Tiểu hành tinh đường kính 620m sắp “sượt qua” Trái Đất
Vị trí của thiên thể 310442 (2000 CH59) sẽ gần hành tinh của chúng ta nhất vào sau ngày lễ Giáng sinh, NASA cho biết.
Quỹ đạo của Trái Đất và tiểu hành tinh 2000 CH59. Ảnh: Time Now News.
Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA ước tính tiểu hành tinh có đường kính gần 620 m, lớn hơn cả chiều cao của Tháp Tự do hay Trung tâm Thương mại Thế giới 1 ở New York, Mỹ. Mặc dù được mô tả là “bay gần Trái Đất” theo thuật ngữ thiên văn, 2000 CH59 trên thực tế vẫn cách chúng ta đủ xa nên không cần phải lo lắng, Paul Chodas, Giám đốc CNEOS nói trên tạp chí Newsweek.
Tiểu hành tinh theo tính toán của các nhà thiên văn học sẽ bay gần Trái Đất nhất vào lúc 2h54 chiều ngày 26/12 theo giờ Hà Nội, cách chúng ta chừng 7,2 triệu km. Khi đó, nó di chuyển với tốc độ 44.300 km trên giờ, nhanh gấp 18 lần máy bay phản lực F-16.
Đồ họa mô phỏng tiểu hành tinh 2000 CH59. Ảnh: Newsweek.
“Trải qua nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ, đường bay của những tiểu hành tinh như 2000 CH59 có thể phát triển thành quỹ đạo giao với Trái Đất. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục theo dõi chúng trong nhiều thập kỷ tới”, Chodas nhấn mạnh.
CH59 được phân loại là “có khả năng gây nguy hiểm” bởi đường kính lớn và quỹ đạo trong tương lai dự kiến có thời điểm chỉ còn cách Trái Đất 0,05 đơn vị thiên văn (khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời). Tiểu hành tinh này được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 2/2/2000 và các nhà thiên văn học đã liên tục theo dõi nó kể từ đó.
Theo baohatinh.vn
Khám phá khu đền 12 thiên niên kỷ cổ nhất Trái Đất
Nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ, khu đền Gobekli Tepe được cho là di tích cổ nhất lịch sử loài người với niên đại khoảng 12 thiên niên kỷ.
Ảnh: AYD TURIZM.
Nằm phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, Gobekli Tepe là nơi ghi dấu lịch sử của quốc gia và toàn nhân loại. Tồn tại gần 12 thiên niên kỷ (12.000 năm) trước, khu khảo cổ này trở thành điểm thu hút khách du lịch và là niềm tự hào của địa phương.
Là công trình tồn tại lâu đời nhất do con người tạo ra, Gotbekli Tepe trở thành một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất thế giới. Ngôi đền được xây dựng vào khoảng thời gian kỷ băng hà cuối cùng kết thúc. Sau đó, Gotbekli Tepe được sử dụng trong gần 3.000 năm trước khi bị bỏ hoang bởi lý do bí ẩn nào đó khoảng 9.000 năm trước.
Cấu trúc tạo nên Gotbekli Tepe được bảo tồn tốt đến mức kinh ngạc, cho phép các nhà khảo cổ học nghiên cứu trong trạng thái gần giống như ban đầu. Khí hậu ở Thổ Nhĩ Kỳ là một phần lý do cho sự bảo tồn hoàn hảo của ngôi đền. Ngoài ra, một số khu vực của ngôi đền dường như bị lấp đất trước khi bỏ hoang. Đây cũng là yếu tố chính góp phần bảo quản công trình sau nhiều thế kỷ.
Gobekli Tepe tồn tại trước Stonehenge, một trong những công trình nổi tiếng trong lịch sử loài người, được xây dựng hơn 5.000 năm trước. Ngôi đền này cũng có trước thời đại của Sumer, nơi được coi là cái nôi của nền văn minh và phát minh ra chữ viết đầu tiên hơn 6.000 năm trước.
Sự kết hợp giữa thời gian và chất lượng xây dựng của nơi này là phát hiện chấn động trong giới khảo cổ học. Nhân lực, kỹ thuật và quản lý dự án đều rất cần thiết khi xây dựng công trình nhưng tất cả dường như không khả thi trong thời điểm đó. Sự tồn tại của Gobekli Tepe buộc các nhà khảo cổ học phải nghĩ lại về sự bắt đầu của nền văn minh.
Tìm thấy vào những năm 1960, nơi này được cho là nghĩa địa thời trung cổ của người Hồi giáo. Sau đó, khu khảo cổ bị bỏ qua cho tới năm 1994, khi con người nhận ra ý nghĩa thực sự và những đặc điểm ấn tượng của Gotbekli Tepe như độ tuổi, kích thước và chất lượng xây dựng.
Vân Anh
Theo news.zing.vn
Choáng loạt hiện tượng thiên nhiên kỳ thú khiến tâm trí bạn "nổ tung" Những ngọn núi đầy màu sắc, những trái cây đèn lồng trong suốt, những điều kỳ lạ và hiện tượng thiên nhiên này là những món quà của thiên nhiên ban cho nhân loại, vô cùng thú vị và đặc biệt. Bạch đàn cầu vồng thuộc loài bạch đàn phân bố tự nhiên kéo dài New Britain, New Guinea, Seram, Sulawesi và Mindanao....