽ mở rộng chiến dịch phản công chiếm lại toàn bộ hai vùng Donestk và Lugansk, nếu thương lượng thất bại.
Hiện tại, các đụng độ nổ ra trên toàn đường chiến tuyến, theo Volodimir Poliovy, người phát ngôn quân sự Ukraina. Hiện tại, đụng độ giữa quân chính phủ và phe ly khai đặc biệt dữ dội xung quanh thị xã Debaltseve 25.000 dân một địa điểm chiến lược nằm giữa Donetsk và Lugansk, cách Donetsk khoảng 60 km về phía đông bắc. Khoảng một nghìn người đã sơ tán khỏi Debaltseve trong những ngày gần đây. Theo cảnh sát địa phương, thị xã này đã bị cúp điện, nước, khí đốt và thông tin liên lạc.
Theo phía ly khai, hiện 8.000 binh lính chính phủ Ukraina đang bị bao vậy tại Debaltseve. Tuy nhiên, đại diện quân đội Kiev khẳng định quân đội của họ hiện vẫn nắm quyền kiểm soát Debaltseve.
Giới phân tích dự báo, chiến sự sẽ còn tiếp tục và gia tăng mức độ quyết liệt ở Ukraina vì thật ra chìa khóa để giải quyết vấn đề là quan hệ giữa phương Tây và Nga chứ không phải giữa hai phe ở nước này. Kiev cần phương Tây hậu thuẫn về tài chính và quân sự, đồng thời ngăn chặn Nga hậu thuẫn phe chống đối thì mới có thể chiến thắng.
Chừng nào Nga còn ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraina thì chừng đó chính phủ Ukraina, dù được Mỹ, EU và NATO hậu thuẫn đến mấy, vẫn không thể đánh bại phe này.
Căng thẳng, đối đầu giữa Nga và phương Tây có chiều hướng tiếp tục tăng bởi phương Tây dường như không biết phải xử lý thế nào ngoài tiếp tục tăng cường trừng phạt với kỳ vọng Nga rồi đây sẽ khó khăn về kinh tế, tài chính, tiền tệ và nội bộ đến mức phải thay đổi chính sách đối với Ukraina.
Trong khi đó, vì những lợi ích địa chiến lược mới lâu dài mà Nga không thể đáp ứng những điều kiện của phương Tây. Hai bên sẽ còn găng nhau nữa trước khi đi vào thỏa hiệp. Cho tới khi đó, hai phe ở Ukraina sẽ còn tiếp tục và gia tăng giao tranh để tạo thế trong giải pháp. Nhưng tất cả sẽ không để tình hình diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ.
Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes
Hơn 1.100 trẻ sống khổ trong hầm trú bom ở Donetsk Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ngày 27.1 cho biết trên 1.100 trẻ em đang sống gian khổ trong những hầm trú bom tại thành phố Donetsk, miền đông Ukraine, nơi hứng chịu giao tranh ách liệt giữa lực lượng chính phủ Ukraine và phe ly khai. Trẻ em cầm ngọn nến trong một hầm trú bom ở Donetsk, miền đông Ukraine...