Tiêu diệt al-Awlaki có hợp pháp không?
Bộ Tư pháp Mỹ đã phê duyệt quyết định tiêu diệt giáo sĩ Anwar al-Awlaki.
Sau khi giáo sĩ Hồi giáo Anwar al-Awlaki bị máy bay không người lái Mỹ tiêu diệt ngày 30-9 ở tỉnh Jawf (miền Bắc Yemen), báo chí quốc tế đã đặt nghi vấn: Tổng thống Mỹ có quyền nhân danh đấu tranh chống khủng bố để ra lệnh tiêu diệt công dân Mỹ ở nước ngoài hay không?
Theo trang web salon.com (Mỹ), hồi tháng 1-2010, Tổng thống Obama đã thông qua danh sách các mục tiêu khủng bố sẽ ám sát, trong đó có Anwar al-Awlaki là công dân Mỹ gốc Yemen. Báo The Washington Post (Mỹ) ngày 1-10 tiết lộ các luật gia của chính quyền Obama đã xem xét mọi khía cạnh pháp lý và Bộ Tư pháp Mỹ đã phê duyệt quyết định tiêu diệt Anwar al-Awlaki.
Trang web salon.com phân tích chính quyền Mỹ có tuyên bố sẽ xem xét truy tố Anwar al-Awlaki vào tháng 10 năm ngoái nhưng thực sự không có nỗ lực nào nhằm tiến hành truy tố.
Đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào về tội ác của Anwar al-Awlaki ngoài những lời buộc tội từ chính quyền Mỹ. Trong khi đó, một số chuyên gia về Yemen vẫn nghi ngờ liệu Anwar al-Awlaki có thực sự giữ vai trò hoạt động trong Al Qaeda hay không hay chỉ là một nhân vật mang tính chất biểu tượng.
Giáo sĩ Anwar al-Awlaki ở Virginia (Mỹ) năm 2001 trước khi đến Yemen cư trú. Ảnh: WASHINGTON POST/GETTY IMAGES
Như vậy có thể nói trong vụ Anwar al-Awlaki bị tiêu diệt, ông Obama vừa là thẩm phán, vừa là bồi thẩm đoàn và người hành quyết.
Báo New York Times (Mỹ) ghi nhận hiến pháp Mỹ bảo đảm quyền được xét xử bình đẳng và đúng trình tự pháp luật. Tuy nhiên, vụ Anwar al-Awlaki bị ám sát cho thấy chính phủ Mỹ đã vi phạm điều bổ sung sửa đổi thứ năm của hiến pháp. Điều luật này nêu rõ: Không ai bị tước đoạt quyền được sống mà không thông qua pháp luật.
Chính phủ Mỹ còn có thể vi phạm điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của hiến pháp Mỹ (bảo đảm quyền tự do ngôn luận). Theo báo New York Times, Anwar al-Awlaki chủ yếu bị cáo buộc với tội danh kích động khủng bố. Tuy nhiên, đến nay cáo buộc này vẫn chưa được làm rõ.
Mỹ có luật quy định những trường hợp được sử dụng biện pháp gây chết người bên ngoài khu vực chiến tranh như trong trường hợp của Anwar al-Awlaki. Dù vậy, theo báo The Guardian, biện pháp gây chết người chỉ có thể được sử dụng khi có mối đe dọa cụ thể và sắp xảy ra tấn công. Thậm chí trong trường hợp đó, giết người cũng chỉ là phương án được áp dụng cuối cùng.
Video đang HOT
Hơn nữa, vụ ám sát Anwar al-Awlaki đã lập ra một tiền lệ nguy hiểm là chính quyền Mỹ có thể ám sát bất cứ công dân Mỹ nào mới chỉ bị nghi dính líu đến khủng bố mà không cần xét xử.
Anwar al-Awlaki sinh ngày 22-4-1971 ở Las Cruces thuộc bang New Mexico (Mỹ). Cha là chủ tịch ĐH Sanaa (Yemen). Al-Awlaki trở thành giáo sĩ năm 25 tuổi, thường xuyên rao giảng tư tưởng cực đoan. Năm 2002, al-Awlaki sang Yemen dạy ĐH Hồi giáo, thường viết blog kêu gọi thánh chiến. Mỹ nhận định giáo sĩ này là thành viên tích cực của tổ chức Al Qaeda trên bán đảo Ả Rập.
Ngày 1-10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo công dân Mỹ cảnh giác trước nguy cơ bị trả thù sau khi giáo sĩ Anwar al-Awlaki bị tiêu diệt. Trước đó, FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã phát cảnh báo chung. Trong vụ không kích, ngoài Anwar al-Awlaki còn có Samir Khan (chủ biên tạp chí Inspire) là công dân Mỹ thứ hai bị tiêu diệt. Báo Los Angeles Times cho biết có thể chuyên gia chế tạo bom Ibrahim Hassan Asiri người Saudi Arabia cũng thiệt mạng.
LÊ LINH (Theo Fox News, CNN)
Theo PLTP
Giáo sĩ quyền lực của al-Qaeda bị tiêu diệt
Một thủ lĩnh của al-Qaeda, giáo sĩ Hồi giáo cực đoan sinh tại Mỹ Anwar al-Awlaki, đã bị tiêu diệt tại Yemen. Các nguồn tin cho hay đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh tiêu diệt phần tử này.
Anwar al-Awlaki là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong al-Qaeda.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Yemen cho biết Awlaki chất "cùng vài trợ lý khác". Các quan chức Mỹ giấu tên cũng xác nhận tin này, nhưng từ chối cung cấp các thông tin chi tiết.
Awlaki, một người Mỹ gốc Yemen, đã chạy trốn tại Yemen kể từ tháng 12/2007.
Mỹ liệt Awlaki là "kẻ khủng bố toàn cầu đặc biệt nguy hiểm" vì vai trò của ông ta trong một loạt các vụ tấn công và Tổng thống Mỹ Obama được cho là đã đích thân ra lệnh giết người này.
Nhưng các nguồn tin bộ lạc nói Awlaki bị tiêu diệt trong một cuộc không kích ở tỉnh Marib, một thành trì của al-Qaeda ở phía đông Yemen. Cái chết của Awlaki cũng được thông báo trên truyền hình Yemen.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói Awlaki bị tiêu diệt trong một vụ tấn công bằng máy bay do thám. Tuy nhiên, thi thể của giáo sĩ này được cho là đang nằm trong tay người Yemen. Một quan chức cấp cao nói đây là "một ngày quan trọng đối với nước Mỹ".
Đây là một đòn mạnh nhất giáng vào al-Qaeda kể từ vụ tiêu diệt Osama bin Laden. Anwar al-Awlaki có thể là giáo sĩ và nhà tư tưởng có ảnh hưởng mạnh nhất của al-Qaeda tại Trung Đông.
Sử dụng internet và một tạp chí trên mạng tên gọiInspire, Awlaki đã khuyến kích những người ủng hộ tấn công các mục tiêu phương Tây.
Ông này đóng vai trò quan trọng trong âm mưu đánh bom máy bay vào dịp Giáng sinh năm 2009 tại thành phố Detroit (Mỹ) và âm mưu đưa 2 quả bom lên các chuyến bay vận tải đi Mỹ năm 2010. Awalaki còn dính dáng tới vụ đánh bom bất thành tại Quảng trường Thời đại ở New York năm 2010.
Awlaki được cho là đã truyền cảm hứng cho Thiếu tá quân đội Mỹ Nidal Hassan sát hại các đồng đội tại Texas và cổ vũ cho người phụ nữ Anh Roshonara Choudhry để tấn công nghị sĩ Stephen Timms vì ông này ủng hộ cuộc chiến tại Iraq.
Awlaki là một giáo sĩ có uy tín và thành tạo tiếng Anh. Al-Qaeda rất khó có thể tìm người thay thế ông này. Giới chức Mỹ miêu tả Awlaki là "người đứng đầu các chiến dịch bên ngoài của al-Qaeda tại Bán đảo Arập (AQAP).
Khi Awlaki làm giáo sĩ tại một nhà thờ Hồi giáo ở San Diego những năm 1990, hai kẻ không tặc tham gia vụ tấn công 11/9 về sau này, Khalid al-Midhar và Nawaf al-Hazmi, đã tham gia các bài thuyết giáo của ông ta. Awlaki cũng sống tại Anh từ 2002-2004.
Trong một video được tải lên mạng hồi năm ngoái, Awlaki đã kêu gọi giết người Mỹ vì họ đến từ "đảng của những ma quỷ".
Vài tuần sau đó, Awlaki sống sót trong một vụ không kích tại tỉnh Shabwa trong đó ít nhất 30 phiến quân đã bị tiêu diệt.
Ông ta được thông báo đã chết trong các cuộc không kích trước đó ở miền nam Yemen năm 2009 và 2010. Awlaki cũng trở thành mục tiêu của một vụ tấn công bằng máy bay do thám Mỹ hồi tháng 5.
Mỹ cũng có một cơ hội thích hợp để tiêu diệt Awlaki vào dịp kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9 năm nay nhưng không thành.
Al-Qaeda tại Bán đảo Ảrập:
- Thành lập tháng 1/2009 thông qua việc sáp nhập al-Qaeda tại Ả-rập Xê-út và tại Yemen
- Trụ sở tại đông Yemen
- Do Nasser al-Wuhayshi, một cựu cố vấn người Yemen của Osama bin Laden, lãnh đạo.
- Mục tiêu nhằm lật đổ nền quân chủ Ả-rập Xê-út và chính phủ Yemen, thiết lập một nhà nước Hồi giáo
- Được biết đến sau các vụ đánh bom tại Riyadh năm 2003, và vụ tấn công năm 2008 nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Sanaa của Yemen.
- Nhận trách nhiệm đứng sau âm mưu cho nổ tung một máy bay chở khách Mỹ tháng 12/2009
Theo Dân Trí
Mỹ, Úc bị 'tố' giật dây vụ giáo sĩ Hồi giáo Indonesia Giáo sĩ Hồi giáo Abu Bakar Bashir sẽ phải ngồi tù 15 năm vì tội ủng hộ và tài trợ cho một trại huấn luyện bán quân sự bị cáo buộc là nơi ẩn náu của toàn những kẻ khủng bố ở tỉnh Aceh, Indonesia. Trại huấn luyện bán quân sự ở tỉnh Aceh bị xem là nơi tụ tập của những kẻ...